VẬT CÚNG TRONG NGHI LỄ MỠI CỦA NGƯỜI MƯỜNG Ở LẠC SƠN, HÒA BÌNH

Bản sắc văn hóa của tộc người, những quan niệm về vũ trụ, thế giới và nhân sinh quan của tộc người Mường được thể hiện rất rõ qua nghi lễ mỡi. Ở trong mỗi nghi lễ mỡi đều có sự tuân thủ chặt chẽ từ: trang phục của người thày mỡi, đồ lễ, cách bày trí các đồ cúng lễ, các nghi thức, hành động trong thực hành nghi lễ và các lời khấn...

Theo quan niệm của người Mường thể xác và vong vía liên quan chặt chẽ với nhau như hình với bóng. Vía bị lạc khỏi thể xác sẽ làm cho con người ốm đau, bệnh tật. Khi lạc ra khỏi cơ thể, vong vía thường đi lang thang khắp nơi, có thể đi vào thế giới của người sống, hoặc cũng có thể đi sang thế giới khác. Nếu gia đình không tổ chức lễ cúng tìm chuộc lại vong vía, có thể người bệnh sẽ chết. Để trẻ em hoặc người già ốm đau được khỏe mạnh ngoài việc dùng thuốc điều trị, người Mường còn cầu cúng, nhờ cậy đến sức mạnh vô hình của thần linh phò trợ xua đuổi ma quỷ, tìm lại vong vía cho người bệnh thông qua các nghi lễ do thày mỡi thực hiện. Thày mỡi là người được dân làng tin là có khả năng giao tiếp, điều đình với thần linh, ma quỷ vô hình ở thế giới khác qua hình thức thực hiện nghi lễ mỡi.

Nghi lễ mỡi gắn bó với đời sống sinh hoạt tín ngưỡng dân gian nên phản ánh chân thực cuộc sống của người dân miền núi, trước hết là môi trường tự nhiên, xã hội của người Mường. Đó là môi trường đặc trưng cho nền kinh tế nông nghiệp tiểu nông tự cung tự cấp thể hiện qua hệ thống lễ vật dâng cúng trong các nghi lễ với nhiều đồ chay, đồ mặn được bày trên mâm lá chuối.

 Khi bày cỗ dâng cúng trong nghi lễ mỡi người Mường có những nguyên tắc nhất định, với họ phần ngọn và mép lá chuối tượng trưng cho mường sáng - mường của người sống, phần gốc lá và mang lá tượng trưng cho mường tối - mường ma, mường của người chết. Khi dọn cỗ cho người sống phần ngọn lá hướng vào trong nhà hoặc hướng lên trên phía cửa voóng (cửa sổ nhà sàn) và ngược lại, khi dọn cỗ cho ma quỷ phần gốc lá hướng ra ngoài sân hoặc phía sau ngôi nhà sàn. Cách bày trí các mâm cúng trong nghi lễ đều thể hiện quan niệm ứng xử của người Mường với vong, vía, ma quỷ. Với mỗi nghi lễ các mâm cúng được bày trí cẩn thận theo nguyên tắc nhất định: vị trí đặt mâm lễ, cách bày trí (trên chay dưới mặn, bày cỗ đầy đủ miếng, có miếng đầu miếng cuối, số lượng lễ vật...) và tùy theo từng nghi lễ mà các lễ vật, số lượng lễ vật cũng khác nhau. Thông qua cách bày lễ dâng cúng cho thấy nghi lễ mỡi thể hiện sự kế.t nối giữa con người với thế giới tự nhiên, thế giới vô hình, các lực lượng thần, thánh, phật, ma quỷ.

Qua cuộc sưu tầm tại nhà ông Bùi Văn A... xóm Be Ngoài, xã Chí Thiện, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, người đã gặp nhiều rủi ro về sức khỏe và kinh tế nên đã sắm sửa nghi lễ làm chay 7 cờ gồm: 1 con lợn (to, nhỏ tùy), 7 con gà trống, 2 con vịt, rượu, trầu, cau... để cầu cho dòng họ được mạnh khỏe, yên ổn, mọi sự bình an, chăn nuôi, kinh tế phát triển.

Đúng 7 giờ sáng, họ hàng đến khá đông. Các con vật dùng để làm đồ lễ dâng cúng được chuẩn bị xong xuôi: lợn được làm sạch và để lại thịt sống 1 cái thủ, 1 khoanh khấu đuôi, 2      khoanh vai chân trước và khoảng 1 kg thịt ba chỉ bụng, còn lại đem luộc chín và thái thành miếng; 7 con gà làm sạch để lại 3 con thịt sống, còn 4 con đem luộc chín; vịt 2 con được làm sạch, chặt để lại 1 nửa con (có đầu, chân, đuôi) thịt sống và một ít tiết sống, còn lại luộc chín chặt thành miếng nhỏ.

Các lễ vật được bày lên mâm, trên mặt mâm được lót bằng lá chuối. Mâm đầu tiên được bày lên là mâm thày và mâm thân thư của thày “Nổ” gồm: 1 bát tô to đựng đầy gạo đặt ở giữa dùng để cắm hương, 1 đĩa trầu, cau bên trên đặt mấy tờ tiền lẻ, 1 nhúm thuốc lào, 1 bát nước lã, bên trên miệng bát có vài chiếc que tre chẻ nhỏ gác ngang qua, 1 chai rượu, 7 cái chén, 1 cái đĩa đựng bên trong 3 cái que ngắn khoảng 3cm (gọi là cảo để xin âm dương). Bên ngoài phía dưới mâm là cái đĩa đựng 1 bát nước lã, gác trên miệng bát là 3 ngọn lá bách, 3 ngọn lá lại khìu (lá mọc ở ngoài bờ ruộng) dùng để thày mằn hả đọc bùa chú vào bát nước, lấy ngọn cỏ nhúng vào bát nước đi vẩy khắp nhà xua đuổi tà ma, sau đó cắm ngọn cỏ lên bên trên mái nhà (gọi là rào nhà).

Mâm thân thư của thày được bày ngang với mâm của thày, bên trong bày 1 chai rượu ba mùi vị (trước đó gia đình phải ngâm rượu bằng ba thứ lá: lá sả, củ gừng và mía), trên miệng chai rượu được nút bằng vải đỏ làm giống như một bông hoa, bên dưới là 6 hòn cơm nếp nhuộm màu đỏ, xếp thẳng nhau ở hàng trên, 6 hòn cơm nếp màu trắng được xếp thẳng thành một hàng ở phía dưới, dưới nữa là 12 miếng mía tím chẻ nhỏ bằng ngón tay, 6 miếng đu đủ luộc thái lát, 3 quả chuối xanh luộc chín, dưới cùng là 1 con gà luộc và 1 khoanh thịt lợn luộc thái thành miếng được xếp tròn trong mâm.

Bên ngoài cùng gian nhà, được dựng lên bằng cây tre thành ba cấp và bên trên mái nhà thẳng chỗ ba cấp lên được che bằng một tàu lá chuối. Ba cấp gồm: cấp trên cùng là thờ vua cha, cấp thứ hai thờ phật thánh và cấp thứ ba thờ các quan. Trên các cấp được bày 1 chai rượu được nút bằng vải đỏ, 3 cái chén con, 12 miếng mía tím, 6 miếng đu đủ thái thành lát, 3 quả chuối xanh luộc, 1 nhúm hạt thóc rang cho nở thành bỏng, 6 hòn cơm nếp màu đỏ, 6 hòn cơm nếp màu trắng, 1 thìa vừng rang. Ba mâm này gọi là phật thánh, thờ chay, song họ vẫn đặt lên mỗi cấp 1 con gà luộc để sau khi kết thúc buổi nghi lễ người ta lấy chân gà xuống cho thày bói xem gia sự đã được bình an hay chưa.

Cửa voóng (của sổ nhà sàn) là cửa trên cùng của gian ngoài, được đặt bốn mâm thau, lót lá chuối, trong đó, hai mâm ở phía ngoài là thờ các vua quan, bản thổ trong mường và hai mâm ở phía trong là thờ ma nhà (gia tiên). Cách bày đồ lễ ở hai mâm phía ngoài: bên trên mâm là khúc cây chuối nhỏ cắt ngắn khoảng 10cm dùng để cắm 3 nén hương, 1 chai rượi nút vải đỏ, 6 cái chén con, 1 đĩa trầu, cau, 1 bát canh nhỏ, đựng trên miệng bát là vài chiếc tăm tre nhỏ, 6 đôi đũa, 6 hòn cơm nếp màu đỏ, 6 hòn cơm nếp màu trắng được nặn thành hòn to bằng quả quýt, 1 nắm cơm nếp to màu đỏ và 1 nắm cơm nếp to màu trắng không nặn thành hòn, 1 thìa vừng, 1 con gà luộc, 1 khoanh thịt lợn luộc thái thành miếng xếp tròn trong mâm, bên dưới cùng đặt 1 cuộn vải chuông (vải dệt thủ công màu trắng của phụ nữ Mường); Cách bày đồ lễ ở hai mâm phía bên trong: trên mâm là 1 khúc cây chuối cắt ngắn khoảng 10cm dùng để cắm 3 nén hương, 1 chai rượi nút vải đỏ, 1 đĩa trầu, cau, 1 bát canh nhỏ, gác ngang trên miệng bát là vài chiếc tăm tre, 6 đôi đũa, 1 nắm cơm nếp to màu đỏ, 1 nắm cơm nếp to màu trắng, không nặn thành viên tròn, 1 khoanh thịt lợn luộc được thái thành miếng, bên trên là vài miếng lòng được xếp tròn trong mâm, bên dưới cùng đặt 1cuộn vải chuông.

Phía bên dưới mâm thờ các vua quan, bản thổ trong mường là hai mươi mâm, đây là mâm thờ dành cho các binh lính đi theo hầu, gọi là mâm nhưng được đan bằng que tre chẻ nhỏ, hình tròn rộng chừng 20cm. Được xếp thành 4 hàng, mỗi hàng là 5 mâm, trên mâm lót lá chuối và bày trong đó 1 hòn cơm nếp màu đỏ, 1 hòn cơm nếp màu trắng, 2 miếng thịt lợn luộc và 2 đôi đũa. Ở hai đầu của các mâm có 2 chai rượu (ba mùi).

Bên dưới mâm thờ các binh lính đi theo hầu vua quan, bản thổ trong mường, ở vị trí giữa gian ngoài cùng, tức phía trước mâm được dựng lên làm ba cấp. Đây là mâm thờ eeng, ún cun khôồng (mâm thờ thần bảo hộ nông nghiệp) được bày bằng mâm nhôm to lót lá chuối ở dưới. Bày bên trong mâm 1 khúc cây chuối cắt ngắn khoảng 10cm, dùng để cắm hương, 2 chiếc chén, 1 đĩa trầu, cau đặt ở đó vài tờ tiền lẻ, 1 nắm cơm nếp to màu đỏ, 1 nắm cơm nếp to màu trắng, 1 bát canh nhỏ, gác ngang phía bên trên bát vài chiếc tăm, 2 đôi đũa và 1 con vịt đã luộc chín.

Kế tiếp lùi vào phía trong gian giữa ngôi nhà có 3 mâm nhôm to, với các lễ vật được bày gồm: mâm thứ nhất gồm: 3 hòn cơm nếp to màu đỏ, 3 hòn cơm nếp to màu trắng, 2 chai rượu, 1 đĩa trầu, cau đặt trên là mấy tờ tiền lẻ, 12 miếng mía chẻ nhỏ, 1 thìa vừng rang, 3 quả chuối xanh luộc chín, 6 miếng đu đủ luộc chín, 1 nhúm hạt thóc rang nở thành bỏng, 1 khoanh thịt lợn luộc thái miếng bên trên có lòng được bày thành vòng tròn, 1 bát canh nhỏ, gác trên miệng bát là vài cái tăm; mâm thứ hai gồm: 3 chai rượu loại 0,65l, vài chiếc chén nhỏ, 1 đĩa trầu, cau đặt vào đó vài tờ tiền lẻ và vài bó tiền âm; mâm thứ ba gồm: 1 thủ lợn, 1 khoảnh đùi sau còn cả chân, 1 khoảnh thịt liền cả đuôi lợn, 12 miếng thịt ba chỉ sống dài chừng 20cm, rộng 3cm, dùng lạt xuyên qua miếng thịt buộc lại dùng để xách... Ở giữa 3 mâm, đặt 3 cuộn vải chuông to màu trắng. Cả 3 mâm này được bày ra gọi là mâm chung, cho các vua cha, phật thánh và các quan, vua quan, bản thổ trong mường, các binh hầu...

Bên dưới cùng gian ngoài, bày 120 mâm nhỏ được đan bằng nan tre, có đường kính khoảng 20cm lót bằng lá chuối, bày trong mâm là 1 hòn cơm nếp màu đỏ, 1 hòn cơm nếp màu trắng, 1 miếng thịt lợn, 1 miếng gan lợn, 2 đôi đũa, ở hai đầu và ở giữa mâm đặt mỗi đầu 1 chai rượu 0,65l và chen vào giữa đó 3 bát canh nhỏ, gác trên bát là vài cái que tre.

Bên góc ngoài cùng phía gian ngoài, cạnh dưới 120 mâm được bày 1 mâm lót lá chuối trong đó có bày 3 con gà để thịt sống, nguyên lòng, tiết, 1 chai rượu, 3 cái chén nhỏ, 1 đĩa trầu, cau, 1 bát canh nhỏ, 1 nắm cơm nếp màu đỏ, 1 nắm cơm nếp màu trắng, 1 mẩu cây chuối cắt ngắn dùng để cắm 3 que hương. Đây là mâm thờ ba ông thần què (người Mường coi ba vị thần này là thần bảo vệ trong ngàn, trong rừng sâu).

1 mâm đan bằng tre có đường kính khoảng 70cm (người Mường gọi là mủng), lót lá chuối ở dưới, đặt ngay sát cửa chính từ cầu thang lên. Trong đó bày một nửa con vịt sống còn đầu, chân, lòng gan và dùng 12 chiếc que nứa vót nhọn cắm vào con vịt, 1 bát tiết vịt còn để sống, 1 nắm cơm nếp màu đỏ, 1 nắm cơm nếp màu trắng, 2 đôi đũa. Mâm này để thờ ma ếm (một loại ma thường gây ốm đau, chết chóc cho người dân).

Ngay phía trên mâm ma ếm bày 1 mâm bằng chiếc mủng nhỏ, lót lá chuối ở dưới, mâm này có đường kính khoảng 60cm, trong đặt 1 chai rượu, 1 đĩa trầu cau, 1 nắm cơm nếp màu đỏ, 1 nắm cơm nếp màu trắng, 1 bát canh nhỏ, vài miếng thịt lợn chín thái nhỏ, vài đôi đũa, 1 mẩu cây chuối nhỏ cắt ngắn, cắm vào đó 3 nén hương. Mâm này để thờ ma clùng (người Mường cho rằng loại ma này rất độc ác và hung dữ). Mâm này được bày ngay sát mâm ma ếm, bên cạnh cửa lên xuống với mục đích cúng khấn cho chúng ăn xong rồi đuổi đi luôn.

7 chiếc cờ, gọi là cờ nhưng thực ra là thân cây ngả (cây chít), còn để vài lá trên ngọn và buộc vào ngọn một đoạn mảnh vải trắng dài khoảng 50cm, rộng 7cm. Cờ được cắm từ ngoài cổng vào tận trên ban thờ vua cha, phật thánh và các quan (mâm được dựng bằng cây tre thành ba cấp).

Trong nghi lễ họ dùng sợi chỉ xe lấy của các mệ (phụ nữ) Mường rồi buộc dẫn từ trên ban thờ vua cha, phật thánh đến các quan rồi lần lượt dẫn đi các mâm, sau khi kết thúc buổi lễ thày xin cảo (xin âm dương), người Mường khi xin kết thúc buổi lễ mà xin được hal ngạ mộch khấp (2 que ngửa, 1 que sấp) là mọi điều tốt lành, yên ổn được vua cha, phật thánh, các ngài, quan phù hộ... Còn khi mới bắt đầu vào nghi lễ cúng thì thày xin quẻ âm dương ngược lại là hal khấp mộch ngạ (2 que sấp, 1 que ngửa), xin được như vậy mới bắt đầu làm lễ.

Nghi lễ mỡi là một trong những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Mường bắt rễ lâu đời, ăn sâu vào tâm khảm của người dân, góp phần xây dựng nên bản sắc riêng có của người Mường ở Hòa Bình.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 - 2017

Tác giả : BÙI VĂN HỘ

;