PGS Nguyễn Trường Lịch: Người suốt đời đi tìm vẻ đẹp văn chương

Tôi rời khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã gần 30 năm. Suốt từng ấy thời gian, dù không còn ngồi trên giảng đường, nhưng mỗi khi viết được một bài mới, có thêm một cuốn sách mới, thậm chí khi xuất hiện một ý tưởng mới, PGS Nguyễn Trường Lịch vẫn thường gọi tôi đến cùng sẻ chia niềm vui sáng tạo với thầy. Chính vì vậy, sợi dây tình cảm giữa thầy trò suốt bao nhiêu năm vẫn bền chặt, và càng ngày càng thêm sâu đậm.

Bước vào tuổi 90, giờ tóc thầy đã bạc xóa. Dáng thầy gầy như hạc. Nhưng đôi mắt thì vẫn ngời lên niềm say mê và giọng nói vẫn sôi nổi. Mỗi lần tôi đến thăm, thầy thường hỏi thăm sức khỏe, công việc, kể lại những kỷ niệm một thời và nhắc lại những kinh nghiệm sống của chính cuộc đời thầy như một lời nhắn nhủ đầy yêu thương. Mấy mươi năm, tôi càng cảm nhận sự sâu sắc của tình cảm giản dị mà thầy dành cho mình và lớp lớp học trò. 

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in giọng nói say sưa, nhiệt huyết và truyền cảm của thầy trên giảng đường khoa Ngữ Văn gần 30 năm trước. Vốn là người say mê tiểu thuyết từ nhỏ, khi vào khoa Ngữ Văn, chuyên đề văn học Nga với những bài giảng sinh động của giáo sư Nguyễn Kim Đính, PGS Nguyễn Trường Lịch có sức hấp dẫn đặc biệt và mở ra cho chúng tôi cánh cửa nhìn vào một trong những nền văn học vĩ đại nhất của thế giới. Là chuyên gia về văn học Nga nửa sau thế kỷ 19, thầy Nguyễn Trường Lịch đã truyền giảng cho chúng tôi những kinh nghiệm nghệ thuật quý giá từ sự nghiệp của các nhà văn bậc thầy như: Turgenev, Lev Tolstoy, Dostoyevsky, Chekhov. Và đặc biệt, thầy để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi qua những bài giảng về cuộc đời và sự nghiệp của đại văn hào Lev Tolstoy. 

*** 

PGS Nguyễn Trường Lịch sinh ra trong gia đình nhà nho, ở xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Cha ông là một trí thức Nho học, nhưng sau đã chuyển sang Tây học khi chế độ khoa cử theo lối cũ bị bãi bỏ năm 1919. Nguyễn Trường Lịch sớm được học tiếng Pháp và am hiểu văn hóa Pháp. Ông thành thạo tiếng Pháp từ khi còn trẻ và say mê văn học Pháp. 

Sau năm 1954 ông học dự bị đại học tại Thanh Hóa, rồi vào học ở khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1960, ông làm giảng viên tại khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp và công tác liên tục ở đó cho đến khi về hưu.

Thời gian học tập và công tác ở khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, PGS Nguyễn Trường Lịch bén duyên với văn học Nga và tâm huyết với việc nghiên cứu chuyên sâu về Lev Tolstoy. Năm 1986 ông cho xuất bản chuyên luận Lev Tolstoy. Có lẽ đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam cung cấp một lượng thông tin phong phú, toàn diện, sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của đại văn hào Lev Tolstoy. Nhiều thế hệ sinh viên đã say mê cuốn sách của ông, bởi nội dung vô cùng hấp dẫn và bổ ích. Những tri thức đó đã trở thành một hành trang quý giá luôn soi sáng trên con đường trưởng thành của những người dấn thân trên con đường gian khó của văn chương như chúng tôi. 

Sách đã xuất bản hàng chục năm, nhưng đề tài về Lev Tolstoy vẫn còn sống động trong tâm trí PGS Nguyễn Trường Lịch. Ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và suy nghĩ, khám phá về nhà văn vĩ đại này với niềm cảm hứng nguyên vẹn như khi còn trẻ. Năm 2010, ông lại cho ra đời chuyên khảo về tiểu thuyết Lev Tolstoy. Và một lần nữa, công trình này lại trình bày trước bạn đọc những chiêm nghiệm, những suy tư sâu sắc, mới mẻ về những vấn đề căn bản trong tư duy tiểu thuyết của thiên tài Lev Tolstoy.

Có lần tôi đã hỏi ông về những độc lực nào đã thôi thúc ông dành cả phần lớn thời gian nghiên cứu của mình để viết về Lev Tolstoy. Vẫn giọng nói đầy nhiệt huyết, PGS Nguyễn Trường Lịch nói: “Đối với giới văn học, Lev Tolstoy không bao giờ cổ cả. Ông là một đỉnh cao chưa thể vươn tới. Là khởi nguồn của những thành công và sự đổi thay to lớn trong văn học thế giới cuối thế kỷ 19 và thế kỷ 20, cho đến tận hôm nay và còn cả sau này nữa. Tấm gương lao động nghệ thuật quên mình của ông, và những tác phẩm vĩ đại như Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenia, Phục sinh… để lại một kho tàng những kinh nghiệm vô giá cho các nhà văn. Đương thời, chính Dostoevsky đã có lần gọi Lev Tolstoy là “vị thần nghệ thuật”. Và sau này, ông được coi là “viện hàn lâm của các nhà văn”, “là một dòng suối mát mà nhân loại mãi mãi đến uống”. Nghiên cứu và truyền thụ lại cho lớp trẻ những kiến thức về một nhà văn như thế, đối với tôi là một niềm hạnh phúc. Mà đã nghiên cứu, thì phải đến nơi đến chốn, phải nói được những gì là tinh túy của con người và tác phẩm của ông. Đó là lý do vì sao, tôi đã luôn say mê và dành gần như tất cả cuộc đời mình cho thiên tài Lev Tolstoy.”

Trong thời gian nghiên cứu và giảng dạy ở khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông tiếp tục cùng các đồng nghiệp hoàn thành các công trình: Giáo trình văn học Nga Xô viết. Sau đó, ông lại tập hợp các bài nghiên cứu về văn học thế giới của mình thành cuốn Đi tìm cái đẹp văn chương

Nhiều năm sau, khi đã về hưu, Nguyễn Trường Lịch dành thời gian để đọc nhiều hơn về những tác giả nổi tiếng trong lịch sử văn học nước nhà với thái độ trân trọng, nâng niu. Với sự từng trải, và ngẫm suy sâu sắc, ông đã cho xuất bản cuốn Những cung bậc trữ tình trong thơ Nguyễn Du đánh dấu một sự chuyển hướng trong nghiên cứu của Nguyễn Trường Lịch hướng về những giá trị bất tử của nền văn học nước nhà. Ông tâm sự rằng việc viết cuốn sách này là: “nỗi niềm khát vọng muốn tìm hiểu tầm cao tài năng, trí tuệ, văn hóa của nhà thơ Nguyễn Du mà lớp lớp con cháu vẫn hằng ngưỡng vọng.” Cuốn sách tập hợp 14 bài nghiên cứu công phu, đã đề cập một cách khá toàn diện về cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du. 

Mùa thu năm nay, 2021, PGS Nguyễn Trường Lịch cho xuất bản cuốn khảo luận Đại văn hào H.C. Andersen và sức lan tỏa trong văn học nghệ thuật Việt Nam. Andersen là một thiên tài văn học của Đan Mạch mà tác phẩm đã được dịch ra trên 90 thứ tiếng trên thế giới, được hàng chục triệu người say mê. Để viết nên cuốn sách này, PGS Nguyễn Trường Lịch đã dành ra khoảng 30 năm nghiên cứu. Ông đã từng đến Đan Mạch và tìm hiểu nhiều tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn. Năm 1995, ông đã tổ chức thành công Hội thảo về Andersen tại Hà Nội. Cuốn sách trình bày một cách có hệ thống những tư liệu phong phú về cuộc đời, hành trình sáng tạo, những đăc điểm thi pháp, tư tưởng của Andersen và ảnh hưởng của thiên tài này trong đời sống văn học Việt Nam. Điều đáng nói là cuốn sách này được xuất bản khi PGS Nguyễn Trường Lịch bắt đầu bước vào tuổi 90, sau một cơn ốm nặng phải nằm viện kéo dài. Đó là một thành công đáng trân trọng. Chỉ có lòng say mê, sự chuyên cần và nghị lực mới có thể giúp ông vượt qua những nghiệt ngã của thời gian và tuổi tác để lao động và cống hiến không ngừng. 

 ***

Khi dịch COVID-19 tạm lắng xuống, sau những ngày giãn cách, tôi lại nhân được điện thoại của PGS Nguyễn Trường Lịch. Thầy gọi tôi đến để tặng tôi cuốn sách Đại văn hào H.C. Andersen và sức lan tỏa trong văn học nghệ thuật Việt Nam. Cầm cuốn sách trên tay, nhìn dáng vẻ gầy gò của thầy lòng tôi bùi ngùi xúc động. Suốt cả cuộc đời mình, dường như không lúc nào ngơi nghỉ, dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào, thầy cũng vẫn luôn đọc, ghi chép, suy nghĩ để rồi xây dựng thành những công trình nghiên cứu có giá trị. 

“Cậu thấy đấy, hơn 30 năm, mới có cuốn sách này.”

Tôi lặng lẽ lật từng trang sách của thầy. Những con chữ ấy, thực sự được chắt ra từ mồ hôi, từ những trăn trở, ngẫm suy và khát vọng. Chỉ có yêu cái đẹp, yêu văn chương bằng thứ tình yêu dường như là định mệnh mới có thể giúp thầy vượt qua muôn vất vả của những năm tháng nghèo nàn thời bao cấp, qua những cơn sóng gió thời kinh tế thị trường và qua tuổi già nghiệt ngã để cống hiến cho đời những trang viết của mình.

Trước khi chia tay, thầy nói:

“Thế giới của văn chương có bao điều kỳ diệu và bí ẩn. Chỉ có lao động không ngừng, liên tục suy nghĩ thì mới hy vọng có thể làm nên một điều gì đó.”

Rối thầy nhắc lại một câu nói của Lev Tolstoy, “nếu viết mà không mang lại một điều gì có ích thì tôi không viết”.

THIÊN SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 481, tháng 11-2021

 

;