Cựu chiến binh tuổi cao làm kinh tế giỏi

Xuất phát từ hai bàn tay trắng, qua gần 30 năm lao động miệt mài, giờ đây Cựu chiến binh (CCB) Phạm Ngọc Thành đã trở thành một tỷ phú với cơ ngơi bạc tỷ giữa vùng quê Đại Quang yên bình. Những mô hình kinh tế của ông đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sự phát triển cộng đồng; một số mô hình đem lại giá trị cao về mặt văn hóa - kinh tế - xã hội… tại địa phương.

Chúng tôi rất ấn tượng khi đến thăm CCB Phạm Ngọc Thành (70 tuổi, trú thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) vào một ngày đầu xuân Tân Sửu 2021.

Tiếp chúng tôi, ông Thành cho hay, ông tham gia vào đội du kích xã Đại Quang khi mới 14 tuổi. Đến năm 1977, ông vinh dự được giữ chức vụ Đại đội trưởng C5. Trong quá trình kháng chiến, ông đã được tặng Huân chương kháng chiến Hạng 2 và nhiều Bằng khen của Quân khu. Đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về quê hương và được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Đại Quang năm 27 tuổi.

Sau khi về hưu, với số tiền lương ít ỏi dành dụm được, ông Thành  vay mượn vài chục triệu đồng của người thân, bạn bè để xây dựng mô hình khởi nghiệp từ chăn nuôi gà. Trang trại bắt đầu với chỉ vài chục con gà, lợi nhuận đem lại đủ đóng tiền học phí cho con cái. Và khi dịch bệnh bùng phát thì gia đình tiếp tục lâm vào cảnh khốn khó.

Ấy thế nhưng, với nghị lực và ý chí của “anh bộ đội Cụ Hồ”, ông Thành đã biến vùng đất đồi núi Đại Quang thành cơ ngơi bạc tỷ nhờ kinh tế vườn rừng, kết hợp với ngành chế biến gỗ cùng sự giúp sức của chính quyền xã Đại Quang. Việc kinh doanh của ông Thành ngày càng khởi sắc. Ông vay mượn thêm và dùng số tiền “lấy ngắn nuôi dài” nhằm đầu tư, mở rộng mô hình kinh doanh chuồng trại; đồng thời thành lập các công ty TNHH với nhiều ngành nghề như: khai thác đá, sản xuất nguyên vật liệu xây dựng; trồng rừng, chăn nuôi, chế biến gỗ.

Cùng với việc sản xuất kinh doanh, ông Thành đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, áp dụng mô hình VAC khép kín có tổng diện tích xây dựng trên 3.600 m2 với giá trị đầu tư khoảng 19 tỷ đồng; trong đó, có 2 khu chăn nuôi lợn thịt và 1 trại nuôi gà lấy trứng có diện tích gần 3.000 m2. Mỗi năm, trang trại của ông xuất chuồng hơn 500.000 kg thịt lợn và 2,5 triệu quả trứng gà.

Trại nuôi gà, heo của CCB Phạm Ngọc Thành

Gần 30 năm lao động miệt mài, đến nay, cơ ngơi của gia đình ông  gồm có 2 công ty, một nhà máy chế biến bột đá xây dựng và Hợp tác xã chăn nuôi heo, gà cùng 35ha rừng. Doanh thu hằng năm của gia đình ông Thành vào khoảng 25 tỷ đồng, trừ các khoảng chi phí, ông lãi từ 2-3 tỷ đồng/năm. Hiện nay, gia đình ông Thành đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 80 lao động địa phương với mức lương trung bình từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Chế độ đãi ngộ người lao động của doanh nghiệp, đơn vị sản xuất do gia đình ông làm chủ được đánh giá thuộc hàng tốp đầu trên địa bàn huyện, tỉnh; mỗi năm nộp ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng.

Ông Thành tâm sự, thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 hoành hành, việc sản xuất kinh doanh của ông cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, ông ráng “cầm cự” nhằm duy trì khoảng 50% tiến độ để không bị ngưng trệ và đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng “5K” cho công nhân.

Không những kinh doanh giỏi, ông Thành còn tích cực làm từ thiện. Mỗi năm, ông đóng góp gần 100 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học của xã; ủng hộ hơn 100 triệu đồng vào việc xây dựng cổng làng Phước Lộc và làng Hòa Thạch; quyên góp gần 2 tỷ đồng cho nhiều hộ gia đình CCB có hoàn cảnh khó khăn; đóng góp hơn 100 triệu đồng để xây dựng Nhà văn hóa, làm đường bê tông nông thôn; ủng hộ 10 triệu  đồng cho 20 hộ có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết... Ngoài ra, ông luôn đóng góp cho các Quỹ Chất độc da cam, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Vì trái tim cho em… Bất kể hoạt động nào cần quyên góp, gia đình ông đều hết lòng hưởng ứng.

Đặc biệt, vào ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm, ông Thành tặng 2 - 3 sổ tiết kiệm cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, mỗi sổ 1 triệu đồng. Ngoài ra, với tư cách là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Đại Quang, ông còn dành khoảng 2 tỷ đồng cho nhiều anh em và con em CCB có hoàn cảnh khó khăn mượn không lấy lãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh, làm nhà… nhằm ổn định cuộc sống như gia đình hộ ông Phạm Ánh, Nguyễn Dũng, Phạm Hùng…

Với những cống hiến ấy, ông Phạm Ngọc Thành đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2016 và nhiều Bằng khen cấp bộ, tỉnh, hội… Ông Phạm Ngọc Thành cũng chính là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” vinh dự được nhận bằng khen do Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.

Ông Đoàn Tám – Chủ tịch UBND xã Đại Quang cho biết, CCB Phạm Ngọc Thành là tấm gương sáng làm kinh tế cho các thế hệ trẻ noi theo. Ông Thành là một trong những đảng viên tiêu biểu trong thời chiến cũng như trong thời bình. Các mô hình kinh tế của ông đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sự phát triển cộng đồng; một số mô hình đem lại giá trị cao về mặt văn hóa - kinh tế - xã hội… tại địa phương.

Tác giả: Tiên Sa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021

;