Tết Ga Tho Tho của người Hà Nhì đen ở Bát Xát, Lào Cai

So với mọi năm, mùa đông năm nay đến sớm và lạnh hơn hẳn, đối với vùng cao, cái rét cắt da cắt thịt còn rõ rệt hơn nhiều. Trên con đường ngoằn ngoèo phủ dày sương dẫn đến địa bàn sinh sống của người Hà Nhì đen tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là những cây đào già nhiều lộc, chỉ trực chờ có ánh nắng mặt trời để bung nở khoe sắc. Một năm, người Hà Nhì có nhiều cái Tết, nhưng Tết Ga Tho Tho là cái Tết có ý nghĩa tâm linh quan trọng nhất. Đây cũng là Tết tổng kết một năm, khi mùa màng đã thu hoạch xong, chuẩn bị Tết Nguyên đán, bước vào năm mới.

Tại vùng biên giới Lào Cai hiện nay, có 25 nhóm ngành dân tộc cùng sinh sống, trong đó, mỗi dân tộc có bản sắc riêng nên phong tục đón tết cổ truyền cũng mang nhiều nét độc đáo khác nhau. Đối với người Hà Nhì đen tại huyện Bát Xát, tết Ga Tho Tho là một trong những tết được tổ chức lớn và kỳ công nhất. Theo phong tục, Tết Ga Tho Tho được diễn ra vào tháng 11 âm lịch hằng năm, trong ba ngày, bắt đầu từ ngày Thìn đầu tiên của tháng. Tuy nhiên, năm nay là năm nhuận nên họ tổ chức sớm hơn, từ ngày 22 đến 25-11-2020 (tức ngày mồng 8 đến 10-10 âm lịch). Theo quan niệm dân gian, đây là thời gian đẹp trong năm, các gia đình Hà Nhì cùng nhau làm một mâm cơm cúng để mời tổ tiên về báo cáo một năm qua đã làm được những gì, sau đó cùng người thân, bạn bè tụ họp và ăn mừng năm mới.

Để chuẩn bị cho những ngày Tết Ga Tho Tho diễn ra, tùy theo điều kiện, các gia đình Hà Nhì đều nuôi sẵn một con lợn, trước ngày Tết, các trai tráng trong nhà sẽ mổ lợn hiến tế thần linh. “Trong nghi lễ ăn Tết của người Hà Nhì có sự khác biệt so với một số dân tộc khác: coi con gà là một vị thần báo thời gian, cất tiếng gọi mặt trời như người Mông, người Dao... thậm chí của người Kinh, nhưng người Hà Nhì khi ăn tết lại mổ lợn, vì con lợn trong tín ngưỡng của họ rất quan trọng, cả trong vai trò của các nghi lễ Tết. Tết của cộng đồng gia đình, hoặc các nghi lễ mang tính chất gia đình thì người ta đều mổ lợn”(1). Tại gia đình những người có uy tín, tiếng nói trong bản, mọi người sẽ đến chúc Tết và ở lại ăn cơm. Không khí tấp nập, nhộn nhịp cùng tiếng nói cười không ngớt tạo không gian ấm cúng, mọi người không phân biệt trai gái, già trẻ hay chủ - khách, ai ai cũng hào hứng cùng nhau chuẩn bị các món ăn để bày lên mâm cúng. Từ con lợn được mổ sẵn, sẽ chia thành nhiều phần, phần thịt ngon nhất, tim, gan dùng để cúng tổ tiên; phần còn lại được ướp muối treo lên gác bếp sấy khô, ăn đến sau tết Nguyên đán. Ngoài ra, các lễ vật khác do gia đình tự làm như: bánh dày, chè gừng, cơm trắng, xôi nếp cẩm, canh đậu, rượu... cũng không thể thiếu.

Sau khi mâm cơm cúng đã đủ đầy, chủ nhà sẽ làm lễ cúng. Đây là nghi lễ quan trọng, thể hiện sự biết ơn tổ tiên, các vị thần linh trong năm qua đã phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Đồng thời, qua nghi lễ này, gia chủ cũng gửi gắm những ước nguyện, cầu cho một năm mới bình yên, ấm no, con cháu tránh xa bệnh tật, chăn nuôi năng suất hơn năm cũ. Trong ba ngày diễn ra Tết Ga Tho Tho, người Hà Nhì sẽ làm lễ cúng vào các buổi sáng sớm và tối mỗi ngày. Họ không khấn thành lời mà thực hiện các động tác cúi người, quỳ lạy để tỏ lòng thành kính tổ tiên. Tất cả các thành viên trong gia đình đều làm động tác như vậy. Phụ nữ trong gia đình là người chuẩn bị các món ăn truyền thống để làm mâm cơm cúng; đàn ông có nhiệm vụ dọn dẹp sạch sẽ ban thờ tổ tiên để thực hiện lễ cúng. Khi không có người phụ nữ ở nhà, người đàn ông trong gia đình cũng không thể làm lễ cúng, bởi họ chỉ có thể nhận mâm cơm cúng từ chính tay vợ mình để dâng lên bàn thờ. Điều này cũng phần nào cho thấy vị thế của người phụ nữ Hà Nhì trong gia đình - được cùng chồng gánh vác những việc quan trọng.

Người Hà Nhì quan niệm, trong mỗi nhà đều có thần lửa - vị thần cai quản để ngọn lửa luôn ấm áp, xua tan tà khí, bảo vệ cho gia đình. Tượng trưng của thần lửa chính là hòn đá, được đặt bên cạnh bếp, ở gần bàn thờ tổ tiên. Hòn đá thần thường cao khoảng 40cm, rộng hơn 20cm, “nếu thiếu đi hòn đá, con cháu gặp chuyện không may thì không thể trách ai được. Nhà có thể làm rộng ra hoặc phá đi làm lại nhưng hòn đá vẫn được giữ đúng vị trí, ai để chân lên là có tội, sẽ bị ốm đau” (2). Vì thế, sau lễ cúng tổ tiên, ngày lễ Ga Tho Tho, các lễ vật còn được dâng lên để cảm tạ thần lửa. Tiếp đó, những lễ vật này được chia cho người già và trẻ nhỏ ăn trước, các thành viên khác ăn sau, nhằm thụ hưởng lộc của tổ tiên.

Nghi thức cúng Tết mùa mưa của người Hà Nhì

Ảnh: Ngọc Thành

Trong khi làm lễ cúng, người đàn ông phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc (chủ yếu là màu chàm đen). Quần áo của đàn ông Hà Nhì thường có màu đen, cúc cài trước ngực, có viền cổ màu xanh, trên đầu là những chiếc khăn vấn thay cho chiếc mũ đội đầu. Cúc áo cài trước ngực tương đối đơn giản nhưng đều được làm bằng bạc vì họ quan niệm, bạc vừa có thể trừ tà ma lại rất đẹp để trang trí.

Đối với trang phục của phụ nữ, họ thường mặc áo cổ tròn, phần cuối vạt trước và sau được cắt lượn hình tam giác cân. Bên cạnh đó, để có thêm điểm nhấn, phụ nữ Hà Nhì còn đội chiếc khăn vải được trang trí bằng các đồng xu nhôm, có làm quả bông bằng các loại chỉ màu, làm tua rua đầu quả bông. Một bộ trang phục đầy đủ của phụ nữ Hà Nhì bao gồm mũ, áo, dây lưng và yếm. Trang phục của người Hà Nhì nổi bật với những đường viền lượn cong như sóng nước và mây vờn. Những bông hoa được làm thủ công bằng bạc nổi bật lên trên nền xanh đen của bộ áo. Những chiếc khuy vải cũng được tạo hình bông hoa để liên kết mảnh yếm lại (3).

Để phân biệt với trang phục của các dân tộc khác, người Hà Nhì thêu những họa tiết đặc trưng của dân tộc lên các cánh tay áo bằng chỉ màu xanh da trời. Nhìn tổng thể một bộ trang phục đầy đủ của phụ nữ Hà Nhì, không khó để nhận ra điểm nhấn đặc biệt nhất chính là chiếc mũ đội đầu. Nếu không để ý kỹ, sẽ có người lầm tưởng chiếc mũ là những lọn tóc tết của họ mà làm thành, nhưng thực chất, chiếc mũ được làm kỳ công bằng chiếc đuôi ngựa.

Về những chiếc mũ, người Hà Nhì cũng rất tỉ mỉ trong việc lựa chọn chất liệu, màu sắc, kiểu dáng để phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Mũ cho bé trai có tua rua vải, màu sắc khá sặc sỡ, mũ cho bé gái diêm dúa hơn và đính thêm dải hạt cườm, mũ dành cho thiếu nữ chưa chồng được đầu tư trang trí hoa văn với nhiều cúc bạc, hạt cườm, tua rua bằng các loại chỉ màu sặc sỡ, còn mũ cho đàn ông đơn giản và chỉ có một màu (4). Những bộ trang phục truyền thống này được mặc nhiều nhất vào dịp lễ tết, ngày nay, phụ nữ Hà Nhì thường mặc quần áo như người Kinh để thuận tiện trong sinh hoạt và các công việc lao động nương rẫy, họ chỉ buộc thêm một tấm vải vào phía sau.

Trong ba ngày Tết Ga Tho Tho, người Hà Nhì nghỉ lao động, để dành thời gian cúng lễ, vui chơi và chúc Tết bên gia đình. Đối với người Hà Nhì, đây là dịp để ông bà, bố mẹ, con cháu được sum vầy, đoàn tụ. Dù ở xa nhưng con cháu cũng cố gắng mang những lễ vật của gia đình đến biếu ông bà, bố mẹ để thể hiện lòng biết ơn. Những người già sẽ nếm thử mỗi lễ vật một chút, chúc cho con cháu khỏe mạnh, gia đình làm ăn thuận buồm xuôi gió.

Điều đặc biệt, khi khách đến chơi nhà, chúc Tết, gia chủ các gia đình Hà Nhì đều nhiệt tình mời khách ở lại ăn cơm. Nếu từ chối, họ cảm thấy không được tôn trọng và nghĩ rằng mâm cơm không đủ ngon, rượu không đủ nhiều để khách ngồi lại dùng bữa cùng gia đình. Người Hà Nhì rất coi trọng tình người, khách đến chơi cũng như người nhà, luôn được đối đãi rất chân thành và nhiệt tình. Đến chơi vào những ngày lễ này, gia đình nào cũng ngập tràn không khí đầm ấm, tiếng nói cười và những lời chúc tốt đẹp cho một năm mới nhiều may mắn, bình an.

Ngoài nghi lễ cúng tổ tiên, ngày Tết Ga Tho Tho của người Hà Nhì còn có các hoạt động dân ca dân vũ đặc sắc và các trò chơi dân gian độc đáo để mừng một mùa xuân mới. Trong số các trò chơi dân gian trong dịp Tết Ga Tho Tho, trò nhảy cây là phổ biến nhất. Nhảy cây hay còn được gọi là nhảy que, ngoài ra, trò này còn có tên gọi khác là quay cây pa lu gư, đây là trò chơi mang tính quần chúng cao bởi người tham gia chơi có thể là trẻ em trên 6 tuổi, cũng có thể là người già, nhưng đông hơn cả là các nam, nữ thanh niên. Không gian tổ chức trò chơi thường là những nơi có vị trí rộng rãi, bằng phẳng. Để chơi trò chơi này, cần dùng đến dụng cụ quay là cành cây tre hay nhánh cây luồng có độ dẻo dai và bền. Đầu tay cầm thường được hơ lửa để dụng cụ chơi được lâu, rồi vặn xoắn khoảng 20cm. Tùy theo đối tượng tham gia trò chơi là người lớn hay trẻ em mà cây quay có độ dài phù hợp. Thông thường, cây quay của người lớn có độ dài 2,2 - 2,5m; cây quay của trẻ em dài 1m. Để chơi trò quay cây pa lu gư, hai người có thể tự chơi với nhau, trong đó, một người quay và một người nhảy. Hoặc cũng có thể cùng lúc có nhiều người chơi, chỉ cần một người quay ở giữa và những người khác đứng thành vòng tròn cùng nhảy. Nếu người nhảy không bắt đúng nhịp của người quay thì sẽ bị thân cây quay đập mạnh vào chân và thua cuộc, sau đó phải vào thế chỗ cho người quay (5).

Có thể thấy, nhảy que không chỉ đơn thuần là một trò chơi dân gian mà còn là hoạt động sinh hoạt văn hóa bổ ích, vừa rèn luyện thể lực, vừa phát huy tinh thần tập thể, sức chiến đấu dẻo dai của người Hà Nhì. Đồng thời, có thể lưu giữ, bảo tồn một nét đặc sắc, độc đáo riêng có của một dân tộc giàu bản sắc văn hóa. Bên cạnh trò nhảy que, nhiều trò chơi khác cũng được diễn ra trong ngày Tết Ga Tho Tho của người Hà Nhì như: đi cà kheo, đu quay…

Ngoài việc cùng nhau chơi các trò chơi dân gian, Tết Ga Tho Tho còn là dịp để mọi người quây quần bên bếp lửa hồng và cất lên những lời ca, tiếng hát, tiếng đàn, tiếng sáo chúc mừng một mùa xuân mới. Đặc biệt, hát giao duyên nam nữ là tiết mục nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của lứa tuổi thanh niên. Để tham gia hát giao duyên, có nhiều loại nhạc cụ được sử dụng như: đàn tròn (chỉ người nam giới Hà Nhì mới được sử dụng); sáo dọc (được làm bằng trúc hoặc nứa già), nhạc cụ này không phân biệt đối tượng sử dụng và được người Hà Nhì yêu thích, họ có thể thổi khi lên nương, khi có lễ hội, tết cổ truyền...; ngoài ra khi hát giao duyên, người ta còn có thể sử dụng cả sáo ngang và nhị.

Ngày nay, việc giao lưu, tiếp biến văn hóa diễn ra ngày càng phổ biến, mỗi dân tộc với những bản sắc văn hóa độc đáo riêng có đang đứng trước nguy cơ bị biến đổi và mai một. Các dân tộc thiểu số nói chung và người Hà Nhì nói riêng cần có sự giữ gìn và lưu truyền một cách liên tục cho các thế hệ con cháu để những phong tục, tập quán đặc sắc của dân tộc không bị biến mất. Tết Ga Tho Tho của người Hà Nhì không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà đây còn là dịp để các thành viên trong cộng đồng đoàn kết, gắn bó, xích lại gần nhau hơn.

_______________

1. Phỏng vấn TS Trần Hữu Sơn, trong chương trình Nẻo về nguồn cội, VTV1.

2. Quang Thế - Nguyễn Triều, Lễ cúng hòn đá thần của người Hà Nhì, tuoitre.vn, ngày 6-2-2018.

3, 4. Trang phục truyền thống của người Hà Nhì Lào Cai, travelsapa.com.vn.

5. Một số trò chơi dân gian trong ngày Tết người Hà Nhì đen ở Lào Cai, laocai.vn, ngày 19-3-2010.

Tác giả: Ngô Huyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021

;