Nhiều người nghĩ nghệ thuật chèo là môn nghệ thuật mang đậm tính dân dã. Nhưng theo GS Trần Bảng, nghệ thuật chèo là sự đan xen, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cả bác học và dân dã, được khắc họa tinh tế bằng bút pháp ước lệ. Sự kết hợp này được chưng cất từ hàng ngàn năm trầm tích từ những biến thiên trong tôn giáo, văn hóa Việt Nam. Để rồi chèo được sinh ra, với mục đích tối thượng vì nhân dân và hướng đến nhân dân.
GS, NSND Trần Bảng
Ước lệ của chèo
Giáo sư, NSND Trần Bảng là đạo diễn, soạn giả và nhà nghiên cứu chèo có đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật nước nhà. Ông sinh năm 1926 (Canh Dần) trong một gia đình khoa bảng, có nhiều người thành danh ở lĩnh vực văn chương nghệ thuật ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Ông nội ông là tuần phủ Trần Mỹ. Cha là nhà văn Trần Tiêu, đậu Thành chung, mở trường dạy học và là cộng tác viên đắc lực của Tự lực văn đoàn. Đây là nhóm văn học Việt Nam do Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) sáng lập, hoạt động sôi nổi nhất trong khoảng những năm 1932 - 1939. Bác ông cũng chính là nhà văn Khái Hưng, một trong những thành viên chủ lực của nhóm văn bút này.
Sau gần 7 thập kỷ cần mẫn lao động sáng tạo trên chiếu chèo, ông đã có những thành tựu ở 3 vai trò soạn giả, đạo diễn và nhà lý luận. Ông là đạo diễn thành công của sân khấu chèo với trên 20 vở diễn được đánh giá cao, trong đó nhiều vở được coi là các mốc son đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của sân khấu chèo cách mạng ở cả hai phương diện phục dựng trò diễn cổ và sáng tạo trò diễn mới như Quan Âm Thị Kính, Suý Vân, Lưu Bình Dương Lễ (chèo cổ), Tống Trân Cúc Hoa (dân gian), Tô Hiến Thành (lịch sử), Cô giải phóng, Cô gái và anh đô vật (hiện đại)… “Ông trùm chèo” là biệt danh do nhà thơ Huy Cận khi đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) đặt cho ông tại cuộc Hội thảo về chèo tại Hải Phòng năm 1972.
Nhà thơ Huy Cận đặt cho GS, NSND Trần Bảng biệt danh "ông trùm chèo"
Trần Bảng cho rằng ông đến với nghệ thuật chèo là một cái duyên. Cái duyên ấy gắn chặt với tình yêu nồng nhiệt môn nghệ thuật sân khấu truyền thống này. “Tôi đỗ tú tài Tây, ngày xưa là có thể làm ông quan huyện hay tham phán, nhưng lại “trèo” vào một cái “xướng ca vô loài, tại sao thế?” - GS Trần Bảng tâm sự. Chỉ có tình yêu chèo mới trả lời được câu hỏi ấy.
Theo Trần Bảng, vở đầu tiên ông chọn dựng là Quan Âm Thị Kính. Vở này từng có ý kiến cho rằng ông “lai” sân khấu, bởi ông học ở trường Tây. Nhưng theo “ông trùm trèo”: “Trường Tây không dạy về cái sân khấu này đâu, mà trường Tây dạy về sân khấu cổ điển. Tôi thuộc lòng những tác gia, tác phẩm kịch cổ điển, bởi phải phục vụ cho thi cử. Kịch cổ điển đặc trưng là tả thực, khác biệt hoàn toàn với chèo, đặc trưng bởi tính ước lệ”.
Thời ấy, khi học từ trường ra, nhiều người làm sân khấu kịch cũng bị ảnh hưởng bởi kịch nói của phương Tây, “dù truyền thống đến mấy, các cụ cũng chỉ làm đến kịch thơ” - GS Trần Bảng nhấn mạnh. Theo ông, kịch thơ thời ấy làm chủ yếu dựa vào kịch nói, chứ không đi được vào cái ước lệ.
Tại sao trong bối cảnh ấy, Trần Bảng lại thấy cái ước lệ trong chèo Việt Nam?
Trả lời cho câu hỏi ấy, ông chia sẻ: “Tôi là cháu cụ Khái Hưng, con cụ Trần Tiêu, những thành viên, cộng tác viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Năm tôi được về Hà Nội học tú tài, tôi ở tại tòa soạn báo Ngày Nay (cơ quan ngôn luận chủ yếu của Tự Lực Văn Đoàn). Ngày ngày, tại tòa soạn, tôi được tiếp thu văn hóa của thế giới, bởi tòa soạn mua rất nhiều sách báo, chủ yếu là báo Pháp”. Theo GS Trần Bảng, bấy giờ, chương trình đào tạo trong nhà trường Thuộc địa bao giờ cũng bảo thủ, vì đã được cả hệ thống công nhận. Còn những cách tân, những cái mới thì giáo dục thuộc địa chưa chạm vào được. “Văn hóa Pháp đưa đến Việt Nam rất hay, nhưng mới dừng lại ở kinh điển. Khoa học thì cũng mới tới Newton, triết học mới đến Decartes,… nhà trường đào tạo tất cả những cái cơ bản, những kiến thức kinh điển của thế kỷ XIX. Nhưng đời sống thực tế đã phát triển hơn rất nhiều. Đầu thế kỷ XX, khoa học đã khác, nghệ thuật cũng khác”.
“Thông qua văn hóa Pháp của đầu thế kỷ XX, có thể thấy bấy giờ cả châu Âu đã ngả về phương Đông. Sân khấu là thứ yếu, chứ hội họa, thể hiện trong các tác phẩm của Gauguin, Van Gogh, Picasso,… ảnh hưởng nhiều của phương Đông, không còn tả thực nữa, tất cả nghiêng về tính ước lệ, ấn tượng. Cho đến đầu thế kỷ thứ XX, Chủ nghĩa Biểu hiện của thế giới ra đời. Cái biểu hiện ấy thực ra chính là cái ước lệ mà thôi. Lúc ấy tôi đã thấy được sân khấu ước lệ của chèo rồi”.
Chèo - Văn hóa Việt hướng về nhân dân
Theo GS Trần Bảng, Chèo xuất phát từ triết học, tôn giáo, nền văn hóa, nghệ thuật Đại Việt. Mà nền văn hóa Đại Việt chưa được chúng ta khai thác hết. Nội tại của chèo có hai luồng tư tưởng, dù là một nhưng vẫn có những dòng khác nhau.
Trong lịch sử Việt Nam, tư tưởng nho giáo chiếm vị thế quan trọng trong đời sống xã hội, là công cụ của tầng lớp cai trị, nhằm thiết lập và giữ ổn định trật tự xã hội. Tuy nhiên, trước Nho giáo, tư tưởng Phật giáo đã đến trước, và đi sâu vào quần chúng nhân dân. Trong khi đó, chữ Hán chỉ ảnh hưởng nhiều đến giới trí thức nho giáo. “Chính vì vậy, trí thức nho giáo muốn làm nghệ thuật, cơ bản là dân, phải làm hướng về nhân dân thì mới ra được”. GS Trần Bảng nhấn mạnh nghệ thuật dân gian của mình là rất khác. “Cho nên, tại sao người ta cứ nói chèo là dân gian, rồi lấy những quy luật của folklore (văn hóa dân gian) mà đánh giá hết? Không phải. Folklore Việt Nam khác. Ngay cả tạo hình, đâu chỉ có riêng những cái hoàn toàn dân gian như tranh Đông Hồ, nghệ thuật dân gian của đình, chùa, điêu khắc,… tính chuyên nghiệp của nó cũng kinh khủng lắm chứ? Hãy từ văn hóa Đại Việt ấy nhìn về các nghệ thuật, đừng lấy tiêu chuẩn chung của thế giới, của cái đã định hình rồi, mà soi chiếu vào chèo” - GS Trần Bảng cho biết.
Vậy nên, theo ông, chèo là kết hợp đan xen giữa bác học và dân dã, ví dụ như điệu hát Sử Bằng của Thị Kính, đúng là của nho sĩ. Nhưng bên cạnh điệu Sử Bằng, lại có điệu “hát con gà rừng” trong Súy Vân: “Con gà rừng ăn lẫn với công…” lại lấy chất liệu từ ca dao, tục ngữ của dân dã. Tài tình ở chỗ, chất bác học và dân dã rất quyện vào nhau. Vở diễn Nàng Thiệt Thê được Trần Bảng chỉnh lý và đạo diễn từ tích cổ Chu Mãi Thần, thể hiện rất rõ tư tưởng ấy.
Xin ông, cho hoãn lại buổi diễn…?
Nghệ thuật chèo là sản phẩm của văn hóa Việt, thể hiện tâm tư, tình cảm của người dân Việt. Qua chèo, thế giới biết đến một nền nghệ thuật đậm đà bản sắc Việt Nam đáng tự hào, chèo định vị bản sắc Việt trên trường quốc tế. Minh chứng cho điều này, GS Trần Bảng kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện:
Năm 1985, GS Trần Bảng cùng đoàn chèo tham dự Liên hoan ca kịch quốc tế năm 1985 tại Berlin (Đức). “Trên báo nói tôi đem chèo đi liên hoan ca kịch quốc tế nhưng nghe nói thế thôi, còn thực hư buổi diễn ấy thế nào thì chưa ai biết”.
GS, NSND Trần Bảng với các thế hệ nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam - Ảnh: NHCVN
Theo ông, bấy giờ, một liên hoan ca kịch quốc tế, có tiêu chuẩn rất khắt khe, không phải ai, đoàn nào cũng được diễn. Qua những vở diễn GS Trần Bảng đã dàn dựng được đánh giá cao, cùng tình cảm trân quý Việt Nam, “phía Ban tổ chức chấp nhận cho Việt Nam tham dự”.
Khi sang Đức để diễn, đoàn chỉ được diễn hai buổi. Tối đầu tiên, đoàn được diễn ở thủ đô Berlin, rất được công chúng đón nhận nồng nhiệt, tưởng như mọi việc “thuận buồm xuôi gió”. Cho đến buổi thứ hai, ban tổ chức sắp xếp cho đoàn chèo diễn ở thành phố Postdam, một thành phố du lịch, cách Berlin 80km. Oái oăm thay, tháng ấy ở Postdam lại là tháng mà mọi dịch vụ du lịch đều “đóng cửa”.
GS Trần Bảng nhớ lại: “Nhà hát hôm ấy rất lớn, khoảng nghìn chỗ, nhà hát trung tâm du lịch Postdam mà. Chiều hôm ấy, khi mọi thứ chuẩn bị đã xong xuôi, anh em chúng tôi đếm đi đếm lại chỉ có độ mấy chục người xem thì sợ quá, chắc mẩm tối nay buổi diễn thất bại rồi”. Bấy giờ cả đoàn chèo tự nhủ: “thôi thế thôi, sự chú ý phải dành cho đoàn các nước khác Ý, Pháp,… toàn những ca kịch nổi tiếng thế giới. Chứ người ta để ý gì đến anh Chèo”. GS Trần Bảng kể lại.
Tuy nhiên, một điều bất ngờ xảy ra. Độ 8 giờ diễn thì trước đó, Ban tổ chức Liên hoan ca kịch mới gặp Trần Bảng, đưa ra lời khẩn cầu: “Xin ông cho hoãn lại buổi biểu diễn,… vì các xe của khán giả ở Berlin đang đang trên đường đến!”. Cả đoàn vô cùng sung sướng, “Thế là tốt rồi, có khách xem rồi!” - GS Trần Bảng mô tả lại cảm xúc khi ấy. Và quả thật, ngay sau đó công chúng từ Berlin và các vùng lân cận kéo đến xem chèo Việt Nam đông nghịt.
Cho đến gần 8 giờ Ban Tổ chức lại xin phép được gặp Trần Bảng. Bất ngờ hơn nữa, họ đưa ra đề nghị: “Xin phép đoàn cho phép bán vé đứng, bởi đã hết chỗ ngồi”. Hình ảnh hàng nghìn khán giả đồng loạt đứng lên vỗ tay không ngớt, họ tung hoa tặng cho các nghệ sĩ tham gia vở diễn khiến Trần Bảng vô cùng xúc động, xúc động đến rơi nước mắt.
Và chỉ mấy hôm sau, tràn ngập trên báo chí là các bài viết về đoàn chèo Việt Nam. Thậm chí, Hội Nghệ sĩ nước bạn còn tổ chức một tọa đàm báo chí lớn về chèo thu hút đông đảo ký giả và công chúng.
“Hay ở chỗ, mình cứ tưởng chèo Việt Nam, người nước ngoài không hiểu, nhưng họ hiểu hết. Khi biểu diễn ở các nước, chúng tôi không cần phải diễn giải, họ xem tự hiểu. Có lẽ bởi chuyện đơn giản, tích chèo rõ ràng, không đi vào chi tiết tâm lý, đó là cái hay của nghệ thuật ước lệ, biểu hiện, hay ở chỗ khái quát được. Ước lệ hóa tức là khái quát hóa lên, cho nên chèo là thơ, chứ không phải kịch nói đâu” - GS Trần Bảng chia sẻ.
“Nếu bây giờ mà có sức tôi đạo diễn lại vở Quan Âm Thị Kính, vẫn làm rất khác. Phải giữ chèo, chèo là sản phẩm của nền văn hóa Đại Việt”. Tâm sự của người đạo diễn chèo 97 tuổi, như truyền đồng lực cho những thế hệ trẻ tiếp nối ngọn lửa tình yêu với bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống này, rộng hơn là yêu văn hóa Việt, hồn cốt Việt, con người Việt. Trong đó, có cả ông, “ông trùm chèo của nhân dân”.
TRẦN ĐỨC ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 487, tháng 1-2022