Lễ hội và những vấn đề đặt ra

Mỗi dịp Tết đến xuân về, ở bất cứ địa phương nào, các hoạt động lễ hội cũng diễn ra sôi nổi, vừa đóng vai trò như một “bảo tàng” đặc thù về văn hóa dân tộc, vừa là dịp sinh hoạt cộng đồng nhộn nhịp nhất trong năm. Năm 2018 vừa qua, các hoạt động lễ hội cũng như công tác tổ chức, quản lý lễ hội được đánh giá có những chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện. Đặc biệt, Nghị định 110/2018/NĐ-CP về công tác quản lý lễ hội năm 2019 được ban hành và hiệu lực từ ngày 15-10-2018 nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội cũng như giải quyết những vấn đề còn tồn đọng xung quanh hoạt động tổ chức lễ hội.

1. Hoạt động lễ hội nổi bật năm 2018

Năm 2018 đã khép lại với nhiều hoạt động văn hóa đáng nhớ, trong đó, một điểm nhấn tiêu biểu là các tỉnh, thành trên cả nước đã tổ chức nhiều lễ hội quy mô lớn, có ý nghĩa thiết thực trong việc lưu truyền văn hóa dân tộc và thúc đẩy văn hóa du lịch. Cho đến nay, ước tính Việt Nam có đến gần 8000 lễ hội được tổ chức hằng năm, trung bình có 21 lễ hội/ ngày, trong đó, phần lớn là lễ hội truyền thống. Các lễ hội diễn ra dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ban ngành từ trung ương đến địa phương.

Ngay từ Hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân Mậu Tuất năm 2018, tại Hà Nội, ngày 20-4-2018, báo cáo của Bộ VHTTDL cũng nhấn mạnh, công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp. Việc tổ chức lễ hội đã tuân thủ nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, linh thiêng, an toàn mà vẫn đảm bảo tiết kiệm. Bên cạnh đó, phần hội diễn ra sôi nổi cũng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn. Trong đó, không thể không kể tới sự hồi sinh của các trò chơi dân gian. Đến với các lễ hội truyền thống, người ta không còn bắt gặp sự lấn át của các trò chơi hiện đại, thay vào đó là các trò chơi đề cao tính tập thể và mang tinh thần của cư dân nông nghiệp như: kéo co, đánh đu, đi cà kheo, đi cầu khỉ, đập niêu…

Những tranh cãi về yếu tố bạo lực trong lễ hội đã dịu xuống khi một số thực hành nghi lễ được chuyển đổi nhằm phù hợp hơn với xu thế của thời đại. Lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) không còn hiện tượng chém lợn giữa sân đình; lễ hội đình Đông Lai (Vĩnh Phúc) chỉ thực hành nghi lễ, không còn cướp phết; lễ hội đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) năm đầu tiên thay đổi hình thức xin lộc, không còn cảnh tranh cướp hoa tre… Để làm được điều này, phải ghi nhận sự cố gắng đồng bộ của các cấp, ban ngành và người dân địa phương. Chính quyền phải can thiệp vào lệ làng và người dân phải thay đổi nhận thức, sao cho lễ hội vẫn giữ được ý nghĩa thiêng liêng, mà cộng đồng vẫn được hòa mình trong không khí sôi nổi mỗi dịp xuân về.

Nhiều lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm, tổ chức với quy mô cấp quốc gia, cấp tỉnh như: lễ hội Lồng tồng (lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày, Nùng), lễ hội Cầu mùa (dân tộc Khơ mú), lễ hội Gầu tào (dân tộc Mông), lễ hội Mừng lúa mới (dân tộc Xơ đăng)… Việc nâng tầm quy mô của các lễ hội này không chỉ nhân rộng ý nghĩa về bảo tồn văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số mà còn là điểm nhấn cũng như trọng tâm phát triển của ngành du lịch trong năm qua.

Tiêu biểu trong năm 2018, không thể không nhắc tới Quảng Ninh, tỉnh, thành rất thành công trong việc tổ chức, quản lý lễ hội, đặc biệt là phát triển du lịch lễ hội. Năm 2018, Quảng Ninh là tỉnh đăng cai Năm du lịch quốc gia với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc trải dài suốt năm. Riêng thành phố Uông Bí đã diễn ra 7 lễ hội quy mô lớn như: lễ hội Yên Tử; đền, chùa Hang Son; chùa Ba Vàng; chùa Phổ Am; đình chùa Điền Công; đình, chùa Lạc Thanh; đặc biệt phải kể tới lễ hội Hoa anh đào và Mai vàng Yên Tử được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử. Thành phố Uông Bí là vùng đất có thế mạnh về du lịch văn hóa tâm linh. Việc mở rộng quy mô các lễ hội vừa là cơ hội cũng là thách thức lớn. Tuy nhiên, các lễ hội đã diễn ra thành công tốt đẹp bởi sự chu đáo, cẩn trọng trong khâu tổ chức, trong công tác tuyên truyền và quảng bá du lịch. Những vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện nghiêm túc, không có sự cố đáng kể xảy ra. Bên cạnh đó, các địa phương khác của tỉnh Quảng Ninh cũng có những hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Những lễ hội mang quy mô lớn năm 2018 như: festival Huế, lễ hội Hoa đào (Lạng Sơn), lễ hội Văn hóa dân gian vùng Phố Hiến (Hưng Yên)… cũng đã diễn ra thành công, tốt đẹp. Đặc biệt, lễ hội Hoa đỗ quyên (Sa Pa) không chỉ là sự kiện văn hóa giải trí hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách mà còn mang ý nghĩa tôn vinh loài hoa quý, đặc trưng cho vẻ đẹp đầy sức sống của núi rừng nơi đây. Lễ hội carnaval Hạ Long (Quảng Ninh) năm 2018 có sự đổi mới cả về nội dung, ý tưởng kịch bản đến hình thức thể hiện. Carnaval Hạ Long lần này còn kết hợp với việc công bố Năm du lịch quốc gia 2018 nên các tiết mục không chỉ thể hiện vẻ đẹp của tỉnh Quảng Ninh mà còn nói lên được những điểm du lịch đặc sắc trải dài từ Bắc tới Nam. Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật và carnaval với 3 chủ đề: Truyền thuyết và tâm linh, Độc đáo và đa sắc, Hội nhập và lan tỏa. Lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF 2018 với chủ đề Huyền thoại những cây cầu (Đà Nẵng) được đầu tư với những kỹ thuật hiện đại bậc nhất về âm thanh, ánh sáng với tổng diện tích sân khấu 2.000m²…

Ngoài ra, năm 2018, ban quản lý di tích, ban tổ chức các lễ hội đã chú trọng hơn tới công tác tuyên truyền, tập trung nội dung vào lịch sử di tích, ý nghĩa của lễ hội và các quy định về bảo vệ di tích. Từ đó, góp phần tích cực vào việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội, nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh tại di tích và lễ hội.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, không tránh khỏi những mặt hạn chế vẫn tồn đọng trong nhiều lễ hội như: hiện tượng chen lấn, xô đẩy, giành lộc; đốt vàng mã nhiều; ý thức giữ vệ sinh môi trường còn kém… Ở các đô thị, việc tổ chức lễ hội còn gây ùn tắc giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm, khiến các hoạt động lễ hội gặp nhiều khó khăn và sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng. Một số lễ hội, di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích và cảm quan du khách.

Biểu diễn nghệ thuật tại festival Huế. Ảnh Minh Phạm

Đặc biệt, không thể không chú ý, hiện tượng mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại trong một số lễ hội và nhiều người đánh đồng hiện tượng mê tín dị đoan là tín ngưỡng và ngược lại. Chẳng hạn vẫn còn những quan niệm không rạch ròi trong việc coi lên đồng là thực hành tín ngưỡng hay mê tín dị đoan: có lúc đây được coi là một sinh hoạt tín ngưỡng, chỉ khi biến tướng thành việc “thánh phán” mới coi là mê tín dị đoan. Điều này khiến cho công tác thanh tra, quản lý của ngành văn hóa khó khăn khi thực thi nhiệm vụ. Theo tác giả Bùi Hoài Sơn, khó khăn trong công tác quản lý ở địa phương là: “Thứ nhất, không nên áp dụng những hình thức cấm đoán nếu chưa phân biệt được một cách rạch ròi đó là mê tín dị đoan hay không phải là mê tín dị đoan; thứ hai, nếu cấm đoán nhiều quá, cả những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng chuyên chở các hành vi mê tín dị đoan lẫn nội dung mê tín dị đoan ấy sẽ dẫn đến việc lễ hội được xem là nhạt, mất thiêng và làm mất đi những di sản văn hóa của cộng đồng” (1).

Theo báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) tại các lễ hội vẫn còn xảy ra những hiện tượng chen lấn, xô đẩy, giành lộc. Đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Một số cơ quan còn buông lỏng quản lý khiến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật, đi lễ hội trong giờ hành chính như: “lãnh đạo và công chức Kho bạc nhà nước TP.Nam Định, lãnh đạo và công chức Điện lực Bình Lục (Hà Nam); Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội)” (2).

Tại hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân Mậu Tuất 2018, việc cấp phép cho lễ hội chọi trâu tại 3 điểm: Phù Ninh (Phú Thọ), Hải Lựu (Vĩnh Phúc) và Đồ Sơn (Hải Phòng) là điểm nóng của lễ hội năm 2018. Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, đã thẳng thắn cho rằng trong mùa lễ hội vừa qua, tuy chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Tại lễ hội chọi trâu ở Phù Ninh (Phú Thọ), công tác trật tự an toàn còn quá thô sơ, trâu và người không có lối đi riêng, không có hàng rào để dắt trâu, Ban tổ chức không có một phương tiện nào để khống chế con trâu. Công tác vệ sinh môi trường thì vô cùng ô nhiễm, rác thải tràn ngập khắp nơi... Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã yêu cầu Sở VHTT Hải Phòng sớm trình Bộ đề án tổ chức lễ hội theo đúng tiến độ. Thứ trưởng cũng yêu cầu địa phương tổ chức lễ hội chọi trâu Phù Ninh và Hải Lựu rà soát, kiểm tra lại các tư liệu để làm rõ giá trị của hai lễ hội này. Việc cấp phép tổ chức lễ hội cần chứng minh được chọi trâu thực sự là lễ hội truyền thống và mang đầy đủ giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đặc biệt, theo Thứ trưởng, giải pháp khắc phục cho mùa lễ hội năm 2019 là giảm tần suất tổ chức lễ hội và không cấp phép lễ hội chọi trâu phi truyền thống.

Cũng theo bà Ninh Thị Thu Hương, nhiều lễ hội đang bị nâng cấp và mở rộng quy mô trong khi địa phương chưa nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về lễ hội, chưa thực hiện khâu tổ chức tốt, thậm chí, nhiều nơi còn biến lễ hội thành phương tiện tạo nguồn thu cho một nhóm lợi ích (3). Việc xã hội hóa kinh phí tổ chức lễ hội một mặt góp phần tiết kiệm chi phí từ ngân sách nhà nước, mặt khác, bị hiểu sai ý nghĩa, dẫn đến việc tận thu trong các hoạt động hội, làm giảm tính thiêng cũng như bản chất của việc tổ chức lễ hội.

2. Năm 2019, triển khai thực hiện nghiêm Nghị định 110 về lễ hội

Những năm qua, việc quản lý và tổ chức lễ hội trên cả nước đều dựa trên tinh thần Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05-12-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20-02-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06-11-2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; Thông tư số 15/TT-BVHTTDL ngày 22-12-2015 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định về tổ chức lễ hội; Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30-5-2014 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo…

Đến ngày 15-10-2018 (4), Nghị định số 110/2018/NĐ - CP của Chính phủ như một bước ngoặt, tạo động lực cho việc tăng cường, củng cố hơn công tác tổ chức và quản lý lễ hội với quy mô lớn nhỏ khác nhau trên phạm vi cả nước. Nghị định đã nêu rõ các chính sách của Nhà nước về lễ hội cũng như công tác tổ chức lễ hội. Trong đó, các lễ hội truyền thống, có ý nghĩa với cộng đồng sẽ được hỗ trợ phục dựng nhằm duy trì các giá trị văn hóa đặc sắc, đáp ứng đời sống tinh thần của người dân. Nhà nước cũng khuyến khích các hoạt động văn hóa truyền thống, đồng thời ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong tổ chức lễ hội hiện đại. Bên cạnh đó, yếu tố con người vẫn được đề cao, các cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý lễ hội sẽ được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức. Hơn nữa, Nhà nước cũng khuyến khích mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động lễ hội.

Bên cạnh những chính sách thiết thực của Nhà nước, Nghị định cũng chỉ ra những nguyên tắc trong tổ chức lễ hội. Trước hết, lễ hội phải có ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng, tập trung vào bản chất, ý nghĩa văn hóa lịch sử của lễ hội. Nghi lễ đảm bảo tính trang nghiêm, không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm… Các biện pháp về bảo vệ cảnh quan di tích, an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường cần được chuẩn bị chu đáo và thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, các cá nhân và tổ chức không được lợi dụng việc tổ chức lễ hội để trục lợi. Tổ chức lễ hội trên tinh thần đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực, hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước.

Từ khi Nghị định 110/2018/NĐ-CP có hiệu lực, một hành lang pháp lý đã được thiết lập, góp phần điều chỉnh toàn diện những vấn đề liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đây cũng là văn bản quy phạm pháp luật đưa ra và nhấn mạnh những quy định nhằm điều chỉnh ý thức và nâng cao trách nhiệm của người tham gia lễ hội. Cụ thể, người tham gia lễ hội phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội. Đặc biệt, những trang phục phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, khi tham gia lễ hội là hành vi bị cấm trong Nghị định. Không nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội. Việc thắp hương, đốt vàng mã cũng phải được thực hiện đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, hành vi nói năng thiếu văn hóa, xả rác bừa bãi, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cũng sẽ bị xử phạt. Đến với chùa chiền, lễ hội để cầu an, cầu may nhưng không ít người sẵn sàng xô đẩy, chen lấn để tranh giành, cướp lộc. Vì vậy, Nghị định cũng nghiêm cấm hành vi chen lấn, xô đẩy, gây mất trật tự an ninh. Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác, không thực hiện đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội. Hy vọng, khi Nghị định này đi vào đời sống, được người dân chấp hành nghiêm túc thì những biến tướng, hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong lễ hội từ đây sẽ được loại bỏ, trả lại những giá trị thiêng liêng cho lễ hội.

Năm 2019, việc đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội sẽ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ hơn. Các lễ hội cấp quốc gia, khu vực và lễ hội có nguồn gốc nước ngoài đều phải đăng ký với Bộ VHTTDL trước khi tổ chức. UBND cấp tỉnh, huyện sẽ tiếp nhận hồ sơ lễ hội của tỉnh, huyện, xã. Bên cạnh thông tin cơ bản về lễ hội, hồ sơ cần nêu rõ thành phần Ban tổ chức dự kiến, phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các văn bản chứng minh về nguồn gốc lễ hội (lễ hội truyền thống), văn bản đồng ý tổ chức lễ hội tại Việt Nam của các Đại sứ quán hoặc Lãnh sự, Tổng Lãnh sự quốc gia, vùng lãnh thổ và văn bản đồng ý của Bộ Ngoại giao (lễ hội có nguồn gốc nước ngoài)…

Lễ hội là dịp gắn kết cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng chung ước muốn về sự bình yên, ấm no. Mỗi lễ hội ở mỗi địa phương đều mang một sắc thái văn hóa khác nhau, thể hiện quan niệm văn hóa, cách nghĩ, lối sống, phong tục, tập quán, mang tính đặc trưng của con người, vùng đất ấy. Việc gìn giữ, phát huy truyền thống lễ hội sẽ góp phần tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội luôn được Bộ VHTTDL xác định là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của ngành. Năm 2018, đánh dấu một bước ngoặt trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội với sự vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm của ngành và các địa phương trong việc quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt với những thông tin, quy định rõ ràng trong Nghị định 110/2018 - NĐ/CP. Với những gì đã đạt được, chúng ta có thể kỳ vọng vào năm Kỷ Hợi 2019, lễ hội trên cả nước sẽ được tổ chức phù hợp với đời sống ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu tín ngưỡng và tâm linh của người dân, thể hiện được tinh thần văn minh, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong việc thực hành một số sinh hoạt văn hóa quan trọng của đời sống đất nước, đời sống con người.

_______________

1. Bùi Hoài Sơn, Bàn về giải pháp bài trừ mê tín dị đoan trong lễ hội truyền thống hiện nay, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1 (62), 2008, tr.10.

2. Hoàng Minh, Công tác quản lý và tổ chức lễ hội 2018: Phép vua vẫn thua lệ làng, daidoanket.vn

3. Quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 biến chuyển tích cực, vtr.org.vn

4. Nghị định 110/2018-NĐ/CP, thuvienphapluat.vn.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Vân Anh – Nguyễn Liên Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019

;