Những con đường nhỏ hẹp ngày nào của xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long dần rộng mở thênh thang. Con đường đó dẫn về xóm nhỏ mà hồi xưa có tên là làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa tại một công binh xưởng sản xuất vũ khí trong kháng chiến chống Pháp - Ảnh TL
Chính tại nơi đây, hơn thế kỉ trước, trong ngôi nhà nhỏ nép mình dưới những tán cây xanh, ngó mặt ra dòng sông Măng lịch sử, cậu bé Phạm Quang Lễ đã cất tiếng khóc chào đời (ngày 13/9/1913). Và sau này Phạm Quang Lễ vinh dự được Bác Hồ đặt tên mới là Trần Đại Nghĩa, một huyền thoại vũ khí của Việt Nam, được thế giới nghiêng mình kính phục.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo như bao nhiêu người dân nước Việt Nam lúc bấy giờ đang sống trong cảnh mất nước, lầm than nhưng nhờ sự dưỡng nuôi trong nền nếp gia giáo, có tinh thần yêu nước và giàu lòng nhân ái là nền tảng, cậu bé Phạm Quang Lễ sớm bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học; đến khi có điều kiện du học ra nước ngoài cậu lại càng nỗ lực phi thường, không ngừng nung nấu ý chí bền bỉ, kiên trì với mục tiêu cao cả là được phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Cột mốc quan trọng nhất trong cuộc đời Phạm Quang Lễ, cũng là vận may cho đất nước, chính là cơ duyên ông được gặp Bác Hồ và quyết định cùng với một số trí thức theo Bác Hồ về nước trên con tàu cập bến Ngự - Hải Phòng năm 1946, để tham gia kháng chiến chống Pháp.
Trân trọng tấm lòng vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên mới cho Phạm Quang Lễ là Trần Đại Nghĩa và giao cho ông nhiệm vụ làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới.
Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trần Đại Nghĩa lên chiến khu Việt Bắc trực tiếp chỉ đạo sản xuất các loại vũ khí, như: lựu đạn, súng phóng lựu đạn, cối 80,8mm, Ba-dô-ca, SKZ…
Năm 1948, Trần Đại Nghĩa đã trở thành một trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và ông cũng là Thiếu tướng đầu tiên của ngành quân giới ở tuổi 35.
Năm 1949, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa được phân công làm Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Đến năm 1983, ông được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp Các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam. Những cống hiến của Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa đã để lại dấu ấn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược.
Dưới sự chỉ đạo của ông, những sản phẩm của ngành quân giới Việt Nam, đặc biệt là súng Ba-dô-ca, đạn hỏa tiễn OF, đạn chống tăng AT, súng không giật SKZ, nghiên cứu tìm ra các giải pháp kĩ thuật khắc phục thủ đoạn gây nhiễu của địch trên ra-đa, giúp phát hiện rõ máy bay B-52 để điều khiển tên lửa SAM-2 bắn trúng mục tiêu... đã góp phần đánh bại thực dân Pháp và cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng B-52 của quân Mỹ, góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với những đóng góp to lớn cho ngành quân giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa danh hiệu “Ông Phật làm súng”.
Ông Trần Thành Đức làm thư kí riêng cho Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa trong những năm 1968 - 1971 nhưng với sự ngưỡng mộ tài năng, đức độ và tình cảm quý mến đặc biệt, ông Đức đã gắn bó với người thầy, người thủ trưởng của mình cho đến suốt đời.
Có lần người viết bài này hỏi ông Trần Thành Đức học tập được ở người thầy của mình đức tính gì, ông trả lời ngay mà không cần suy nghĩ: “Đó là thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học.
Thầy Trần Đại Nghĩa là con người hành động. Rất ít nói, luôn suy nghĩ chín chắn, rồi hành động, hành động và hành động. Tôi học theo thầy nên giờ đây ở tuổi gần 80, vẫn âm thầm làm việc và viết được khá nhiều sách”.
“Chuyện gia đình là chuyện nhỏ nó nằm trong Tổ quốc rồi; hãy luôn đặt Tổ quốc lên trên hết”. Những năm tháng cuối đời, Giáo sư, Viện sĩ thường tâm sự với con trai là Đại tá Trần Dũng Trình, rằng: “Giờ đây coi như ba đã hoàn thành sứ mạng đối với non sông đất nước.
Nếu cho ba sống lại lần nữa thì nhất định ba vẫn sẽ đi theo con đường đã chọn, đó là phụng sự Tổ quốc, trọn đời phục vụ nhân dân mình”.
Ông Đức cho rằng, thầy mình cũng đã sống đúng với những gì đã nói, những gì thầy đã dạy dỗ con cái mình đó là: học tập và sống phải luôn có mục đích cao cả, phục vụ đất nước.
Chính vì có mục đích rõ ràng mà ngay từ lúc 17 tuổi, cậu học trò Phạm Quang Lễ ở vùng quê Tam Bình, đã ấp ủ giấc mơ học tập về chế tạo vũ khí để góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Và cũng vì thầy là một con người ít nói, luôn suy nghĩ chín chắn và hành động - ông Đức nhắc lại - nên thầy lặng lẽ học tập, tự nghiên cứu để thực hiện giấc mơ lớn của đời mình.
Cho mãi đến khi thầy gặp được Bác Hồ - vẫn không một ai hay biết về “giấc mơ chế tạo vũ khí” của ông.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng và nền khoa học nước nhà, là một tấm gương sáng, mẫu mực, giàu nghị lực, giản dị, trung thực, thẳng thắn, được đồng chí, đồng đội, nhân dân tin tưởng, yêu mến, được bạn bè quốc tế tin yêu và kính trọng.
“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long luôn tự hào về người con ưu tú - Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học quân sự tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
TRẦN AN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 582, tháng 9-2024