Đoàn Cao Quốc sinh năm 1996 là họa sĩ Việt Nam hiếm hoi được trao chứng chỉ International Watercolor Masters của Hiệp hội màu nước quốc tế Anh Quốc - International Watercolor Society (IWS), là người sáng lập và điều hành cùng họa sĩ Hồ Hưng Trung tâm màu nước VietNam Watercolor Art - đây cũng là trụ sở chính của IWS chi nhánh Việt Nam (VN). Anh có nhiều tác phẩm triển lãm và đoạt giải ở một số nước trên thế giới và đang thực hiện một dự án về các thành phố lớn của Việt Nam.
Từ "TP. HCM - Khát vọng vươn cao”
Nhiều người yêu thích Đoàn Cao Quốc thường biết đến anh qua các tác phẩm về thành phố đương đại, thể hiện cuộc sống nhộn nhịp qua các góc nhìn của một người trẻ có những khao khát về sự phát triển. Như Quốc tự ví tuổi của cuộc đời mình như một thành phố, và TP. HCM hiện tại như một chàng thanh niên 25 tuổi đầy khao khát vươn lên, phát triển từng ngày.
Điều đó tạo nên cảm hứng cho bộ tranh về TP. HCM ra đời. Dự án “TP. HCM - Khát vọng vươn cao” bắt đầu từ 2019, kéo dài 5 năm tái hiện lại một con đường di sản sông nước, một thành phố đương đại, trẻ trung, mang sức sống mạnh mẽ và khát vọng vươn cao thông qua các tác phẩm màu nước. Bộ tranh làm nổi bật lên thành phố văn minh, hiện đại và vô cùng quyến rũ khi khoác lên những chiếc áo rực rỡ bằng muôn ánh đèn muôn màu. Các tác phẩm thể hiện những thời điểm khác nhau của thành phố, ở đó đều thấy ánh đèn không bao giờ tắt. Các giá trị văn hóa đa dạng cũng được phản ánh qua hệ thống không gian kiến trúc, các không gian văn hóa công cộng trải rộng khắp thành phố.
Đoàn Cao Quốc tâm sự: “Bộ tranh này tôi dùng bút pháp nghệ thuật “lấy thiên nhiên làm cơ sở để sáng tạo” cùng phong cách sáng tác thiên về cảm xúc dựa trên cơ sở hiện thực. Không chỉ làm bật lên diện mạo TP. HCM, giới thiệu đến công chúng những nét đặc trưng, tiêu biểu của các công trình mà còn giúp người xem thêm yêu mến, tự hào về vùng đất, con người của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định xưa và của TP. HCM hôm nay. Bộ tranh được đánh giá cao trong các triển lãm cũng như những giải thưởng được tổ chức hằng năm”.
Một số tác phẩm trong dự án được đánh giá loại A sáng tác về chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh khát vọng vươn cao” do Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP. HCM tổ chức năm 2019, loại A trong triển lãm sáng tác mới của TP. HCM năm 2020, được Uỷ Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM chọn dùng làm ảnh bìa cho Lịch Xuân 2021.
Đến dự án các thành phố lớn
Một dự án lớn với các bức tranh dài về những thành phố lớn như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. HCM, Cần Thơ... để thể hiện sự gắn kết, cho thấy đất nước đang phát triển mạnh đang được Quốc thực hiện. Hiện tại, anh đã hoàn thành xong một bức tranh dài kết nối 3 thành phố lớn và trọng tâm của VN, đó là tác phẩm Nơi các thành phố hội tụ bức tranh thể hiện 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM trong cùng chung một bố cục để thể hiện sự kết nối chung một mái nhà và sự phát triển song hành của VN. Trong bức tranh, Quốc dùng hình ảnh dòng sông xuyên suốt để kết nối 3 thành phố, hình ảnh dòng sông thể hiện văn hóa gốc lúa nước của dân tộc ta, đó như là nền móng của sự phát triển hiện đại, khắc họa hình ảnh tráng lệ lung linh của những thành phố lớn cho thấy VN đang phát triển hiện đại từng ngày.
Quốc cho biết thêm: “Bên cạnh khắc họa sự dịch chuyển đương đại của cuộc sống thì đồng thời những giá trị văn hóa truyền thống (sự dịch chuyển qua từng thời đại) cũng là một chủ đề tôi rất quan tâm và tìm hiểu, đó như là một sự cân bằng trong tâm hồn của người nghệ sĩ, nên từ đầu năm 2020 tôi đã bắt đầu nghiên cứu và vẽ các bức tranh tĩnh vật lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống của nước ta, các tác phẩm như một lăng kính nhìn về quá khứ để kể một câu chuyên cho riêng nó, chúng ta sẽ bắt gặp được những hình ảnh quen thuộc trong văn hóa của người Việt ta trong các tác phẩm, bộ tranh dự kiến sẽ được trình công chúng vào năm tới 2022. Đây là 2 chủ đề chính mà tôi quan tâm và thực hiện trong thời gian qua”.
Lấy thiên nhiên làm cơ sở để sáng tạo
Tôi hỏi Quốc, với anh thì đề tài hay cách thể hiện quan trọng hơn. Quốc trả lời: “Đối với tôi, một người nghệ sĩ sáng tạo (màu nước hay chất liệu khác) quan trọng nhất là được biểu hiện những tư tưởng, ý đồ của mình ra thông qua các hình thức nghệ thuật, vì vậy việc sử dụng loại hình hay chất liệu nào không còn quan trọng nữa, bởi vì kỹ thuật hay cách vẽ ai cũng có thể đạt được tốt nếu có thời gian học tập và rèn luyện, nhưng cái tạo ra sự khác biệt đó là tư tưởng và con người sáng tạo”.
Kỹ thuật màu nước của Quốc được hình thành và phát triển dần trên nền tảng của kỹ thuật màu nước phương Tây, kết hợp với cách nhìn và văn hóa phương Đông tạo ra những tác phẩm tái hiện văn hóa Việt rõ nét (trong bộ tranh Hoài niệm hương xưa mới nhất) và những tác phẩm mang âm hưởng của cuộc sống đương đại VN. Quốc bảo anh thường sử dụng kỹ thuật vẽ ướt trong các tác phẩm có kích thước lớn, để cho các tác phẩm có được sự mềm mại và lung linh huyền ảo hơn, điều này có nhiều khó khăn bởi vì kỹ thuật này đòi hỏi người họa sĩ phải hiểu và kiểm soát được từ độ ẩm, lượng nước và cả không khí một cách tốt nhất để bức tranh đạt được các hiệu ứng thị giác như ý đồ của tác giả, các kỹ thuật này sẽ được biến tấu và sáng tạo thêm trên nền tảng của kỹ thuật vẽ ướt cơ bản và điều này hoàn toàn được các họa sĩ tự mày mò nghiên cứu vì chưa có một đơn vị giáo dục nghệ thuật chuyên nghiệp nào có đào tạo bài bản về chất liệu màu nước ở VN. Với anh, việc chọn lựa đề tài văn hóa truyền thống một phần vì sự yêu thích muốn thể hiện cách nhìn riêng của bản thân về quá khứ đồng thời đó cũng là trách nhiệm của một người con dân tộc muốn đưa văn hóa VN ra ngoài thế giới.
Hầu như các họa sĩ màu nước ở VN đều lấy hiện thực làm cảm hứng sáng tác chính (vẫn có số ít họa sĩ sử dụng chất liệu này trong các sáng tác trừu tượng vv…) có lẽ vì tính chất của chất liệu, nhưng với mỗi họa sĩ đều có những cách thức thể hiện hoàn toàn khác nhau tạo ra các tác phẩm mang đậm tính cá nhân.
Ở VN trước đây biết đến màu nước thường qua những bức tranh ký họa trong thời kháng chiến hay các bức tranh vẽ minh họa được ứng dụng trong thiết kế hoặc được các kiến trúc sư sử dụng nhiều để diễn họa.v.v. Tuy nhiên hầu như không có tác phẩm hoàn chỉnh nào được sáng tác bằng chất liệu này, vì vậy trong các bảo tàng nghệ thuật ở nước ta đang thiếu hẳn 1 mảng về chất liệu này. Thời gian trở lại đây thì người yêu mến nghệ thuật đã thấy được sự phát triển mạnh mẽ của màu nước và có được sự công nhận từ các đơn vị mỹ thuật chính thống
Với một họa sĩ thì làm sao để thường xuyên nuôi dưỡng trí tuệ, xúc cảm cũng như không ngừng hoàn thiện các giác quan nhất là thị giác để không ngừng làm phong phú các trải nghiệm? Quốc cho rằng: mỗi người sẽ có những cách khác nhau để có thể nuôi dưỡng trí tuệ, xúc cảm cũng như trao dồi các trải nghiệm cuộc sống để có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có chiều sâu nhất. Đối với anh cũng như các họa sĩ lấy thiên nhiên làm cơ sở để sáng tạo thì việc vẽ trực họa để tương tác với thiên nhiên là vô cùng quan trong, bởi vì tự nhiên chính là người thầy vĩ đại nhất, như vậy chúng ta, mới có thể kết nối tâm hồn mình cùng với thiên nhiên, việc vẽ trực họa không những giúp họa sĩ nắm bắt được trạng thái của tự nhiên mà còn có cơ hội thâm nhập sâu vào đời sống văn hóa xã hội để có thể có được những trải nghiệm cuộc sống phong phú và sâu sắc, đó chính là những cơ sở quan trọng để họa sĩ có thể hoàn thành những tác phẩm lớn ở studio. Người nghệ sĩ vẽ một sự vật thì không chỉ cần hiểu rõ cấu trúc hình dáng bên ngoài của sự vật đó mà còn cần hiểu và nắm bắt được các trạng thái cảm xúc của từng sự vật, từ đó chính nó sẽ kể được câu chuyện cho riêng mình thông qua những nét bút.
Không chỉ đam mê nghệ thuật, Quốc cũng như nhiều họa sỹ khác với mong muốn đóng góp chút sức lực nhỏ bé vào công cuộc chống dịch của thành phố, nên đã tham gia nhiều các chương trình đấu giá và bán tranh để gây quỹ ủng hộ cho các chương trình thiện nguyện giúp đỡ những người khó khăn trong thời gian giãn cách cũng như đóng góp vật tư y tế cho tuyến đầu chống dịch.
Dịch bệnh giúp anh nhìn nhận lại các giá trị cuộc sống và quan tâm hơn tới những câu hỏi từ bên trong nội tâm của mình.
VIỆT VĂN
Tranh: ĐOÀN CAO QUỐC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 475, tháng 9-2021