Cách đây đúng 75 năm, dù cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn cam go, quyết liệt, vận mệnh đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng Bác Hồ vẫn luôn dành thời gian quý báu về vấn đề thi đua. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm động viên nhân dân ta “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, phát huy truyền thống thi đua yêu nước, góp phần vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước.
Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong lời kêu gọi thi đua, Người nêu rõ: “Vì bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau, làm cho mau, làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa… Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia công việc, các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn, đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp, đồng bào công nông thi đua sản xuất, đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh, nhân viên chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân, bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng… Ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”.
Với cách diễn đạt súc tích, cô đọng, ngắn gọn, Bác đã đưa ra một hệ thống các quan điểm về thi đua ái quốc một cách toàn diện, sâu sắc, cụ thể và thiết thực, gắn chặt với những hoạt động thường ngày của con người. Từ đó, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi như lời hiệu triệu, lôi cuốn, động viên, cổ vũ và truyền thêm sức mạnh, thôi thúc mọi người dân Việt Nam phát huy tinh thần yêu nước, nêu cao ý chí cách mạng, ra sức thi đua chiến đấu, cùng đoàn kết, tạo sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”. Đây là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, lan tỏa, phát triển khắp mọi miền đất nước; đồng thời phát huy, nâng cao lòng yêu nước, thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu.
Tranh cổ động: Nguyễn Thị Mỹ Dung - Hà Nam
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua vào thực tiễn cách mạng Việt Nam
Quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào phát động và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước ở nước ta, hàng loạt cuộc phát động hưởng ứng thi đua của các ngành, các giới, điển hình là các phong trào “Sóng Duyên hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba nhất”, “Trống Bắc Lý”, “Tăng gia sản xuất và tiết kiệm”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Phụ nữ ba đảm đang”… đưa đất nước từng bước vượt qua những khó khăn trước mắt, đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết phục vụ cho kháng chiến.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với các phong trào “Tay búa, tay súng”, “Bám đất giữ làng”, “Một tấc không đi, một ly không dời”, “Giết giặc lập công”, “Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tất cả để bảo vệ biên cương của Tổ quốc”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”... các phong trào thi đua đã tạo nên động lực to lớn, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau năm 1975, đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, các phong trào thi đua yêu nước vẫn không ngừng phát động, tiêu biểu là phong trào “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”, “Tất cả vì hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã góp phần nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, đưa nước ta vượt qua mọi thách thức, khó khăn.
Trong đổi mới và hội nhập, nhiều phong trào tiếp tục được phát động và thực hiện có hiệu quả như: “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “5 xung kích, 4 đồng hành”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “5 không, 3 sạch”, “Vì Trường Sa thân yêu”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Ðền ơn đáp nghĩa”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,… tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế.
75 năm qua, vận dụng thực hiện tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đem lại những thành tựu khởi sắc trong 37 năm đổi mới: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tuy nhiên, thời gian qua phong trào thi đua yêu nước ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn còn một vài hạn chế, nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến ở một số nơi chưa được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và tích cực nhân rộng. Một số cơ quan, địa phương vẫn còn “bệnh thành tích”, cạnh tranh không lành mạnh hoặc mang tính hình thức trong phong trào thi đua, dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua trong tình hình mới
Để phong trào thi đua yêu nước thật sự hiệu quả, thiết thực, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nêu cao khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước; về phong trào thi đua trong giai đoạn mới. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua trong tập thể và ý thức tự giác của mỗi cá nhân.
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước ngày càng thiết thực, hiệu quả; gắn các phong trào thi đua với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ cấp bách ở địa phương, đơn vị. Các phong trào thi đua cần được tổ chức sôi nổi, rộng khắp với những hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí thi đua cụ thể, hướng vào những trọng tâm, đột phá; tạo sự đồng thuận của toàn xã hội; phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ba là, kịp thời lựa chọn, phát hiện, bồi dưỡng các điển hình, nhân tố mới, các tấm gương người tốt, việc tốt, các mô hình điểm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để động viên, khen thưởng, tuyên truyền động viên, cổ vũ và nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Gắn các phong trào thi đua yêu nước với rèn luyện đạo đức cách mạng, phát huy sáng kiến, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; chống chủ nghĩa hình thức. Chú trọng việc khen thưởng phải bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, chính xác, có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương.
Bốn là, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu quả và đột phá để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát về thi đua, khen thưởng; kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm, chọn điểm trước khi nhân rộng phong trào. Các cơ quan, đơn vị phụ trách thi đua, khen thưởng cần đổi mới tác phong làm việc, cải cách thủ tục theo hướng tinh gọn, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, chuyển đổi số, đảm bảo thực thi nhiệm vụ đạt chất lượng, hiệu quả, thiết thực.
75 năm qua, thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, sâu rộng với tinh thần “Người người thi đua. Ngành ngành thi đua” và đã lan tỏa rộng khắp đất nước. Đến nay, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh trong thi đua yêu nước vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải tiếp tục học tập tư tưởng thi đua của Bác, ra sức thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; sửa đổi lối làm việc; nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, nêu cao khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
NGUYỄN THANH HOÀNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 537, tháng 6-2023