Tháng Ba về với mẹ

 

Những bông hoa xoan tím vừa kịp nở từng chùm, hắt lên phía quê nhà bao nhiêu gam màu nhớ thương trong một chiều nắng vàng như mật, tôi gói ghém hành lý trở về với mẹ. Sau bao nhiêu năm bôn ba, tôi học được cách sống chậm với những ngày tháng Ba bên mẹ để lưu giữ lại những ký ức ngọt ngào.

Vẫn là ngôi nhà ngói ba gian, rêu phủ bám xanh rì. Giêng Hai mưa phùn rét mướt, màu rêu loang lổ in rõ trên tường. Sân gạch đỏ au nắng lên hong khô, về tới ngõ đã thấy mẹ khom lưng phơi hạt, nụ cười hiền xuyên qua ánh nắng lấp lánh. Cả một đời mẹ tôi quanh quẩn góc nhà, làng quê ngõ xóm chẳng đi đâu xa, lấy đồng ruộng, cây cối làm bầu bạn vui qua tháng ngày. Và như những ngày tháng khác, tháng Ba mẹ cặm cụi, cần mẫn làm lụng. Làm sao tôi có thể quên được những năm tháng ấu thơ, tháng Ba nắng dát vàng sóng sáng như mật ngọt, tôi theo mẹ ra vườn nhổ cỏ, vun gốc cho cây trồng. Mùa xuân mẹ tỉa đỗ, trồng cà. Những luống đỗ đen dây leo tươi tốt, những cây cà đã ra hoa tím.

Với người dân quê tôi, tháng Ba thường gắn với mùa giáp hạt, vì vậy phải chăm chỉ làm lụng, trồng trọt để bổ sung thức ăn trong bữa cơm gia đình. Mâm cơm mùa giáp hạt thiếu thịt cá nhưng luôn có rau cỏ vườn nhà xanh mát mắt, ngon đến nao lòng. Chắc cũng bởi lẽ đó là mâm cơm gia đình, nơi có giọng nói của người mẹ hiền dấu yêu mà bao năm đi xa tôi luôn nhớ và tìm kiếm trong nẻo tâm hồn mình những phút giây bình yên.

Trong những ngày tháng Ba giáp hạt, tôi có cảm tưởng như mẹ làm nhiều hơn. Mẹ làm vườn, làm ruộng, rồi men theo bìa rừng chặt đót về bó lại thành chổi bán. Những bông đót trắng xóa cao vút thường mọc ở vách núi cheo leo, mẹ cầm liềm, cầm dao vượt qua cây dại, gai góc với chân tay xây xước rớm máu mới có thể lấy được từng bông. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác hân hoan của ngày xưa cũ, cảm giác hạnh phúc vô ngần khi những bông đót mẹ kết được thành một chiếc chổi hoàn chỉnh. Lúc đó tôi sẽ hình dung ra mâm cơm chiều nay sẽ có thêm một vài con cá, con tôm nho nhỏ hay lạng thịt lợn. Tôi học được từ mẹ tính cách chịu thương, chịu khó, sự nhẫn nại, luôn tìm cách để vun vén cuộc sống, dẫu có khó khăn đến chừng nào đi chăng nữa.

Mẹ tôi sinh vào một ngày tháng Ba. Bà ngoại chỉ nhớ mang máng như thế chứ cũng chẳng biết là ngày nào. Khi còn khó khăn, vất vả, hầu như bất kể bà mẹ quê nào cũng vậy, chẳng biết hội hè, sinh nhật với quần là áo lượt hay quà tặng. Bao nhiêu năm trôi qua, mẹ tôi cũng chẳng mong cầu quà cáp, chỉ mong tháng Ba đàn con sum vầy bên gia đình. Anh em chúng tôi về với mẹ để mẹ hạnh phúc trong niềm vui gia đình rộn ràng tiếng nói cười, để mẹ đỡ cô quạnh trong căn nhà lạnh lẽo. Nhìn mẹ ngượng nghịu nhận quà của con mà thấy thương mẹ vô cùng. Bầy con ôm mẹ vào lòng, thấy được cả một vầng sáng mẹ bao quanh chở che và bảo bọc.

Tháng Ba về với mẹ là về với bao dấu yêu ngọt ngào, về với mâm cơm gia đình hạnh phúc với rau cỏ vườn nhà, về với tiếng nói thân thương và những ân tình quê hương bù đắp. Mang theo bao nhiêu ký ức về những tháng Ba, bao bận đi rồi lại về, giấc mơ quê nhà, tháng Ba với mẹ vẫn luôn hiện hữu. Có lần không về kịp với mẹ, gọi cho mẹ, nghe giọng mẹ mà nhớ quê đến nao lòng. Tháng Ba ngoài kia hoa xoan đã nở tím, hoa bưởi đã ngát hương, hoa gạo chói chang và ánh mắt mẹ mong ngóng bước chân đàn con trở về. Ở phương xa, tôi nghe tim mình thổn thức, nhớ một tiếng cơm sôi và thấp thoáng bóng mẹ khom lưng phơi hạt trong nắng vàng lấp lánh, chợt lòng trong veo kỷ niệm.

 

CAO THƠM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 492, tháng 3-2022

 

;