Ngô Sĩ Liên (chưa rõ năm sinh và năm mất) người làng Chúc Lý, huyện Chương Đức (nay thuộc làng Ngọc Giả, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội). Ông là sử thần danh tiếng thời Lê, đã góp phần lớn công sức trong việc soạn thảo Đại Việt sử ký toàn thư - bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam được khắc in vào cuối thế kỷ XVII và còn lại nguyên vẹn cho tới ngày nay.
Tranh minh họa về Ngô Sĩ Liên
Theo các tài liệu mới được công bố gần đây, sinh thời, Ngô Sĩ Liên tham gia khởi nghĩa Lam Sơn khá sớm, ông cùng Nguyễn Nhữ Soạn (em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Trãi) giữ chức vụ thư ký trong nghĩa quân, nhiều lần được Lê Lợi cử làm sứ giả, thương lượng với quân Minh trong những lần đôi bên tạm hòa hoãn để củng cố lực lượng.
Ngô Sĩ Liên từng đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 đời Lê Thái Tông (1434 - 1442): “Năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) rộng mở xuân vi thi Hội cho các sĩ nhân trong nước. Bấy giờ số dự thi đông đến 450 người. Qua bốn trường, lấy trúng cách được 33 người. Quan Hữu ti chuyên trách kê tên dâng lên, Thánh thượng sai chọn ngày ban cho vào sân rồng ứng đối. Lúc ấy Đề điệu là Thượng thư Tả Bộc xạ Lê Văn Linh, Giám thí là Ngự sử đài Thị Ngự sử Triệu Thái, cùng các quan Tuần xước, Thu quyển, Di phong, Đằng lục, Đối độc ai nấy đều kính cẩn thi hành công việc. Ngày mồng 2 tháng 2, Thánh thượng ra ngự ở điện Hội Anh, đích thân ra đề thi văn sách. Ngày hôm sau các viên Độc quyển là Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ kiêm Trung thư Quốc sử sự Nguyễn Trãi, Trung thư sảnh Trung thư Thị lang Nguyễn Mộng Tuân, Nội mật viện Tri viện sự Trình Thuấn Du, Quốc tử giám Bác sĩ Nguyễn Tử Tấn nâng quyển tiến đọc. Hoàng thượng sáng suốt ngự lãm, xét định thứ bậc cao thấp. Ban cho Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Như Đổ đỗ Bảng nhãn, Lương Như Hộc đỗ Thám hoa lang; bọn Trần Văn Huy 7 người đỗ Tiến sĩ, bọn Ngô Sĩ Liên 23 người đỗ Phụ bảng” [văn bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442)]. Đây là khoa thi đầu tiên được triều đình tổ chức lễ xướng danh, yết bảng; các vị tiến sĩ tân khoa được vua ban mũ áo, vào cung dự yến, được ban ngựa quý để đi dạo chơi thăm phố xá kinh kỳ, được "ân tứ vinh quy" với lễ đón rước rất trọng thể. Về sau, theo lệnh vua Lê Thánh Tông, họ tên lại được khắc vào bia đá, đặt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, "làm gương sáng cho muôn đời".
Sau khi thi đỗ, Ngô Sĩ Liên đã từng giữ các chức Đô ngự sử dưới triều Lê Nhân Tông, Lễ bộ Hữu thị lang, Triều liệt đại phu kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp, kiêm Sử quan tu soạn dưới triều Lê Thánh Tông. Như đã nói, đóng góp to lớn của Ngô Sĩ Liên chính là việc gửi lại với thời gian bộ Đại Việt sử ký toàn thư mà ông đã biên soạn theo lệnh nhà vua và đã hoàn thành vào năm Kỷ Hợi (1479), niên hiệu Hồng Đức thứ 10 đời Lê Thánh Tông, gồm 15 quyển, chia thành hai phần: Phần một (ngoại kỷ), gồm 5 quyển, chép từ thời Hồng Bàng đến hết thời Bắc thuộc (năm 938). Phần hai (bản kỷ) gồm 10 quyển, chép từ thời Ngô Quyền dựng nước (năm 938) đến khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi (năm 1428).
Là sử quan, phẩm chất đầu tiên cần phải có là bản lĩnh và sự trung thực. Phẩm chất ấy, Ngô Sĩ Liên không thiếu. Chẳng thế mà có lần Ngô Sĩ Liên bị vua Lê Thánh Tông mắng là “gian thần bán nước”, ông cũng trung thực ghi vào quốc sử lời dụ bảo của vua rằng: “Ta mới coi chính sự, sửa mới đức độ, tuân theo điển cũ của thánh tổ thần tông nên mới tế giao vào đầu mùa xuân. Các ngươi lại bảo tổ tông tế giao cũng không đáng theo! Các ngươi bảo nước ta đời xưa là hàng phiên bang, thế là các ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại, khi Lệ Đức hầu (Lê Nghi Dân) cướp ngôi, Ngô Sĩ Liên chẳng vì hắn trổ tài phong hiến đó sao? Ưu đãi trọng lắm! Nhân Thọ không vì hắn trù hoạch nơi màn trướng đó ư? Ngôi chức cao lắm! Nay Lệ Đức hầu mất nước về tay ta, các ngươi không biết vì ăn lộc mà chết theo hắn lại đi thờ ta. Nếu không nói ra, trong lòng các ngươi không tự hổ thẹn mà chết ư? Thực là bọn gian thần bán nước!" (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr616).
Sự trung thực, những dòng chữ ấy đã nói lên nhân cách của một nhà sử học. Xưa nay, nói trung thực về người đã khó, nói trung thực lời vua mắng mình, lại ghi hẳn vào quốc sử, lưu truyền cùng hậu thế… thì chỉ có Ngô Sĩ Liên!
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021