Nhân vật em trong bài thơ này chính là người vợ đầu của nhà thơ. Ông luôn viết về vợ như viết về một người tình, yêu vợ như yêu một người tình, dù họ đã có với nhau hai người con, và sau đó là cả một chặng thời gian dài xa nhau.
Nhà thơ Thanh Tùng
Bài thơ Thời hoa đỏ được nhà thơ đất cảng Thanh Tùng viết năm 1972, trong những ngày tháng ông ở Hải Phòng. Năm 1989, khi dự trại sáng tác ở Nga, bị ốm phải nằm viện, nhạc sĩ Nguyễn Ðình Bảng vô tình gặp bài thơ này trong tuyển 99 bài thơ tình mà ông mang theo trong túi hành lý. Ở khoảnh khắc xa gia đình xa quê hương, những câu thơ mãnh liệt và đau đớn ấy khiến nhạc sĩ Nguyễn Ðình Bảng xúc động sâu sắc. Bài hát Thời hoa đỏ ra đời, nhanh chóng nổi tiếng gắn với giọng ca Lệ Thu. Thơ đưa nhạc đến và nhạc giúp thơ bay cao bay xa hơn. Ðằng sau Thời hoa đỏ là câu chuyện về tình yêu, tình vợ chồng, câu chuyện về người phụ nữ - nhân vật trữ tình trong bài thơ, cũng là nguồn cảm hứng mãnh liệt và đớn đau trong thơ Thanh Tùng.
Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Hình ảnh màu hoa đỏ trở đi trở lại, ngập tràn trong cả bài thơ, trở thành tâm điểm của cảm xúc, của nỗi niềm day dứt tiếc nuối. Màu đỏ của hoa phượng trên những con đường thành phố Hải Phòng, màu đỏ của dòng máu tươi, của lửa cháy tình yêu, rạo rực, say đắm đến ồn ào, khi mùa hạ đang về, tiếng ve đang sôi ồn ã, và tuổi trẻ đang căng tràn trong từng tế bào mạch máu. Với những ai đọc nhiều thơ Thanh Tùng sẽ thấy đây là một bài thơ “lạ”. Lạ trong cấu tứ, trong âm hưởng, nhịp điệu, trong không gian và thời gian. Lạ ở những khắc khoải, vừa dâng trào mãnh liệt, như từng đợt sóng, vừa như muốn dồn lại thu lại, tụ vào cõi sâu thẳm nhất đau đớn nhất, để thi sĩ tự làm đau mình và đau em. Ðau với yêu - hai trạng thái song hành.
Ta nhìn sâu vào mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót
Trong câu thơ của em
Anh không có mặt
Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say
Hiện thực là hai người đang nắm tay đi bên nhau, trong tiếng ve sôi giữa trưa hè nắng gắt. Nhưng trong tâm tưởng họ lại không thuộc về nhau. Họ đã lạc về hai miền kỉ niệm, với câu chuyện riêng, kí ức riêng và không có một ảnh hình nào của chung nhau cả. Ðó là nỗi xót xa của một người yêu đi bên cạnh người mình yêu, bẽ bàng nhận ra sự đồng sàng dị mộng - mâu thuẫn khiến họ không thể vượt qua chính mình, không thể hai mà trở thành một:
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim
Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em
Thời hoa đỏ mang nhiều yếu tố tự bạch. Dường như tác giả cởi hết lòng mình, trút hết những cảm xúc dồn nén qua bao ngày tháng, để giãi bày cùng em, giãi bày và thanh minh với chính mình. Từng câu thơ như từng cánh hoa đỏ, và tụ lại cả một vùng hoa đỏ, một miền hoa đỏ. Màu đỏ của thời gian, của tâm thức, của quá khứ, và quá khứ ấy vẫn bùng lên trong hiện tại cũng như còn khắc khoải mãi trong tương lai.
Nhân vật em trong bài thơ này chính là người vợ đầu của nhà thơ. Ông luôn viết về vợ như viết về một người tình, yêu vợ như yêu một người tình, dù họ đã có với nhau hai người con, và sau đó là cả một chặng thời gian dài xa nhau.
Mối tình giữa nhà thơ Thanh Tùng với bà Thanh Nhàn như thể thuộc về duyên phận. Thời điểm họ gặp nhau, ông thô mộc, nồng nhiệt, viết những câu thơ đời thợ. Bà là một phụ nữ đẹp, tuổi 30 đằm mặn đã qua hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, dịu dàng, lãng mạn. Họ bị hút vào nhau. Thanh Nhàn nhận thấy ở Thanh Tùng một bờ vai vững vàng đủ tin cậy để bà có thể an tâm tựa vào sau những tổn thương. Thanh Tùng dành cho Thanh Nhàn một tình yêu dữ dội, tôn thờ, dâng hiến. Bác sĩ từng khuyên ông không nên kết hôn với người bị bệnh tim, nhưng ông quan niệm ý nghĩa của tình yêu không phải nằm ở chiều dài của đời người, khi đã yêu mọi lý do khác đều trở nên bé nhỏ.
Có một giai thoại mà các bạn văn hay nhắc đến, gọi ông là người chạy marathon vô địch, cuộc chạy tìm đến tình yêu. Ông yêu nồng nhiệt đến mức khi nghe tin Thanh Nhàn đi công tác ở Tiên Lãng (Hải Phòng), không mượn được xe đạp, ông chạy bộ từ thành phố xuống Tiên Lãng. Chạy đến Tiên Lãng thì Thanh Nhàn sang Vĩnh Bảo. Thanh Tùng tiếp tục chạy đến Vĩnh Bảo. Chạy đến Vĩnh Bảo lại được tin Thanh Nhàn về thành phố Hải Phòng. Thế là Thanh Tùng chạy về thành phố. Yêu nhiều là thế và ghen cũng không ít. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha kể: “Ông yêu chị Nhàn đến mức ghen cả với quá khứ của chị ấy. Hằng ngày cứ phải chịu đựng mãi sự ghen tuông ấy thì làm sao chịu nổi. Quá khứ là quá khứ. Thanh Tùng biết nhưng không thay đổi được. Và giọt nước tràn ly. Chị Nhàn buộc lòng phải ra đi, khi xuất hiện người thứ ba”.
Sau khi chia tay người vợ - người tình “thời hoa đỏ”, Thanh Tùng rất đau khổ. Dù ông phải làm việc, lao động chân tay cật lực để nuôi hai con, nhưng ông không thể quên, càng không oán hận. Chỉ thêm xót xa cho mình, và lo âu trước con đường phía trước của người thương. Mười năm sau cuộc hôn nhân đổ vỡ này, Thanh Nhàn qua đời vì bệnh tim. Nghe tin bà mất trong cảnh cô đơn, ngay lập tức Thanh Tùng bỏ dở cuộc họp của Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội, tất tả ngược lên Quảng Ninh lo tang lễ cho bà với tư cách một người chồng. “Hôm nay mọi người tiễn em ra mộ/ Còn anh đón em về với trái tim anh” - Ðó là nơi yên ổn nhất không đổi thay đối với em (dù em đã thay đổi). Nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết: "Tôi đọc đến đó tôi sững lại. Hai người tan vỡ, tôi không nói lỗi ai, nhưng hàng chục năm thấy anh vẫn âm ỉ đau”.
Nhớ về cuộc hôn nhân này, nhà thơ Thanh Tùng từng tâm sự: “…chúng tôi có những nồng nàn cảm xúc bắt nguồn từ thơ văn, của hai trái tim đương xuân thì rạo rực. Thế nhưng, tình yêu ấy kết thúc nhanh chóng như một tia chớp sáng trong chiều hè, để báo hiệu những trận mưa giông bão tố cho cuộc đời của tôi. Cô ấy đã bỏ tôi đi lấy người đàn ông khác, dù tôi còn đậm tình yêu với cô ấy...”.
Ôi tình yêu như lưỡi câu tự nuốt/ Rồi tự mình cứ lơ lửng treo lên. Không chỉ ở Thời hoa đỏ, trong nhiều sáng tác của nhà thơ Thanh Tùng đều in đậm dấu ấn người vợ đầu mang tên Thanh Nhàn. Ðây là những nồng nàn trong Em đến Hòn Gai: Một mình em bắt cỏ cây phải khóc/ Bao câu thơ đưa em qua bến Cháy/Khói sóng còn vẽ mãi một thời xuân/ Em đã thêm vào con sóng nhỏ/ Cứ xô hoài bờ đá cũng mặn lên.
Hay mê đắm, hồi hôp và đau khổ trong Qua Quảng Yên:
Trời rót xuống bao nhiêu say/ Em rót vào bao nhiêu nhớ/ Những chào mời siết một vòng ôm/ Làm sao mà chứa nổi/ Chân trời treo đầy tiếng sóng/ Vẽ những đường hồi hộp của biển khơi/ Cây vẽ lên ảo giác/ Tôi sẽ thành tan nát/ Nếu không kịp trốn vào đâu/ Bông lau tìm lật qua chiều đông tái/ Cho tôi quên cả lối đi về/ Em sôi nổi làm tôi ngần ngại/ Có bao giờ tôi dám ước mơ đâu!
Giờ đây, cả nhà thơ Thanh Tùng và người vợ, bà Thanh Nhàn đều đã thuộc về cõi khác. Ở cõi khác ấy, nếu gặp nhau, còn gì hơn ngoài sự chia sẻ cảm thông đến tận cùng. Và bài thơ Thời hoa đỏ vẫn ở lại cùng chúng ta hôm nay, như một nhân chứng của thời gian và tình người thấm đẫm.
Tác giả: Anh Thư
Nguồn: Tạp chí VHNT số 472, tháng 8-2021