Người nghệ sĩ mang đến những niềm vui

Là một nghệ sĩ có nhiều năm gắn bó với sân khấu xiếc, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Trần Mạnh Cường được khán giả biết đến không chỉ ở những tiết mục Hề xiếc, mà anh còn thành công với những màn nhào lộn hài hước đầy mạo hiểm và hấp dẫn. Anh luôn cảm thấy vui và tự hào khi khán giả nhớ đến anh với những tên gọi thân thương: Chú Hề, anh Cam, anh Quýt…

NSƯT Trần Mạnh Cường

“Chạm duyên” với Xiếc     

NSƯT Trần Mạnh Cường được sinh ra và lớn lên tại vùng đất Hải Dương. Năm 1977 anh tham dự vào vòng tuyển sinh của trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Là người đứng đầu cả ba vòng lựa chọn với số lượng dự tuyển là trên 1000 người, Trần Mạnh Cường nằm trong số 10 người trúng tuyển (hiện nay anh là người duy nhất còn theo nghề) và chính thức bước chân vào ngôi trường chuyên nghiệp đào tạo bộ môn Nghệ thuật biểu diễn Xiếc mà anh yêu thích.

Tháng 9/1978, cậu bé 14 tuổi Trần Mạnh Cường cùng với 60 học viên được tuyển chọn trong cả nước chính thức nhập trường. Sau hai năm học tập kiến thức cơ bản và luôn đứng top đầu của khóa, năm 1980, Trần Mạnh Cường tiếp tục nằm trong số 10 học viên được các chuyên gia tuyển chọn sang Liên Xô đào tạo. Những ngày tháng học tập tại nước bạn, với tố chất hài hước sẵn có cộng thêm sự khéo léo, tinh nhạy, phản xạ tốt và dẻo dai, sau 2 năm cơ bản, anh được nhiều thầy, cô ở các thể loại nhận dạy tiết mục, tuy nhiên lúc đó còn trẻ và thích nhào lộn nên anh đã lựa chọn tiết mục “Nhào lộn hài hước trên xà kép”. Với sự nỗ lực, rèn luyện không ngừng, anh luôn giữ vững vị trí top đầu trong học tập, được các thầy hướng dẫn, dạy học đánh giá cao. Năm 1984, anh trở về nước sau 4 năm học tập, và tham gia biểu diễn ngay. Năm 1985, nghệ sĩ Trần Mạnh Cường chính thức là diễn viên biên chế của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

NSƯT Trần Mạnh Cường và các khán giả nhí

Gắn bó với những hiểm nguy

Bước chân lên sàn diễn, NSƯT Trần Mạnh Cường đã khẳng định được tài năng của mình khi thành công với các tiếc mục xiếc: “Nhào lộn trên xà kép hài hước” và sau đó tập luyện tiết mục “Ðu bay”. Ðây là tiết mục đòi hỏi cao về kỹ thuật nhào lộn và sức khỏe dẻo dai. Các màn diễn do nhóm của anh thể hiện luôn tạo cho khán giả sự kịch tính và hồi hộp. Vì là diễn hài trong tiết mục nên ở những pha nhào lộn, bay chuyền đòi hỏi sự kết hợp chính xác nhưng vẫn phải hài hước, dí dỏm mang lại những tiếng cười vang rộn trong các động tác. Ðể có được những tiết mục lôi cuốn đó thì NSƯT Trần Mạnh Cường cũng như những đồng nghiệp của anh trải qua quá trình tập luyện gian khổ, kiên trì hàng năm trời, luôn đối mặt với những tai nạn như sái tay, đau lưng, trẹo đầu gối, bong gân…, thậm chí bị trọng thương và mang tật là những chuyện “hết sức bình thường” trong đặc thù của bộ môn Xiếc. Vì thế, với anh bên cạnh sự “say nghề”, bền bỉ, kiên trì luyện tập còn phải có lòng kiên trì, dũng cảm.

 Những đam mê, cống hiến của anh đã được “đền đáp” khi tại Liên hoan Xiếc toàn quốc lần thứ III năm1995, NSƯT Trần Mạnh Cường đã giành được Huy chương Vàng trong tiết mục diễn Ðu bay, Huy Chương Bạc Tiết mục Anh thợ xây vui tính. Ðể có được thành công này, anh luôn nhớ đến sự chỉ dẫn của NSND Tâm Chính - nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam và NSƯT Lê Thể. NSƯT Trần Mạnh Cường bồi hồi nhớ lại một kỷ niệm khó quên: “Trở về sau một chuyến đi làm Ban giám khảo ở nước ngoài, cô Tâm Chính đã gặp tôi và nói: ở nước ngoài, cũng tiết mục đu bay, ở cuối tiết mục họ có động tác kéo một diễn viên treo tít lên đỉnh rạp với độ cao trên 20m xong lao đầu xuống dưới lưới, không có dây bảo vệ, cháu hãy thử sức và luyện tập trong một tuần, làm được cô đặc cách tăng hai bậc lương (cười). Nhưng chỉ ba ngày sau, tôi đã gặp cô và xin báo cáo. Hôm biểu diễn báo cáo, khán giả rất đông, sau khi kết thúc tiết mục, sân khấu tắt hết đèn, chỉ để lại một đèn follow chiếu theo chiếc đu đang kéo tôi lên cao 20m, chân của tôi móc vào dây đu. Từ trên đỉnh rạp, tôi làm động tác đầu cắm xuống dưới, kèm theo đó là ánh sáng của đèn follow và âm thanh của kèn trombone tạo cảm giác căng thẳng, hồi hộp, kèm theo là những tiếng kêu sợ hãi của khán giả khi tôi lao xuống. Khi rơi còn cách lưới 60cm (Phải tỉnh táo và chính xác) người tôi cuộn vào và bật lên. Sau khi hoàn thành màn diễn đó, khán giả lặng đi một lúc rồi tiếng vỗ tay rào rào vang lên, tuy nhiên có hai khán giả ngồi xem ở những hàng ghế phía trên vì quá sợ hãi đã bị ngất phải đưa đi cấp cứu”.

Tiết mục Hề nhạc

Mang tiếng cười đến với khán giả

Bên cạnh những pha nhào lộn, nghệ sĩ Trần Mạnh Cường còn có duyên hài hước, cái duyên đó, đã được các thầy dạy ở Liên Xô “nhìn thấy” và muốn anh học chuyên về Xiếc Hề. Nhưng anh đã không lựa chọn và sau khi về nước và cho đến bây giờ anh vẫn cảm thấy tiếc nuối. Tuy nhiên, sự hóm hỉnh đó của anh đã tìm được đất “dụng võ” khi vào cuối năm 1985, trong một chuyến đi biểu diễn xuyên Việt, đoàn dừng chân biểu diễn tại Quy Nhơn, nhóm hề do NSƯT Lê Tiến Mạnh và Tiến Hưng thể hiện có nguy cơ phải dừng vì sáng hôm đó trong lúc chạy chương trình, nghệ sĩ Tiến Mạnh bị ngã, chấn thương không diễn được, trong khi buổi tối đoàn đã phải phục vụ khán giả. “Khi đó NSƯT Trịnh Mạnh Hùng - Ðoàn trưởng nhận thấy tôi có khả năng hài hước nên đã lựa chọn tôi và yêu cầu tập ngay với anh Tiến Hưng để tối biểu diễn có tiết mục Hề trên sân khấu. Lúc đó, tôi chưa thực sự chưa định hình được cách thể hiện, nhưng do đã xem anh Tiến Mạnh biểu diễn nhiều lần tôi cố gắng nhớ lại bắt chước giống anh nên “liều” thử sức, tiết mục hôm đó dù chưa được suôn sẻ nhưng không bị hỏng. Sau đó, tôi tiếp tục luyện tập, học hỏi kinh nghiệm về vai diễn hề dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo của NSƯT Tiến Mạnh, cho đến khi anh Tiến Mạnh khỏi chấn thương, đã nhận tôi vào nhóm Hề có ba người. Sau khi anh Tiến Mạnh nghỉ hưu, tôi và nghệ sĩ NSƯT Tiến Hưng trở thành cặp đôi ăn ý trên sàn diễn cho đến khi NSƯT Tiến Hưng nghỉ chế độ” - anh kể lại.

Bên cạnh các màn nhào lộn, đu bay… đầy hấp dẫn, anh còn tham gia rất nhiều các tiết mục nhiều thể loại khác nhau như: Cầu Ngô, Thạch Sanh đánh trăn tinh (vai Trăn tinh), Nhào lộn hài hước, Tung hứng hài hước, Xếp gạch hài hước... NSƯT Trần Mạnh Cường còn tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem với các tiết mục diễn Hề với tính cách láu lỉnh, tinh khôn, Mạnh Cường đóng cặp với nghệ sĩ Tiến Hưng đã để lại hình ảnh khó quên đối với rất nhiều các bạn nhỏ. Bởi trong mỗi tiết mục, các anh không chỉ lồng ghép vào đó nhiều bài học răn dạy bổ ích, mà còn tạo sự gần gũi với trẻ nhỏ thông qua các cuộc giao lưu từ đó giúp các em chủ động và tự tin trước đám đông. Vì thế, anh Cam, anh Quýt đã khiến các bạn nhỏ nhớ mãi và đó cũng chính là niềm vui, niềm tự hào của người nghệ sĩ.

Không chỉ mang lại tiếng cười cho trẻ nhỏ, nghệ sĩ Mạnh Cường cùng với Duy Ánh và Tiến Hưng cũng gặt hái nhiều thành công trong các tiết mục Hề có nội dung, trong đó có tiết mục Sinh đẻ có kế hoạch (NSƯT Tiến Mạnh dàn dựng) đã giành Huy chương Vàng trong Liên hoan Xiếc Hài Toàn quốc 2013 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu tổ chức. Ðây là tiết mục được xây dựng tuyên truyền theo chủ trương của nhà nước mỗi gia đình chỉ có một đến hai con. Tiết mục kể về một gia đình có quan điểm trọng nam khinh nữ, sau nhiều cố gắng, đã sinh bảy cô con gái và cuối cùng được một cậu con trai, vì thế, bao nhiêu tình cảm đều dồn hết cho cậu bé. Sự chăm sóc được thể hiện ở các tình tiết ông bố chỉ chăm chăm lo cho cậu từng bữa ăn đến giấc ngủ. Lúc cậu quấy khóc và đói, người bố hết sức dỗ dành, làm đủ mọi cách cho cậu uống sữa từ bình nhỏ, đến bình lớn… Sự ăn ý trong diễn xuất của cặp nghệ sĩ đã làm cho tiết mục không chỉ gây được tiếng cười vang dội mà còn khiến người xem hết sức ngạc nhiên bởi tình tiết em bé bú bình sữa 10 lít, hay màn đái vọt sau khi ăn no và không ai nghĩ rằng em bé nằm trong chiếc xe nôi nhỏ xíu chính là nghệ sĩ Tiến Hưng với hình thể to, cao và cân nặng hơn 80 kg…

Tại Liên hoan Xiếc Hài quốc tế 2015 tại Cu Ba với 16 nước tham dự, nhóm hài gồm NSND Tạ Duy Ánh - NSƯT Trần Mạnh Cường- NSƯT Tiến Hưng được Bộ VHTTDL cử đi tham dự. Tại đây, NSƯT Trần Mạnh Cường tiếp tục khẳng định tài năng của mình khi góp sức giành giải Nhất với các tiết mục Hề nhạc, Hề Công viên, Hề kiếm. Ðối với anh, thành công này không chỉ là dấu ấn quan trọng mà còn là niềm tự hào của người nghệ sĩ khi giành chiến thắng trên sàn diễn quốc tế và được Ðại sứ quán Việt Nam tại Cu Ba đánh giá rất cao. Khác với các tiết mục do các nước đem đến liên hoan - là sự thể hiện hài hước bằng câu từ, ngôn ngữ…, các nghệ sĩ Việt Nam đã dùng hình thể, kỹ thuật xiếc, biểu cảm khuôn mặt và kỹ thuật về âm nhạc để thuyết phục Ban giám khảo và người xem. Giờ đây, khi anh đã ở vai trò là Lãnh đạo, Phó Giám đốc Phụ trách về Nghệ thuật của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, anh vẫn đang tham gia vào công tác dàn dựng tiết mục, đạo diễn những vở, chương trình biểu diễn của Liên đoàn.

Với hơn 36 năm đam mê và cống hiến, NSƯT Trần Mạnh Cường vẫn đang tiếp tục “truyền lửa” cho đội ngũ diễn viên trẻ với mong muốn đem đến cho khán giả nhiều niềm vui và tiếng cười trong các màn diễn đầy thú vị và hấp dẫn trên sân khấu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

NGỌC BÍCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 472, tháng 8-2021

;