Việc hôn nhân và tang ma là những mốc quan trọng trong chu kỳ đời người. Phong tục hôn nhân, tang ma ở huyện Lâm Thao được ghi chép trong hương ước cải lương thời kỳ Pháp thuộc. Bài viết này trình bày một số nét về phong tục hôn nhân, tang ma ở huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ trước năm 1945, qua đó góp phần tìm hiểu văn hóa truyền thống của địa phương cũng như văn hóa dân tộc.
Lâm Thao là vùng đất cổ, thuộc kinh đô Văn Lang thời Hùng Vương. Thời Pháp thuộc, Lâm Thao là một phủ thuộc tỉnh Phú Thọ, gồm 7 tổng, 55 làng và 1 phố. Hương ước cải lương phủ Lâm Thao tỉnh Phú Thọ được soạn thảo trong thời gian từ năm 1932-1942. Tổng số hương hước cải lương thuộc huyện Lâm Thao được tác giả sử dụng trong bài nghiên cứu này có 27 bản và 4 bản của là các làng thuộc xã Cao Xá hiện nay (thuộc huyện Hạc Trì trước năm 1945).
Nội dung cơ bản của hương ước cải lương Lâm Thao gồm hai phần. Phần chính trị: tổ chức tộc biểu; việc thu chi, việc của Lý trưởng và Phó Lý trưởng; việc sưu thuế, kiện cáo, việc canh phòng; về việc cấp cứu, vệ sinh, đường sá, cầu cống, đê điều, việc của công, gian lận, giao thiệp, giáo dục và việc ngụ cư, ký táng. Phần về phong tục, tập quán: nói về việc quân điền thổ, về việc tang ma, cưới hỏi, việc khao vọng, việc tế tự, việc về ngôi thứ trong làng. Phong tục tang ma và hôn nhân ở huyện Lâm Thao có nhiều điểm giống với các làng ở Bắc Bộ, tuy nhiên cũng có một số điểm riêng biệt.
1. Hôn nhân
Quy định về thủ tục hành chính trong kết hôn
Hôn nhân tuy là việc riêng của từng gia đình nhưng lại mang tính cộng đồng. Điều này thể hiện khá rõ qua việc tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của các làng ở Lâm Thao. Hầu hết các làng đều có những quy định khá giống nhau về việc hôn nhân như phải trình báo và đóng tiền cho hương hội lấy biên lai, việc không trình báo sẽ bị nộp phạt, còn tiền cheo cưới và ăn uống là tùy mỗi gia đình. Điều 73 trong hương ước làng Phùng Nguyên viết: “Việc cheo cưới ăn uống rộng hẹp, tùy ý riêng từng nhà, chứ làng không có phép bắt ai phải sửa cỗ mời dân… Khi người có việc thì cứ đến tường chánh hội, rồi đem số tiền đã định đến thủ quỹ nộp, lấy giấy biên lai, chứ không phải mời ai ăn uống cả” (1).
Miếu Trò, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao
Ảnh: baophutho.com.vn
Ở làng Vĩnh Mộ, tổng Cao Xá có quy định khác biệt là ngoài thủ tục nộp lệ phí cho hương hội, nộp cheo cho làng thì phải nộp thêm tiền cheo cho giáp. Việc này cho thấy tổ chức giáp ở đây rất quan trọng trong cuộc sống và phong tục nơi đây. “Trừ số tiền cheo vào công quỹ không kể, còn số tiền cheo riêng ở giáp nào thì người tộc biểu giữ tiền giáp ấy, thì nhận công tiêu việc trong giáp” (2).
Như vậy, thủ tục hôn nhân được ghi trong hương ước cải lương ở Lâm Thao trước năm 1945 khá đơn giản, điều cốt yếu là phải trình báo hương hội để lấy giấy chứng nhận hôn thú còn công việc khác tùy mỗi gia đình.
Quy định về tiền cheo cưới
Khảo sát hương ước cải lương ở huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ cho thấy, các làng xã có quy định về cheo cưới như sau
Bảng: Tiền cheo một số làng ở huyện Lâm Thao (qua hương ước cải lương)
Nhìn vào bảng thống kê cho thấy tiền cheo cưới nặng, nhẹ khác nhau tùy mỗi làng. Mức cheo phổ biến là 1 đồng và 2 đồng. Một số làng cheo nội chỉ 1 đồng nhưng tiền cheo ngoại là 4 hoặc 5 đồng. Cá biệt có làng cheo cưới tính bằng gạch như làng Lạng Hồ. Ở làng Vĩnh Mộ, Bồng Lạng, Khang Phụ có quy định cheo nội về việc con gái lấy chồng trong làng và ngoài làng cũng khác nhau; riêng làng Vĩnh Mộ còn phải nộp thêm cheo cho giáp.
Ngoài ra, một số làng còn quy định về phụ cheo. Làng Vân Cáp, Hùng Lãm, Đông Chinh thì nộp nội cheo bằng 100 viên gạch. Làng Bồng Lạng, phố Lâm Thao chỉ phải nộp 1 chai rượu, buồng cau. Một số làng quy định ngoại cheo rất nặng như làng Dục Mỹ với 10 bàn cho đàn anh (sắc mục) lý dịch và 3,6 đồng công quỹ. Làng Hậu Lộc và Mai Đình nếu nhà gái mổ lợn phải biếu Lý trưởng 3 hào, làng Hậu Lộc phụ cheo nội còn thêm cái cổ lợn, phụ ngoại cheo còn biếu Lý trưởng 5 hào.
2. Tang ma
Quy định về thời gian tang ma
Hương ước cải lương ở Lâm Thao đều có những quy định cụ thể về thời gian tang ma. Nếu người vì dịch bệnh thì phải chôn ngay. Hương ước làng Sơn Lưu quy định: “nếu phải dịch bệnh thì phải chôn ngay trước khi đưa ma 1 giờ”. Với những người chết không vì dịch bệnh thì thời gian tang ma có sự khác nhau giữa các làng trong hương ước, thường là trong 1 ngày (các làng: Thụy Sơn, Dụng Hiền, Sơn Dương, Thạch Cáp, Vân Cáp, Trình Xá, Hũng Lãm, Đông Chinh, Bồng Lạng, Vu Tử) hoặc 3 ngày (các làng: Sơn Lưu, Phùng Nguyên, Văn Điềm, Quỳnh Lâm, Thanh Mai, Hậu Lộc, Khang Phụ, Sơn Tường, Cẩm Thanh). Riêng làng Mai Đình quy định là 2 ngày.
Quy định về việc phúng, viếng tang ma
Ở phố Lâm Thao có quy định chi tiết việc phúng viếng như sau: “Việc hộ phúc là việc hiếu chung, nếu người nào đi vắng thì thôi, người nào ở nhà không đi phải phạt 2 hào. Còn những người đàn anh có tứ thân phụ mẫu, hoặc bản thân, thân thê, dân có lễ câu đối và hai chai rượu đến viếng. Người nào báo hiếu cho cha mẹ xin dân tế thì dân cũng cử người vào làm lễ. Nhưng sau phải tạ lại dân một con lợn tầm 5 - 6 đồng, một mâm xôi, một buồng cau, trong lễ ấy chia ra biểu những người hành lễ, còn một nữa chia suất những người hành tang” (3). Việc hành lễ phúng viếng đám ma rất quan trọng, vừa quy định cụ thể những bước thủ tục, vừa nêu trách nhiệm công việc của người dân làng. Tuy nhiên, để thể hiện sự long trọng trong việc nhờ dân làng tế thì gia đình tang chủ phải bỏ ra một số tiền và lễ tạ để cảm ơn, phần này trong nhiều hương ước các làng khác cũng nhắc đến cụ thể.
Đi hộ tang thường là trách nhiệm của những người trưởng thành ở làng. Tuy nhiên, đối với làng ít người như làng Sơn Lưu thì người đi hộ táng còn rất nhỏ tuổi: “đàn ông từ 7 tuổi trở lên phải đi hộ táng” (4). Điều này cũng thể hiện trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình đối với cộng đồng. Có thể thấy những quy định về việc phúng viếng tang ma trong hương ước cải lương ở Lâm Thao thể hiện được tính cộng đồng, tình làng nghĩa xóm gắn chặt với trách nhiệm của mỗi thành viên trong làng xã.
Quy định về việc ăn uống trong tang ma
Trong hương ước cải lương ở Lâm Thao có những quy định cụ thể. Làng Thanh Mai ghi: “Còn như cỗ bàn trong giáp ấy thời nhà sự chủ hậu bạc thế nào tùy ý. Về phần dân thì nhà sự chủ phải nộp 5 đồng đem sung quỹ để khỏi sửa lệ cỗ mời dân như trước nữa. Nếu nhà sự chủ có mời giáp hay họ tế thì nhà sự chủ hậu bạc thế nào cũng tùy ý chứ không phải sửa cỗ mời dân nữa. Còn như lệ 5 đồng bạc ấy nếu ai xuất ra nộp trước, chỉ phải nộp là 4 đồng sung quỹ, đến lúc bách tuế không phải sửa cỗ mời dân và không phải nộp khoản gì nữa” (5).
Một số làng còn trọng hương ẩm như làng Vu Tử có quy định rõ về lệ ăn uống trong tang ma: “Khi chôn xong, ai muốn làm ma chia ra mấy hạng như sau: 1) Mời đông dân và thái bày tế trợ lễ sung quỹ dân là 10 đồng bạc; 2) Mời trong họ và anh em con cháu tế phải sung quỹ 3 đồng bạc; 3) Nhà nghèo không làm được ma không phải nộp tiền sung quỹ, dân làng cũng phải đi chôn ngay tử tế” (6).
Như vậy, việc hương ẩm ở Lâm Thao trong đa số hương ước cải lương phần nhiều đã được giảm nhẹ. Điều này góp phần giảm bớt chi phí tốn kém cho gia đình tang chủ.
Quy định về việc ký táng
Những người dân nơi khác ngụ cư ở làng mà mất, xin chôn đất ở làng được gọi là ký táng. Ở đây thể hiện sự phân biệt đối xử đối với những người ngụ cư, khi gia đình họ có người mất phải trình báo với hương hội sở tại và nộp tiền “kiểm cố”, ký táng. Ở hương ước làng Hy Sơn, làng Hùng Lãm và làng Sơn Dương có quy định: “Ai ký táng ở đồng điền, dù mua đất của ai cũng phải trình hương hội biết và phải nộp tiền kiểm cố cho làng là 2 đồng” (7). Tiền ký táng cũng có sự khác nhau, làng Hy Sơn và làng Sơn Dương mất 3 đồng kiểm cố, còn làng Hùng Lãm mất 2 đồng kiểm cố.
Việc ký táng đối với người dân ngụ cư ở các làng có sự phân biệt với người sống trong làng, đó là việc nộp tiền “kiểm cố” mới được chôn, dù dân ngụ cư đã mua được đất trong làng để ở. Để tránh bị phân biệt đối xử như vậy thì nhiều gia đình ngụ cư đã phải “cải họ” chấp nhận là con nuôi hoặc làm em út trong làng.
3. Một số nhận xét
Những quy định về hôn nhân, tang ma ở Lâm Thao qua hương ước cải lương giảm nhẹ, đỡ bớt tốn kém đối với gia đình. Quy định về tang ma cũng đảm bảo việc vệ sinh, tránh dịch bệnh. Nhiều bản hương ước có quy định cấm, phạt việc sách nhiễu hay ăn uống gây gổ trong đám tang (như làng Phùng Nguyên, Sơn Lưu, Đông Chinh...). Đây là những tiến bộ đáng ghi nhận trong hương ước cải lương các làng xã ở Lâm Thao thời cận đại.
Tuy nhiên, trong quy định về hôn nhân, tang ma trong hương ước cải lương ở Lâm Thao có nhiều lạc hậu. Việc phân ngôi thứ trong nghi lễ, hương ẩm gây phiền phức và tốn kém cho gia đình người có việc hiếu, hỉ. Hoặc hương ước ở nhiều làng quy định việc nộp tiền thì hương chức mới đến tổ chức tang ma (làng Hậu Lộc phải nộp 5 đồng, một ván xôi lễ đức tiên hiền...). Việc ký táng cũng thể hiện sự phân biệt đối xử với dân ngụ cư ở làng. Dù dân ngụ cư có mua được đất ở làng, khi gia đình có người mất vẫn phải nộp tiền “kiểm cố” (tiền để hương hội chứng thực việc kí táng) cho làng (như làng Hy Sơn, Hùng Lãm và Sơn Dương…). Trong hôn nhân, việc cheo cưới mặc dù vẫn giảm nhẹ nhưng vẫn nhiều hủ tục, đặc biệt là lệ cheo cưới. Các hương ước đều ghi chép lệ cheo cưới bằng tiền, trong đó nhiều hủ tục như khi nhà gái mổ lợn cưới (như ở làng Hậu Lộc, Mai Đình) thì phải đem biếu riêng Lý trưởng mới được phép mổ lợn. Ở các làng như Vân Cáp, Hùng Lãm, Đông Chinh, Lạng Hồ còn có lệ cheo bằng gạch nộp cho làng, làng Dục Mỹ còn lệ hương ẩm “mời đàn anh chức dịch 10 bàn và 3, 6 đồng”. Tiền cheo khi cưới chồng ngoài làng thì cao hơn lấy chồng trong làng (như ở làng Khang Phụ và Bồng Lạng)...
Từ những nghiên cứu về hương ước cải lương ở huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ trước năm 1945, qua phân tích những mặt tích cực và hạn chế của hương ước đã đặt ra vấn đề quản lý văn hóa hiện nay ở các làng xã ở Lâm Thao. Qua đó phát huy những mặt tích cực, hạn chế hoặc loại bỏ những hủ tục không phù hợp, phát triển văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.
_______________
1. Hương ước làng Phùng Nguyên tổng Sơn Dương, Phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Viện Thông tin KHXH Hà Nội, ký hiệu HƯ.4742.
2. Hương ước làng Vĩnh Mộ, tổng Cao Xá, huyện Hạc Trì, tỉnh Phú Thọ, Thư viện tỉnh Phú Thọ, ký hiệu DC.002413.
3. Sổ Hương ước phố Lâm Thao, tổng Gio Nghĩa, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ năm 1932, Thư viện tỉnh Phú Thọ, ký hiệu DC.002632.
4. Hương ước làng Sơn Lưu tổng Sơn Dương, Phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ năm 1942, Thư viện tỉnh Phú Thọ, ký hiệu DC.002630.
5. Hương ước làng Thanh Mai, tổng Chu Hóa, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ năm 1942, Thư viện tỉnh Phú Thọ, ký hiệu DC.002602.
6. Hương ước của làng Vu Tử, tổng Gio Nghĩa, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Thư viện tỉnh Phú Thọ, ký hiệu DC.002531.
7. Hương ước làng Hùng Lãm, tổng Vĩnh Lại, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Thư viện tỉnh Phú Thọ, ký hiệu DC.002548.
Tác giả: Nguyễn Trường Sơn - Đinh Văn Viễn
Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021