Tìm hiểu tập quán lựa chọn nơi sinh sống của người Thái ở Nghệ An

Là cư dân nông nghiệp, người Thái nói chung và người Thái ở Nghệ An nói riêng đặc biệt chú trọng nơi sinh sống và canh tác. Trong tâm thức của đồng bào, yếu tố tiên quyết trong việc lựa chọn nơi sinh sống là gần nguồn nước và rừng núi, còn các yếu tố khác thường chỉ mang tính hỗ trợ. Theo họ, nước là yếu tố mang lại sự thuận tiện cho sinh hoạt, là nguồn sống quan trọng. Rừng gắn với tập quán sản xuất nương rẫy, nơi cung cấp một phần nguồn sống, nơi trú ẩn trong thời chiến loạn. Với người Thái, chợ là nơi thị phi, phức tạp, có thể gây mất đoàn kết cộng đồng, nên họ thường ở xa quốc lộ và các nơi buôn bán sầm uất. Đây là những tâm lý tộc người đặc trưng trong việc lựa chọn địa bàn sinh sống của tộc người Thái.

1. Lịch sử chuyển cư và địa bàn sinh sống

Theo sử liệu, người Thái đã có mặt ở khu vực miền núi tỉnh Nghệ An từ TK XIV - XVIII. Học giả Đặng Nghiêm Vạn cho rằng, các nhóm Thái di cư vào đất Nghệ An không thể sớm hơn TK XI - XII. Vấn đề đặt ra là liệu cư dân ở vùng trung du Nghệ An và dọc đường 7A có sinh sống trên đó liên tục không (1)? Căn cứ vào kết quả phân tích các di vật khai quật được trong các di chỉ khảo cổ ở huyện Con Cuông, tác giả Diệp Đình Hoa nhận xét: từ TK X, có một làn sóng thiên di của người Thái vào Nghệ An, liên tục cho đến TK XVIII. Người Thái ở Nghệ An được chia thành 3 nhóm địa phương gồm: Tày Mường (Hàng Tổng, Tày Dọ) tự nhận ngành Thái Trắng; nhóm Tày Thanh (Tay Nhại) và Tày Mười tự nhận là Thái Đen. Nhóm Tày Mường còn gọi là Tày Hàng Tổng, theo nghĩa đen là nhóm Thái có chủ ở mường. Ngoài ra, nhóm này còn có tên gọi là Tày Dọ (có nghĩa là cố định). Nhóm này được hình thành trên cơ sở hội tụ của nhiều nhóm khác nhau, có những nét giống người Thái Trắng ở Tây Bắc. Nhóm Tày Thanh còn có tên gọi khác là Tày Nhại (có nghĩa là ở tạm, thường di chuyển cư dân theo đợt). Cũng theo GS Đặng Nghiêm Vạn, nhóm Tày Thanh không chỉ từ Thanh Hóa vào, một bộ phận Thái đã di cư từ Mường Thanh (Điện Biên) qua Lào vào Thanh Hóa rồi đến Nghệ An, cách ngày nay khoảng 200 - 300 năm. Đa số các cụ già chỉ nhớ quê hương họ là Thanh Hóa, nên mới có tên gọi là Tày Thanh. Nhóm Tày Mười đến Nghệ An vào thời Lê. Mặc dù bản thân họ không còn nhớ về quá khứ của mình, nhưng theo cuốn sách của ông mo xã Chiềng Pấc, khi Lê Thái Tổ đánh Đèo Cát Hãn năm 1431 (sử Thái viết là cướp Căm), chúa Mường Muổi (Thuận Châu, Sơn La) theo họ Đèo chống lại triều đình. Để trừng phạt, Lê Lợi bắt một bộ phận người Mường Muổi vào Thanh Hóa, Nghệ An. Vì vậy, nhóm Tày Mười vẫn tự gọi theo tên quê hương cũ là Tày Muổi, qua thời gian, từ này bị phiên âm chệch đi. Tuy nhiên, do địa vị thấp kém và cư trú gần nhóm khác nên nhóm Tày Mười chịu ảnh hưởng văn hóa của hai nhóm Thái trên.

Như vậy, xét về lịch sử, người Thái ít nhất cũng đã di cư và cư trú ổn định ở Nghệ An trên dưới 200 năm. Việc lựa chọn địa bàn sinh sống đã rất ổn định. Đây là cơ sở để chúng ta nhận biết về tập quán lựa chọn địa bàn sinh sống của họ. Sự lựa chọn đó đã được tính toán một cách kỹ lưỡng trên cơ sở đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cư dân nông nghiệp. Những yếu tố đó nói lên văn hóa, tập quán, lối sống và bản sắc dân tộc rất đặc trưng. Trong tâm thức của đồng bào, các yếu tố có tính chất quyết định đến việc lựa chọn địa bàn sinh sống bao gồm gần sông, suối (nước); gần rừng và những vùng đất đai bằng phẳng. Một vùng đất lý tưởng làm nơi sinh sống là phải hội tụ các yếu tố có đất bằng phẳng để làm nơi ở, gần nguồn nước, một bãi tha ma chung. Ngoài khu vực cư trú, làng còn có đất canh tác, bãi chăn nuôi và được phép khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên ở trên địa bản của làng.

2. Tập quán lựa chọn địa bàn sinh sống của người Thái

Chọn nơi có nước, rừng mà sống

Trước hết, về yếu tố nguồn nước, đây là tài nguyên quan trọng gắn với cuộc sống sinh tồn của mỗi cư dân, đặc biệt với người Thái, họ sản xuất lúa nước kết hợp canh tác nương rẫy. Khi bàn về canh tác nương rẫy, tác giả Vi Văn An nhấn mạnh: “Xưa kia, một lý do khiến cho người Thái không bỏ rẫy là vì theo lệ mường, tô thuế thường thu chủ yếu dựa trên ruộng nước. Rẫy được coi là đất tự do. Thêm vào đó, như một câu tục ngữ Thái: xia mua na, nhăng mi mua hậy (mất mùa lúa ruộng còn mùa lúa rẫy bù đắp)” (2). Theo ông Lương Văn Yên, 73 tuổi, nguyên Chủ tịch xã Chi Khê: “Nơi nào có nước là có nguồn sống, có nguồn sống là có tất cả”. Khi bàn về đặc điểm tự nhiên và địa vực cư trú của người Thái, tác giả Cầm Trọng cho rằng: “Trên cơ sở biết được một phần chế độ sông suối và cũng đã có những biện pháp khắc phục và chế ngự nó, bản, mường Thái vẫn bám rất chắc trên những dải đất kề bên sông, suối trên miền rừng núi này. Đây là một vùng rất có ưu thế về kinh tế nông nghiệp tự cung, tự cấp cổ truyền” (3). Người Thái có câu: Mi nặm chẳng mi pa/ Mi ná chẳng mi khầu/ Khầu dú cọ chẳng đảy dú dứn nón dứn (...Có nước thì có cá/ Có ruộng thì có lúa/ Vào ở đó mới sống được suốt đời...).

Đối tượng trồng trọt chủ yếu của người Thái là ruộng và rẫy. Khi tự giới thiệu về mình, người Thái ở Nghệ An tự gọi mình là pó háy, mé na (ông rẫy, bà ruộng). Khi so sánh giữa chúng, người ta cho là na pên ài, háy pên noọng (ruộng là anh, rẫy là em) (4). Tập quán sản xuất lúa nước của người Thái đã rất hoàn thiện với hệ thống mương, phai, lai, lin. Tục ngữ có câu: Mi nặm tẳng (chẳng) pên na, mi na tẳng pên khầu (Có nước mới có ruộng, có ruộng mới có thóc lúa). Bên cạnh đó, nước còn nơi cung cấp nguồn thủy sản, gắn với văn hóa xem trọng các con vật thủy sinh được dùng trong thực hành các nghi lễ gia đình. Con cá được người Thái sử dụng trong các nghi lễ như cúng cơm mới, đầy tháng, mừng năm mới, cưới xin... Trong dân gian, họ vẫn truyền tụng câu ca: Pay kin pa, ma kin lầu/ Tạng hầu bàn non hươn (Khi đi ăn cá, khi về uống rượu/ Quan vào bản ngủ nhà sàn). Đây là câu ca thể hiện sự sung túc, no đủ của người Thái, ca ngợi về một cuộc sống đủ đầy về vật chất và tinh thần, vừa mang dấu ấn đặc sắc của dân tộc mình. Theo lý giải của thày mo Lương Văn K., 82 tuổi ở bản Đình: “Con cá thể hiện cho sự sung túc no đủ, ngoài ra, con cá còn thể hiện cho nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, đồng thời con cá còn là nơi trú ngụ hồn vía. Do vậy, cá là một thức ăn vừa cao quý, vừa sang trọng đối với người Thái”.

Làng bản của người Thái ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - Ảnh: Lương Văn Thiết

Yếu tố gần rừng gắn với tập quán sản xuất, có tính chất sống còn đối với người Thái trong cuộc sống trước đây. Rừng gắn với tập quán sản xuất nông nghiệp nương rẫy và thói quen thích ăn đồ nếp. Dân gian Thái vẫn lưu hành câu nói: “cơm đồ, cá nướng và ở nhà sàn”. Đây là câu nói thể hiện rõ tập quán ăn uống của đồng bào, cho đến tận ngày nay người Thái vẫn thích các loại thức ăn được nấu bằng cách đồ, kể cả rau, thịt, cá, măng… Do đó, tập quán sản xuất nương rẫy là một loại hình sinh kế quan trọng trong cuộc sống của đồng bào. Với một quy trình gồm: phát, đốt, tra hạt, thu hoạch được thực hiện một cách hoàn chỉnh, đánh dấu sự thông thạo của người Thái trong loại hình sinh kế này. Với vốn tri thức được tích lũy hàng ngàn đời cùng với đất đai màu mỡ tại các khu rừng nguyên sinh, năng suất của cây lúa nương khá cao. Những gia đình chăm chỉ, đông con, nhiều cháu dễ dàng trở thành các phú hộ với những khầu tim lắc, ngua quai tim lạng, ngân căm cặp nèn (gạo đầy kho, trâu bò đầy ắp dưới gầm sàn, vàng bạc đầy két). Niềm tự hào của người Thái là cả năm được ăn gạo nếp, không động đến miếng cơm tẻ nào. Để đáp ứng nhu cầu cho loại hình sinh kế này, yếu tố gần rừng đặc biệt rừng già có ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn địa bàn sinh sống của đồng bào. Đối với người Thái, hình thức làm vườn, trồng vườn rất mờ nhạt. Các loại gia vị thường được trồng một cách qua loa, thậm chí tự mọc, tự lớn, có gì dùng đó. Điều này giải thích tại sao loại hình sinh kế tiền sản xuất như săn bắn, hái lượm rất phát triển; là nguồn cung cấp chính rau rừng, măng nấm và phần nào đó là lương thực, thực phẩm mỗi khi mất mùa đói kém.

Địa bàn sinh tụ gần rừng được xem là sơn cùng thủy tận, nơi rừng thiêng nước độc nên việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe tại chỗ có vai trò rất quan trọng. Người Thái đã tích lũy một kho tàng tri thức dân gian phong phú trong việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trong đó, việc khai thác nguồn dược liệu tại chỗ từ rừng là yếu tố tiên quyết trong việc đảm bảo sức khỏe của cả cộng đồng. Trước khi hội nhập, giao lưu và có sự xuất hiện của y tế hiện đại thì vai trò của các thày thuốc, thày mo, người già cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, rừng còn là nguồn cung cấp nguyên liệu để xây dựng nhà cửa, làm đồ đan lát, đồ dùng sinh hoạt, đồ mộc… Do đó, rừng là khu vườn chung, là nơi cung cấp, nuôi dưỡng cho cả cộng đồng; cái gì thiếu họ đều có thể tìm thấy trong rừng; còn cái nào không có thì coi như mình không cần. Đặc biệt, trong thời chiến tranh loạn lạc, rừng là nơi mọi người có thể ngụy trang, ẩn mình để tránh chiến tranh, giặc giã.

Trong thời phong kiến, thực dân nửa phong kiến, rừng là nơi các di dân từ miền xuôi lên tránh sưu cao, thuế nặng và tù tội. Một bộ phận người Kinh ở miền xuôi đã di cư lên khu vực miền núi ở các huyện Con Cuông, Tương Dương và dần trở thành người dân tộc thiểu số như nhóm Đan Lai, Ly Hà (các nhóm địa phương của người Thổ). Những tập quán, nghi lễ và gia phả của các dòng họ vẫn còn ghi lại tổ tiên họ ở miền xuôi như Thanh Chương, Anh Sơn là bằng chứng cho nhóm di dân này.

Tránh xa đường cái

Theo quan sát của chúng tôi, về cách tổ chức bản của người Thái ở khu vực miền núi Nghệ An cho thấy họ ít xem trọng việc sinh sống gần đường và có xu hướng tránh xa nơi buôn bán, sầm uất. Rất nhiều làng đều khuất sâu so với quốc lộ 7A, quốc lộ 48 và những con đường tỉnh lỵ, huyện lỵ khác; cạnh các con đường, thị trấn, thị tứ cũng có rất ít bản Thái. Qua quan sát tại các huyện ở Sơn La, chúng tôi cũng thấy tương tự, như thị trấn Mường Muổi (một thủ phủ của người Thái Đen), dọc quốc lộ đều san sát nhà của người Kinh, qua 2-3 dãy nhà mới thấy thấp thoáng các ngôi nhà sàn của người Thái. Thực tế cho thấy, người Kinh chỉ thực sự dịch chuyển lên khu vực miền núi sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đặc biệt từ những thập niên 60 về sau. Ở Nghệ An, người Kinh thường được sắp xếp ở những vùng ven đường quốc lộ, gần thị trấn, thị tứ. Trong tâm thức của người Thái, những vùng đất ven đường đầy rủi ro, không có nước, không tiện cho việc sinh hoạt, khó canh tác, không an toàn khi chiến tranh loạn lạc. Đối với người già, gần đường nhiều xe, người đi kẻ lại thật ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống nhất là giấc ngủ. Thực ra, cách lựa chọn này người Thái đang tìm cho mình một vùng đệm trước những bất ổn, thị phi có thể xảy đến với cộng đồng của mình (5). Năm 1991, gia đình ông Lữ Văn H., sinh năm 1922, ở bản Đình và người con cả (vốn đều là cán bộ tỉnh và cán bộ huyện) như nổ phát súng khi tháo dỡ ngôi nhà sàn, chuyển ra đường quốc lộ cách làng hơn 3km dựng nhà ở. Mục đích của ông H là tiện bắt xe cộ mỗi lần đi công tác, vì làng cũ trái đường và đi lại quá khó khăn nhất là khi mưa gió, lũ lụt. Chuyến đi định mệnh đó, vợ ông đã khóc thét lên mà kêu rằng: như thế này thì mất hết anh em, mất hết bản mường à (theo lời kể của người con trai út ông H). Từ đó, hành trình chuyển cư của người Thái tiếp diễn với những gia đình thoát ly, thêm các thế hệ con cháu rồi làng mới cũng được hình thành. Vì thế, nỗi nhớ quê cũ của vợ ông H cũng bớt cô quạnh, tủi thân. Mỗi lần bà H được gặp chị gái, các em, họ hàng bà đều buồn buồn tủi tủi, khóc lóc về nỗi buồn, nhớ quê, nhớ mẹ già. Nỗi nhớ quê của bà H đó có lẽ là sức mạnh của cộng đồng, sức mạnh của tình thương, sợi dây liên kết bền chặt giữa các thành viên trong cộng đồng.

Có thời gian, đồng bào không thích, thậm chí còn ngăn cấm làm cầu, làm đường nối từ quốc lộ vào làng. Theo giải thích của người già, họ muốn ngăn cấm văn hóa độc hại thâm nhập vào cộng đồng. Hiện tượng này chỉ thực sự chấm dứt sau vụ đắm đò ở bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông vào năm 2006 gây ra cái chết thương tâm cho 19 em học sinh. Đây là một đòn đau để những “lô cốt” phòng thủ văn hóa bị phá vỡ. Thực tế, Nhà nước đã có chính sách làm cầu treo cho địa phương này từ lâu nhưng khi mang ra cuộc họp bị người già phản đối vì muốn bảo vệ thuần phong trong bản. Hiện tượng này không phải ngẫu nhiên khi người Thái thường dành khu nghĩa địa ở đầu làng, lưu giữ các cây cổ thụ, không làm cổng chào, đường vào bản có nhiều ngã rẽ, ít phát quang đường... Chúng tôi, tạm gọi hiện tượng này là “hàng thủ già nua” trước “cơn cuồng phong”. Tuy nhiên, liệu rằng cái lý của người già hoàn toàn sai, điều gì sẽ xảy ra khi những con đường nối với quốc lộ được thông thoáng. Lợi ích về kinh tế, giao lưu, hội nhập ai cũng có thể nhìn thấy nhưng về văn hóa mấy ai để ý; hiện tượng này nói lên điều gì trong chiều sâu tâm lý, ẩn ý từ các cụ cao niên. Và, lúc này cần lắm những tư duy ngược để tìm về bản sắc văn hóa, giá trị của các bài học lịch sử và những hiện tượng xã hội đang diễn ra hiện nay để diễn giải cho vấn đề này.

Muốn giàu thì chọn nghề buôn

Chợ búa, thị trấn hay nơi tập trung dân tứ xứ, theo người Thái là nơi của những thị phi, lừa lọc. Họ đã có đủ thời gian để tính toán và chiếm lĩnh cho mình những vùng đất với địa thế phù hợp với tâm thức, tập quán, tránh xa những nơi thị phi đó. Điều này xuất phát từ tập quán không thích làm nghề buôn, thậm chí xa lánh nghề buôn. Có lẽ vì vậy, mà người Thái mới gọi là côn keo hay côn buôn. Buôn với hàm ý cư dân mang lại rắc rối, lọc lõi chỉ phù hợp với nghề buôn bán. Từ côn buôn đồng âm với từ con buôn. Để chỉ một người Thái khôn ngoan, lọc lõi họ gọi là buôn mẹ; đối với người già, chỉ nghe từ buôn mẹ là biết người đó thuộc dạng như thế nào. Tư tưởng trọng nông ức thương của người Thái ở Nghệ An một phần bắt nguồn từ truyền thống của người xứ Nghệ, mảnh đất được xem là quê hương của các ông đồ. Điều này được thể hiện, người Thái ở Tây Bắc ít gọi người Kinh là côn buôn, họ chủ yếu gọi là côn keo hay phủ keo (6). Quan điểm của người Thái về nghề buôn thể hiện thông qua câu thành ngữ: Pay cạ xam pi bó lừa hi xam mẹ (7) (Đi buôn ba năm không bằng nuôi ba con bò cái), nói về tính tự cung tự cấp một cách triệt để của đồng bào. Bên cạnh đó, họ rất xem trọng tình nghĩa, mọi thứ chỉ cần xin và cho; có chăng cũng chỉ đổi vật ngang giá. Điều này, có thể đến từ tính cách thật thà, chất phác, không có thói quen tích góp, nhặt nhạnh; họ chỉ thích làm nhọc ăn lớn. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn xuất phát từ bản chất của nghề buôn cần tư duy nhạy bén, buôn gian bán lận, buôn một lãi mười; việc lấy lời lãi sẽ làm mất lòng nhiều người. Điều đó dẫn đến người làm nghề buôn sẽ bị cô lập, tách khỏi sinh hoạt chung của cộng đồng. Đặc biệt, vào những dịp ma chay, cưới xin, lễ lạt…, người Thái cần có sự giúp công, giúp sức rất nhiều từ phía cộng đồng. Do đó, nếu lựa chọn giữa việc làm giàu cho mình (làm nghề buôn) thì người Thái chọn cộng đồng (làm nghề nông).

3. Kết luận

Như vậy, có thể thấy, việc lựa chọn địa bàn sinh sống của người Thái đã được tính toán một cách kỹ lưỡng trên cơ sở đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của quá trình lao động sản xuất, cũng cuộc như cuộc sống hằng ngày. Sự lựa chọn này, được đặt trên cơ sở đáp ứng nhu cầu của cư dân nông nghiệp lúa nước, bên cạnh nương rẫy và hình thái tước đoạt thiên nhiên. Chính vì lẽ đó, đa số làng bản của người Thái đều gần nguồn nước, gần rừng và cách xa đường quốc lộ, thị trấn và những nơi buôn bán. Các thành tố này vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, xem trọng tính cộng đồng, vừa duy trì văn hóa truyền thống. Theo chúng tôi, sự lựa chọn này có thể được tóm gọn trong những thành tố: kinh tế, môi trường, văn hóa và mang nặng yếu tố sinh tồn. Tuy nhiên, cuộc sống vốn dĩ luôn vận động không ngừng; giao lưu, buôn bán đang trở thành xu thế phát triển, tập quán mang nặng tính sinh tồn này dường như đang thoái trào. Đặc biệt là giới trẻ, họ thích những nơi cận thị, cận lộ và có xu hướng dịch chuyển ra các thành thị để lập nghiệp.

_______________

1. Đặng Nghiêm Vạn, Bước đầu tìm hiểu về lịch sử phân bố cư dân ở miền núi Nghệ An, Tạp chí Dân tộc học, 1974, tr.20-32.

2. Vi Văn An, Về quá trình hình thành các tổ chức mường của người Thái ở miền núi Nghệ An, Tạp chí Dân tộc học, số 2, 1998, tr.61-68.

3. Cầm Trọng, Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.77.

4, 7. Vi Văn An, Người Thái ở miền Tây Nghệ An, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, tr.52, 99.

5. Lương Văn Hy, Lý thuyết nhân học, Tập bài giảng Đại học Toronto, Canada, 2017, tr.44-45.

6. Hoàng Lương, Văn hóa các dân tộc Tây Bắc Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, 2005, tr.12.

Tác giả: Chu Quang Cường - Lương Văn Thiết

Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021

;