Nghệ thuật Sắp đặt (NTSĐ - Installation Art) là một trong những hình thức nghệ thuật tiêu biểu, nổi bật trong đời sống mỹ thuật ở Cố đô Huế từ đầu thế kỷ 21 và đã tạo những “cái mới lạ” có tính thẩm mỹ cộng đồng với những bước phát triển như một hiện tượng mới thực sự khác biệt, tính xã hội khá mạnh mẽ, sâu sắc.
Tại Festival Huế 2002, xuất hiện trưng bày sắp đặt của các nghệ sĩ quốc tế, nhưng đáng chú ý là việc trưng bày về những chú ngựa khổng lồ được treo giữa không gian ngay ngã tư cầu Tràng Tiền, góc thành Đại Nội, sự kiện này đã tạo ra một sự ngỡ ngàng lạ mắt và để lại một sự bất ngờ đối với công chúng Huế. Có thể coi đây cũng là một sự “phá vỡ” không gian quen thuộc của xứ Huế bằng các tác phẩm NTSĐ của các nghệ sĩ quốc tế. Đồng thời góp phần làm thay đổi khá nhiều về cách nhìn về NTSĐ cũng như tạo ra mỹ cảm đối với các nghệ sĩ Huế trong quá trình tạo ra các tác phẩm. Giờ đây công chúng không chỉ đến triển lãm để nhìn ngắm tác phẩm mà họ còn tham gia vào quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ được dẫn dắt và bày tỏ thái độ thẩm mỹ, thậm chí là tư tưởng chính trị qua hành động sáng tạo và định hướng thẩm mỹ của mỗi cá nhân. Những hình thức sắp đặt đa chất liệu phối hợp với âm thanh, ánh sáng đã tạo ra một không gian nghệ thuật đa chất liệu, trong đó len lỏi đến cả không gian sống của người dân và tạo ra một sự hài hòa giữa thực - ảo, nhưng không hề phân chia quá rành mạch giữa nghệ thuật với đời sống thực tại.
Chén và đũa, Nhóm Le Brothers, 2011
Có thể nói một trong những họa sĩ từ “nơi khác đến”, có tác động đến nhiều họa sĩ trẻ Huế trong thực hiện NTSĐ, góp phần làm thay đổi cách nhìn và tư duy về NTSĐ là họa sĩ Trần Lương, một người nổi tiếng không chỉ trong lĩnh vực giám tuyển (curator) mà còn là họa sĩ thực hành NTSĐ và trình diễn, hội họa với nhiều tác phẩm xuất sắc. Ở Huế, tác giả Đinh Khắc Thịnh (sinh 1966) là người được biết đến nhiều với các tác phẩm mỹ thuật sắp đặt nổi bật trong các kỳ Festival tại Huế và khắp các tỉnh, thành. Vật liệu anh thường ưu tiên chọn cho các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của mình là những chiếc nón lá, cành sen, những chiếc xe xúc rác khá cũ kĩ, có lẽ trong từng hình ảnh ấy, những khoảnh khắc đời thường hiện ra rất đỗi thân thuộc đối với người dân Huế và du khách. Với những tác phẩm như Mùa lục lạc, Vàng bướm mơ tiên, Huyền thoại, Ca dao, Phiên chợ đêm, Đặc biệt với tác phẩm Lễ vật của dòng sông anh đã để lại ấn tượng trong lòng du khách và những người yêu nghệ thuật, với một chuỗi 30 con thuyền sơn màu trắng chở đầy những bó hoa giấy đầy đủ sắc màu xếp hình mâm xôi, đây là sản phẩm của làng giấy Thanh Tiên. Tác phẩm đã để lại hiệu quả thị giác mạnh mẽ, đồng thời có thể tạo ra chiều sâu cho những tâm tình gửi gắm của tác giả thông qua tác phẩm. Thông qua vẻ đẹp tạo hình của tác phẩm Huyền sử, với 100 quả trứng khổng lồ, trắng muốt trên bãi biển, mỗi quả dài 2m theo tỷ lệ của quả trứng được đặt ngẫu nhiên trên bãi cát dài như gợi tưởng về những sự khởi đầu đầy sức sống mãnh liệt của sự sống.
Đối thoại, Phan Lê Chung, 2016
Hai tác giả song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải (Le Brothers, sinh 1975), với những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt nổi bật từ trước năm 2000. Nhóm Le Brothers có một số dự án và triển lãm đáng chú ý như Dorm bed - 1991: Tác phẩm được thể hiện với chiếc giường gỗ đỏ và những tấm vải hoa văn nhũ vàng vẽ rồng, mây, nước, sóng đã gợi nhớ chiếc giường nội trú của sinh viên thời bao cấp đầy khó khăn nhọc nhằn nhưng thật đáng trân trọng, sự kết hợp màu đỏ son và vàng thếp phủ lên toát ra nét quý phái, phong nhã cung đình quen thuộc. Ai đã từng là sinh viên hẳn còn nhớ một thời bao cấp của thời kỳ bấy giờ, với những khó khăn, đói khổ, hàn vi xiêu viêu. Hình ảnh Giường nội trú 2 tầng trong thực tại cuộc sống của họ thật quen thuộc. Ảnh hưởng của cơ chế thị trường được hai họa sĩ lần nữa sử dụng màu son, nhưng lần này chúng hiện ra đằm nhẹ và xao động hơn bởi ký ức một thời khó quên.
Những con số của nhóm Le Brothers đã tạo ra sự liên tưởng mạnh mẽ, đầy ấn tượng thị giác về nạn đói 1945 với hơn 2 vạn người dân Việt bị chết, tác phẩm đã gợi lên một ký ức đau buồn trong lịch sử hiện đại của dân tộc. Sự kết hợp những chiếc bát với sự liên tưởng đến sự kiện 1945, cùng với những đôi đũa đã làm lay động người xem. Tác giả Lê Thừa Tiến (sinh 1964) là một trong những họa sĩ đã tiếp nhận NTSĐ khá sớm. Công chúng vẫn nhắc đến những sáng tác của anh như tác phẩm sắp đặt Ánh trăng có tiết diện trưng bày 140m2 tại Festival Huế 2002 đầy ấn tượng với màu tím Huế xao động hiện ra qua những hình sắc nổi chan hòa ánh sáng trong trẻo. Có lẽ qua tác phẩm của anh người dân Huế mới lần đầu có cái nhìn khác hơn, giàu mỹ cảm hơn về dòng sông Hương thơ mộng và đầy ắp kỷ niệm với mỗi người.
Mùa cá, Nghệ thuật sắp đặt - Trần T.H Diễm, 2014
Tác giả Trần Hữu Nhật (sinh 1981) luôn tạo ra những bất ngờ trong sáng tạo nghệ thuật đối với những tác phẩm NTSĐ mà anh đã có cơ hội học qua một khóa đào tạo do nghệ sĩ Juliane Heise (Đức) tổ chức tại Huế năm 2003 và là người có tác phẩm báo cáo kết thúc khóa học ấn tượng nhất bấy giờ. Tác phẩm Chiếc ghế được thực hiện tại Trường Đại học Nghệ thuật vào năm 2003, với sự “ngạo nghễ”, “kỳ vĩ” của những chiếc ghế bên cạnh sắc thái hoàng cùng trong không gian vàng - đỏ. Mặt khác, cái ghế ấy cũng là sự ẩn dụ khi đặt trước một vòm cửa đầy hư ảo mà anh thiết kế để làm tăng độ tương tác thị giác của loại NTSĐ đa chiều, đa ngữ nghĩa mà anh tỏ ra thích thú khám phá tạn tường.
Tác giả Nguyễn An (sinh 1987) là một trong những họa sĩ trẻ kiên trì tìm tòi, khám phá về cấu trúc không gian và sự thể hiện NTSĐ trong mọi bình diện tạo hình khác nhau. Anh luôn không ngừng tìm cái mới trên những chất liệu có thể rất quen thuộc và cũ như bồi giấy tô màu hoặc để thô, sắp đặt các đồ vật theo tinh thần biểu cảm của một thứ NTSĐ đúng nghĩa và có tư tưởng trong đó. Chính vì vậy tác phẩm của anh vừa kỳ lạ mà không xa cách, vừa xa vời vợi bởi ý niệm và triết lý sống mà anh gửi gắm lại bổng dung gần gũi đến lạ thường.
Tác giả Nguyễn Thị Thanh Mai (sinh 1983) tập trung khám phá những vấn đề về trải nghiệm và quyền của phụ nữ trong bối cảnh xã hội châu Á. Năm 2014, Thanh Mai đã nhận được giải thưởng từ Quỹ Pollock-Krasner. Qua hàng loạt triển lãm tranh kết hợp với nghệ thuật sắp đặt đầy cá tính chị hướng về chính mình trong hàng loạt sắp đặt tự soi vào mình với những tác phẩm rất thành thật và dằn vặt làm cho người xem cảm thấy chị chạm đến điểm dừng cuối cùng của sự sống.
Tác giả Trần Thị Hoài Diễm (sinh 1981) có một số tác phẩm đáng chú ý như tác phẩm Tiếng vọng trong triển lãm Trẻ Năng lượng Cố đô 2013. Tác phẩm khác được người xem rất thiện cảm của chị là Mùa cá trưng bày vào năm 2014 với 100 chiếc nơm được sơn màu đỏ và bày đặt trên vòm cây cao tại không gian cộng đồng ở đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Được hỗ trợ cùng với ánh đèn màu vàng và sắp đặt trên không trung có sự tương tác của những bóng cây đổ thông qua ánh đèn chiếu sáng, tạo nên một cảm giác hư thực huyền ảo, lay động người xem, gợi nhớ đến khung cảnh một làng nghề gắn liền với cuộc sống của ngư dân sông nước với một mơ ước thật giản dị, bình yên.
Năm 2015, tác phẩm Nguồn sáng Âu Cơ của chị tại triển lãm Vườn trăm trứng do Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tổ chức đã được trao giải A. Tác phẩm NTSĐ này chiếm đến 6m2 được thể hiện chủ yếu với những miếng xốp trắng kết hợp với những nét vẽ các motif Đông Sơn trên mỗi khối. Các khối xốp tạo hình quả trứng có kích thước khác nhau sắp đặt trên nền thảm đỏ tươi đầy tương phản và gấy ấn tượng thị giác mạnh cho người xem.
Những con dao im lặng, Trần Tuấn, 2016
Tác giả Nguyễn Thị Lan với những tác phẩm NTSĐ mang những nét đẹp ẩn chứa nhiều bí mật thiêng liêng và kì diệu về bản năng làm mẹ, đó cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo của chị trong nhiều tác phẩm đầy tính ản dụ về sự sinh tồn. Chị chọn hình ảnh liên tưởng là một loài hoa bình dị trong thiên nhiên mà theo chị đó là vẻ đẹp của sự huyền bí, tinh khiết và thánh thiện, các chức năng sinh học của nó như có sự liên hệ mật thiết với thiên chức phụ nữ.
Tác giả Phan Lê Chung (sinh 1985) là một trong những nghệ sĩ trẻ có cách tiếp cận với NTSĐ hết sức tự nhiên từ nhu cầu học tập, giao lưu với các nghệ sĩ quốc tế ở Huế; mong muốn từ NTSĐ hòa mình nhiều hơn vào cuộc sống thực tại, gửi gắm những nhiều hơn tâm tư, ý niệm sáng tạo, thông điệp nghệ thuật của mình vào cuộc sống.
Năm 2017, Phan Lê Chung làm tác phẩm Đối thoại vẫn trên mạch chảy của tạo hình dân gian làng Sình-Huế. Chỉ khác căn bản là anh biến mặt phẳng tranh giấy thành khối 3 chiều mang ngôn ngữ sau đậm của điêu khắc sắp đặt. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên tranh thờ cũng dân gian Huế được biến tạo như vây với ngôn ngữ khối thị giác mới và mở rộng hơn ngôn ngữ biểu cảm của NTSĐ.
Tác giả Trần Tuấn (sinh 1981) với tác phẩm Mây biến thể, anh đã làm cho công chúng sửng sốt trước một khối điêu khắc ngoài trời lạ lẫm với kích thước khá lớn, làm bằng chất liệu nhôm vỏ lon bia, với hình dạng kỳ dị mô phỏng hoặc liên tưởng đến một sinh vật, một cái cây, một cái củ đang tiếm đoạt cảnh quan. Rõ ràng mục đích của tác phẩm Mây biến thể nhằm mở ra những sự đối thoại về các vấn đề xã hội nóng bỏng có ý nghĩa sống còn đối với người dân kể từ khi các tập đoàn kinh tế lớn đến Việt Nam đầu tư làm ăn, gây ra nhiều vấn đề hệ lụy xã hội, tâm lý, môi trường sống cho người đân địa phương như ô nhiễm môi trường, thay đổi văn hóa và đẩy người dân bản địa ra bên lề các lợi ích.
Tác giả Nguyễn Hoàng Việt (sinh 1984) với tác phẩm Bơm năm 2011 tại Festival Mỹ thuật Trẻ đã thực sự gây gai rợn về tệ nạn ma túy ở Việt Nam. Anh bày tác phẩm với hàng trăm mũi tiêm đâm vào gốc cây khô cằn, những ống bơm tiêm chích này có ở khắp nơi và chúng làm chúng ta bất an, âu lo.
Tác giả Nguyễn Văn Hè (sinh 1981) vừa là họa sĩ trình diễn vừa kết hợp sắp đặt, tác phẩm 1 Vận - 2 Động GroupInfinity tại Studio-8 TP Huế và Cổng thơ nhóm (PM Studio) Festival Huế 2006, tác phẩm Xyclo Art Festival làng nghề Huế 2007 và Nặng Bồng Nhẹ Tếch Festival 2010 là những tác phẩm nổi bật của anh
Huế được coi là một trong những thành phố có những bước phát triển quan trọng về kinh tế - xã hội - văn hóa tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên ở Huế cũng như mỹ thuật khu vực Bắc Miền Trung vẫn còn đầy những hạn chế, thiếu thốn và nhiều khó khăn, thậm chí là những nghịch lý, hàng rào vô hình cần dỡ bỏ, vì nếu không làm được điều đó thì NTSĐ dù có tư tưởng tiến bộ, giá trị và mang tính sáng tạo đến đâu cũng khó tồn tại như nó cần phải như vậy.
PHAN THANH BÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 478, tháng 10-2021