"Cứ yên tâm, có mẹ đây rồi!"

Tốt nghiệp Lớp diễn viên điện ảnh khóa II - Trường Điện ảnh Việt Nam, Thanh Quý cùng với các bạn đồng khóa như Phương Thanh, Minh Châu, Bùi Cường, Diệu Thuần, Bùi Bài Bình, Hữu Mười, Ngọc Thu… đã trở thành “thế hệ vàng” thứ hai của màn ảnh Việt. Là một nhan sắc nổi bật, Thanh Quý may mắn tỏa sáng ngay từ khi còn là sinh viên. Hơn 40 năm làm nghề, cho đến nay đã ở tuổi ngoại lục tuần, bà vẫn luôn duy trì phong độ diễn xuất và vừa “gây sốt” màn ảnh với vai bà Nga béo trong phim truyền hình Thương ngày nắng về cùng câu “thần chú” cho những đứa con: “Cứ yên tâm, có mẹ đây rồi!”.

Bà mẹ chịu thương chịu khó nhưng hay dỗi và "kể công" với các con trong Thương ngày nắng về

Từ nhan sắc tỏa sáng màn ảnh

Cùng học Trường Điện ảnh Việt Nam thời kỳ những năm 1976 -1977, đạo diễn Lê Hoàng vẫn nhắc đến Thanh Quý như một “biểu tượng sắc đẹp” ngày ấy. Anh kể mỗi khi Thanh Quý đi qua sân trường là tất cả mọi người đều phải ngoái nhìn vì một sắc đẹp “gợi cảm nồng nàn” với đôi mắt to tròn thơ ngây và vẻ lạnh lùng trẻ thơ trên khuôn mặt. Vẻ đẹp ngoại hình đã giúp Thanh Quý có được vai diễn điện ảnh đầu tay ngay từ khi mới 18 tuổi, còn ngồi trên ghế nhà trường. Đạo diễn Trần Vũ đã “chấm” Thanh Quý vào vai Vân - cô thanh niên xung phong đáo để nhưng cũng rất chính trực trong phim Chuyến xe bão táp. Hai năm sau, chị tiếp tục vào vai Vân trong bộ phim Những người đã gặp của đạo diễn Trần Vũ, được coi như phần 2 của Chuyến xe bão táp. Diễn xuất nội tâm tinh tế của Thanh Quý đã giúp chị hai lần nhận Bằng khen về diễn xuất cho hai vai diễn này tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV và thứ V.

Ở thời điểm nhan sắc rực rỡ nhất, Thanh Quý được nhiều đạo diễn, trong đó có những đạo diễn tên tuổi như Trần Vũ, Trần Đắc, Khánh Dư, Bạch Diệp… liên tiếp mời thể hiện những nhân vật phụ nữ có đời sống nội tâm phong phú. Đó là Thi trong Cây xương rồng trên cát, Liên trong Mảnh đời riêng, Ngân Hà trong Tình yêu và khoảng cách, Loan trong Ngõ hẹp, Bích Quy trong Không có đường chân trời, Bích Quy trong Thời hiện tại… Trong đó, vai diễn thành công nhất của chị chính là Ngân Hà trong Tình yêu và khoảng cách (đạo diễn Đức Hoàn). Diễn xuất giàu biểu cảm của chị đã giúp vai diễn thật biến hóa và cũng thật đời, tạo nên một Ngân Hà với cá tính mạnh mẽ, quyết liệt. Vai diễn này đã mang lại cho Thanh Quý giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VII (1985). Năm ấy, Thanh Quý mới 27 tuổi.

Diễn viên Thanh Quý thời trẻ

 Ở giai đoạn đằm sâu nữ tính, sự nhạy cảm của tài năng đã giúp chị thể hiện đầy thuyết phục hình tượng những người phụ nữ của đời thường mà nhan sắc như là một chất xúc tác khiến cuộc đời đẩy đưa họ suốt đời bị tình yêu, tiền bạc và “dục vọng” săn đuổi. Đó là Huệ trong phim Chuyện tình bên dòng sông, Gái trong Người đàn bà bị săn đuổi, Mỹ Sinh trong Phía sau cổng trời và đặc biệt là Sinh trong Chuyện tình trong ngõ hẹp… Những người đàn bà đẹp trên màn ảnh, tràn trề sức sống và khát vọng nhưng lại có thân phận hẩm hiu, nếm trải nhiều đắng cay và mất mát dường như đã gắn liền với tên tuổi Thanh Quý từ đó.

Đến bà mẹ tảo tần gần gũi

 Không chỉ đóng phim điện ảnh, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Thanh Quý chủ yếu đóng phim truyền hình. Nếu trong các phim điện ảnh, chị từng gây ấn tượng với kiểu nhân vật cá tính, sắc sảo, mạnh mẽ và luôn chủ động kiếm tìm hạnh phúc thì vai Lý trong bộ phim truyền hình Mùa lá rụng cũng là kiểu nhân vật quen thuộc ấy. Đạo diễn Quốc Trọng bất mí ông không cần phải tìm kiếm diễn viên đóng vai Lý vì ngay lập tức khi cầm kịch bản ông đã nghĩ đến Thanh Quý. Đó là một vai diễn đầy thử thách nhưng cũng rất hợp với “tạng” của Thanh Quý: một người đàn bà đẹp và quyến rũ, lúc thì sâu sắc, tinh tế, khi lại nông nổi nhẹ dạ. Cũng vẫn là tuýp phụ nữ luôn chủ động kiếm tìm hạnh phúc và đuổi theo khát vọng để rồi cuối cùng phải trả giá, Thanh Quý đã biến nhân vật trong tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn của nhà văn Ma Văn Kháng trở nên thật sống động, đời thường mà vô cùng hấp dẫn. 

Những nhân vật như bà Vu trong Ban mai xanh, bà Hương trong Chuyện phố phường, bà Phụng trong Luật đời hay bà Hương trong Đầm lầy bạc đều là những phụ nữ sắc sảo, khôn ngoan, thực dụng, nhiều tham vọng và thủ đoạn. Hầu như mỗi vai diễn là một lần NSƯT Thanh Quý sống với nhân vật của mình như có lần bà thừa nhận “mỗi lần thủ vai đều bị nhân vật nhập vào và cuốn theo những cơn say”. Có lẽ bởi sự nhạy cảm bản năng đã luôn giúp Thanh Quý nhập vai xuất thần như vậy. Nhưng để có được những nhân vật sống động, chân thực, Thanh Quý còn phải luôn cập nhật dòng chảy thời sự, đọc sách và xem phim để làm giàu tri thức cùng những trải nghiệm của bản thân thông qua quan sát cuộc sống xung quanh. Sự lao động nghệ thuật nghiêm túc ấy của bà đã mang lại những nhân vật dù ở độ tuổi nào cũng vừa đời thường vừa hấp dẫn, cuốn hút. 

Sau nhân vật bà vợ của ông trùm trong Người phán xử - một người phụ nữ sống trong giàu sang nhưng phải giấu kín nhiều tủi hờn u uất, Thanh Quý trở lại màn ảnh nhỏ với một vai diễn hoàn toàn mới lạ so với những nhân vật quen thuộc trước đây. Đó là bà Nga béo bán bún riêu nuôi lớn ba cô con gái và cậu em dại trong bộ phim Thương ngày nắng về. Vừa tần tảo kiếm sống, bà vừa lo gả chồng cho con gái cả, nuôi con gái thứ hai ăn học, bao bọc cho đứa con út vẫn tuổi ăn tuổi học và còn che chở cho cậu em trai. Không những “con dại cái mang”, bà Nga còn chấp nhận tình cảnh “cháu bà nội tội bà ngoại”, chăm bẵm luôn cả hai đứa cháu ngoại. Nói về vai diễn này, NSƯT Thanh Quý cho biết, bà từng nhiều lần đóng vai người mẹ nhưng đa phần là nhân vật có tính cách sắc sảo, ghê gớm, lần này nhân vật đa chiều hơn đòi hỏi chiều sâu diễn xuất khá nặng. Từ quê lên phố, chồng mất trong vụ tai nạn, một mình bà Nga bươn chải nuôi ba đứa con gái, một con nuôi và hai đứa con đẻ. Điều đặc biệt là sống lâu với con nuôi, bà quên mất việc mình chưa từng đẻ ra nó.

Vai bà Nga "béo" tần tảo trong Thương ngày nắng về được rất nhiều khán giả yêu thích

Nếu NSND Lan Hương từng được mệnh danh là "mẹ chồng quốc dân" với vai diễn trong Sống chung với mẹ chồng thì giờ đây, NSƯT Thanh Quý cũng được nhiều khán giả yêu quý gọi là “bà mẹ quốc dân” bởi sự gần gũi, thân thuộc. Dù Thương ngày nắng về được Việt hóa từ kịch bản Hàn Quốc nhưng NSƯT Thanh Quý đã xây dựng được hình ảnh một người mẹ Việt Nam điển hình. 

Bà Nga không phải là một người mẹ hoàn hảo. Bà tần tảo nhưng cũng lắm điều, bà hy sinh nhưng cũng hay kể lể, bà không câu nệ nhưng cũng sĩ diện, bà lo toan nhưng cũng áp đặt… Điều đó khiến cho mối quan hệ giữa bà Nga và ba cô con gái không phải lúc nào cũng yên ấm, thậm chí có lúc những đứa con, và cả chính bà, uất ức muốn bước ra khỏi ngôi nhà của mình. Nhưng thứ làm bà Nga khác biệt, làm nên một bà Nga “béo” vừa gần gũi lại vừa “độc nhất vô nhị” chính là sự mạnh mẽ, kiên cường vượt qua mọi nghịch cảnh mà những câu nói trứ danh của bà không chỉ nâng đỡ những đứa con mà còn khiến cho khán giả nức lòng. Mỗi khi những đứa con gặp khó khăn trên đường đời, bà Nga lại ôm vào lòng và an ủi: “Nếu đời này mà dễ dàng thì con người ta đã không đến thế giới này bằng tiếng khóc. Mẹ sống được đến bây giờ, thì con gái mẹ nhất định cũng sẽ sống được. Cứ yên tâm, có mẹ đây rồi…” “Có mẹ đây rồi” như là một câu thần chú mà bà dành cho ba cô con gái, giúp chúng có thêm sức mạnh để bước tiếp. 

 Đã khá lâu rồi trên phim truyền hình Việt Nam mới xuất hiện nhân vật người mẹ nằm trong một câu chuyện dài hơi, một người mẹ thật như cuộc đời, không phóng đại cũng không tô hồng.Trên trang fanpage của phim, nhiều khán giả cảm thán “sao bà Nga giống hệt mẹ mình!”. Bà được khán giả yêu quý đến nỗi thuộc luôn cả những câu vần vè mà bà hay nói cũng như bài vè về bà “lúc tươi lúc héo, nói suốt cả ngày”, “chăm chỉ làm lụng, lắm lúc kể công”...

ANH THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021

;