Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương: "Vừa là bạn đời, vừa là đồng chí"

Tết này, nhà văn Vũ Tú Nam đã đi xa hơn một năm nhưng những ký ức về ông vẫn vẹn nguyên trong lòng người bạn đời - nhà văn, nhà báo Thanh Hương - Nguyên Tổng Biên tập báo Phụ nữ Việt Nam. Hai ông bà đã ở bên nhau và cùng nhau trải qua bao tháng ngày gian nan vất vả trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc với tình yêu son sắt thủy chung.

Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương bên con trai Vũ Huy và cháu nội Hà Anh

Nhà văn Vũ Tú Nam và nhà báo Thanh Hương gặp nhau lần đầu vào năm 1949, khi cả hai đều đang tuổi đôi mươi và đều là những thanh niên hăng hái cùng dân tộc bước vào cuộc kháng chiến 9 năm. Manh nha từ đó một mối tình lãng mạn trải dài trên những nẻo đường kháng chiến với lễ đính hôn giữa rừng Việt Bắc vào tháng 6/1952. Tháng 2/1954, họ thành đôi và chỉ 8 tháng sau, Hà Nội được giải phóng. Họ trở về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới và cũng từ đó, gia đình nhỏ của nhà văn Vũ Tú Nam và nhà văn, nhà báo Thanh Hương luôn gắn liền với những thăng trầm, đổi thay của Hà Nội. 

Cuối năm 1954, khi từ Việt Bắc về thủ đô giải phóng, cặp vợ chồng trẻ đã phải đi ở nhờ tại cơ quan của bà Thanh Hương khi ấy là Hội liên hiệp phụ nữ trung ương và nhà một người thân. Nhờ một duyên may, vào năm 1959 họ được thuê một căn phòng 30m2 tại gác hai của tòa biệt thự từng là một trong những tòa nhà đẹp nhất Hà Nội và từng đoạt giải thưởng về kiến trúc thời Pháp thuộc này. Có thể nói, tình cảm sâu đậm với Hà Nội của cặp Ngưu Lang - Chức Nữ - một chàng trai quê gốc ở Vụ Bản, Nam Định và một cô gái xứ Nghệ có mối dây gắn bó chung là ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học với tên gọi “ngôi nhà danh nhân” bởi đây từng là nơi sinh sống của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng. 

Suốt ba mươi hai năm sau đó, hai vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam đã gắn bó với căn gác này và nuôi dạy hai con lớn lên từ đó. Để rồi thế hệ sau là các cháu nội của họ cũng được sinh ra và trưởng thành ở đó như một sự tiếp nối. Họ đã cùng chứng kiến những thời khắc trang trọng của dân tộc trong những ngày lễ trọng đại ở đây, cùng buồn bã chia tay căn gác nhỏ, chia tay Hà Nội để người thì đi sơ tán trong những ngày đạn bom chống Mỹ, kẻ ở lại bám trụ để tiếp tục công việc và trải qua những trận bom kinh hoàng cùng thủ đô thời chiến. 

Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam bên các con cháu

Ngót hai chục năm kể từ ngày cưới, Thanh Hương - Vũ Tú Nam đã trở thành một cặp Ngưu Lang - Chức Nữ như bao cặp vợ chồng thời chiến khác mà “mỗi lần xa nhau là một lời hứa, mỗi lần gặp nhau là một món quà” (trích thư ngày 13/11/1957 của Vũ Tú Nam). Cho đến tháng 5/1968, sau ba đợt ốm nặng, Vũ Tú Nam mới từ giã “rừng già” Ba Vì để trở về Hà Nội bên vợ con. Ông làm thư ký tòa soạn, rồi Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ, còn bà Thanh Hương làm Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam. Chiến tranh ngày càng ác liệt, ông và bà hết trực chiến ở Hà Nội lại đi công tác khắp các chiến trường, hai con Vũ Huy và Vũ Hương Giang được gửi đi sơ tán cùng với trường nội trú trong suốt nhiều năm thơ ấu. 

Đất nước thống nhất, gia đình nhỏ của ông bà cũng được đoàn tụ thì lúc ấy, các con cũng đều đến tuổi trưởng thành. Con trai Vũ Huy học Đại học Bách khoa theo nguyện vọng của cha mẹ, nhưng vì đam mê hội họa, anh chuyển sang học Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp và trở thành họa sĩ thiết kế của Hãng phim truyện Việt Nam. Con gái Vũ Hương Giang tốt nghiệp đại học tại CHDC Đức, từng làm biên tập viên Nhà xuất bản Văn học và là dịch giả tiếng Đức.

Dường như những tình cảm mà các con không được nhận từ cha mẹ thuở ấu thơ, ông bà dành lại bù đắp cho các cháu nội ngoại của mình. Bốn cháu Ly (Vũ Nguyễn Hà Anh), My (Vũ Nguyễn Hà My), Đốm (Đặng Hoàng Vũ), Chấm (Đặng Vũ Hương My) không chỉ trở thành những nhân vật ngộ nghĩnh đáng yêu trong nhiều tác phẩm của cả ông và bà, mà còn gắn bó với ông bà từ thời thơ ấu cho tới khi trưởng thành. Các cháu cùng lớn lên bên ông bà nội với nhiều kỷ niệm đầy âu yếm, từ những kỳ thi luôn được ông bà chăm sóc, dạy dỗ khi bố mẹ bận công tác cho tới những bài học đầu đời về cách đối nhân xử thế đều chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nhân cách của ông bà.

Vừa có sự sâu sắc, từng trải của người lớn tuổi với nhiều trải nghiệm quý giá, lại vừa hiện đại, tinh tế để bắt kịp hơi thở của cuộc sống hiện đại, hai ông bà luôn là những người bạn lớn, là chỗ dựa tinh thần cho các con cháu của mình. Luôn đặt chữ “khiêm tốn” lên hàng đầu và nhìn nhận cuộc sống dưới góc độ tích cực, hai ông bà vẫn giữ nguyên nếp sống theo lối cổ, giản dị, hiền hậu mà chừng mực, hài hòa. 

Có một phương châm sống xuyên suốt nhiều thế hệ trong đại gia đình này, được truyền từ đời cụ Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nhu - thân phụ của bà Thanh Hương: “Sống ở đời không thể tránh khỏi bị người ta ghét nhưng không được để ai khinh mình”. Hai vợ chồng nhà văn không chỉ tự răn mình mà còn coi như một phong cách sống của đại gia đình. Bởi vậy mà ông bà luôn yên lòng khi nhắc tới cô cháu nội Hà Anh khi cô được biết đến với danh xưng “siêu mẫu” nhưng luôn sống giản dị, trọng nhân cách để giữ nếp nhà.

Nếu cuộc đời của Vũ Tú Nam - Thanh Hương gắn liền với bao thăng trầm của lịch sử đất nước thì mối tình của họ lại luôn gắn bó cùng Hà Nội, mảnh đất không phải nơi chôn rau cắt rốn nhưng là một phần không thể thiếu trong cuộc đời hai người. Họ không chỉ gửi lại đây tháng năm đẹp nhất của cuộc đời với những cống hiến hết mình vào cuộc kháng chiến của toàn dân tộc mà chính mảnh đất này đã ươm mầm cho sự sinh sôi của gia đình họ, với ba thế hệ đều làm nghệ thuật. Nếu số phận đã gắn kết hai con người xa lạ, gặp gỡ để rồi nên duyên chồng vợ, thì hẳn sự gắn bó với mảnh đất này của họ cũng bởi mối dây liên kết tuy vô hình mà bền chặt thủy chung. Ấy là bởi ở đời, vạn sự tùy duyên!

Bà Thanh Hương tâm sự, với bà, ông vừa là bạn đời lại vừa là đồng chí. Giờ đây, khi ông đã đi xa, vào những ngày này bà vẫn cùng con cháu tưởng nhớ những kỷ niệm chung. Đúng vào ngày thành lập Đảng 3 tháng 2 này, ông bà kỷ niệm 68 năm ngày cưới và cũng là 73 năm tuổi Đảng.

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 487, tháng 1-2022

;