Giành được giải Diễn viên cải lương triển vọng năm 1998, nhưng phải đến hơn 10 năm sau, năm 2009, NS Hoàng Tùng mới thực sự khẳng định được vị trí với Huy chương bạc tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc. Năm 2011, anh nhận giải diễn viên xuất sắc của năm do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam bình chọn. Năm 2015, anh giành huy chương vàng tại Hội diễn cải lương Toàn quốc và đến năm 2019, anh được trao tặng danh hiệu NSUT. Thành quả ấy thật ngọt ngào, cho thấy những nỗ lực bền bỉ của Hoàng Tùng qua bao nhiêu năm đã được đền đáp.
Ảnh: bptv.vn
Vai diễn Trần Thặng trong trích đoạn vở Kẻ sĩ Thăng Long (Kịch bản: nhà văn Nguyễn Khắc Phục, chuyển thể cải lương: NSND Nhật Minh) đem về cho NSƯT Hoàng Tùng giải nhì Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang năm 2020. Bằng lời ca khắc khoải và lối diễn biểu đạt nội tâm sâu sắc, anh đã thể hiện đầy rung động hình ảnh một vị quan triều đình, một kẻ sĩ Bắc Hà trọng danh dự, luôn đặt vận mệnh của dân tộc của quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân, thậm chí phải hy sinh cả tình cảm cha con để lo khôi phục giang sơn nhà Trần.
Tham dự Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang - một cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức Toàn quốc, giải thưởng không phải là mục đích chính của NSƯT Hoàng Tùng. Vẻ ngoài nhẹ nhàng khiêm tốn nhưng sâu thẳm bên trong con người anh là khát khao được được sống với nghề, được cháy hết mình trong từng lời ca từng vai diễn. Cuộc thi là dịp để anh có thêm cơ hội làm nghề một cách chuyên nghiệp, được trải nghiệm, được học hỏi từ bạn diễn ở nhiều vùng miền đất nước.
Học và luôn phải học, đó là suy nghĩ thường trực và được Hoàng Tùng thực hành hằng ngày, dù anh đã trải qua chặng đường 30 năm gắn bó với nghề, là gương mặt thân quen của cải lương miền Bắc. “Đến bây giờ Hoàng Tùng vẫn phải học. Nói đơn giản như khi thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát sóng toàn quốc, bắt buộc phải ca giọng Nam. Có những từ tiếng Nam thì mình thuận. Có những từ vẫn hơi ngọng ngọng. Thì mình phải tập, đến bây giờ vẫn phải tập, để làm sao khán giả phía Nam cũng như khán giả toàn quốc nghe thì họ cũng không nhận ra điều ấy nhiều lắm, mặc dù có sự pha trộn nhưng họ chấp nhận được. Còn buổi đầu thật sự là ngơ ngác. Phải đến 7- 8 năm sau thì Hoàng Tùng mới ngấm được cách nhả chữ cải lương - chưa nói đến hát nhé - để khi mình nói ra, người ta bảo À, cải lương, và khi mình hát lên ngân rung, người ta bảo À, cải lương.
Học phát âm theo giọng Nam, học cách nhả chữ, cách ca, lối diễn, học cách xử lý những bài bản cải lương khác nhau. Học qua thầy, qua đồng nghiệp bạn bè. Và học bằng cách nhìn lại chính mình. Anh thường xuyên nghe lại những làn điệu cải lương, xem lại những vai diễn của mình, từ đó rút kinh nghiệm để điều chỉnh, thay đổi. “Thực sự có những bài thu xong, dựng xong hết rồi, mọi người bảo được rồi, nhưng khi nghe lại mình vẫn nhận ra chỗ này chỗ kia chưa được trọn vẹn, vẫn mong muốn được làm lại. Các vai diễn các vở diễn cũng vậy, xem lại các clip các video, mình luôn cảm thấy tiếc. Giá như chỗ này mình được làm lại, chỗ kia được làm lại thì vai diễn ấy sẽ đầy đặn hơn, nhiều cảm xúc hơn”.
Có thái độ nghiêm túc và cầu thị ấy, bởi Hoàng Tùng từng cảm nhận dư vị đắng đót xót xa của thất bại. 18 tuổi, chàng trai Hà Thành đến với sân khấu cải lương, ngơ ngác, lạ lẫm, bối rối. Hiểu biết về bộ môn nghệ thuật còn quá ít ỏi, ngoại hình không nổi bật, giọng ca chưa tạo được nét riêng, càng không phải con nhà nòi. Thời điểm ấy, Nhà hát Cải lương Việt Nam là nơi hội tụ của rất nhiều tên tuổi đã thành danh. Hoàng Tùng không tránh khỏi cảm giác chán nản, hoài nghi bản thân mình. Sao cải lương khó như thế? Phải chăng mình không có duyên, không đủ sức theo nghề? Và Hoàng Tùng quyết định bỏ nghề. Năm 1992, anh rời Nhà hát. Khoảng thời gian đó, anh luôn cảm thấy chống chếnh, không thể làm được việc gì khác. Và anh hiểu, cải lương đã trở thành một phần máu thịt trong anh.
NSƯT Hoàng Tùng trên sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang
Trở lại Nhà hát, Hoàng Tùng tự đặt cho mình một mốc phấn đấu. Người ta đi từ chỗ này ra chỗ kia mất 10 bước, anh có thể phải đi năm mươi bước, thậm chí một trăm bước. Vẫn phải đi. Phải thực hiện được. Làm nghệ thuật không thể bằng sự quen biết, sự ưu ái, bằng những gì có sẵn để thành nghệ sĩ được. May rủi chỉ là một yếu tố. Cái chính vẫn phải là thực lực, phải là sự công tâm và công bằng của chính mình, với những nỗ lực rèn luyện học hỏi không ngừng.
Niềm đam mê sân khấu cải lương thúc đẩy anh, cho anh thêm nghị lực và quyết tâm, để đến ngày hôm nay, anh tạm thời bằng lòng với những gì mình đạt được. Có lẽ qua nhiều vất vả nhọc nhằn, ta cảm nhận trọn vẹn và sâu sắc hơn hương vị của trái ngọt. Anh đã nhận được niềm yêu mến của khán giả, sự trân trọng của đồng nghiệp, bạn diễn. Và đặc biệt, khi anh cất lời ca, dù không quen mặt, không giới thiệu tên, người yêu cải lương có thể nhận ra ngay: NSƯT Hoàng Tùng.
Ít khi được giao vai kép chính mà thường là những vai kép phụ, Hoàng Tùng không có nhiều cơ hội tỏa sáng như một số bạn diễn khác. Song, anh đã kiên trì với lối đi hẹp của mình, rèn giũa về lời ca, về lối diễn, để làm sao mỗi khi nhập vai, dù là vai diễn nhỏ, anh cũng muốn sống trọn vẹn cùng nhân vật, lời ca từ trong lòng đi ra, từng cử chỉ từng ánh mắt nụ cười phải biểu đạt được nội tâm bên trong. Nhớ lại những chặng đường đã qua, những giọt mồ hôi đã rơi trên sàn diễn, anh cảm thấy thật nhẹ nhõm: “Đến giờ phút này, qua một số vai diễn Hoàng Tùng cũng đã tạo được dấu ấn trong lòng bạn bè đồng nghiệp và khán giả. Có nhiều vai để lại cho Hoàng Tùng những cảm xúc rất mạnh và sẽ mãi không quên, để mình cảm thấy cần phải có những giây phút ấy thì con người mới được sống với chính mình và sự thăng hoa cùng nghệ thuật”. Đó là vai Lê Quyết trong vở Trời Nam (tác giả kịch bản Lê Duy Hạnh, đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên), bậc đại thần nhà Hậu Lê từ chối hợp tác với nhà Tây Sơn bởi muốn giữ trọn đạo trung thần. Vai Trình Anh trong vở Con côi họ Triệu - một trong 100 tác phẩm sân khấu nổi tiếng của Trung Quốc. Vai Đinh Thế trong vở Mai Hắc đế (tác giả kịch bản Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên). Vai Trần Thặng trong trích đoạn vở Kẻ sĩ Thăng Long… Những vai diễn do NSƯT Hoàng Tùng đảm nhận đều có những nỗi niềm u uẩn bên trong, sự phức tạp về tính cách, những mâu thuẫn giữa hành động và nội tâm. Và Hoàng Tùng luôn nỗ lực đem lại cho vai diễn của mình sự đầy đặn cảm xúc.
Ở tuổi 50, chuyển công tác về Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSUT Hoàng Tùng thật sự hạnh phúc khi vẫn được làm những công việc mình đam mê, được cống hiến lời ca tiếng hát cho công chúng yêu nghệ thuật dân tộc. Biên độ hoạt động nghệ thuật của anh cũng mở rộng hơn. Anh đóng kịch, đóng phim truyền hình, hát dân ca, dẫn chương trình, làm mọi việc có thể để thêm kinh phí trang trải cho các hoạt động nghệ thuật của mình. Mặt khác anh tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, thiện nguyện nhưng không bao giờ băn khoăn về cát-xê. Nơi anh đứng hát có thể chỉ là một sân khấu nhỏ, một góc đường phố, hay dưới mái chùa mái đình làng. Có thể hát không nhạc đệm không micro. Nhưng tiếng hát vẫn tròn đầy, ấm áp và rung động, dù bên ngoài trời có thể mưa, và gió mùa đông bắc đang thổi dọc theo những con phố đã về khuya. Trong khi nhiều nghệ sỹ đã thành danh rất ngại tham gia những buổi biểu diễn nhỏ, biểu diễn ngoài trời phục vụ cộng đồng thì anh lại không bao giờ từ chối. Anh khẳng định việc hát ngoài trời không ảnh hưởng đến chất giọng. Bằng chứng là đến giờ phút này làn hơi của anh vẫn khỏe. Nhiều người trong nghề nhận xét giọng ca Hoàng Tùng càng ngày càng đằm thắm hơn, đầy đặn, ấm áp. Đó là tiếng ca của một nghệ sỹ đã chín về tuổi đời tuổi nghề. Đó là tiếng ca cất lên từ trái tim đang đập những nhịp đập bồi hồi, khao khát chạm đến miền tri kỷ, để con người gần con người hơn. Anh còn nhiều dự định trăn trở với sân khấu cải lương, về những vai diễn mới, về công tác đào tạo, về chế độ đãi ngộ dành cho nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ, để làm sao nghệ thuật dân tộc nói chung và nghệ thuật cải lương nói riêng không bị mai một giữa bộn bề nhịp sống hôm nay.
ANH THƯ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 481, tháng 11-2021