Sinh sống trên địa bàn Tây Bắc, có rất nhiều cộng đồng dân tộc anh em như: Tày, Lào, Khơ-mú, Xinh Mun, Cống, Thái..., có tập quán ở nhà sàn. Tuy nhiên, chỉ người Thái mới sử dụng hình ảnh khau cút để trang trí trên mái nhà. Hai đặc điểm để nhận diện, phân biệt nhà sàn người Thái với nhà sàn của cộng đồng dân tộc khác là ở bộ phận cầu thang và khau cút. Riêng khau cút, biểu tượng được đặt ở hai chỏm đầu đốc nhà sàn chứa đựng những nét đẹp, ý nghĩa văn hóa trong đời sống cộng đồng dân tộc Thái.
Người xưa kể lại rằng, người Thái được thần Rùa (pua tấu) chỉ cho cách làm nhà dáng hình con rùa, mái nhà hình vòm khum khum như chiếc mai rùa và bốn chân là những cột nhà được được dựng cao để tránh thú dữ và thiên tai.
Nhắc đến biểu tượng khau cút, nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc Thái Tòng Văn Hân cho biết: “Hiện diện trên mảnh đất Tây Bắc hơn ngàn năm qua, quá trình đi tìm đất, định cư, lập bản của người Thái đen là những cuộc thiên di, chia tách bản mường. Người Thái đen dựng biểu tượng khau cút bằng gỗ trên đầu nóc nhà sàn không những tạo sự chắc chắn cho mái nhà sàn, còn để con cháu sau này dễ dàng phân biệt, nhận ra bản làng, nhà cửa, dòng tộc của mình giữa các dân tộc khác. Biểu tượng khau cút chứa đựng những góc nhìn nhân sinh quan, thế giới quan rất phong phú, sâu sắc từ xa xưa của người Thái” (1).
Khau cút truyền thống có hình dạng rau dớn - loại rau có nguồn gốc từ rừng. Hình ảnh rau dớn được chọn làm chất liệu hình ảnh cho biểu tượng khau cút bởi đây là món ăn đặc trưng của người Thái, loài rau có khả năng sinh sôi, phát triển rất nhanh ở các môi trường, điều kiện sống khác nhau trong tự nhiên. Điều đó thể hiện tâm nguyện của gia chủ khi dựng khau cút trên mái nhà sàn: cầu mong kinh tế gia đình phát triển và thể hiện năng lực đấu tranh của con người trước thiên nhiên, giặc dã để tồn tại.
Khau cút có cấu tạo gồm 4 thanh cái (me cút), là 4 thanh gỗ dẹt hình chữ nhật đục thủng ở giữa. Cứ chập 2 thanh cái vào nhau, dùng con xỏ xỏ qua lỗ trên hai thanh cái là được một cặp. Hai cặp của khau cút được cố định vị trí trên đòn nóc nhà sàn. Điểm khác nhau để phân biệt giữa các loại khau cút thể hiện ở cách thức trang trí phần đằng ngọn của những thanh cái.
Khau cút có nhiều dạng, phụ thuộc vào số lượng của ngọn dớn cách điệu được trang trí trên phần ngọn của me cút. Có 3 loại chính: loại 1 ngọn dớn, 3 ngọn dớn và 5 ngọn dớn. Đây cũng là đặc điểm dễ nhận biết để thể hiện vị thế xã hội của gia chủ trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, các gia đình có thể làm theo ý thích bởi sự bình đẳng và tự do ngày càng được coi trọng. Trước kia, khau cút có 5 ngọn dớn là tín hiệu cho thấy, gia đình đó có tiềm lực kinh tế, có quyền lực và tiếng nói trong bản mường. So với gia đình dùng khau cút có 5 ngọn dớn thì gia đình sử dụng khau cút có 3 ngọn dớn có kinh tế thấp hơn, không giàu có, dư dả của cải mà chỉ đủ ăn, đủ mặc. Các gia đình có gia cảnh nghèo khó thường sử dụng khau cút có 1 ngọn dớn trên mái nhà sàn của mình. Chính vì vậy, khi dựng nhà sàn, các gia đình giàu có đều phải mổ gia súc, mở lễ ăn mừng khao dân bản. Từ sơ khai khau cút có khởi nguồn giống nhau, đều lấy mẫu chung là hình ngọn rau dớn. Sau này, xuất hiện những loại khau cút có hình dạng khác nhau như: hình trăng khuyết, sừng trâu…, là do sự sáng tạo của người Thái. Song những loại khau cút này cũng có ý nghĩa, nét văn hóa rất độc đáo.
Khau cút trên mái nhà của người Thái - Ảnh: Tuấn Minh
Khau cút gồm nhiều loại, nhưng tất cả đều được làm bằng gỗ, mỗi loại đều có 2 cặp và được làm giống nhau. Khau cút được chia thành 5 loại cơ bản, gồm: khau cút chim, khau cút tảu, khau cút pụa nọi, khau cút pụa luông và khau cút lai bua (2).
Khau cút chim: Đây là loại có cấu tạo đơn giản nhất. Để tạo ra khau cút chim không khó, chỉ cần cần đục lỗ mộng dàn đều ở phần phía trên me cút (thanh cái của các loại khau cút) về đằng ngọn, sau đó lắp 3 cút dài (là các cút được làm giống que đan chài và vó, dài khoảng 30cm) vào là được. Cái que đan chài vó đó trong tiếng Thái gọi là Chim May, nên cút này được gọi là cút chim.
Khau cút tảu: Me cút cũng bằng thanh gỗ hình chữ nhật dài khoảng 1.5m, rộng từ 12 đến 15cm, dày khoảng 5cm. Đầu ngọn được tiện tròn, sau đó tiện tiếp cạnh xuống lồi lõm thành 3 khúc liền, khúc thứ nhất tròn, khúc thứ hai dài gấp đôi khúc thứ nhất và khúc thứ ba tròn như khúc thứ nhất. Các khúc đó được gọi là cút me vì nó nằm trên thân me cút. Đục lỗ mộng 2 cạnh đối diện của cút dài và lắp hai cút đơn vào. Các cút đó làm bằng gỗ dẹp, rộng và dày ngang me cút. Các cút rời đều được tiện giống hình quả bầu nước - tiếng Thái gọi quả bầu là mák tảu, vì vậy cút này được gọi là cút tảu.
Khau cút pụa nọi: Tiện trên me cút thành 5 khúc cút liên tiếp, khúc thứ nhất và khúc thứ hai tròn, khúc thứ ba dài bằng hai khúc trên, khúc thứ tư và khúc thứ năm tròn. Sau đó đục lỗ mộng hai cạnh đối diện của khúc dài giữa. Làm hai cút rời lớn giống nhau, mỗi cút gồm khúc ngoài tròn, khúc tròn dài gấp rưỡi khúc ngoài, cắt đầu loe và có mộng ở giữa, đục lỗ mộng hai khúc dài trong, tiếp đó lắp hai cút đơn vào, nó sẽ trở thành một cút kép lớn. Lắp hai cút khép lớn vào hai cạnh khúc dài giữa của me cút.
Khau cút pụa luông: Tiện trên me cút 7 khúc cút liên tiếp, tính từ trên ngọn xuống. Khúc thứ nhất tròn, khúc thứ hai dài gấp rưỡi khúc thứ nhất, khúc thứ ba tròn, khúc thứ tư dài bằng khúc thứ nhất và khúc thứ hai liền nhau, khúc thứ năm tròn, khúc thứ 6 dài bằng khúc thứ hai, khúc thứ bảy tròn. Đục lỗ mộng đối diện trên khúc thứ hai, thứ tư và thứ sáu. Làm hai cút rời giống nhau: khúc ngoài tròn, khúc giữa dài gấp rưỡi khúc ngoài, khúc trong tròn, cắt loe đầu để mộng ở giữa, đục lỗ mộng đối diện hai cạnh khúc giữa dài mà lắp hai cút đơn vào, trở thành một cút kép lớn. Tiếp tục lắp hai cút kép lớn vào hai cạnh khúc dài thứ tư, sau đó lắp 2 cút đơn vào 2 cạnh khúc thứ hai và 2 cút đơn vào 2 cạnh khúc thứ sáu trên thanh me cút. Bước cuối cùng là đục và lắp cựa (giống hình cái lưỡi liềm úp xuống) vào cạnh trên của Me cút, dưới khúc thứ bảy. Như vậy quá trình tạo thành khau cút pụa luông đã hoàn thành.
Khau cút lai bua: Thực chất đây là một kiểu biến thể của khau cút pụa luông được phát triển ở trình độ cao hơn. Điểm khác nhau cơ bản được thể hiện ở quá trình làm khúc cút ngọn sẽ được lắp thêm bông sen khắc bằng gỗ vào hai cạnh của nó và giữa mặt cút được đục thủng một hình tam giác để lắp kính. Đồng thời 2 cút kép lớn cũng được chế tạo dài hơn một tí so với khau cút pụa luông.
Nghệ nhân Lò Thị Tóm - người giữ lửa truyền thống văn hóa dân tộc Thái ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: Theo tín ngưỡng tâm linh của người Thái, muốn dựng khau cút trên nhà sàn phải làm lễ, làm lý, phải chọn thời điểm, ngày lành, tháng tốt mới lắp dựng được. Điều đó cũng gây tốn kém thời gian, công sức và vật chất. Mặt khác, khau cút làm bằng gỗ, vị trí lắp đặt ngoài trời, trực tiếp chịu tác động của thời tiết, thiên tai nên mau hỏng (gãy hoặc rơi rụng ngọn dớn) nên lâu dần, người ta không còn sử dụng nữa. Trước kia, nhà sàn truyền thống của người Thái đen làm bằng gỗ, mái lợp cỏ gianh, hình dạng mái ngày xưa khum kiểu mai rùa. Ngày nay, nhà sàn người Thái đen làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, mái lợp bằng các loại ngói, tôn; hình dạng mái chuyển sang mái thẳng nên sử dụng khau cút cũng gần như không còn nữa.
Chị Nguyễn Thị Bình - phòng nghiệp vụ của Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam thì trăn trở: Khau cút là một di sản độc đáo của người Thái. Sự tích Khau cút gắn liền với cuộc thiên di của người Thái ở TK XI, theo đó, người Thái có quy ước đi đến đâu, khi dựng nhà sinh sống đều làm biểu tượng khau cút để làm dấu hiệu nhận ra nhau và luôn nhớ về cội nguồn dân tộc. Khau cút mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt là vậy, nhưng hiện nay không phải ai cũng hiểu hết được ý nghĩa sâu sắc của nó, nên đến các bản làng giờ đây không nhiều ngôi nhà sàn có biểu tượng này. Khau cút hiện nay chủ yếu có ở nhà của những già làng, trưởng bản, người am hiểu văn hóa Thái. Việc tuyên truyền và bảo tồn khau cút vì thế luôn là nỗi niềm trăn trở của những người tâm huyết nghiên cứu văn hóa Thái.
Chia tay Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, văng vẳng bên tai là tiếng kẽo kẹt của khung cửi truyền thống người Thái cùng âm thanh da diết của bài Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu) qua giọng hát của nghệ nhân Lò Thị Tóm… Bất giác ngước lên nhìn mái nhà, hình ảnh khau cút giản dị mà chứa đựng bao nét văn hóa độc đáo, đặc sắc về tâm hồn, tính cách, tập quán sản xuất, sinh hoạt và khái quát cả cội nguồn văn hóa của người Thái. Trước nguy cơ ngày càng bị mai một và biến mất trong đời sống hiện nay, việc gìn giữ, bảo tồn hình tượng khau cút để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái là một việc làm cần thiết.
________________
1. Khánh An - Tuấn Anh, Khau cút - biểu tượng văn hóa độc đáo trên ngôi nhà sàn của người Thái đen, dantocmiennui.vn, 29-9-2019.
2. Các kiểu khau cút trên nóc nhà người Thái, yenbai.gov.vn, 25-8-2016.
Tác giả: Linh Giang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020