Trong thời gian qua, UBND tỉnh Tuyên Quang và các cấp quản lý di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào đã có những cố gắng nhất định trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích này, tuy nhiên kết quả bước đầu thu được trong những năm qua chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của di tích tầm cỡ quốc gia đặc biệt. Những khó khăn dẫn đến hạn chế trong công tác quản lý di tích thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan cần phải có những phân tích, nhận định trên cơ sở nghiên cứu cụ thể một cách khách quan thực trạng công tác quản lý tại di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào sẽ là cơ sở quan trọng để định hướng giải pháp tăng cường công tác quản lý tại di tích này trong thời gian tới.
1. Mô hình quản lý, cơ chế phối hợp và nguồn nhân lực trong quản lý di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào
Mô hình quản lý
Do điều kiện đặc thù so với một số di tích quốc gia đặc biệt trên toàn quốc, di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào bao gồm nhiều điểm di tích với các loại hình di tích khác nhau, lại nằm đan xen trong các khu dân cư, một số di tích hiện đang là nơi ở và sinh hoạt của các gia đình, các di tích nằm phân bố và trải dài trên địa phận hành chính nhiều xã thuộc 2 huyện Sơn Dương và Yên Sơn của tỉnh Tuyên Quang. Các di tích được sở hữu dưới nhiều hình thức khác nhau nên hiện có 3 mô hình quản lý tại di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào hiện nay, đó là: mô hình quản lý hoàn toàn do nhà nước đảm nhận, mô hình mang tính chất cộng đồng tự quản, mô hình gia đình quản lý.
Cơ chế phối hợp
Quá trình quản lý di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào được thực hiện nhất quán theo phân cấp quản lý cụ thể. Về mặt hành chính nhà nước là sự quản lý từ UBND tỉnh Tuyên Quang xuống đến huyện Yên Sơn và Sơn Dương rồi đến UBND các xã. Về mặt chuyên môn chịu sự quản lý từ Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang, Ban Quản lý khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào. Trong thực hiện cơ chế phối hợp quản lý khu di sản, Ban Quản lý khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, UBND huyện Yên Sơn, Sơn Dương và UBND các xã thuộc hai huyện này có vai trò quan trọng, trực tiếp tham gia việc quản lý di tích và định hướng cho cộng đồng quản lý di tích thuộc di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào.
2. Tổ chức hoạt động nghiệp vụ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Hoạt động bảo tồn - bảo tàng
Để thực hiện tốt công tác bảo tồn - bảo tàng, trong thời gian qua Ban Quản lý di tích lịch sử và sinh thái Tân Trào đã cử cán bộ tham gia tổ công tác đặc biệt của tỉnh sưu tầm chứng cứ lịch sử ở trong tỉnh, thành phố Hà Nội, TP.HCM về cụm di tích ATK Kim Quan, di tích Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Khảo sát xác định hiện trạng các di tích: lán Nà Lừa, lán Hang Bòng, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, đình Thanh La, lập kế hoạch tôn tạo, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Sở Văn hóa - Thông tin, Bảo tàng tỉnh, các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương trên cơ sở đó đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, tu bổ các điểm di tích thuộc di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Bên cạnh đó, để thực hiện các quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã được duyệt, các cấp quản lý di tích thuộc tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành lập dự án và tổ chức tu bổ, tôn tạo di tích đình Tân Trào, tôn tạo hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, phục hồi di tích Chủ tịch Tôn Đức Thắng, bao gồm lán ở và làm việc, hầm an toàn của Bác, cải tạo khuôn viên di tích đình Hồng Thái, tu bổ di tích đình Thanh La; các di tích lán Hang Bòng, lán Nà Lừa, thường xuyên được tu bổ sửa chữa, phục hồi di tích lán Hang Thia, phục chế bộ bàn, ghế của đồng chí Phạm Văn Đồng. Bố trí gian trưng bày về Bác Hồ tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự; về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà ông Hoàng Trung Dân, tôn tạo cửa hầm an toàn của Chính phủ, đặt bia công tích xây dựng 3 hầm của lữ đoàn công binh 239, phục hồi di tích lán Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, lán Đồng Minh, lán Điện Đài, lập dự án phục hồi, xây bia cụm di tích Đồng Man - Lũng Tẩu, Trường Quân chính kháng Nhật... Để thực hiện thuận lợi công tác bảo tồn bảo tàng, việc phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xác định địa điểm xây bia lưu niệm các di tích: Nha công an Trung ương, Bộ Ngoại giao, Nha Thông tin, Trung ương Đoàn và báo Tiền phong - Thiếu niên, Quốc gia Ngân hàng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Sử - Địa - Văn, Nhà Xuất bản Sự thật, Ban Nông vận Trung ương, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Bộ Nội vụ, Ban Thường trực Quốc hội... cũng được triển khai thực hiện.
Hoạt động chăm sóc, bảo vệ di tích
Trong thời gian qua Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào đã phối hợp chặt chẽ với các xã trong khu di tích, làm tốt công tác bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự, chống mọi hành vi xâm hại của người và súc vật đối với các di tích, giữ cảnh quan môi trường luôn sạch đẹp, hợp đồng với nhân dân địa phương bảo vệ các di tích quan trọng. Trong những năm qua, các di tích quan trọng được bảo vệ an toàn tuyệt đối, không bị lấn chiếm xâm hại. Công tác phòng cháy chữa cháy được Ban quản lý quan tâm hàng đầu, đến nay việc phòng cháy luôn đảm bảo tuyệt đối an toàn. Ban Quản lý cũng phối hợp chặt chẽ với Công an phòng cháy chữa cháy tỉnh, Công an huyện Sơn Dương và Yên Sơn làm tốt công tác phòng cháy. Tổ chức tập huấn, diễn tập phòng cháy chữa cháy hai lần vào năm 2000 và 2008 với hơn 500 lượt người tham dự. Phối hợp với hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào tổ chức nhiều đợt diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng. Trang bị dụng cụ phòng cháy chữa cháy cho các tổ chữa cháy của các thôn có các di tích quan trọng.
Việc chăm sóc cảnh quan, bảo vệ môi trường di tích được quan tâm thường xuyên, đặc biệt là ở các di tích trọng điểm: cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, lán Hang Thia, đình Hồng Thái, đình Thanh La, di tích Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trồng hàng ngàn cây bản địa, cây ăn quả, cây cảnh... theo đó hơn 3000m hàng rào xanh, gần 20.000m2 cỏ mật ở các di tích quan trọng, quảng trường. Chăm sóc vườn cây lưu niệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách. Chăm sóc, đốn tỉa hàng rào cây xanh, cây trồng trong khuôn viên các di tích, khu Nhà trưng bày. Phối hợp với các cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương các xã làm tốt công tác bảo vệ, gìn giữ di tích. Thường xuyên chăm sóc, phun thuốc chống mối mọt các di tích quan trọng; phối hợp tốt với các đơn vị liên quan chăm sóc phục hồi sinh trưởng cây đa Tân Trào...
Cây đa Tân Trào - Ảnh: Phạm Lự
3. Hoạt động phát huy giá trị di tích
Hoạt động phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Hình thức phổ biến nhất là khai thác, phát huy giá trị di tích trên cơ sở đón tiếp, tổ chức hướng dẫn tham quan tại di tích. Theo đó, Ban Quản lý là đơn vị tổ chức đón tiếp và hướng dẫn khách tham quan, từng bước bổ sung, chỉnh sửa nội dung hướng dẫn tại các di tích. Để phục vụ khách tham quan ngày một tốt hơn, Ban Quản lý thường xuyên tổ chức thi tuyển, bồi dưỡng hướng dẫn viên. Công tác đón tiếp hướng dẫn khách tham quan trong những năm qua có nhiều tiến bộ, đội ngũ hướng dẫn viên trưởng thành.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào mới chỉ triển khai ở hoạt động thuyết minh, tuyên truyền, hướng dẫn tham quan. Việc triển khai các sản phẩm du lịch mang tính chất đặc sản vùng miền để phục vụ tham quan du lịch còn đơn điệu, số lượng chưa nhiều, việc thu hút cộng đồng tham gia phát huy giá trị di tích chưa được chú trọng triển khai, do vậy chưa thu hút được sức mạnh từ nguồn lực cộng đồng vào công tác phát huy giá trị di tích thời gian qua. Đây là một thực tế đòi hỏi chính quyền các cấp thuộc tỉnh Tuyên Quang phải chú trọng vấn đề này trong thời gian tới.
Đồng thời, việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp quy về bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa là việc làm có ý nghĩa hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Trong thời gian qua, Ban Quản lý thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp quy trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí và trên mạng internet cũng được Ban quản lý triển khai thường xuyên.
Ngoài đội ngũ thuyết minh hằng ngày tuyên truyền các giá trị khu di sản đến du khách và cộng đồng, việc tuyên truyền trên website của đơn vị cũng được triển khai thường xuyên, qua đó góp phần tuyên truyền sâu rộng các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khu vực di tích.
Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại khu di sản được căn cứ vào Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và các văn bản dưới luật của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, các cấp quản lý di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đã thường xuyên tiến hành thanh tra kiểm tra đối với việc chấp hành pháp luật, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, theo đó, chú trọng các vấn đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di tích, đặc biệt là công tác bảo vệ, bảo tồn di tích, vệ sinh môi trường, kinh doanh dịch vụ, cơ sở lưu trú, tổ chức lễ hội… thuộc địa bàn di tích. Nhờ thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra nên thời gian qua các sai phạm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào được hạn chế và giảm thiểu.
Trên thực tế, hoạt động quản lý tại di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đã thu được những kết quả tích cực qua đó đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý di tích này. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, công tác quản lý di tích này còn bộc lộ những hạn chế như: việc đầu tư chiến lược để thực hiện quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa được triển khai đồng bộ; cơ sở hạ tầng, lực lượng cán bộ chưa được quan tâm đầu tư; việc huy động nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức cộng đồng… là những vấn đề cấp bách cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích trong thời gian tới.
Tác giả: Hà Thúy Mai
Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019