Họa sĩ Đỗ Quang Em trút hơi thở cuối cùng tại TP. HCM vào tối ngày 3 tháng 8 năm 2021, do tuổi cao sức yếu, thọ 79 tuổi. Đỗ Quang Em sinh năm 1942 tại Ninh Thuận. Ông học trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, tốt nghiệp năm 1965, ngành hội họa. Năm 1966, ông cùng nhiều họa sĩ khác thành lập Hội họa sĩ trẻ ở Sài Gòn. Năm 1973 và 1974, ông tham gia giảng dạy hội họa tại trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia định. Phần lớn tranh Đỗ Quang Em nằm ở thị trường Hồng Kông và Mỹ, do một artdealer người mỹ nắm giữ, bắt đầu tại Galley Lã Vọng, Hồng Kông. Tranh ông phần lớn nằm ở nước ngoài và luôn có giá rất cao. Giá tranh ông vào những năm 2010 tại Mỹ khoảng 70.000USD. Ông là một trong những họa sĩ có đóng góp nhất định cho diện mạo mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật giới thiệu bạn đọc bài viết của họa sĩ Phạm Bình Chương - về nghệ thuật hội họa của họa sĩ Đỗ Quang Em.
Đỗ Quang Em nổi tiếng với lối vẽ Cực thực vô cùng hiếm gặp tại Việt Nam những năm 1970 - 1990, nhưng cái hiếm có của ông không chỉ là kỹ thuật mà là cách nhìn. Thay vì phô diễn kỹ thuật, tạo ra những cú sốc về diễn tả như ta vẫn thường gặp ở Cực thực, ông lại chơi Ánh sáng và Bóng tối là chính.
Đỗ Quang Em, Tĩnh vật, sơn dầu
Nguồn sáng trong tranh của ông bí hiểm, cục bộ với cường độ cao tạo cho đối tượng có độ chói và bóng ngả mạnh. Mục đích của nguồn sáng này không phải là chiếu rõ vật mẫu mà nó le lói, chỉ đủ hiện ra các mảng sáng tối và luôn thiếu thông tin (tức là hình ảnh chỉ hiện một phần của nó, không bao giờ trọn vẹn). Một bức tranh mà người xem chỉ thấy rõ một nửa khuôn mặt, nửa bờ vai, một cái miệng lọ... liệu nó có gây bối rối, khó khăn trong việc thưởng ngoạn tác phẩm không? Hoàn toàn không, không những thế mà còn thấy được rất rõ. Cái “rõ” ở đây đó là “suy đoán”, là “suy diễn”, là “ hình dung” của não bộ... Đỗ Quang Em rất hiểu quy luật thị giác: “khi quan sát đối tượng, nếu một hình ảnh bị thiếu hay mất đi phần nào, não bộ sẽ tự hoàn thiện nó với điều kiện nó (não) cảm thấy biết rõ về hình đó. Ví dụ đơn giản nhất là logo quả táo cắn dở của Apple. Dù bị khuyết nhưng ai cũng nhìn thấy đây là một quả táo, ai cũng có thể tô nốt phần khuyết vì não đã quá quen thuộc với quả táo (nếu không thì mắt sẽ nhìn ra hình vô cùng khó hiểu với nửa quả táo và một chiếc càng cua).
Tỳ bà, sơn dầu,1989
Những đối tượng do Đỗ Quang Em vẽ đều là những gì rất quen thuộc như con người, đồ dùng hằng ngày, nên chắc chắn người xem sẽ nắm bắt nhanh khi quan sát chúng.
Chúng ta thử ngắm bức Chân dung vợ của ông, với ánh sáng hạn chế chỉ chiếu được một phần mặt và tay, còn lại tất cả chìm trong bóng tối. Xem một lúc, khán giả sẽ tự động điền nốt phần lưng và thêm một lúc nữa thì là toàn bộ cơ thể, với một đường viền chuẩn xác và đẹp nhất có thể. Đó chính điều kỳ diệu làm nên tên tuổi của Đỗ Quang Em: người xem tự giải nốt bài toán.
Đỗ Quang Em, Bùa hộ mệnh, sơn dầu, 2000
Trên thế giới, phong cách chơi sáng tối mạnh có thể kể đến George de la Tour rất nổi tiếng với ánh sáng nến hắt ngược. Hoặc ta có thể thấy ở Phong cách u ám (tenebrists) như Caravaggio, Zubaran... nhưng triệt tiêu hoàn toàn đường viền trong bóng tối như Đỗ Quang Em là rất hiếm. Với những ai đã biết và xem ông vẽ, thì ban đầu ông vẫn lên hình như bình thường, vẫn đầy đủ các chi tiết, nhưng sau đó ông đã dìm dần phần tối đi đến một lúc nào đó vừa đủ dừng để hình ảnh tạo ra một hiệu ứng hấp dẫn và gây thách thức.
Ngoài ra ông là người dám chơi khoảng trống. Tỷ lệ khoảng trống đôi khi chiếm 70%, 80% tác phẩm. Khoảng trống của ông không phải là nền sẫm bẹt, phẳng mà là không gian sâu thẳm, vô định. Người xem sẽ tìm ra những hình ảnh lờ mờ trong bóng tối ấy (kiểu như xem tranh của Rembrandt, xem một lúc sẽ thấy hình trong bóng tối hiện ra). Nó làm cho phần sáng trở nên rất “đắt”, cũng như làm cho tranh ông trở nên huyền bí, dù chỉ là những đồ dùng quen thuộc.
Về trình độ diễn tả, ông đã đạt tới độ chín về nghề. Phải xem trực tiếp tranh của ông ta mới thấy trình độ tả siêu hạng thế nào từ màu tới chất và chi tiết, với bề mặt vô cùng hoàn hảo, nhưng chính ông lại giấu nó đi, đủ để người xem phải “thèm”, phải “đoán”... Chính vì thế xem tranh Đỗ Quang Em phải xem lâu và kỹ, để rồi người xem bị mê hoặc lúc nào không hay.
Khi ông rời xa cõi tạm cũng là lúc chúng ta khẳng định lại giá trị của Đỗ Quang Em và cùng ngắm những tác phẩm của ông. Tạm biệt ông với lòng kính trọng và ngưỡng mộ.
PHẠM BÌNH CHƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 475, tháng 9-2021