Nghệ sĩ Huỳnh Văn Truyền: Nhiếp ảnh là hơi thở cuộc sống

“Với tôi, nhiếp ảnh là đam mê, là hơi thở, là cuộc sống” - đó chính là tình yêu mà Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Huỳnh Văn Truyền dành cho môn nghệ thuật này. Cháy bỏng, hết mình cho các khung hình, anh đã mang đến cho người xem nhiều tác phẩm đong đầy cảm xúc. Nằm trong số đó là các tác phẩm: Cầu Vàng - Đà Nẵng, Sunset, bộ ảnh Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng chống COVID-19, Phút giải lao… Anh hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Nẵng (thuộc Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng).

Huỳnh Văn Truyền được sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, nhưng cha anh lại là người yêu thích chụp ảnh. Người nghệ sĩ sinh năm 1983 cảm thấy may mắn và có duyên khi được làm quen với chiếc máy Canon F1 chụp bằng phim của người cha từ những năm học cấp hai, điều đó đã khiến cho anh nhen nhóm lên sự yêu thích về nhiếp ảnh. Những bức ảnh đầu tiên của Truyền đều được chụp bằng cảm hứng, chưa có sự nắm bắt về bố cục, ánh sáng. Dần dần, chụp nhiều, kinh nghiệm được tích lũy, anh sắm cho mình chiếc máy số hiệu Nikon D7000 và bắt đầu tìm hiểu về bố cục, kỹ thuật xử lý ảnh, cũng như làm chủ được máy và các chế độ. Lúc này, sự đam mê với ảnh đã bùng cháy mạnh trong Huỳnh Văn Truyền. Nó đã khiến anh phải dừng công việc có thu nhập cao để miệt mài học tập và đeo đuổi niềm đam mê với môn nghệ thuật này.

Năm 2013, Huỳnh Văn Truyền trở thành thành viên Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Nẵng, sau đó là hội viên Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật TP. Đà Nẵng. Tại Liên hoan khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2015, với lần đầu tiên tham dự, tác phẩm Chào đời   của   anh đã giành được Huy Chương Bạc. Cùng năm đó, anh cũng được một giải khuyến khích trong Festival nhiếp ảnh trẻ do Bộ VHTTDL tổ chức, điều đó là một sự khích lệ lớn để Huỳnh Văn Truyền dứt bỏ mọi công việc để “toàn tâm toàn ý” cho sự đam mê của mình. Với bộ ảnh Vooc chà vá chân nâu từ sách đỏ thiên nhiên, anh tiếp tục giành Huy chương Bạc cấp quốc gia trong cuộc thi ảnh Nghệ thuật của Bộ VHTTDL tổ chức đã giúp anh trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Trong sáng tác, Huỳnh Văn Truyền không lựa chọn riêng một thể loại mà anh thử sức trong nhiều mảng đề tài như phong cảnh, chân dung, cuộc sống đời thường. Ở mỗi thể loại, anh luôn cố gắng tìm những góc độ mới, xử lý đường nét, ánh sáng để lột tả được hết vẻ đẹp của thiên nhiên, hình ảnh, niềm vui trong lao động, cuộc sống của con người nhằm mang những thông điệp tích cực đến với người xem. Nhìn vào những “đứa con tinh thần” của anh, có thể thấy được sự nghiêm túc, đầu tư, chỉn chu trong mỗi khung hình của người nghệ sĩ. Vì thế, nhiều tác phẩm của anh đã được in trên các tạp chí của thế giới cũng như giành nhiều giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Xem các sáng tác của anh, khán giả có thể cảm nhận được được sự lung linh, huyền ảo với những sắc màu rực rỡ của Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (Da Nang International Fireworks Festival); ánh hoàng hôn nơi chân trời buông xuống hòa với ánh đèn vàng của những ngôi nhà trong Sunset; hay đôi bàn tay nắm giữ cây cầu vàng vững trãi hoà vào màu xanh của cây cối bên cạnh sự nhấp nhô của những con sóng xanh biếc một màu ở Cầu Vàng - Đà Nẵng (Da Nang Golden Bridge); sự hăng say lao động của người nông dân trên những luống chè xanh biếc, rộng lớn trong Moc Chau tea; hình ảnh người Thợ rèn đang miệt mài làm việc bên cạnh những luống lửa màu vàng rực lớn tỏa ra như những đóa pháo hoa; nụ cười tươi sáng của ngư dân với con cá ngừ trĩu nặng trên vai ở TUNA; hay trong   Ray,   là tác phẩm chân dung cô bé người Chăm có đôi mắt xanh đang nguyện cầu ở Phan Rang. Anh đã làm toát lên vẻ chăm chú, nghiêm túc khẩn cầu của nhân vật, cùng với đó là những hạt mưa lất phất trong buổi chiều đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc…

Không chỉ dừng lại ở mảng ảnh nghệ thuật, NSNA Huỳnh Văn Truyền tiếp tục có sự đổi mới trong nghề nghiệp khi anh có duyên tham gia những sự kiện bên lề của Hội nghị APEC năm 2017 tại Việt Nam. Anh tham gia đầy đủ 13 cuộc thi ảnh được tổ chức tại Việt Nam và may mắn đều giành được giải thưởng. Với thành tích đó NSNA Huỳnh Văn Truyền đã được Ban tổ chức lựa chọn để chụp ảnh nguyên thủ các nước tham dự hội nghị. Vì hoàn thành tốt công việc này, uy tín của anh tiếp tục được khẳng định. Sau đó, anh đã nhận được nhiều lời mời chụp cho các sự kiện của Chính phủ cũng như các sở, ban, ngành. Điều đó đã giúp người nghệ sĩ tiến một bước xa hơn và anh lại tiếp tục học hỏi về thể loại ảnh báo chí, ảnh bộ và câu chuyện trong ảnh.

Tác phẩm Vợ tôi

Với thể loại ảnh báo chí, NSNA Huỳnh Văn Truyền cũng đã cho ra đời nhiều tác phẩm, đặc biệt trong số đó là các bộ ảnh về đề tài phòng chống dịch CoVID-19. Để có những bộ ảnh này, anh đã phải vượt qua rất nhiều căng thẳng cũng như khó khăn, thách thức. Mỗi khi bước vào tác nghiệp, anh luôn phải tập trung cao độ để ghi lại những khoảnh khắc đang diễn ra, đồng thời không để ảnh hưởng đến đội ngũ phòng chống dịch. Anh kể lại: “Trong một buổi chụp bộ đội phun thuốc diệt khuẩn, tôi phải chạy bộ theo chiếc xe. Lúc đó, tôi cảm thấy ngạt thở và muốn xỉu vì đeo khẩu trang và đồ phòng dịch. Tôi đã phải đứng lại cho bình tĩnh rồi tiếp tục bám theo chụp những khoảnh khắc ấy. Hay những lần theo chân các anh chiến sĩ biên phòng tới các chốt phòng dịch biên giới, mặc dù được các anh hỗ trợ mang thiết bị máy móc nhưng tôi vẫn không theo kịp các anh. Có những đoạn, tôi phải bò, tim đậm chân run, đôi lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng nghĩ đến việc không ghi lại được những khoảnh khắc này thì cảm thấy rất tiếc, vì thế tôi đã cố gắng hoàn thành”.

Với những nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, NSNA Huỳnh Văn Truyền đã có được những bộ ảnh ưng ý. Trong đó, phải kể đến bộ Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới và phòng chống COVID-19 được chụp tại biên giới Quảng Nam, đồn biên phòng Axan. Tác phẩm là câu chuyện kể về cuộc sống của các chiến sĩ nơi tuyến đầu. Các anh phải ở trong các lều tạm nằm giữa rừng sâu, không có sóng điện thoại nhưng được đong đầy tình người ấm áp. Các anh vừa tự trồng rau, nấu ăn, vừa giúp người dân phòng chống bệnh dịch nguy hiểm, đồng thời vẫn bảo đảm công tác bảo vệ, tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở để bảo vệ bình yên cho mọi người. Với bộ này, NSNA Huỳnh Văn Truyền đã giành được giải Nhất trong cuộc thi với chủ đề Tự hào một dải biên cương do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động.

Tác phẩm Chim con

Tiếp đó là bộ ảnh Phút giải lao giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 26 vừa qua. Cũng về đề tài phòng chống dịch CoVID-19, Phút giải lao là hình ảnh của đội ngũ y tế trong một đợt lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 2.200 người. Họ chỉ có 15 phút nghỉ ngơi để tiếp tục với công việc nhiều nguy hiểm do nguy cơ lây nhiễm cao. “Trong bộ quần áo phòng hộ lùng bùng cùng với sự căng thẳng sợ nhiễm bệnh, tôi đã bấm máy thật nhanh những khoảnh khắc của đội ngũ y tế đang ngồi nghỉ để sau đó lại tiếp tục bắt tay vào công việc. Thông qua bộ ảnh này, tôi mong muốn mọi người thấy được sự vất vả của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu, cũng như sự khắc nghiệt của bệnh dịch. Qua đó, hi vọng mọi người có ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định nhằm sớm đẩy lùi được dịch bệnh” - anh chia sẻ.

Với sức trẻ, NSNA Huỳnh Văn Truyền vẫn đang tiếp tục nỗ lực làm việc hết mình để có những tác phẩm nghệ thuật đẹp, hay bộ ảnh mang nhiều ý nghĩa. Anh mong muốn trong thời gian không xa, khi đủ điều kiện, sẽ tổ chức được một cuộc triển lãm cá nhân có sự quy tụ của các tác phẩm đã giành giải thưởng với chủ đề Đà Nẵng trong tôi. Chúc anh thực hiện được mong ước của mình và ngày càng tiến xa hơn trên con đường chinh phục nghệ thuật nhiếp ảnh.

NGỌC BÍCH

Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 478, tháng 10-2021

;