Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội). Năm 1947, Ông tham gia chiến dịch Tây Tiến. Tháng 8 năm 1951, ông xuất ngũ. Sau 1954, ông làm Biên tập viên tại báo Văn nghệ, rồi chuyển về làm việc tại Nhà xuất bản Văn học. Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ngày 18 tháng 11 năm 2021, Viện văn học và Hội nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học nhân 100 năm ngày sinh của nhà thơ Quang Dũng. Tại hội thảo này, những cống hiến quan trọng của Quang Dũng cho thơ kháng chiến và cách mạng càng được khẳng định.
Nhà thơ Quang Dũng năm 1948. Chữ trên ảnh do chính ông viết
Chiến tranh đã lùi xa. Tưởng chừng những bài thơ thời chiến chỉ còn là một dấu ấn của dĩ vãng? Không! Không phải vậy. Tôi vẫn còn bị ám ảnh khôn nguôi với những vần thơ bi tráng một thời. Trong số đó, phải nhắc đến Đôi mắt người Sơn Tây và Tây Tiến của Quang Dũng. Những bài thơ ấy gây ám ảnh bởi vẻ đẹp đến đau đớn của sự bi hùng, bởi hình tượng và ngôn ngữ độc đáo đến rợn ngợp, vẽ nên một thế giới nghệ thuật đầy bi hùng và có sức lay động sâu sắc.
Đôi mắt người Sơn Tây là một kiệt tác của Quang Dũng.
“Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi vừa chinh chiến cũng ra đi”
Bài thơ mở đầu như vậy, nói lên cái hoàn cảnh chia ly, ngập tràn nhung nhớ giữa người con trai và người con gái. Trong cái tình riêng có những ký ức về gia đình, quê hương. Biên độ phản ánh càng về sau càng rộng lớn.
Ở đó có ký ức về những ngày chiến tranh khủng khiếp:
“Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn, ôi lại nối điêu tàn
…
Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng con bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông”
(Đôi mắt người Sơn Tây)
Chỉ bằng vài nét, với những hình ảnh chọn lọc “những xác già nua ngập cánh đồng” “xác trẻ trôi sông”, gương mặt chiến tranh đã hiện ra cụ thể, bi thương khiến người đọc oặn lòng khi nghĩ về cái thuở chinh chiến “điêu tàn”.
Có những khát khao về ngày đoàn tụ trong cảnh thanh bình:
“Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lứa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng”.
Điều đáng nói là Quang Dũng đã khái quát hóa, hình ảnh “em” trong bài thơ không chỉ là hình ảnh cụ thể mà còn mang vẻ đẹp của quê hương. Như là một hiện thân của quê hương:
“Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương”.
Quang Dũng đã khéo léo để những tình cảm riêng tư da diết trong cái tình cảm chung của con người với quê hương xứ sở. Bài thơ ngập tràn nỗi nhớ nhung, đau đớn, cả khát mong, kỷ niệm và nỗi băn khoăn về những bất trắc của cuộc đời.
Đôi mắt người Sơn Tây là tiếng lòng của nhà thơ với quê hương được viết như lời tâm sự của một người lính trong chiến tranh máu lửa với một người con gái trong cảnh loạn lạc, chia lìa của chiến tranh. Trong đó có cả đớn đau, hoài niệm, hy vọng và băn khoăn. Những cung bậc trữ tình đan dệt qua hệ thống hình ảnh đẹp, buồn đến ám ảnh và tràn đầy nhạc điệu.
Một kiệt tác khác của Quang Dũng là bài Tây Tiến. Vẫn với giọng thơ đầy cảm xúc, Tây Tiến ghi lại ký ức của một người lính về những ngày gian khổ khi tác giả tham gia đoàn quân “Tây Tiến” chiến đấu ở các tỉnh Tây Bắc và vùng miền Tây Thanh Hóa phối hợp với quân đội Lào đánh Pháp. Không còn nghi ngờ gì nữa, Tây Tiến là bài thơ hay nhất của Quang Dũng và cũng là một trong những bài thơ đáng nhớ có vị trí riêng trong lịch sử văn học thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Con gái nhà thơ Quang Dũng phát biểu tại Hội Thảo
Tây Tiến được viết như hành trình trở lại ký ức của nhà thơ. Đó là ký ức về một đội quân “xanh màu lá giữ oai hùm”; về con đường hành quân đầy vất vả, hiểm nguy “đường lên thăm thẳm một chia phôi”; và những kỷ niệm đẹp về tình quân dân thắm thiết “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Với kết cấu hiện đại, nhà thơ đã liên tục mở rộng biên độ không gian, chồng lớp thời gian và nhào nặn nên một thế giới nghệ thuật phong phú, đa chiều với sự đa dạng các màu sắc thẩm mĩ.
Ít có bài thơ ngắn nào mà biên độ không gian được mở rộng như trong bài Tây Tiến. Những địa danh hiện lên trong ký ức nhà thơ và liên tục được nhắc đến từ “sông Mã” “Sài Khao”, “Mường Lát”, “Pha luông”, “Mai Châu”, “Châu Mộc”, “Viêng Chăn”, “Hà Nội”, “Sầm Nứa”…Và một bức tranh thiên nhiên nhiều màu vẻ hiện lên qua bài thơ:
Đó là cảnh núi non hiểm trở:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời”
Hay sự hoang vu đến rợn người:
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường hịch cọp trêu người”
Không chỉ nhớ đến cảnh núi non hùng vĩ, nhà thơ còn như thấy được “hồn lau nẻo bến bờ”, nhớ đến cảnh “trôi dòng nước lũ”, nhớ cả những bông “hoa đong đưa”…
Từng ấy chi tiết về cảnh vật, thiên nhiên, qua trí nhớ của nhà thơ dồn nén lại trong những câu thơ nhưng không gây nhàm chán, mà ngược lại đã tạo nên một gương mặt thiên nhiên đa dạng, bởi nghệ thuật sự dụng hình ảnh độc đáo, bởi nghệ thuật chuyển cảnh, thay đổi góc nhìn liên tục làm cho thế giới nghệ thuật trong bài thơ trở nên linh động, đa chiều khiến người đọc như được chiêm ngưỡng một hệ thống các hình ảnh động, nhiều màu sắc, đầy ám ảnh. Đó chính là tính hiện đại và sự độc đáo góp phần tạo nên sức sống của bài thơ này.
Trên cái nền không gian đó, Quang Dũng đã xây dựng hình tượng người lính Tây Tiến với khí thế hào hùng vượt qua biết bao khó khăn gian khổ, vừa phải chiến đấu với kẻ thù, vượt qua hiểm nguy của thiên nhiên, qua bệnh tật sốt rét rừng: “sương lấp đoàn quân mỏi”, “đoàn binh không mọc tóc”. Và hy sinh thân mình cho Tổ quốc “gục trên súng mũ bỏ quên đời” “rải rác biên cương mồ viễn xứ”, “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Và điều đáng nói nữa, trong cái nghiệt ngã ghê gớm của chiến tranh, người lính vẫn biểu lộ nét lãng mạn, hào hoa, lòng khao khát tình yêu và cái đẹp:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”
Trong cái mạch nhớ nhung trùng điệp với biết bao cảnh bi hùng, Quang Dũng vẫn dành cho những hình ảnh nhẹ nhàng, tươi sáng thấm đẫm tình quân dân: “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, “Doanh trại bùng lên hội đuốc hoa” “Kìa em xiêm áo tự bao giờ” “Khèn lên man điệu nàng e ấp” “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”.
Tất cả những yếu tố phức hợp đó tạo nên một thế giới nghệ thuật vô cùng độc đáo với vẻ đẹp riêng không trộn lẫn cho bài Tây Tiến. Chính vì thế, nhà thơ Vũ Quần Phương đã coi Tây Tiến như một bài thơ đứng một mình một cõi, trước đó không có tiền lệ và sau đó không có tác phẩm nào nối tiếp. Điều đó tạo nên một ấn tượng chẳng thể phai mờ của bài thơ này.
Các đại biểu dự hội thảo
Trong sự nghiệp của mình, Quang Dũng viết khá nhiều với những thể loại khác nhau. Ông đã có 10 tập sách được xuất bản: Mùa hoa gạo (1950), tập truyện ngắn, Bài thơ sông Hồng (1956), truyện thơ, Rừng biển quê hương (1958), tập thơ in chung cùng với Trần Lê Văn, Đường lên châu Thuận (1964), tập bút ký, Rừng về xuôi (1964), tập bút ký, Nhà đồi (1970), truyện ký, Làng Đồi đánh giặc (1976), hồi ký, Mây đầu ô (1986), tập thơ, Quang Dũng - Tác phẩm chọn lọc (1988), Đoàn binh Tây Tiến (2019), di cảo - hồi kí. Nhưng hơn hết, và trước hết Quang Dũng là một nhà thơ với đầy đủ những dấu ấn riêng không trộn lẫn.
Quang Dũng là nhà thơ của một thời binh lửa. Vốn là một người hào hoa, có học, lớn lên trong thời nhiều biến động và trở thành một người lính ở tuyến đầu, nơi gian lao và nguy hiểm nhất, chính điều đó đã hun đúc lên tài năng khác biệt của ông. Tây Tiến và Đôi mắt người Sơn Tây cùng nhiều tác phẩm nổi tiếng khác đã làm nên tên tuổi của Quang Dũng. Cuộc đời thăng trầm của ông, sự giản dị và nghị lực của ông, những bài thơ bi tráng và tài hoa có sức sống vượt thời gian của ông đã để lại cho đời sau niềm kính trọng sâu sắc.
THIÊN SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021