Miền thương nhớ cũ

Có những kỷ niệm mãi neo vào một góc phố, một cơn gió khi chuyển mùa. Một loài hoa hay một món ăn tưởng đã ngủ yên bỗng một ngày được nhắc lại làm người đọc, người xem phải xuýt xoa, thương nhớ. Nỗi nhớ ấy khi được gợi lại trên phim ảnh, trong sách truyện, hồi ký, tản văn… làm người xem, người đọc thêm bồi hồi, luyến tiếc. Nấp trong từng con chữ, khuôn hình, trong miền thương nhớ ấy là đầy ắp kỷ niệm.

Tập tản văn, bút ký của tác giả Lê Giang

Những hoài niệm cũ

Khi nhà văn Bình Ca tổ chức buổi ra mắt tác phẩm Đi trốn nhiều khán giả đã vô cùng háo hức. Họ mong muốn sớm được cầm trên tay cuốn sách đó bởi trong sách là dĩ vãng, miền thương nhớ của một thế hệ cuối 5x và 6x được đặt trong bối cảnh chung của đất nước. Trong câu chuyện của nhà văn, có những bối cảnh, những tình huống, chi tiết không chỉ nhóm bạn có với nhau mà nó còn thấp thoáng, vương vãi ở đâu đó, chỗ này chỗ khác, người này người khác những kỷ niệm tương tự. Đó có thể là nỗi nhớ về những miền quê khi đám con nít được bố mẹ đưa đi xơ tán. Là ký ức về những khung cảnh, các món ăn, một vài trò chơi, thậm chí là cả những xung đột, cãi vã, đánh đấm của trẻ con thành phố và nông thôn. Trước đó, khi truyện Quân khu Nam Đồng ra mắt, cả một thế hệ những 6x, thậm chí 7x đời đầu cũng tìm thấy mình trong đó. Những khu tập thể giống nhau như đúc. Những gia đình thiếu vắng người cha khi cuộc chiến còn đang ác liệt. Những xốc nổi, anh hùng, thích khẳng định của đám choai mới lớn thích được thể hiện, công nhận hay đơn giản chỉ vì húng gái… Những miền thân thương ấy qua câu chuyện, tình tiết, nhân vật của nhà văn gợi lại cả một thời, một thế hệ, một khu phố với những kỷ niệm, nỗi nhớ rất riêng mà rất chung.

Lần ngược thời gian, có rất nhiều nhà văn đã viết về dĩ vãng, những ngày tháng cũ với những dư âm, hoài niệm rất đẹp. Cái đẹp có thể đến từ cái nghèo, cái khổ nhưng vẫn ăm ắp niềm vui. Đã có nhiều tác phẩm viết về hoài niệm, những kỷ niệm như vậy như Chiều chiều (Tô Hoài), Chuyện tình ngõ lõ thủng, Tiễn biệt những ngày buồn (nhà văn Trung Trung Đỉnh), Thương nhớ 12 (Vũ Bằng)… Cái nhớ nhung có thể đến từ đặc điểm của từng mùa trong năm như mùa đông là những ngày lạnh thấu da. Cái rét ngọt đến nỗi mặc bao nhiêu áo ấm vào người mà vẫn không hết lạnh. Mùa thu lại có hương hoa sữa thoang thoảng lẫn vào trong hương cốm. Mùa hạ gắn với màu Phượng Vĩ, theo chân trẻ em đi lượm quả bàng, quả sấu… Mùa xuân gắn với những chợ hoa, với mưa phùn ướt nhẹp… Ngoài nỗi nhớ cỏ cây, thời tiết, phố xá gắn với từng khung cảnh theo mùa, món ăn cũng là một trong những thứ gợi nhớ về quá khứ. Trong cái nhớ quay quắt có cái nhớ gắn với hương cốm, nải chuối ngự hay đĩa hồng mùa thu. Nhớ món ốc nguội phải cữ tháng 10 mới béo ngậy, mới ngon. Món chả rươi cũng chỉ thoáng đến thoáng đi lúc thu chuẩn bị đi, đông chuẩn bị về. Ngoài ra, còn biết bao những món ngon gắn với từng lứa tuổi, thời điểm, địa bàn sinh sống. Lũ choai choai cấp một mê mẩm món táo dầm, kem lạnh trong khi lớn lên một chút lại xuýt xoa với món ngô nướng, ốc luộc hay sang hơn là món bánh tôm, bánh cuốn. Trong trùng điệp nỗi nhớ ấy, có nhiều cái gắn với các hoạt động, những trò nghịch dại. Nếu đám trẻ quê bồi hồi nhớ những buổi chiều rủ nhau bắt ốc, mót khoai, đánh khăng, đánh đáo thì lũ trẻ trên phố lại nặng lòng nhớ về những buổi đá cầu, đá banh, trèo me, trèo sấu. Theo thời gian, nỗi nhớ ấy ngày một đằm sâu nhất là khi có tuổi hay lúc xa quê thì nỗi nhớ càng hiện lên mạnh mẽ. Mùi thương nhớ cũ ấy vừa được gợi lại trong tập truyện, tản văn, bút ký của một người đã đi gần trọn cuộc đời nhớ lại những năm tháng cũ ở rừng, ở rú với vai trò chị nuôi trong Khói bếp không tan (tập tản văn, bút ký mới nhất của nhà thơ Lê Giang đã 91 tuổi). 

Nó có thể là tâm trạng của người xa quê nhớ về thành phố nơi mình đã sống như tác phẩm Nha Trang mùa đẹp nhất của nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền. Chính nỗi nhớ đằm sâu, gắn với từng góc phố, những con sóng đã khiến chị khắc họa, hình dung về thành phố cũ tường tận, chi tiết. Đọc sách của chị người đọc như được người quen, một hướng dẫn viên chỉ dẫn cho nét đẹp của một thành phố biển. 

Phim Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác

Khắc nỗi nhớ lên phim

Trong bài Phượng Hồng (thơ: Đỗ Trung Quân, nhạc: Vũ Hoàng) câu hát Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ lên cây/ Và mùa sau biết có còn gặp lại nói về nỗi nhớ nhung của tuổi học trò. Cùng với thời gian, nỗi nhớ có muôn hình vạn trạng. Nhiều nghệ sĩ đã cố gắng khắc họa nỗi nhớ, những kỷ niệm xưa cũ vào trong văn, trong thơ, nhạc và cả phim ảnh. Khi xem phim Thời xa vắng không chỉ là xem câu chuyện tình đẹp mà dang dở của Giang Minh Sài mà nó còn là ký ức của một thời khi con người phải ép mình sống theo ý muốn của gia đình, trường lớp, xã hội. Đi theo cuộc đời của Giang Minh Sài là nhiều cảnh sinh hoạt nông thôn ngày cũ với cái nghèo đeo bám, là trận vỡ đê kinh hoàng và những nếp nhà đơn xơ thời gian khó. Phim Mê Thảo thời vang bóng (dựa theo tiểu thuyết Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân) cũng là một bộ phim dựng lại được nhiều cảnh thời xưa. Một ấp Mê Thảo từng trù phú khi gia chủ ăn ra làm nên nhưng vì nỗi đau mất đi người mình yêu thương vì chiếc xe ô tô - sản phẩm của hiện đại, của tân thời khiến ông chủ đâm thù hận những cái mới, cái tiến bộ. Trong cơn quẫn trí vì tình của ông chủ, các nhà làm phim vẫn gắng chiều thị hiếu của khán giả hay là chiều chính họ khi dựng lại cuộc sống trong thôn ấp với những nong tằm vàng óng, những hũ rượu hạ thổ, thú thả đèn trời của cả một vùng quê yên bình đâu đó một thời còn chưa xa.

Trong Mùa len trâu những cánh đồng ngập trắng mùa lũ, hàng trăm con trâu được chăn thả hết vùng này tới vùng khác cũng khắc họa lên lối sống của một thời của bà con nơi vùng nước nổi. Hình ảnh từng đàn trâu bơi trên sông, những chấm đen giữa dòng nước vừa gần lại vừa xa. 

Cảnh phim Mùa len trâu

Không chỉ trên phim điện ảnh, nhiều bộ phim truyền hình cũng dầy công khắc họa những kỷ niệm cũ. Phim Đất Phương Nam đã đưa khán giả theo chân cậu bé nghèo rong ruổi khắp nhiều vùng quê Nam Bộ với những vạt dừa, trảng lúa, những con kênh, con rạch. Phim cũng đưa khán giả về lại những phiên chợ quê với đám hát, đám múa võ kiếm tiền rồi thú bắt rùa, bắt rắn. Phim Thương nhớ ở ai ngoài những nếp nhà cũ với mái ngói, sân gạch, những chum, vại, liếp, chạn tre… còn là những cây cầu cong cong nơi có những cụ bà còng rạp lưng ngày ngày qua lại. Xem phim như thấy lại cả một thời với những buổi hát chèo nơi sân kho, những buổi làm đồng, cấy lúa, gánh rạ, phơi rơm… Và với mỗi nghệ sĩ dường như đều có một vệt kỷ niệm riêng khi nhớ về quá khứ. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh là một ví dụ. Trong phim của anh rất hay có hình ảnh các bà cụ còng lưng hay móm mém đi lại dù đó là phim chiếu rạp hay phim truyền hình, phim về chiến tranh hay hậu chiến. Hình ảnh bà cụ trong Ngã ba Đồng Lộc hay Thương nhớ ở ai đều khá quen thuộc trong phim của vị đạo diễn này. Trong văn học, điện ảnh có một dòng hướng về tương lai với những câu chuyện viễn tưởng, khoa học, những giả định sẽ xảy ra thì có một dòng văn học, phim ảnh, âm nhạc cứ miệt mài quay lại chốn cũ, tìm lại những hoài niệm còn vương vấn. Dòng hồi tưởng đó sẽ không dừng lại khi mong muốn, sự hoài niệm cũng là một trong các nhu cầu tình cảm của đời sống tinh thần, đặc biệt ở những thời khắc giao mùa hay chuyển giao giữa năm cũ sắp qua và năm mới đang tới.

NGÔ MINH NGUYỆT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 487, tháng 1-2022

;