Tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân vùng Nam sông Hậu

Trong lịch sử Việt Nam, giai đoạn nửa cuối TK XIX, Nam Bộ là nơi ghi dấu đậm nhất về phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược. Mảnh đất có những con người kiên trung với một ý chí bất diệt thà hy sinh tất cả, quyết không làm nô lệ đã được lịch sử và nhân dân mãi ghi nhớ, kính yêu và tôn thờ. Những danh tướng kiệt xuất, mãi mãi đi vào lịch sử có thể kể đến: Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định, Đốc Binh Kiều, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực... Trong đó, anh hùng Nguyễn Trung Trực được nhân dân Nam Bộ tôn kính, thờ phụng như một vị thần chủ trong nhiều đình, đền, miếu, thậm chí tại gia.

 

Hệ thống các ngôi đình, miếu, đền thờ Nguyễn Trung Trực trải rộng từ An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, đến Hậu Giang, Kiên Giang. Hằng năm, đến ngày giỗ ông, có trên nửa triệu người từ trong nước và nước ngoài đến Rạch Giá, nơi ông bị thực dân hành hình để tham dự và hành lễ tỏ lòng tôn kính, ngưỡng vọng.

Mặc dù, trước đây, Tập san Sử Địa đã dành một đặc khảo về Nguyễn Trung Trực (số 12 tháng 10,11,12 năm 1968); Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã hai lần tổ chức Hội thảo cấp quốc gia về ông (lần 1 năm 1986 với chủ đề Nguyễn Trung Trực: Thân thế và sự nghiệp, lần 2 năm 2009 có chủ đề Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực) và hiện nay, lễ hội tổ chức nhân ngày giỗ ông đã được Bộ VHTTDL công nhận, tôn vinh là lễ hội cấp quốc gia, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một công trình chuyên khảo nào đi sâu để nhận diện, phân tích những ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ nói chung, cư dân vùng Nam sông Hậu nói riêng. Vì vậy, bài viết này có thể xem là một bổ túc cần thiết cho vấn đề còn chưa được nghiên cứu thấu đáo trong bối cảnh hiện nay.

Trước tiên, có thể thấy, hơn 40 tham luận của hội thảo khoa học năm 1986 và hơn 30 tham luận của hội thảo khoa học năm 2009 tại Kiên Giang đã nhất trí đánh giá: Nguyễn Trung Trực (1837-1868) sinh ra và lớn lên ở xóm Nghề, thôn Bình Nhựt, tổng Bình Chánh, huyện Thuận An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Nguyễn Trung Trực là con ông Nguyễn Văn Phụng (Thăng), cháu nội ông Nguyễn Văn Đạo, quê gốc xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).

Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, làm nghề chài lưới. Năm 1861, phối hợp với Trương Định, ông đã chỉ huy đánh thắng một trận rất lớn trên sông Nhật Tảo, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đốt cháy tàu Espérance (Hy Vọng) của thực dân Pháp, giết chết hầu hết lính Pháp trên tàu khiến chính quyền thực dân vô cùng hoảng sợ.

Từ năm 1867, Nguyễn Trung Trực về Hà Tiên lập căn cứ ở Hòn Chông. Chiến thắng oanh liệt tiếp theo của ông là trận tập kích vào Rạch Giá năm 1868, giết tên Tỉnh trưởng và hầu hết quân Pháp trong trại. Đây là một trong những trận đánh làm rung chuyển Soái phủ Nam Kỳ. Cũng năm này, Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp vây bắt tại Phú Quốc. Ông nhận án tử hình ở Rạch Giá tháng 10-1868. Trước khi hy sinh, ông đã để lại một câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” (1).

Sau sự hy sinh oanh liệt của Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá, để tưởng nhớ công ơn cũng như khí phách anh hùng của ông, người dân Nam Bộ ở nhiều nơi bằng hình thức này hay hình thức khác đã phong thần cho ông. Bài vị, chân dung của ông được tích hợp một cách công khai hoặc ngụy trang khéo léo vào các tín ngưỡng dân gian khác như: thờ Cá Ông (Rạch Giá), thần Nông (Hậu Giang) và là Thượng đẳng thần của Phật giáo Hòa Hảo ở An Giang.

1. Khảo sát việc thờ phụng và các lễ hội tưởng niệm Nguyễn Trung Trực ở Vùng Nam Sông Hậu

Sau khi hy sinh, Nguyễn Trung Trực được nhân dân suy tôn thành thần và được thờ tự đầu tiên trong đình ở Rạch Giá. Từ đây, tín ngưỡng này ngày càng được lan tỏa, mở rộng và phát triển mạnh mẽ cùng với phong trào kháng Pháp những năm cuối TK XIX. Có lẽ không có vua chúa, quan lại hay lãnh tụ nghĩa quân có công với đất nước sau khi qua đời lại được xây dựng nhiều đình, đền thờ như Nguyễn Trung Trực.

Bảng số liệu đình thờ Nguyễn Trung Trực ở các tỉnh Nam Sông Hậu

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, hầu hết, các tỉnh vùng Nam sông Hậu đều có đình thờ Nguyễn Trung Trực. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có tới 14 đền thờ. Đây là tỉnh có nhiều cơ sở thờ tự Nguyễn Trung Trực làm chính thần. Số đình được xây dựng ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh Kiên Giang, từ Rạch Giá, Châu Thành đến Hòn Đất và các huyện đảo. Trong số đó, nổi bật nhất là đình Nguyễn Trung Trực ở thành phố Rạch Giá. Sau khi Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp xử chém năm 1868, những người dân yêu kính ông đã bí mật thờ ông trong đền thờ Nam Hải đại tướng quân. Năm 1957, linh vị Nguyễn Trung Trực được thỉnh vào bàn thờ chính giữa đình, vị trí của Thành hoàng. Với hành động này, nhân dân Rạch Giá đã mặc nhiên tôn ông là Thành hoàng bổn cảnh của mình. Việc này cũng dễ hiểu, đây là nơi nuôi dưỡng, chở che và là vùng tập hợp lực lượng, tổ chức chiến đấu làm nên trận Kiếm bạt Kiên Giang hào hùng của Nguyễn Trung Trực. Tháng 8 âm lịch hằng năm là ngày hội ở Kiên Giang, hơn mười đình thờ Nguyễn Trung Trực trong tỉnh đều tổ chức lễ hội, tập trung ở Rạch Giá. Nơi đây được xem là lễ hội lớn nhất trong số các lễ hội tôn vinh Nguyễn Trung Trực ở Nam Bộ. Hằng năm, cứ đến ngày 27, 28, 29 tháng 8 âm lịch, nhân dân từ khắp nơi hội tụ về đình thờ Nguyễn Trung Trực ở thành phố Rạch Giá để dâng hương, trước là tỏ lòng thành kính đối với vị thần trong lòng dân, sau là cầu quốc thái dân an. Từ năm 1989, lễ giỗ Nguyễn Trung Trực đã trở thành lễ hội quốc gia, thu hút mỗi năm hơn nửa triệu người tham dự.

Cùng với tỉnh Kiên Giang, các tỉnh còn lại vùng Nam sông Hậu, tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực gắn với lễ giỗ và lễ hội liên quan chi phối mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân vùng này. Về cơ bản, nghi thức cúng tế, tổ chức hoạt động hội là giống nhau, chỉ khác là ngày và quy mô tổ chức.

Từ lâu, việc thờ phụng Nguyễn Trung Trực đã tác động nhất định đến đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ, biểu hiện rõ nhất là các hoạt động lễ hội và sinh hoạt tại các cơ sở thờ tự cũng như thờ tự tại gia. Việc này đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân, góp phần hình thành những sản phẩm văn hóa gắn liền với hình tượng người anh hùng. Qua các hoạt động lễ hội, nhân dân gắn kết, chia sẻ tâm tư tình cảm lẫn nhau, góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.

 2. Sự biến đổi của tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực

Trong bài viết Thử bàn về văn hóa của Đặng Nghiêm Vạn có đoạn viết: “Một hiện tượng hay một yếu tố văn hóa theo thời gian phải thay đổi trong điều kiện mới của lịch sử, có thể mất đi trong thực tiễn đời sống, hoặc có thể để lại dấu vết hay biến thành một yếu tố cấu tạo nên những yếu tố mới xuất hiện, tạo nên một hiện tượng văn hóa mới” (2). Nhận định này hoàn toàn đúng trong trường hợp áp dụng vào nghiên cứu tín ngưỡng thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân vùng Nam sông Hậu.

Từ khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, qua quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa cũng như chiến tranh kéo dài ở nước ta, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực có nhiều thay đổi: từ các trò chơi dân gian đến hoạt động văn hóa, các đoàn hát cải lương được mời để phục vụ người dân thay vì hát bội như trước kia, mặc dù hoạt động này là đặc trưng của các hội đình, trong đó có tổ chức lễ hội đình Nguyễn Trung Trực. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận dạng được những thay đổi về cách tổ chức hoạt động hội, kiến trúc, xây dựng đình. Về hình thức, lễ hội tưởng niệm Nguyễn Trung Trực được quan tâm hơn, đa dạng hơn, gắn với du lịch tâm linh, việc trang hoàng cờ phướng, diễu hành, cách tổ chức hội trông hoành tráng hơn trước kia nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, các đoàn thể.

 

Lễ hội truyền thống anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - Ảnh: Thế Hạnh

 

Qua xử lý tư liệu và phỏng vấn những người dân xung quanh đình, khách thập phương cũng như các vị trong Ban Quản trị các đình, người viết nhận thấy tín ngưỡng này đang dần có sự thay đổi cả về nghi thức lẫn thời gian cúng tế theo hướng tích hợp vào tín ngưỡng dân gian và tôn giáo. Khảo sát ngày 12-2-2018, tại hai ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực ở ấp Rạch Giồng (thị trấn Cù Lao Dung) và ấp Bến Bạ (xã An Thạnh Đông), tín ngưỡng này tích hợp rất rõ với Phật giáo, tín ngưỡng thờ neak tà, thờ Ngũ hành nương nương, nghĩa sĩ trận vong và cả thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tại An Giang, trong các cuộc khảo sát ngày 6-2-2018, trên địa bàn các huyện Châu Thành, Phú Tân, Châu Phú, thành phố Long Xuyên, ảnh thờ Nguyễn Trung Trực được treo trang trọng và được phụng thờ như cửu Huyền thất Tổ trong gia đình. Phật tử Phật giáo Hòa Hảo suy tôn ông là Thượng đẳng đại thần, nên đình thờ ông ở xã Long Giang, huyện Chợ Mới được nhân dân gọi là Dinh thờ Quan thượng đẳng Nguyễn Trung Trực.

Tại Kiên Giang, qua quan sát tham dự và phỏng vấn nhiều người có thâm niên tham gia lễ hội ở thành phố Rạch Giá, kết quả cho thấy sự chuyển biến rất lớn theo hướng tích cực từ các chính sách, chủ trương của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm và quy củ, phần hội ngày càng được mở rộng và đi vào nền nếp, các hoạt động thiện nguyện thu hút đông đảo người dân tham gia, đa dạng hơn về hình thức và cách tổ chức.

Tại Hậu Giang, Đình thần Phụng Hiệp, ở khu vực I, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, người dân thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực cùng thần thành Hoàng ngay trung tâm điện thờ. Phía bên phải là Tiền Vãng Hương Chức, Tiền Hiền Hậu Hiền, Tiên Sư và Tổ Sư. Phía bên trái đình là Bạch Mã - Thái Giám, Thổ Công - Thổ Phủ, Hà Bá - Thủy Quan, Vị Quốc Vong Thân. Bên trong đình nổi bật bốn cây cột được chạm trổ hình rồng, bố trí xung quanh tượng anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, tạo nên hình ảnh hào hùng “Con rồng cháu tiên”. Theo báo cáo của Ban Tôn giáo thị xã Ngã Bảy, ở mỗi lễ hội quan trọng, người dân tham dự đông đảo, có lúc lên đến hơn 2.000 người ở địa phương cũng như khách thập phương đến thắp hương, cúng vái tại đình Phụng Hiệp, nơi có thờ cúng Nguyễn Trung Trực.

3. Kết luận và kiến nghị

Tín ngưỡng thờ nhân thần, đặc biệt là những người có công với đất nước từ lâu đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam nói chung, cư dân vùng Nam sông Hậu nói riêng. Theo dòng chảy của lịch sử, đặc biệt, trong cuộc kháng Pháp xâm lược vào những năm nửa sau TK XIX, khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực nổi lên như điểm sáng chói sau trận đốt tàu Pháp trên sông Nhật Tảo, Long An, trận đánh thành Rạch Giá, Kiên Giang.

Sau khi bị Pháp hành hình tại Rạch Giá, để tỏ lòng tôn kính và khâm phục trước sự hy sinh của Nguyễn Trung Trực, nhân dân đã tìm mọi cách thờ phụng, mang linh vị của ông vào thờ ở đền Nam Hải, phong thần cho vị anh hùng vị quốc vong thân. Từ đây, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã hình thành và lan tỏa ra khắp vùng Nam sông Hậu, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa xã hội của cư dân vùng này.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng này vẫn sống trong lòng người dân Nam Bộ, không ngừng mở rộng, tích hợp vào các tín ngưỡng dân gian và tôn giáo. Số lượng đền, đình, khu tưởng niệm, tượng và số gia đình có phụng thờ Nguyễn Trung Trực ngày càng tăng về quy mô cũng như các hoạt động văn hóa liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông, đặc biệt là các hoạt động gắn với lễ giỗ của ông hằng năm.

Nhiều hội thảo đã được tổ chức ở các tỉnh thành Nam Bộ, đề cập đến các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, người viết xin đưa ra một số kiến nghị dưới đây:

Đối với Bộ VHTTDL, cần thống nhất ngày giỗ, tổ chức lễ hội tưởng niệm Nguyễn Trung Trực, tránh tình trạng mỗi nơi tổ chức vào các ngày khác nhau, lầm tưởng cúng giỗ với tổ chức lễ hội. Việc này dễ dẫn đến những nhận thức sai lệch trong nhân dân về ngày hy sinh của người anh hùng dân tộc.

Đối với các cấp, các ngành văn hóa ở địa phương có cơ sở thờ tự Nguyễn Trung Trực cần thống nhất phổ biến di ảnh của ông đến đông đảo người dân để lấy đó làm chuẩn mực thờ tự. Tránh tình trạng người dân tự ý tạc tượng, phụng thờ cảm tính sẽ dẫn đến tình trạng lệch lạc như thần sắc gương mặt không rõ, râu tóc ông vểnh ngược, cầm gươm tay trái, móng tay được sơn đỏ...

Đối với ngành giáo dục, truyền thông, đoàn thể vùng Nam sông Hậu cần tăng cường hoạt động giáo dục đạo đức, lòng yêu nước trong thanh niên, học sinh, sinh viên qua chương trình dạy học, tăng giờ tham quan thực tế, chăm sóc di tích, phát sóng trên đài truyền hình, truyền thanh và trên mạng

Đối với các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức người dân; cần có đề án bảo tồn tín ngưỡng thờ phụng Nguyễn Trung Trực trong xu hướng vận động chung của xã hội nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng cư dân Nam sông Hậu. Các cấp chính quyền không can thiệp quá sâu vào các hoạt động văn hóa nói chung, tín ngưỡng thờ phụng Nguyễn Trung Trực nói riêng bằng các quyết định hành chính, mặt khác, cần phát huy tinh thần tương thân tương ái qua các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng của đông đảo nhân dân, một nét đẹp văn hóa ở những nơi thờ phụng vị anh hùng dân tộc.

_______________

1. Nguyễn Quang Ngọc, Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2006, tr.215.

2. Đặng Nghiêm Vạn, Thử bàn về văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 4 năm 2006.

 

Tác giả: Võ Hoàng Khải

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019

;