Trong giới nghệ sĩ, tình bạn giữa Tự Long và Xuân Bắc luôn được coi là một tình bạn đẹp bởi nó được gắn kết từ thuở hàn vi khi cả hai còn là sinh viên nghèo. Giờ đây cả hai đều đã thành danh nhưng tên tuổi họ vẫn thường gắn với nhau cả trên sân khấu và ở ngoài đời khi họ không chỉ là một đôi bạn thân mà còn là một “cặp bài trùng” trên sân khấu hài.
Nếu trên sân khấu, họ “tung hứng” nhịp nhàng giống như “cặp đôi hoàn hảo” thì ngoài đời họ lại là hai cá tính khác biệt.
Để kiếm thêm tiền trang trải cho việc học hành, “bộ đôi” này làm thêm ở Vọng Quán - một quán khá nổi tiếng dành cho sinh viên hồi cuối những năm 1990. Xuân Bắc có phần hoạt ngôn hơn chuyên dẫn chương trình còn Tự Long thì đập đá, chạy bàn. Đôi khi cao hứng cả hai còn cùng tự biên tự diễn vài màn kịch. Xuân Bắc và Tự Long từng khiến khán giả sinh viên ngày ấy cười nghiêng ngả với lời giới thiệu độc đáo tự vẽ chân dung của mình: “Một người tắm cho chó, người kia quai búa đập đá cho một quán cà phê”.
Khi được hỏi phải chăng đây là hình ảnh thật ngày ấy của hai chàng sinh viên Tự Long và Xuân Bắc khi đi làm thêm ở cà phê Vọng Quán? Tự Long cười hì hì giải thích: “Vì muốn tìm cách giới thiệu độc đáo không đụng hàng nên chúng tôi chọn cách ấy. Đúng là hồi ấy, tôi và Xuân Bắc chơi rất thân với anh chủ quán nên ngoài việc làm thêm dẫn chương trình, đóng kịch, những lúc rỗi rãi cả hai đều phụ giúp chủ quán vài việc vặt. Chẳng hạn Tự Long thì đập đá, chạy bàn, Xuân Bắc vì quý hai con chó ở đó nên cũng thỉnh thoảng… tắm cho chúng thật”. Kể lại những chuyện từ thuở còn hàn vi ấy, Tự Long cười tít rất vô tư.
Nếu nhiều nghệ sĩ chỉ thích khoe vẻ đẹp, sự giàu sang hay khác biệt của mình với những người xung quanh thì trái lại, Tự Long lại luôn hòa mình vào đám đông. Dáng vẻ phong trần, ngoại hình có phần cục mịch, trông Tự Long chẳng khác gì hình ảnh của một anh thợ mộc hay một chú lái xe. Mà thực ra, ngoài đời Tự Long cũng từng làm những nghề ấy. Học xong cấp 3, Tự Long đi học nghề mộc và tốt nghiệp với tay nghề bậc 3/7. Hơn 1 năm theo ông chú đi làm mộc cho các công trình, gặp gỡ nhiều kiểu người trong xã hội, Long tích cóp được nhiều vốn sống, nhất là những câu chuyện tiếu lâm dân gian mà những người thợ thường kể cho nhau nghe sau những giờ lao động nhọc nhằn là chất liệu quý để sau này Long áp dụng trong cách diễn cũng như viết kịch bản. Công việc di chuyển luôn luôn, tiếp xúc với nhiều người, học được lời ăn tiếng nói của người lao động là cái vốn phong phú để Long làm nghề. Chàng trai nông thôn lam lũ ấy sau nhiều đêm thầm lén mơ ước về một thánh đường nghệ thuật đã tự mình khăn gói đi thi. Rồi trúng tuyển, dù không biết lấy tiền đâu để học nhưng Long vẫn quyết “liều một phen”. Vừa đi học, Long vừa tìm việc làm thêm để tự trang trải học phí.
Nhiều bạn bè cùng trang lứa đã nổi ngay từ thời còn sinh viên khi được mời đóng phim nhưng Long lại đen đủi hơn. Chẳng những ít lời mời mà không hiểu sao, hồi ấy, Long lại tự ti về “cái mặt không chơi được” của mình đến thế. Có lẽ bởi vài lần, bạn diễn đã nửa đùa nửa thật nói với Long rằng trông cái mặt Long là họ đã không muốn diễn rồi. Tự nhận mình không có duyên với phim ảnh, Long ngậm ngùi kể lại vài ba cái tên phim ít ỏi của mình mà có lẽ tới giờ chẳng mấy người còn nhớ tên nhân vật của anh nữa. Trái với “cái mặt không chơi được” trên sàn diễn, ngoài đời Tự Long lại là người quảng giao. Anh thường tự hào mình chơi được với cả thiên hạ. Long có rất nhiều bạn, đủ các thành phần trong xã hội. Long chơi với bạn hết mình, trọng chữ tín, đã nói là làm nên nhiều người quý.
Tự Long - Xuân Bắc là cặp bài trùng bổ sung cho nhau
Ra trường, Long về đoàn chèo Tổng cục Hậu cần nhưng “vận đen” dường như vẫn đeo bám Long khi anh mê đắm chèo, sống chết cùng đoàn chèo của mình mà rất ít khán giả biết đến một “Tự Long chèo”. Vận may chỉ đến với Long khi anh cùng Xuân Bắc tham gia sân chơi Gặp nhau cuối tuần. Từ đó, anh trở thành một trong những cây hài được yêu thích ở phía Bắc. Hợp đồng diễn cứ quay như chong chóng, Long chạy sô quanh năm, chẳng biết đến một ngày nghỉ.
Tự Long và Xuân Bắc những tưởng con đường họ đi sẽ “chia đôi ngả” sau thời sinh viên khi Tự Long về Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, còn Xuân Bắc về Nhà hát kịch Việt Nam. Nhưng duyên trời đưa đẩy, rồi cả hai lại cùng thành danh với hài. Chơi với nhau như anh em ruột thịt và quá hiểu nhau, cả hai kết thành một cặp bài trùng trên sân khấu hài thành công đến nỗi nhắc đến họ là nhắc đến cái tên kép của cả hai như là một “thương hiệu”. Hè năm nào, dù bận đến mấy hai người cũng phải dành thời gian để làm chương trình hài cho thiếu nhi, tung hoành khắp mọi miền và “lôi kéo” được một lượng lớn fan hâm mộ nhí.
Nếu trên sân khấu, họ “tung hứng” nhịp nhàng giống như “cặp đôi hoàn hảo” thì ngoài đời họ lại là hai cá tính khác biệt. Xuân Bắc lém lỉnh, ăn nói có duyên, kỹ tính và cầu toàn. Tự Long lại xuề xòa, tếu táo, hay nhường nhịn. Nhưng có vẻ sự “trái dấu” này lại khiến họ bổ sung cho nhau khiến sự cộng tác ngày một khăng khít.
Khi diễn cùng Tự Long, tôi thấy tự tin hơn, ăn ý hơn vì chúng tôi đã “thuộc” tính nhau rồi nên chỉ cần người kia nói nửa câu người này đã hiểu.
Tự Long bảo: “Nhiều năm nay chúng tôi hay đóng cặp với nhau, nhiều người thắc mắc “không thấy nhàm chán hay sao”? Vì sao chúng tôi không có hứng thú “đổi gió” như bác Xuân Hinh hay “đổi món” như nhiều diễn viên khác? Chỉ vì chúng tôi chơi với nhau đã nhiều năm rồi, cùng chia sẻ nhiều điều, cùng cộng hưởng sáng tạo nên luôn có hứng khi làm việc cùng nhau. Cái tôi của nghệ sĩ lớn lắm, nếu so sánh thế này, khi đã uống rượu giỏi rồi thì uống với ai cũng được, nhưng vừa uống lại vừa nấu rượu để uống mới là khó. Tôi và Xuân Bắc cũng thế. Cùng nhau sáng tạo để đưa ra một sản phẩm mà không mất đoàn kết mới là cái khó. Nghệ sĩ mà nhìn thấy nhau là khó chịu thì không thể cùng diễn được. Nhiều khi chúng tôi cũng phải nhịn nhau như nhịn cơm sống, nhưng khi diễn thì luôn dành những gì tốt nhất cho nhau, như dành phần đất diễn hay những chi tiết hay tạo điều kiện cho vai diễn của người kia hay hơn. Đến giờ này chúng tôi vẫn kết hợp được với nhau đã là một hạnh phúc rồi”.
Còn Xuân Bắc chia sẻ: “Tôi và Tự Long sở dĩ được coi là cặp bài trùng là vì chúng tôi có chung lối tư duy và kinh nghiệm xử lý tình huống khi diễn. Nhưng chỉ chừng ấy thôi thì không đủ, mà điều này rất khó lý giải. Khi diễn cùng Tự Long, tôi thấy tự tin hơn, ăn ý hơn vì chúng tôi đã “thuộc” tính nhau rồi nên chỉ cần người kia nói nửa câu người này đã hiểu. Chúng tôi luôn tin tưởng nhau trong nhiều vấn đề, niềm tin này không phải thứ dễ kiếm nên tôi hết sức trân trọng”.
LƯƠNG MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 487, tháng 1-2022