Xây dựng Làng văn hóa, Gia đình văn hóa là nhằm tạo dựng môi trường sống văn hóa - văn minh, góp phần nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, thời gian qua, phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa tại thôn Hương Triện, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút đông đảo các gia đình, cộng đồng tham gia thực hiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Buổi sinh hoạt của CLB Quan họ thực hành thôn Hương Triện
Dạo bước trên con đường bê tông với bề rộng 5 m mới được hoàn thành nằm ngay sát khuôn viên thiết chế văn hóa, thể thao của thôn, ông Bùi Thế Quế, Bí thư Chi bộ thôn Hương Triện phấn khởi chia sẻ: Cán bộ, đảng viên trong thôn luôn phát huy tinh thần nêu gương trong các hoạt động, là trung tâm đoàn kết, tận tụy, hết lòng vì việc chung, vì lợi ích của người dân. Bên cạnh đó, khi triển khai mọi hoạt động của thôn, chúng tôi luôn tuân thủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”, nhằm nâng cao tính đoàn kết, dân chủ, công khai trong toàn dân và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương. Bởi thế khi triển khai tuyên truyền, vận động, thực hiện các phong trào thi đua, các hoạt động của thôn luôn nhận được sự hưởng ứng và nhiệt huyết của người dân. Có lẽ chính họ nhận thấy sự văn minh, tiến bộ và những lợi ích thiết thực mang lại từ đẩy mạnh thực hiện phong trào. Nhiều năm nay, từ khi có chủ trương thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Nghị quyết của HĐND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh, với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và đặc biệt sự hưởng ứng từ những người dân đã mang đến cho Hương Triện một sinh khí, diện mạo mới mẻ, khởi sắc. Thôn Hương Triện hiện có 689 hộ với 2.390 nhân khẩu, 9 dòng họ, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Do đó, sản xuất nông nghiệp được chú trọng, diện tích đất trồng lúa cả năm trên địa bàn thôn 193,2ha, năng xuất lúa đạt 68 tạ/ha. Thu nhập từ trồng trọt ước đạt 12-13 tỷ đồng. Chăn nuôi gia súc- gia cầm và nuôi trồng thủy sản từng bước ổn định nhiều hộ thu lãi từ 300-500 triệu đồng tiêu biểu như hộ gia đình ông Bùi Thế Giáp, Bùi Thế Sinh, Bùi Thế Bộ. Cùng với đó thương mại, dịch vụ có bước phát triển mạnh, toàn thôn có 50 hộ tham gia các loại hình thương mại, dịch vụ và hàng trăm lao động tham gia làm nghề may gia công và làm tại các khu công nghiệp với thu nhập từ 8-15 triệu đồng/ người/tháng, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm; giảm hộ nghèo còn dưới 1%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Theo kinh nghiệm, để phong trào xây dựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu, các đoàn thể trong thôn tập trung tuyên truyền, vận động người dân, trong đó Ban Công tác Mặt trận làng vào cuộc và Hội Người cao tuổi làm nòng cốt, cán bộ và đảng viên luôn gương mẫu, đi đầu thực hiện. Khi triển khai các hoạt động cũng như phong trào luôn thực hiện quy chế dân chủ, lấy dân làm gốc, mọi công việc đều được bàn bạc dân chủ rộng rãi với nhân dân. Trong xây dựng và thực hiện các hoạt động chung của thôn đều có nhân dân đứng ra giám sát tài chính, chi tiêu đúng nguyên tắc, báo cáo kịp thời trước chi bộ và nhân dân theo định kỳ 6 tháng/1 lần. Hằng năm, Ban vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của thôn tổ chức các hộ gia đình đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa, cuối năm tổng kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm những hạn chế đề ra biện pháp khắc phục, đồng thời bình xét các Gia đình văn hóa tiêu biểu để khen thưởng, động viên, khích lệ phong trào. Chuyển biến rõ nét nhất ở thôn Hương Triện đó là thực hiện nếp sống văn minh. Điển hình như tổ chức các đám tang gọn nhẹ chỉ gia đình con cháu, không bày thuốc lá mời khách, không để người mất quá 36 giờ, việc cải táng, xây mộ thực hiện theo quy ước của thôn, tỷ lệ hỏa táng, điện táng đạt hơn 60%. Việc cưới thực hiện trong 1,5 ngày, số lượng khách mời giảm; việc mừng thọ cho NCT được tổ chức chung tại Nhà văn hóa trang trọng, đơn giản, con cháu không mời khách ăn uống tràn lan…Về thôn Hương Triện, chúng tôi nhận thấy rõ diện mạo, chất lượng cuộc sống nơi đây đổi thay. Đường làng ngõ xóm khang trang, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đẹp đẽ. Để có được các tuyến đường giao thông rộng từ 3-5 m như ngày hôm nay là nhờ cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể địa phương đã tuyên truyền, vận động trên 30 hộ gia đình hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng đường các tuyến đường. Cùng với đó, người dân còn đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng các công trình tín ngưỡng, khuôn viên Nhà văn hóa thôn. Làng văn hóa Hương Triện đã thực sự trở thành ngôi làng mang đến niềm vui, nụ cười cho mỗi người dân. Cuối giờ chiều, người dân tập luyện bóng chuyền hơi; buổi tối múa hát dân ca, dân vũ tại Nhà văn hóa thôn. Thôn có các CLB thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ hoạt động sôi nổi như: Dưỡng sinh, dân vũ, bóng chuyền hơi, Quan họ… đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Điều đặc biệt mà ít nơi thực hiện được đó là quanh đường làng, ngõ xóm ở Hương Triện không có thùng rác và rác thải, bởi người dân thực hiện xây dựng mô hình “Làng 3 sạch” . Các gia đình ở đây đều xử lý rác thải hữu cơ tại nhà, với rác thải rắn có quy định đổ theo giờ vào buổi tối và được chuyển đi ngay trong đêm. Chiều thứ Bảy hằng tuần, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp.
Việc xây dựng nếp sống văn hóa, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở Hương Triện được duy trì, phát huy. Hằng năm, thôn có 97% hộ đạt Gia đình văn hóa. Là địa phương không có nhiều thế mạnh về kinh tế nhưng niềm tin, sự đồng lòng, đoàn kết của người dân Hương Triện đã và đang hằng ngày bồi đắp cho ngôi làng 16 năm liền đạt danh hiệu Làng văn hóa ngày càng văn minh, phát triển.
Một góc làng Hương Triện, xã Nhân Thắng, Gia Bình
XUÂN THỦY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 552, tháng 11-2023