Di tích quốc gia chùa Thanh Mai thuộc địa phận xã Hoàng Hoa Thám, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là chốn tổ, đại danh lam cổ tự của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, gắn với hành trạng của Đệ nhị tổ Phật giáo Trúc Lâm, Pháp Loa tôn giả. Chùa được xây dựng vào thời Trần. Trải qua các triều đại lịch sử, Tùng lâm chốn tổ Thanh Mai nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, mở mang cảnh sắc thiền tự, dựng tháp, lập bia. Với giá trị tâm linh, thắng cảnh tự nhiên, trong những năm gần đây, di tích chùa Thanh Mai đã, đang thu hút ngày càng đông tín đồ phật tử, khách du lịch về chiêm bái, vãn cảnh, khám phá, trải nghiệm, thực hiện nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh. Hiện nay, vùng văn hóa Phật giáo Trúc Lâm thời Trần, gồm chùa Thanh Mai, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Yên Tử, Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm đang được hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Thực trạng quản lý di tích chùa Thanh Mai
Thực tiễn hoạt động và quản lý chùa Thanh Mai những năm qua cho thấy, về cơ bản, các nội dung quản lý di tích như tuyên truyền, trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích, quản lý tài chính, thanh, kiểm tra, các bộ phận chức năng, ở cấp độ nhà nước hay cộng đồng đều được triển khai tốt. Mọi thành viên trong tổ chức nhà nước cũng như cộng đồng đều làm tốt vai trò được phân công, có sự phối hợp khá chặt chẽ. Di tích chùa Thanh Mai được tu bổ khang trang, công tác tổ chức lễ hội hằng năm được thực hiện tốt, cuốn hút nhiều du khách đến tham quan, hành hương, chiêm bái.
Chùa Thanh Mai - Ảnh: Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch Hải Dương
Tuy nhiên, ngoài các ưu điểm nêu trên, công tác quản lý di tích chùa Thanh Mai vẫn còn một số hạn chế.
Hoạt động của Ban quản lý di tích thường chỉ phát huy khi tu bổ di tích hoặc tổ chức lễ hội. Các thành viên trong Ban quản lý di tích chủ yếu là cán bộ xã làm công tác kiêm nhiệm. Việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích hầu hết được giao hoàn toàn cho nhà chùa. Việc trông coi, dọn dẹp, bảo vệ di tích, những tài sản của di tích giao phó gần như toàn bộ cho những người trực tiếp trông coi di tích, đó là trụ trì nhà chùa, người dân địa phương.
Công tác phát huy giá trị di tích chưa hiệu quả, việc hướng dẫn khách tham quan, giới thiệu về di tích chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên. Vì chưa có cơ chế, chính sách, quy định cụ thể, hình thức tổ chức, trách nhiệm cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích nên chưa đạt hiệu quả.
Việc tổ chức khai thác phát huy giá trị của di tích chưa có định hướng, biện pháp cụ thể. Tổ chức khai thác ở di tích còn đơn điệu, nghèo nàn, sản phẩm du lịch văn hóa chủ yếu dựa vào những giá trị sẵn có của di tích, chưa kết hợp khai thác di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, việc tuyên truyền về di tích, xây dựng các tour du lịch di sản văn hóa còn nhiều hạn chế.
Sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa chưa chặt chẽ, hiệu quả.
Giải pháp tăng cường công tác quản lý tại di tích quốc gia chùa Thanh Mai
Xây dựng quy hoạch, kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích
Trên cơ sở nghiên cứu khoa học, khảo sát thực tiễn, cơ quan quản lý cần có cái nhìn tổng quát về hiện trạng, giá trị của di tích, từ đó có những định hướng cơ bản, kế hoạch, giải pháp cụ thể để bảo vệ, phát huy giá trị di tích trong mối quan hệ với quy hoạch phát triển của địa phương. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, cần tạo sự liên kết giữa di tích chùa Thanh Mai với các di tích trên địa bàn thành phố Chí Linh, các vùng lân cận nhằm khai thác, phát huy giá trị của di tích, hình thành, xây dựng các tour, tuyến du lịch chuyên về Phật giáo, giúp du khách hiểu được giá trị của từng di tích hay cả hệ thống di tích.
Bảo tồn, phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch
Thứ nhất, tăng tính hấp dẫn của di tích đối với khách du lịch thông qua những giá trị hàm chứa trong di tích như giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, các giá trị văn hóa phi vật thể... Cần nghiên cứu, sưu tầm tư liệu liên quan tới di tích, phục dựng nghi lễ đặc sắc, một số tích trò, trò diễn, thuyết pháp, giảng kinh trong lễ hội. Ngoài phát triển du lịch tâm linh, cần phải đưa ra thêm nhiều sản phẩm khác như: du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm. Bên cạnh đó, cần kêu gọi sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp, chính quyền địa phương, cộng đồng nhân dân vào chuỗi hoạt động du lịch.
Thứ hai, tăng cường quảng bá, đưa hình ảnh của di tích đến với công chúng. Việc quảng bá cần được thực hiện dưới nhiều kênh thông tin khác nhau: các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, trung ương, các tờ gấp, tờ rơi, sách, đĩa CD, DVD, các biển quảng cáo cỡ lớn đặt tại các trọng điểm giao thông; internet, mạng xã hội, website chuyên ngành, các cổng tin điện tử của tỉnh Hải Dương, thành phố Chí Linh.
Thứ ba, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, hình thành các tour/ tuyến du lịch di sản văn hóa mới trên địa bàn Chí Linh, các vùng lân cận. Bên cạnh những sản phẩm du lịch truyền thống về văn hóa tâm linh, tham quan hành hương tại chùa, cần mở rộng để hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của địa phương. Khám phá di tích chùa cổ, phục dựng lại hai ngôi chùa trên nền hai di tích chùa cổ phía sau chùa Thanh Mai, nơi có nhiều di chỉ, bảo vật đánh dấu sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm nói chung, chốn tổ Thanh Mai nói riêng với thiên nhiên kỳ vĩ, khu rừng phong cổ thụ hàng trăm năm tuổi, rừng nguyên sinh duy nhất của tỉnh Hải Dương với hệ thực vật rừng phong phú đa dạng. Xây dựng tuyến du lịch tâm linh Con đường Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm với các chùa trên địa bàn Chí Linh như Côn Sơn, Thanh Mai, Ngũ Đài Sơn, Huyền Thiên; liên kết với hai tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh để hình thành tuyến du lịch tâm linh Phật giáo Trúc lâm Yên Tử với các chùa Côn Sơn, Thanh Mai (Hải Dương), Yên Tử (Quảng Ninh), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Xây dựng, đổi mới lễ hội, có kịch bản chi tiết, trong đó các nghi lễ, rước, lễ mông sơn thí thực, lễ giảng kinh, trò chơi dân gian cần được quan tâm đầu tư.
Thứ tư, đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng tại chùa Thanh Mai.
Thứ năm, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch trên cơ sở phối hợp với các cơ quan, các đơn vị, các cơ sở đào tạo du lịch.
Thứ sáu, chính quyền địa phương cần vào cuộc tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức, tư duy, tham gia tích cực vào hoạt động du lịch, dịch vụ. Xây dựng các mô hình để giúp khách du lịch có nhiều trải nghiệm khác nhau như: dịch vụ homestay, dịch vụ ẩm thực, đồ lưu niệm…
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù
Cần có chính sách tăng cường đầu tư xã hội hóa cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích chùa Thanh Mai. Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã dành một nguồn kinh phí lớn từ ngân sách để đầu tư cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn. Tuy nhiên, việc đầu tư này được tập trung chia đều cho một số nhóm di tích trên địa bàn thành phố, chùa Thanh Mai thì chưa được chú trọng đầu tư.
Xây dựng cơ chế chính sách nhằm huy động, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Nhờ có những nguồn lực này mà di tích đã thoát khỏi tình trạng xuống cấp, tránh được những nguy cơ xâm hại của con người, thiên nhiên. Đây là những việc làm rất đáng trân trọng, cần phát huy bằng những cơ chế phù hợp.
Khuyến khích, huy động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ đóng góp kinh phí, vật chất, nhân công cho việc trùng tu, tu bổ di tích, công đức những hiện vật, trang thiết bị phù hợp để sử dụng trong di tích... Cần có các chính sách như: cụ thể hóa các lĩnh vực ưu đãi đầu tư đối với văn hóa dân tộc; có chính sách thuế, phí, lệ phí khuyến khích đầu tư...
Cần nghiên cứu để xây dựng chính sách quản lý, sử dụng các nguồn tài chính tại di tích (tiền công đức, tiền tài trợ, tiền kinh doanh dịch vụ...) theo hướng ưu tiên. Sử dụng các nguồn thu đầu tư cho việc tái đầu tư đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Việc xây dựng chính sách quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính cần được thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, công khai, khoa học, có hiệu quả, nhà nước không nắm giữ nguồn tài chính này nhưng có quyền giám sát các nguồn thu - chi, Ban quản lý di tích phải có chế độ báo cáo thường xuyên cho các cơ quan quản lý về số lượng, mục đích sử dụng kinh phí đóng góp của người dân. Hoàn thiện phương thức quản lý tài chính trong Ban quản lý di tích, xác định rõ các nội dung quản lý, các nguồn thu, chi… Việc quản lý cũng có thể dựa vào cộng đồng với vai trò giám sát, kiểm tra khi sử dụng các nguồn kinh phí này.
Cần có chính sách trợ cấp cho người trực tiếp trông coi, quản lý di tích, đồng thời có chính sách cụ thể để tôn vinh, ưu đãi những người có công bảo vệ, phát huy giá trị của di tích. Trên thực tế, di tích chùa Thanh Mai có ít nguồn thu từ khách tham quan nên những người trông coi, bảo vệ cho di tích không hoặc được hưởng quyền lợi rất ít. Vì vậy, chính quyền các cấp cần xây dựng chính sách, có những khoản hỗ trợ nhất định cho những đối tượng này tùy khả năng ngân sách nhằm động viên, khuyến khích họ tham gia, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di tích. Để khuyến khích những người có thành tích quản lý tốt di tích, các cấp chính quyền địa phương cần áp dụng các hình thức ghi công thích hợp như khen thưởng, ưu tiên xét gia đình văn hóa.
_______________
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Văn Bài, Tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa là hoạt động có tính đặc thù chuyên ngành, Tạp chí Di sản văn hóa, số 2 - 2006.
2. Lê Thị Bé, Chùa Thanh Mai - những giá trị lịch sử, văn hóa, Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, số 3 - 2016.
3. Nguyễn Hồng Chương, Công tác quản lý nhà nước về trùng tu di sản, di tích, các công trình tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, 2017.
4. Phan Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn (đồng chủ biên), Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
Tác giả: Nguyễn Minh Thắng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019