Trước đòi hỏi của giai đoạn cách mạng hiện nay, tình hình đội ngũ cán bộ nói chung được trẻ hóa ở các cấp, chỉ còn một tỷ lệ khá khiêm tốn những người trong độ tuổi “già”, được xem là những người có vai trò làm cố vấn cho lớp cán bộ trẻ. Họ luôn sẵn sàng nghỉ hưu khi thấy cán bộ trẻ đã “đủ chín” đảm đương được nhiệm vụ trên giao. Do vậy, họ chính là chỗ dựa tinh thần và phải được cán bộ trẻ hết sức kính trọng, học hỏi kinh nghiệm trong công tác và cả trong cuộc sống đời thường, đó là điều tất yếu bởi tinh thần “kính lão đắc thọ” vốn là truyền thống văn hóa, cách hành xử văn minh, tốt đẹp lâu nay của người Việt Nam ta.
Thế nhưng, cũng do 2 thế hệ cùng công tác với nhau nên đôi lúc lại có “vấn đề”, nhất là khi có người “già” xuất hiện “bệnh công thần”, xem thường phẩm chất, năng lực thực tế của lớp cán bộ trẻ, từ đó có thái độ ứng xử với cán bộ trẻ thiếu chuẩn mực. Chính điều này vô hình trung làm cho không khí nơi công sở đôi khi kém phần vui tươi, phấn khởi, mối quan hệ lãnh đạo, nguyên tắc cấp dưới phục tùng cấp trên sẽ bị chi phối bởi thái độ ứng xử thiếu tôn trọng với nhau.
Gần đây, nhân có việc xuống cơ sở, trong lúc chờ gặp cán bộ cần làm việc, tôi đã chứng kiến một kiểu xưng hô nghe thật khó lọt tai ở xã H. Có một cán bộ trẻ trên huyện xuống xin gặp làm việc với đồng chí Bí thư xã, thấy phòng Bí thư Đảng ủy xã mở cửa nhưng không có người, bèn hỏi một cán bộ luống tuổi thì được trả lời tỉnh queo: “Hắn mới đi đâu đó!”. Một chị cán bộ trên Ủy ban dân số và Kế hoạch hóa gia đình huyện xuống tìm nữ đồng chí Phó Chủ tịch xã phụ trách văn xã cũng được trả lời: “Con ấy vừa đi ra ngoài!”. Nêu ra vài trường hợp như vậy, để thấy văn hóa ứng xử ở nhiều nơi còn giản đơn, hời hợt đến vô cảm, đáng trách, thể hiện sự lệch chuẩn về thái độ ứng xử nơi công sở.
Vẫn biết vấn đề thiếu văn hóa ứng xử nơi công sở không mang tính phổ biến nhưng xem ra không ít nơi đều “dính” chuyện không vui ấy, làm buồn lòng những ai quan tâm đến vấn đề khá nhạy cảm này.
Rõ ràng, văn hóa ứng xử nơi công sở không đơn thuần chỉ là cách giao tiếp đơn giản mà nó còn là thể hiện cách “đối nhân xử thế” một cách mềm mỏng, đúng đắn của cán bộ và điều này trở nên quan trọng hơn đối với cán bộ chủ chốt, cán bộ trẻ (nhất là ở cấp xã, phường). Những năm gần đây, văn hóa ứng xử trong đội ngũ cán bộ các cấp được đặt ra thường xuyên, nhất là trong mối quan hệ với nhân dân, công chức là người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị, địa phương phải xếp lịch để tiếp dân; nơi công sở phải bố trí phòng tiếp nhận và trả hồ sơ (một cửa hoặc một cửa liên thông)… đã góp phần nâng tầm ứng xử văn hóa giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân… được mọi giai tầng trong xã hội đánh giá cao. Cũng từ đó, việc ứng xử lạnh nhạt, thiếu văn hóa nơi công sở như nêu ở trên được đẩy lùi, xóa bỏ.
Tác giả: Mặc Sinh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021