Tên các anh, các chị đã thành tên đất nước

Các em học sinh Lai Châu thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ
    (Nguồn: TTXVN)

 

Sự hy sinh của những người lính chính là khúc tráng ca bất tử về tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Đó là sự hóa thân diệu kỳ của các anh hùng liệt sĩ vào lòng đất Mẹ Việt Nam. Máu của các chị, các anh đã tô thắm thêm màu cờ của Tổ quốc. Đúng như nhà thơ Lê Anh Xuân từng viết “Tên anh đã thành tên Đất nước…” để “…Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân…”.

Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, những con người “Mạnh hơn cả đạn bom, làm run sợ cả lầu năm góc…” (Xuân 68 - Tố Hữu), chính là những chứng nhân lịch sử. Trước kẻ thù họ sẵn sàng chiến đâu hy sinh vì lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và đã ngã xuống một cách thanh thản. “Đất nước của những người con gái con trai/ Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt”(Chúng con chiến đấu…- Nam Hà). Bởi trong họ luôn vững tin về một niềm tin tất thắng. Nhưng cũng có  những “…người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về.../ Ngọn núi nơi anh ngã xuống rực cháy lên, màu hoa đỏ phía rừng xa/ Rực cháy lên, màu hoa đỏ phía hoàng hôn” (Màu hoa đỏ - Nguyễn Đức Mậu). Họ thanh thản ra đi, nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Đặc biệt, là đối với những người mẹ Việt Nam Anh hùng, người mẹ lam lũ, cần mẫn nuôi con “Suốt đời im lặng, biết hy sinh nên chẳng nhiều lời” (Chào xuân 67 - Tố Hữu), để rồi “khóc thầm lặng lẽ” khi tiễn con lên đường, nén lòng, hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình, để đất nước đứng lên, chiến thắng kẻ thù: “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng yên...” (Đất nước - Phạm Minh Tuấn). Đó là sự minh chứng cho đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Con người sống trên cõi đời này không ai muốn mình phải chết. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, vận nước bị đe dọa thì những người lính sẵn sàng chấp nhận cái chết để đất nước được trường tồn, đó là một sự chấp nhận đầy nhân văn lẫn cả sự vinh quang cao cả nhất. Trong đó, có những người tuổi đời còn rất trẻ đã gác lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, nguyện đem thân mình dâng hiến cho Tổ quốc. Biết bao người đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, hay để lại một phần thân thể nơi chiến trường, vì lý tưởng cao đẹp, để đất nước được thống nhất huy hoàng như ngày hôm nay. Họ sống và chiến đấu vì lý tưởng “Quyết tử, cho Tổ quốc quyết sinh” và đã trở thành những cột mốc nơi biên cương. “Thế hệ chúng tôi đi như gió thổi/ Quân phục xanh đồng sắc với chân trời/ Chưa kịp yêu một người con gái/ Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai” (Đất nước hình tia chớp - Trần Mạnh Hảo). Đất nước Việt Nam có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực như ngày hôm nay là có sự đánh đổi bằng bằng xương, bằng máu của thương binh, liệt sĩ. Các anh, các chị, đã để lại cho dân tộc một “dáng đứng Việt Nam” với tư thế hiên ngang, bất khuất, kiên cường. Để hôm nay “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”(Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân).

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng mỗi tấc đất của người mẹ Việt Nam vẫn ôm ấp, ru ngủ, các anh, các chị trong lòng. Các anh các chị đã trở thành tượng đài bất tử trong lòng mỗi người con đất Việt. Máu của các anh, các chị, đã viết nên trang lịch sử bằng vàng đối với dân tộc Việt Nam.

 

HOÀNG BÍCH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 540, tháng 7-2023

 

;