Những biến điệu trong hình lân trên nắp đỉnh đồng của một số bộ đồ thờ vùng Bắc Bộ từ thế kỷ XIX đến nay

Tượng lân trên các đỉnh trầm là con vật trang trí, đồng thời là núm cầm dùng để mở các nắp đỉnh khi muốn đưa trầm vào đốt, tạo mùi thơm thiêng, sạch và cao quý cho các ban thờ. Lân nằm trong bộ tứ linh đã đi vào nghệ thuật trang trí của người Việt cùng với rồng, phượng và rùa. Lân là một trong số các con vật huyền thoại, tượng lân trên nắp đỉnh trầm có khá nhiều biến điệu trong tạo dáng và trang trí. Trong bài viết này, chúng tôi muốn thông qua việc phân tích đặc điểm tạo hình tượng lân trên nắp một số đỉnh trầm để lý giải về hình thái, đặc điểm biểu đạt của một số bộ đồ thờ qua ba giai đoạn lịch sử một cách rõ nét nhất.

Đồ thờ chất liệu đồng vùng Bắc Bộ từ TK XIX đến nay diễn biến theo ba giai đoạn khác nhau: từ TK XIX đến năm 1986, từ năm 1986-2000, và từ năm 2000-2020.

Từ TK XIX đến năm 1986, đồ thờ chất liệu đồng thường chưa có nhiều thay đổi lớn, là chất liệu đồng đỏ và đồng thau, với các bộ Tam sự là phổ biến. Bộ Tam sự gồm đỉnh trầm (ở giữa) và 2 chân nến 2 bên. Từ năm 1986-2000, bộ Ngũ sự ra đời có thêm 2 chim hạc trên tượng rùa. Từ năm 2000-2020, đồ thờ phái sinh xuất hiện, thường thêm một ống hương để đựng hương trầm với một ống cắm đũa thờ được gọi là Thất sự. Kế đến là Cửu sự với sự tăng thêm của đôi mâm bồng để đặt ngũ quả.

Theo PGS Trần Lâm Biền, hình tượng lân tượng trưng cho sức mạnh tầng trên, cho trí tuệ, cho sự trong sáng… (1). Chúng tôi xin được tiếp thu nhận định này để lý giải lý do vì sao là tượng lân chứ không phải là các con vật khác được tạc ở vị trí trung tâm của các bộ đồ thờ của người Việt.

Trở lại với các bộ đồ thờ chất liệu đồng đang nghiên cứu, trước TK XIX, chúng tôi chắc chắn chưa hình thành tên gọi bộ Tam sự hay bộ Ngũ sự mà thường chỉ tồn tại độc lập dưới dạng 1, 2 đến 3 món thờ bằng đồng ghép với các đồ thờ bằng chất liệu gốm, sứ, gỗ, đá trên bàn thờ hay bao quanh điện thờ. Vì thế, chúng tôi không đề cập đến các món thờ riêng lẻ này, mà chỉ tập trung phân tích các bộ đồ thờ đã kết thành cặp/bộ chỉnh thể với nhau ở các điện thờ trong các đình làng hay chùa Phật khu vực Bắc Bộ với phong cách tạo hình đi từ sơ giản nhưng lại giàu chất biểu cảm đến cách tạo tác cầu kỳ, hoa mỹ đầy tính hiện thực từ TK XIX đến năm 2020.

Đồ thờ chất liệu đồng vùng Bắc Bộ từ TK XIX đến năm 1986

Nghệ thuật tạo hình tượng lân trên bộ Tam sự nhà cổ bà Lan (Đường Lâm, Sơn Tây)

Các bộ đồ thờ từ Tam sự đến Cửu sự trên bàn thờ của người Việt đều bày đặt theo phương ngang, với đỉnh trầm đặt ở chính giữa, tiếp theo là các cặp chân nến, hạc rùa, bình hương và mâm bồng đăng đối 2 bên tả và hữu của đỉnh trầm, trước di ảnh, ngai thờ hoặc bài vị. Ở đỉnh trầm của bộ Tam sự tại nhà cổ bà Lan (Đường Lâm, Sơn Tây) có thể thấy con lân trên nắp đỉnh trầm của bộ đồ thờ này nhìn rất khỏe khoắn và mang vẻ đẹp hồn nhiên theo đúng chất Việt, rõ ràng tạo hình này có tinh thần đâu đó như con lân trong điêu khắc đình làng, thể hiện sự ước lệ của người Việt. Chiếc đỉnh trầm có độ cao 45cm, tượng nghê cao 7cm dáng ngồi khoan thai, nhẹ nhàng; các khối phần mặt như: mắt, mũi, miệng, răng, ụ mày, chỏm sừng đều chỉ là sự gợi nhẹ, không cố tình diễn khối. Phần cổ lân cũng là khối hơi thắt vào so với phần tròn nhất của đầu rồi nhẹ nhàng chuyển vào khối bụng, khối chân trước và sau của con lân này cũng nương theo khối đầu là cách gợi nhẹ chứ không cố tình nặn bóp như tạo hình các con lân giai đoạn sau. Cách trang trí hoa văn từ đôi tai đến chiếc đuôi lân và chân đỉnh đều là các hình hoa lá khứa rãnh vui vẻ, nhẹ nhàng. Tất cả cho thấy cách đặt vấn đề tạo hình hoàn toàn thống nhất, hòa hợp giữa các hình khối và họa tiết, giữa các món thờ với nhau giúp tạo nên một chỉnh thể đẹp. Cách khai thác giữa phần đặc của toàn bộ thân con lân và phần rỗng của miệng và gầm bụng rất nhuần nhị và ăn ý, phần trang trí và phần bỏ buông rất vừa phải, các họa tiết đi kèm như các đường gờ chỉ chìm, nổi và các hình rỗng của Quẻ Dịch như cộng hưởng cho tạo hình con lân càng ngắm, càng đẹp một cách dung dị.

Nghệ thuật tạo hình tượng lân trên bộ Tam sự nhà thờ họ Phạm, Đông Ngạc (làng Vẽ, Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Ở đỉnh trầm của bộ Tam sự tại nhà thờ họ Phạm, Đông Ngạc (làng Vẽ, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), hình tượng Lân hí cầu trên nắp đỉnh trầm biểu hiện sự khỏe khoắn giản lược tối đa các chi tiết nghệ thuật tạo hình, cho thấy hình khối mạnh mẽ như kiểu tạo hình thời Trần. Nhìn tổng thể hình lân có thể nhận ra vai trò của khối nổi lên vị trí chủ đạo, các hoa văn khá mờ nhạt; hình vân hồi gấp khúc kết hợp với vân mây của thân đỉnh khiêm tốn điểm xuyết ở một số vị trí khác nhau trên đỉnh thờ làm nền tôn dáng hình lân trên nắp đỉnh trầm. Con lân được tạo hình hoàn toàn khái lược, rất ít chi tiết, nét và khối khỏe mạnh, thoáng đãng, hoàn toàn ăn ý với cách tạo hình giản dị của toàn thân chiếc đỉnh trầm. Bên cạnh đó, họa tiết vẩy cong ở phần đuôi con lân trên nắp đỉnh trầm này còn hợp với phần nắp trổ thủng và ứng biến hài hòa với nét cong của chân đế. Tạo hình con lân gợi liên tưởng đến vẻ đẹp của điêu khắc chùa Phật Tích, là những khối hình hết sức đơn giản, không khai thác quá nhiều chi tiết nhưng vẫn làm rộ lên tinh thần của nghệ thuật điêu khắc cổ.

Nghệ thuật tạo hình tượng lân trên nắp hai đỉnh đồng vừa đề cập đến đã cho thấy nghệ nhân đúc đồng vùng Bắc Bộ từ TK XIX đến năm 1986 thường sáng tạo theo đam mê tôn giáo và phi lợi nhuận về kinh tế. Vì vậy, cái đẹp trong đồ thờ chất liệu đồng giai đoạn này nương theo chuẩn thẩm mỹ dân gian đã định hình lâu dài trong cộng đồng. Họ không bị áp lực cung - cầu chi phối mạnh mẽ, cũng không câu nệ các phom dáng cầu kỳ, kiểu cách. Họ thỏa sức sáng tạo theo trí tưởng tượng và bàn tay khéo léo với chuẩn thẩm mỹ từ sự thuận mắt ưa nhìn nên các sản phẩm này đều hiện ra với vẻ đẹp của nghệ thuật tạo hình truyền thống.

Đồ thờ chất liệu đồng vùng Bắc Bộ từ năm 1986-2000

Nghệ thuật tạo hình tượng lân trên bộ Tam sự đình Ngũ Xã (Hà Nội)

Ở hình tượng lân trên nắp đỉnh trầm bộ tam sự đình Ngũ Xã (Hà Nội), con lân trên nắp đỉnh được đúc rời rồi gắn vào nắp đỉnh. Hình con lân trên nắp đỉnh cũng không giống mọi con lân khác trên các đỉnh trầm bởi thay vì thế ngồi xổm, con lân này đang dạo bước thong dong, vẩy toàn thân như vẩy cá chép, ná ná giống tượng Long Mã chất liệu đồng, thời Nguyễn (hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam). Như vậy, chúng ta bắt gặp dạng biến thể thứ 2 của lân vì đây là sự kết hợp của lân và ngựa, thành một con vật hư cấu nửa rồng nửa ngựa. Cách tạo hình này giống với các hình lân mã được tác giả Đinh Hồng Hải nhắc đến: “Con vật này trang trí trên tường, vách ngăn ở các kiến trúc của cộng đồng người Hoa sinh sống tại TP.HCM và một số tỉnh Nam Bộ. Lân mã có thân giống ngựa…, đầu rồng với mũi sư tử… có bờm và râu, thân thường được mô tả dưới dạng có vảy… Trên lưng có thể đèo thêm yên và một số vật tượng trưng như hòm sách, thanh kiếm…”(2).

Những nhận định trên của tác giả Đinh Hồng Hải càng giúp chúng ta hiểu rõ hơn khi nhìn thấy ở mặt trên đế đỉnh ghi dòng chữ: “Con cháu dòng họ Đỗ Văn Bang (gọi là Phó Cừ) con cụ Đỗ Văn Cẩn, cháu Đỗ Văn Thơ cung tiến tháng 6 năm 2001 (năm Tân Tỵ), cơ sở Vinh Hiển sản xuất tại số 177b, Trần Văn Đang, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh”. Như vậy, con cháu nhà họ Đỗ, làng Ngũ Xã đã đưa nghề này vào TP.HCM và mang đặc điểm tạo hình tượng lân mã ở miền Nam để tạo tác hình lân trên đỉnh trầm này, mang nhiều nét khác biệt.

Nghệ thuật tạo hình tượng lân trên bộ Ngũ sự đền Giếng (Đền Hùng, Phú Thọ)

Tượng lân trên nắp đỉnh trầm bộ Ngũ sự đền Giếng (Đền Hùng, Phú Thọ) có tạo hình nhẹ nhàng, khối không khoét sâu, chi tiết không quá khúc chiết, chỉ gợi mà không cố tả hình tượng. Điều này hoàn toàn ứng hợp với các mô típ và hình tượng trang trí khác của bộ đồ thờ này như: hình hạc, rùa, chân nến, tay mây, chân đỉnh… Cách tạo hình tượng lân của bộ ngũ sự này đặc biệt bởi hiệu quả bề mặt của tượng không quá nệ thực, có quãng mau quãng thưa trong tạo hình hoa văn. Từ tạo dáng đến họa tiết trang trí đều ứng hợp một cách tài tình tạo nên một khoảng cách giữa cái đẹp của thế giới tâm linh vô hình với thế giới hữu hạn, hữu hình. Đặc biệt, hình ảnh khói trầm vấn vít, hư ảo, thơm ngào ngạt bay lên từ các hình chữ “Thọ” được trạm thủng trên nắp đỉnh trầm mang lại cảm giác thoải mái, tĩnh lặng, thư thái,… Tất cả tạo nên sự thành kính trang nghiêm, lắng đọng cho không gian kiến trúc đền Giếng.

Như vậy, các hình tượng lân trên nắp các đỉnh trầm từ năm 1986-2000 cho thấy đây là giai đoạn có nhiều thay đổi mạnh mẽ tạo hình tượng lân. Từ cách tạo tác hình lân mang vẻ đẹp hiền lành, ngô nghê, vui khỏe và hồn hậu, tới vẻ đẹp mập mạp khỏe khắn theo tỷ lệ thuận mắt ưa nhìn, rồi đến hình tượng lân có các khối nét lồi lõm, cong queo, đôi chỗ cương cứng và hình lân dạo bước thong dong, vẩy toàn thân như vẩy cá chép… Có thể nhận thấy rõ nét nhất ở đây chính là tính thị trường thương mại của đồ thờ giai đoạn này đã làm giảm yếu tố nghệ thuật mà trước năm 1986 đã đạt được, nói cụ thể hơn là tính thiêng hóa trong tạo hình dần dần biến mất nhường chỗ cho tính hiện thực hóa vì sự lệ thuộc và mô phỏng đối tượng miêu tả. Càng về những năm 2000 điều đó càng thể hiện rõ.

Đồ thờ phái sinh từ năm 2000 đến 2020

Nghệ thuật tạo hình tượng lân trên bộ Thất sự đền Hai Cô (xóm Soi, thôn Bắc Cầu 1, Long Biên, Hà Nội)

Ở bộ đồ thờ này, chúng ta thấy đỉnh đồng đã nhuộm sẫm khói trầm tạo nên màu nâu đen óng cho tượng lân trên nắp đỉnh, gợi tả sự chuyển độ mềm mại của màu sắc từ đồng lạnh sang nâu sẫm, tượng lân nhìn từ góc này có thể nhận thấy rõ hình một chiếc sừng trên đỉnh đầu. Theo nguyên cứu của Nguyễn Du Chi: “Sừng biểu hiện cho sự khoan dung độ lượng vì sừng của nó chất đầy thịt, điều đó khiến lân không bao giờ đánh nhau. Cũng nhờ đặc tính này mà lân được gọi là nhân thú” (3).

Lân trên nắp đỉnh trầm bộ Thất sự đền Hai Cô (Xóm
Soi, thôn Bắc Cầu, Long Biên, Hà Nội)
Ảnh: Lê Thanh

Như vậy, hình tượng lân trên nắp đỉnh trầm bộ Thất sự đền Hai Cô (xóm Soi, thôn Bắc Cầu 1, Long Biên, Hà Nội) thật hiền hòa, nét mặt độ lượng với các hình khối chìm nổi vừa phải, nhẹ nhàng và các trục mắt, tai, miệng lân đều theo hướng cong xuống trong tổng thể hình khối đầu lân bầu bĩnh, mang vẻ đẹp của sự hồ hởi, hiền hòa. Các chi tiết khối tay vờn cầu và các vân xoắn được khắc vạch rõ hơn các chi tiết phần mặt tạo nên sự phong phú về hệ thống khối và nét của tượng lân này. Từ đó, chúng tôi nhận thấy toàn bộ chiếc đỉnh trầm này có vẻ đẹp trầm mặc, nhẹ nhàng mang cả nét đẹp cổ kính lẫn màu sắc khá hiện đại vào ban thờ, làm lòng người quan sát tĩnh lại trước vẻ trang trọng, trầm lắng của ban thờ.

Nghệ thuật tạo hình tượng lân trên bộ đồ thờ Cửu sự trên ban thờ nhà nghệ nhân Dương Bá Dũng (thị trấn Lâm, Nam Định)

Tạo hình tượng lân trên nắp đỉnh trầm của bộ Cửu sự nhà ông Dương Bá Dũng (thị trấn Lâm, Nam Định), cầu kỳ, hoa mỹ đôi chỗ diêm dúa trong cách tạo tác. Các hình khối từ phần đầu như sừng, mắt, mũi, miệng, tai, lông mao; rồi đến phần thân gồm, tay, chân, bụng, lưng và đuôi… đều được thể hiện rõ ràng và khúc chiết. Nhìn tất cả đều rất sắc nhọn và dữ dằn. Theo chúng tôi, đã là tạo hình các linh vật tưởng tượng của loài người thì cách thể hiện giống như con vật thực ngoài đời sống là phản tác dụng. Đặc biệt đây lại là tượng lân, có lẽ cả người cả nghệ nhân đúc bộ đồ thờ này lẫn người sử dụng đều không hiểu rõ về đặc tính hiều hậu của nó như: không hề xéo lên những cây cỏ non, báo hiệu những điềm tốt lành, là mẫu mực của đạo đức, giàu tình thương với muôn loài, là biểu tượng cho thánh nhân…

Có thể nhận thấy, sau năm 2000, khi việc gia tăng số lượng món thờ mang tính đột biến thì việc tỉ mỉ hóa các đồ án trang trí và cầu kỳ hóa các tạo hình tượng lân trên nắp các đỉnh thờ ở một ý nghĩa nào đó cho thấy sự xem trọng của hành vi tín ngưỡng, đề cao thần thánh, đôi khi có thể thái quá.

Kết luận

Trước năm 2000, đồ thờ chất liệu đồng Việt Nam nói chung được làm chủ yếu là Tam sự, Ngũ sự, với kích thước khá nhỏ, vì vậy những linh vật như rồng, lân, hạc, rùa... cũng nhỏ theo tỷ lệ thuận với các món thờ mà các linh vật này trang trí, đặc biệt chất dân gian, mộc mạc trong tạo hình thể hiện rõ nét. Từ năm 2000-2020, sự gia tăng về số lượng các món thờ và tính cường điệu hóa hình khối và sự gia công trạm trổ ngày càng kỹ lưỡng hơn cho thấy những yêu cầu của người sử dụng ngày một khác xa so với những sáng tạo nghệ thuật ở các giai đoạn trước.

Như vậy, biểu cảm của nghệ thuật tạo hình tượng lân trên nắp các đỉnh trầm vùng Bắc Bộ ở các bộ đồ thờ rất phong phú và đa dạng. Nó đưa người thưởng lãm đi từ trạng thái cảm xúc này đến trạng thái thăng hoa khác: có lúc trang nghiêm, cẩn trọng và thành kính như trước những điều linh diệu; có lúc lại nhẹ nhàng, thư giãn, khoáng đạt, khỏe khoắn và giản dị như những đồ vật quá đỗi gần gũi trong sinh hoạt hằng ngày của người nông dân; có lúc lại sang trọng, lấp lánh, quyền lực và đẳng cấp, thể hiện thành công các đường nét trau chuốt, kỹ lưỡng về gu thẩm mỹ của các gia đình truyền thống ngày nay.

Tuy nhiên, chúng tôi có chút quan ngại rằng sự thiên lệch quá chú trọng hình thức mẫu mã cầu kỳ và rườm rà, doanh thu từ đồ thờ chất liệu đồng đương đại lại căn cứ vào mức độ hoa mỹ của các món thờ có thể dễ dàng phai nhạt những thành tựu nghệ thuật truyền thống mà cha ông đã để lại những năm qua.

__________________

1. Trần Lâm Biền, Đồ thờ trong di tích của người Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, tr.144-145.

2. Đinh Hồng Hải, Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, Các bộ trang trí điển hình, Nxb Tri thức, Hà Nội, tập 1, 2012, tr.49-50.

3. Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2003, tr.144-145.

Tác giả: Lê Thị Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020

;