Nguyễn Đắc Lập là người giản dị. Ông có một cuộc đời từng trải, làm nhiều nghề, qua nhiều vùng đất. Nhưng dù làm gì và ở đâu Nguyễn Đắc Lập cũng luôn mang trong lòng ngọn lửa đam mê mãnh liệt với thơ. Và chính niềm đam mê lạ lùng ấy đã thôi thúc ông cầm bút để rồi trở thành một nhà thơ với nhiều tâm sự sâu lắng và cảm động, gợi thức tâm tư sâu kín của con người.
Sinh ra tại Hà Tây (nay là Hà Nội) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha của ông là lão thành cách mạng tham gia vào giành chính quyền năm 1945 tại tỉnh Hà Tây. Nguyễn Đắc Lập có một tuổi thơ khá vất vả như nhiều người đương thời lớn lên ttrong chiến tranh máu lửa. Lớn lên, ông nhập ngũ, và sau đó ông chuyển sang ngành lâm nghiệp. Nhiều năm ông công tác ở Yên Bái và các tỉnh vùng Tây Bắc trước khi chuyển về Hà Nội năm 1993. Nhưng cũng từ những ngày trai trẻ ấy, Nguyễn Đắc Lập đã yêu thơ và làm thơ. Ngọn lửa đam mê ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn ông, khơi nguồn sáng tạo và hình thành một gia tài thơ đáng quý. Cho đến nay, ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có nhiều tập thơ đã in như: Đất lạ, Linh cảm, Hoa sa mạc, Thành phố, Mây đậu, Tiếng thời gian.
Thơ Nguyễn Đắc Lập giản dị như chính con người ông. Chúng ta không tìm thấy ở Nguyễn Đắc Lập những câu thơ mĩ miều, những sự trau chuốt cầu kỳ về ngôn ngữ. Trong mỗi bài thơ, thường Nguyễn Đắc lập nhanh chóng đưa người đọc đến chỗ bừng lóe nhất của cảm xúc và ý tưởng, tạo xung động trực tiếp và để lại ấn tượng qua những câu thơ trực cảm. Cái đáng quý trong thơ Nguyễn Đắc Lập là cách nhìn sâu sắc và nhân văn về cuộc sống, qua sự phát hiện tinh tế và đầy đau đớn về hiện thực mà đánh thức những cảm xúc sâu thẳm của tâm tư con người.
Qua các tác phẩm của ông, người đọc gặp những câu thơ đầy chiêm nghiệm, nhiều khi đau đớn, chắt ra từ sự ngẫm suy sâu sắc về thân phận con người, về những bi kịch của xã hội hiện đại.
Không ít những câu thơ của ông là những lời gan ruột khiến ta phải ngỡ ngàng, phải day dứt về chính cuộc đời đầy nghịch lý và bất trắc:
“Gần hết cuộc đời
Tôi lại nhìn đời ngơ ngác Tôi sinh ra không biết hát Không có niềm vui
Cuộc đời dạy tôi
Phải biết cười khi gặp điều đau khổ
Phải tìm niềm vui khi hạnh phúc không còn.”
(Hạnh phúc)
Đằng sau những câu thơ thấm đẫm nỗi buồn là tình yêu cháy bỏng với cuộc sống, là khát vọng không thể dập tắt của một con người đã trải mọi gian nan trên con đường tìm hạnh phúc và chinh phục, dựng xây cuộc sống.
Điều đáng nói là Nguyễn Đắc Lập không chìm đắm vào nỗi đau riêng. Ngòi bút của ông hướng đến những cảnh ngộ xung quanh với sự cảm thương, sẻ chia chân thành:
“Bạn tôi con chết Cô em lỡ chồng Còn ai chồng vợ
Nghĩa tình như không…
(Quán nghèo bia hơi)
Thơ Nguyễn Đắc Lập để lại ấn tượng trong người đọc bởi ý nghĩa nhân văn như một nội dung xuyên suốt và thấm đẫm trong nhiều bài thơ. Càng về sau thơ ông càng nhiều ngẫm suy. Trong bài Thành phố ông dựng lên cả một bức tranh phức tạp, đa chiều và có phần hỗn mang về cuộc sống hiện đại. Từ đó, với chất ngất suy tư, ông đặt những câu hỏi day dứt:
“Ôi! Thành phố
Sao chẳng trả lời cho ta câu hỏi Người đi về đâu?
Và tình yêu ngụ ở nơi nào?”
(Thành phố)
Những vấn đề lớn nhất của xã hội hiện đại là sự đánh mất tình người, là sự lầm lạc của con người trong cõi nhân sinh đã được Nguyễn Đắc Lập đề cập như một chủ đề chính trong nhiều bài thơ của ông. Ngòi bút Nguyễn Đắc Lập mạnh ở mặt thế sự. Cái hay của thơ ông là ở chỗ nói chuyện đời bằng cảm thức, suy tư bằng chính trái tim đa cảm. Ông luôn hướng ngòi bút đến sự súc tích và đi sâu vào những yếu tố căn bản của cuộc sống, có sức mạnh gợi thức tâm tư con người.
Đây là một dự cảm của ông như những giọt máu nhỏ ra từ trái tim đầy đau đớn:
“Đến một lúc không còn gia phả Họ hàng chẳng biết mặt nhau Anh em thành nước lã.”
(Thành phố)
Càng ngày, Nguyễn Đắc Lập càng chú ý đến việc lập tứ. Không ít bài thơ của ông có tứ thơ riêng độc đáo như: Ngõ nhỏ, Bên hồ, Quán nghèo bia hơi, Thành phố, Hoàng hôn, Đỉnh… Mỗi bài thơ như vậy là một thế giới nghệ thuật có hình tượng và thủ pháp nghệ thuật riêng. Không ít lần, Nguyễn Đắc Lập đã khiến người đọc bất ngờ vì những tứ thơ sinh động như mở ra cánh cửa cho sự suy tư.
Tôi muốn nhắc đến bài Ngõ nhỏ như một ví dụ:
“Một ngõ nhỏ ven đường Một ánh mắt bất ngờ gặp gỡ Có thể là lối rẽ cuộc đời
Khi ta còn trẻ
Ngõ nhỏ có thể ra
Đường đời không trở lại.”
Từ quan sát về những trường hợp cụ thể, qua những câu thơ tự do và lối ẩn dụ phóng túng nhà thơ đã đi đến suy tư, chiêm nghiệm và triết lý về lẽ đời. Đây cũng là một trường hợp khá tiêu biểu trong tư duy thơ của Nguyễn Đắc Lập.
Nguyễn Đắc Lập không phải là một nhà thơ thời thượng. Không màu mè. Thơ của ông chính là tiếng nói tự nhiên chắt ra từ trái tim đa cảm, từ những dự cảm cay đắng về sự sống, từ tình yêu cháy bỏng với con người.
THIÊN SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 478, tháng 10-2021