Tình thầy trò trong giới âm nhạc

Công chúng thường chỉ nhìn thấy bề nổi của các nghệ sĩ trong giới âm nhạc đồng thời quan tâm đến những câu chuyện “hot” mà truyền thông đưa đẩy. Ở mảng sau của giới nghệ sĩ, có nhiều điều thực sự đáng trân trọng. Một trong những điều đó là tình cảm giữa thầy và trò, trò và thầy.

Nửa chữ cũng thầy

Trong chương trình Giai điệu Hà Nội của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện, tôi được Ban biên tập âm nhạc tin tưởng ở vị trí dẫn dắt chương trình cùng với MC Thanh Mai. Giai điệu Hà Nội hay ở chỗ, nó tôn vinh các ca khúc viết về Hà Nội, nhưng thú vị hơn, những ca khúc ấy chỉ là một chất liệu gợi mở để những vị khách mời, có thể là tác giả ca khúc, ca sĩ thể hiện, cũng có thể là các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà báo... chia sẻ những kỷ niệm, những cảm nghĩ và tình yêu của cá nhân họ dành cho Hà Nội. Thông qua đó người xem có cái nhìn đa diện hơn về một Hà Nội ở trong trái tim của họ. Có nghĩa, ca khúc có vị trí như một cánh cửa để mở cho tất cả những người tham gia chương trình vào thế giới của một văn hóa mang bản sắc riêng với tên gọi Hà Nội.

Nhạc sĩ Lê Mây và NSƯT Thanh Tâm

Trong chương trình Giai điệu Hà Nội với chủ đề Bâng khuâng Hà Nội vừa phát sóng sáng 10/10/2021 trên kênh Hà Nội 1, bên cạnh nhiếp ảnh gia Nguyễn Kỳ Nam, nhà báo Mỹ Trà có hai vị khách mời âm nhạc là nhạc sĩ Lê Mây - tác giả ca khúc Hà Nội linh thiêng hào hoa và nữ ca sĩ, NSƯT Thanh Tâm, một giọng ca trữ tình quen thuộc với khán giả Thủ đô. Hai vị khách mời chia sẻ rất hào hứng những câu chuyện, kỷ niệm của mình gắn với Hà Nội, với âm nhạc và với chính hai vị khách mời. Trong những câu chuyện được khách mời chia sẻ, tôi nhớ nhất chi tiết Thanh Tâm luôn gọi nhạc sĩ Lê Mây bằng bố khi chị kể về những câu chuyện liên quan đến cuộc đời, trong khi đó khi đề cập vào khía cạnh âm nhạc, Thanh Tâm lại gọi nhạc sĩ Lê Mây bằng tiếng “thầy” thân thương. Giọng chị xúc động: “Thanh Tâm nhớ mãi khi mới còn là một cô bé 16 tuổi, chưa biết cái gì, thì có may mắn được gặp bố Lê Mây, bố như người thầy rất nhiệt tình chỉ dạy cho Thanh Tâm rất nhiều. Từ đó đến bây giờ, Thanh Tâm luôn coi nhạc sĩ Lê Mây như người bố, như người thầy”.

Nhạc sĩ Lê Mây sinh năm 1942 đã bước vào tuổi 80, NSƯT Thanh Tâm thuộc thế 7x, cũng không còn trẻ nữa và kỷ niệm mà chị kể với chúng tôi khi tham gia chương trình tôi hiểu là đã diễn ra trước đó mấy chục năm. Một chặng đường dài mà tình cảm, sự kính yêu, lòng trân trọng vẫn vẹn nguyên trong trái tim nữ nghệ sĩ cho ta thấy nhiều giá trị trường tồn của tình thầy trò.

Tọn một đời ơn thầy

Trong số những người thầy và học trò, tôi ấn tượng nhất với tình cảm của hai thầy trò NSND Trần Hiếu và NSND Quốc Hưng. Cũng trong một chương trình truyền hình dịp 20/11 năm 2016, tôi không thể ngăn lại sự xúc động của mình khi thưởng thức tiết mục biểu diễn mang tên Hành khúc ngày và đêm (sáng tác Phan Huỳnh Điểu) của hai thầy trò đều là NSND ấy.

NSND Quốc Hưng là học trò "trân truyền" của NSND Trần Hiếu

NSND Trần Hiếu là nghệ sĩ có đóng góp lớn cho nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam ở cả hai lĩnh vực biểu diễn và giảng dạy. Ông được mệnh danh là giọng Bass số một của đất nước, là một trong những ca sĩ lớn của nền âm nhạc mới thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Đồng thời là một nhà sư phạm thanh nhạc giàu kinh nghiệm, ông đã đào tạo ra nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cho nước nhà như NSƯT Tấn Minh, ca sĩ Trọng Tấn, ca sĩ Trần Thu Hà...

NSND Quốc Hưng là học trò “trân truyền” của NSND Trần Hiếu. Kế thừa vị thế của người thầy, NSND Quốc Hưng hiện cũng được coi là giọng Bass số một của Việt Nam, anh cũng là giọng hát tầm cỡ, đoạt được nhiều giải thưởng lớn trong các cuộc thi, liên hoan âm nhạc trong nước và quốc tế. Quốc Hưng cũng tham gia giảng dạy, anh hiện đang giữ cương vị Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong sự nghiệp đào tạo, nhiều học trò của anh cũng đã trở thành những nghệ sĩ vững vàng. Trong số đó phải kể tới ca sĩ Quang Hà - một giọng ca được nhiều bạn trẻ yêu mến, hay giọng hát thính phòng Phan Trung Kiên từng đoạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi thanh nhạc quốc tế.

Nhưng điều khiến khán giả cảm thấy xúc động với màn trình diễn của hai thầy trò cùng là NSND ấy chính là câu chuyện của người thầy NSND Trần Hiếu năm xưa để có được người trò, là NSND Quốc Hưng ngày nay. Khi ấy, Quốc Hưng vốn xuất thân là nghệ sĩ Chèo đang thuộc quân số của Nhà hát Chèo Hà Nội, anh quyết định ngã rẽ sang Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Nhưng con đường không suôn sẻ bởi bên cạnh Quốc Hưng là người mẹ tần tảo một mình nuôi đàn con, là những đứa em đang tuổi ăn tuổi lớn, gia đình luôn gặp những khó khăn. Cũng vì lo cho gia đình, Quốc Hưng quyết định bươn chải ra cuộc sống. NSND Trần Hiếu nhìn thấy một tương lai của cậu học trò, nhất định muốn thuyết phục cậu học trò yên tâm học trở lại. Và ông đã không ít lần phải chạy khắp nơi để tìm cậu học trò, khuyên nhủ, thậm chí “nài nỉ” cậu trở lại học.

Với Quốc Hưng, NSND Trần Hiếu không chỉ đơn thuần là người thầy, mà ở đó anh còn thấy bóng dáng của người cha.

Thầy trò đàn hát dân gian

Trên chặng đường gắn liền với âm nhạc truyền thống dân tộc, ca hát dân gian của chính bản thân tôi không bao giờ quên người thầy lớn của chúng tôi, cho dù người thầy này không dạy chúng tôi bất cứ một giờ nào ở trên lớp, ở trong trường nhưng lại cho chúng tôi rất nhiều điều cả về âm nhạc và cuộc sống: Nghệ nhân Hà Thị Cầu (mất năm 2014).

Tôi biết nghệ nhân Hà Thị Cầu từ lâu, nhưng bén duyên và trở thành trò thành con của nghệ nhân thì phải tới năm 2005 khi nhạc sĩ Thao Giang thuyết phục chúng tôi tham gia cùng ông trong nỗ lực đưa hát Xẩm trở lại với đời sống. Cũng từ đây, tôi với nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và nhạc sĩ Giáng Son trở thành những người bạn tâm giao và trở thành những đứa con của “bu” Cầu. Mai Tuyết Hoa biết đến “bu” Cầu sớm hơn tôi nhiều, thông qua những ngày ngồi phân loại băng tư liệu điền dã khi chị còn công tác tại Viện Âm nhạc và rồi từ những phần học bổng của giáo sư Trần Văn Khê dành riêng để khuyến khích Mai Tuyết Hoa theo học một khóa với nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu

Kể từ khi bén duyên, chúng tôi hầu như cứ đều đặn đôi ba tháng lại về Ninh Bình   thăm nghệ nhân Hà Thị Cầu một hai buổi. Cũng trong những buổi như thế, chúng tôi lại ngồi trò chuyên với “bu” về âm nhạc, về hát Xẩm xưa kia, về những bài hát “bu” từng hay hát. Cũng trong những buổi đó, chúng tôi còn tranh thủ học tiếng hát, tiếng đàn, tiếng sênh, tiếng trống... phần vì cũng muốn tìm hiểu, nhưng thú thật, ở thời điểm ấy, một phần lý do học lớn hơn là bởi khát khao của “bu” muốn truyền dạy những câu Xẩm cho hôm nay, nhưng nhiều chục năm trở về trước ở xung quanh khu vực nơi “bu” ở không ai muốn học.

Thật may, những lan tỏa trong nỗ lực không lâu sau đó, hát Xẩm đã hồi sinh, nhiều bạn trẻ   từ khắp nơi tìm đến “bu” và học hát Xẩm. Trong đó, có những bạn sau này trở thành những nghệ nhân trẻ vững vàng, có uy tín tại địa phương, chẳng hạn như Đào Bạch Linh ở Hải Phòng.

Chúng tôi hiểu, chỉ điều này “bu”mới vui, mới mãn nguyện và yên tâm trở về gặp ông Chánh Trương Mậu trùm Xẩm Ninh Bình cũng là người chồng của bu, trở về với tổ nghề hát Xẩm.

Nhận ơn trả nghĩa

Người Việt vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo lại có lối sống trọn nghĩa vẹn tình. Những người trò trong âm nhạc cũng vậy, nhớ ơn những người thầy đã phát hiện, đào tạo và chắp cánh cho mình bay xa, cống hiến cho cuộc đời, những người trò không bao giờ quên ơn thầy.

Nhóm chúng tôi, ngay từ những ngày nghệ nhân Hà Thị Cầu còn ở trên chốn nhân gian, những ngày thầy trò mới gặp nhau, đã luôn làm mọi cách vận động để có được những hỗ trợ về vật chất giúp cho đời sống của người thầy của mình đỡ vất vả hơn. Ngay cả khi thầy đã trở về với tổ tiên, những lớp thế hệ học trò trực tiếp học thầy những năm tháng cuối đời hay học qua băng đĩa cũng chung sức cùng nhau làm những điều tốt đẹp nhất cho thầy và gia đình thầy.

Tác giả bài viết (bên phải) và NS Mai Tuyết Hoa là những học trò xuất sắc của nghệ nhân Hà Thị cầu

NSND Quốc Hưng hiện giờ đã rất vững vàng cả trong công danh, sự nghiệp và cuộc sống. Quốc Hưng vẫn luôn giữ vai trò như người học trò trưởng kết nối những học trò cũ của NSND Trần Hiếu đã các anh em được lo toan, chăm sóc thầy. Anh cũng cảm thấy vui hơn khi đã đón được thầy và cô từ TP.HCM chuyển hẳn ra sống lại tại Hà Nội và mời thầy tiếp tục tham gia giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để thầy được sống trong âm nhạc, sống trong tình yêu thương của học trò. Hay chỉ đơn giản như sự ghi nhớ trọn đời với người nhạc sĩ bậc tiền bối luôn ở vị trí người cha, người thầy của NSƯT Thanh Tâm cũng là một sự trả nghĩa vẹn tình.

Rõ ràng, tình thầy trò trong âm nhạc luôn được đề cao và luôn đẹp trong chính những người trò dành cho thầy của mình.

NGUYỄN QUANG LONG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 478, tháng 10-2021

;