Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Mạnh Cường với những tác phẩm giàu tính triết lý nhân sinh

Với sáng tác đa dạng, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Vũ Mạnh Cường không chỉ thành công trong các thể loại ảnh chân dung, đời thường, phong cảnh, du lịch. Tác phẩm ảnh về đề tài tĩnh vật cũng để lại cho người xem những câu chuyện thú vị giàu tính triết lý nhân sinh, trong đó có các tác phẩm: Trứng và Thép, Níu kéo, Hương sắc mùa thu, Thời gian - Quả và hoa, Trái cấm, Đồng bào - Huyền thoại thuở bình minh...

NSNA Vũ Mạnh Cường sinh năm 1959, sống và làm việc tại thành phố Việt Trì - Phú Thọ. Là kỹ sư, 40 năm qua anh làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Năm 2012 do biến cố về sức khỏe, anh phải dừng công việc nhiều năm gắn bó. Hơn một năm điều trị, sức khỏe dần phục hồi, cuối năm 2013, với cơ duyên ngẫu nhiên khi gặp gỡ NSNA Xuân Hậu - Vĩnh Phúc, niềm yêu thích nghệ thuật từng nhen nhóm từ bé trở lại trong anh. Cùng năm đó, anh “sắm” chiếc máy ảnh để cùng Nghệ sĩ Đắc Phượng, Thanh Thủy, Quang Bằng… đồng hành trên những nẻo đường chinh phục nghệ thuật nhiếp ảnh.

Sẵn nền tảng cơ bản về hội họa học được từ thủa niên thiếu, NSNA Vũ Mạnh Cường tiếp cận với nghệ thuật nhiếp ảnh khá thuận lợi. Trở lại với niềm đam mê, anh tiếp tục được thỏa sức khám phá bản thân trong từng khoảnh khắc, khuôn hình, đường nét, ánh sáng… Nhìn vào sáng tác của anh có thể thấy được sự đa dạng về thể loại, từ chân dung, phong cảnh, cuộc sống đời thường, du lịch đến tĩnh vật - ý niệm. Ở mỗi thể loại, anh đều để lại dấu ấn riêng thông qua cách thể hiện đầy sáng tạo, giàu trí tuệ. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, dẫn dắt, lôi cuốn người xem không chỉ bằng hình ảnh mà còn là sự mạnh mẽ, lắng đọng, giàu cảm xúc. Nhìn vào tác phẩm, người xem được chiêm ngưỡng phong cảnh đang hiện ra trước mắt một cách huyền ảo, từ xa tới gần, từ cao tới thấp của Những bậc thang mây. Đó là hình ảnh ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, Hà Giang. Trong cái nắng vàng phủ trên các vạt núi, một màu vàng óng hiện ra, trải dài nhấp nhô trên một vùng bao la mây ngàn gió núi. Những cung ruộng bậc thang nối tiếp nhau, lớp lớp như quấn vào nhau, ôm lấy bản làng. Khi mùa lúa chín, cả khu ruộng vàng rực bừng sáng dưới nắng chiều, giữa bát ngát của núi rừng tạo nên sự tương phản mạnh về sắc màu; Hay ánh Nhìn về nơi xa nhưng vẫn toát lên sự tươi vui, trong sáng của cô gái người dân tộc, với nụ cười tỏa nắng trên đôi môi, ánh mắt, mang đến người xem những nét ấm áp lạ thường; Những nụ cười tươi của người nông dân sau vụ mùa thu hoạch trong Câu chuyện mùa thu ngô, đó là cuộc sống thường nhật hàng ngày, rất đơn giản, bình dị nhưng đong đầy hạnh phúc... 

Tác phẩm Câu chuyện mùa thu ngô

Gặt hái nhiều thành công, nhưng với anh nhiếp ảnh tĩnh vật - ý niệm là thể loại mà anh tâm đắc và thích thú, bởi ở đó có những nét tương đồng giữa mỹ thuật, hội họa với nhiếp ảnh. Thể loại này không chỉ gần gũi trong mối quan hệ mật thiết với cuộc sống mà còn mở ra nhiều không gian sáng tạo để anh có thể chủ động sắp đặt các đối tượng, thay đổi các yếu tố tạo hình, thoải mái, tự do xoay chuyển bố cục, ánh sáng, hòa sắc... 

Anh chia sẻ “Ảnh tĩnh vật có nhiều nét gần gũi, tương đồng với các bức tranh tĩnh vật, đặc biệt là ảnh tĩnh vật tả thực. Việc sắp đặt hiện vật, bố cục, màu sắc, ánh sáng sao cho vừa thể hiện được nội dung vừa gửi gắm được ý tưởng, là điều tôi luôn mong muốn. Mặt khác, có thể do đặc thù lứa tuổi nên những phút lắng lòng người ta thường hoài niệm, suy ngẫm về quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Vì vậy, ảnh tĩnh vật cho tôi cơ hội để gửi gắm, lưu giữ những suy nghĩ của mình về cuộc sống, con người, quê hương, đất nước…”. 

Tác phẩm Những bậc thang mây

Cú hích khiến anh tìm đến với thể loại nhiếp ảnh tĩnh vật - hình thành từ năm 2015, khi cuộc thi ảnh quốc tế VN15 có đề tài ảnh Tĩnh vật. Chỉ trong vòng một tháng, Trứng và thép, Níu kéo của anh ra đời để đến với cuộc thi, cả hai tác phẩm đã được chọn vào triển lãm cấp quốc gia này. Ngay sau đó, bức ảnh Trứng và thép được trao Huy chương đồng FIAP, bức Níu kéo được trao Bằng danh dự tại thi ảnh quốc tể ở Thổ Nhĩ Kỳ và triển lãm ở nhiều quốc gia khác. Nói về dấu ấn trong thể loại tĩnh vật, anh cho biết: “Tôi tâm đắc nhất với tác phẩm Trứng và thép. Sau khi xây dựng ý tưởng, tôi bắt tay vào tìm hiện vật. Vợ tôi, các em, bạn đồng nghiệp đã hỗ trợ trong việc tìm kiếm và góp những hiện vật phù hợp với yêu cầu của tôi. Vì vậy, sau thành công về mặt chuyên môn, tác phẩm còn là kỷ niệm đẹp trong hành trình sáng tác ảnh. Hiện tại, các hiện vật được gia đình lưu giữ như những kỷ vật vô cùng quí giá...”.

Tác phẩm Nhìn

Sau thành công của Trứng và thép, Níu kéo, NSNA Vũ Mạnh Cường tiếp tục mang đến cho người xem những ý tưởng mới thông qua các biểu tượng, ý niệm sâu sắc, giàu tính triết lý nhân sinh. Bên cạnh đó, với sự làm chủ kỹ thuật từ bố cục, đường nét, sắc độ một cách hợp lý, anh đã truyền tải ý tưởng như “tiếng nói” riêng của mình vào tác phẩm. Đó là Đồng bào - huyền thoại thủa bình minh kể về câu chuyện cha Rồng gặp mẹ Tiên bên bờ những dòng sông huyền thoại. Thiên duyên ấy sinh ra bọc trăm trứng - Tổ tiên chung của cộng đồng người Việt. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nòi giống Tiên Rồng, nghĩa đồng bào luôn là biểu trưng cao đẹp của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam; Thời gian - quả và hoa nói về sự vận động của vạn vật đều tuân theo quy luật của thời gian. Có sinh ắt có diệt, có trẻ ắt có già, có tươi tốt ắt có ngày tàn phai ... Hay sự Quyến luyến của bông hoa tàn ngày cuối thu gợi nên tâm trạng và tình cảm của những người con xa quê hương bước vào đường đời bất tận của riêng mình…

Nói về các tác phẩm, đặc biệt là các tác phẩm tĩnh vật của NSNA Vũ Mạnh Cường - NSNA Đắc Phượng từng nhận xét: “Mặc dù đến với nhiếp ảnh chưa lâu, nhưng với nền tảng, tư duy hội họa sẵn có, Vũ Mạnh Cường đã khẳng định bản thân trong giới nhiếp ảnh một cách nhanh chóng. Vũ Mạnh Cường rất say sưa với nhiếp ảnh, nên trong mỗi tác phẩm, anh khá chỉn chu, sáng tạo, tìm cách tiếp cận mới nên không bị trùng lặp về ý tưởng. Tôi rất thích thú với các bức tĩnh vật - ý niệm của anh. Tĩnh vật là một thể loại ảnh khó, người nghệ sỹ phải tư duy ý tưởng, bố cục, ánh sáng, tạo hình, gửi gắm vào đó một câu chuyện, một ý niệm giàu triết lý nhân sinh. Sắp đặt sử dụng ánh sáng làm sao lột tả được hồn cốt của tác phẩm. Vũ Mạnh Cường đã vận dụng tốt các kiến thức cơ bản về mỹ thuật vào trong nhiếp ảnh cũng như đưa những trải nghiệm văn hóa vùng miền vào tác phẩm. Vốn sống và thời gian giúp Vũ Mạnh Cường rất nhiều trong tư duy nghệ thuật. Không những thành công các thể loại ảnh khác, Vũ Mạnh Cường lại thành công hơn đề tài tĩnh vật như nó đã chọn anh rồi…”

Tác phẩm Thiếu nữ và dòng sông

Hơn bảy năm song hành cùng nhiếp ảnh, cũng là khoảng thời gian anh tìm kiếm, thử sức với nhiều thể loại, đề tài sáng tác. Không trải qua đào tạo bài bản, nhưng với sự kiên trì, nỗ lực học hỏi, thành quả anh thu được là sự đánh giá cao của khán giả, đồng nghiệp cũng như những giải thưởng trong nước và quốc tế. Với anh, “Sự ghi nhận của cộng đồng là phần thưởng, là nguồn động viên nuôi dưỡng tình yêu nhiếp ảnh trong tôi. Đó cũng là động lực to lớn giúp tôi tiếp tục đồng hành cùng nghệ thuật Nhiếp ảnh trong thời gian tới ...”

NGỌC BÍCH

Ảnh: VŨ MẠNH CƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021

;