Nữ doanh nhân dám nghĩ, dám làm

Bà Bùi Thị Mão nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt về sáng kiến cải tiến kỹ thuật phương pháp trồng, chăm sóc, chế biến chè Đinh của Công ty TNHH chè Hoài Trung do Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức năm 2023

 

Đến xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ hỏi về nữ giám đốc công ty TNHH chè Hoài Trung thì ai cũng biết. Đó là bà Bùi Thị Mão,  người đã mang búp chè Việt Nam đến với bạn bè quốc tế qua con đường xuất khẩu. Vươn lên bằng con đường tự học cùng tình yêu cháy bỏng với búp chè quê hương, bà luôn trăn trở về chăm bón vùng chè bằng phương pháp hữu cơ để có được sản phẩm sạch, an toàn. Hơn 20 năm qua, bà Mão đã từng bước xây dựng thương hiệu để rồi khẳng định có được sản phẩm OCOP  5 sao quốc gia. Sau hơn 40 năm gắn bó với cây chè, với bản tính dám nghĩ, dám làm, bà đã vượt qua biết bao khó khăn từ thời còn cơ chế bao cấp để xây dựng nên một công ty có cơ ngơi khang trang, vươn ra chiếm lĩnh thị trường chè bằng sản phẩm uy tín, chất lượng, không ngừng cải tiến máy móc chế biến chè, liên kết chặt chẽ với người nông dân, tạo vùng nguyên liệu bền vững để chủ động sản xuất. Không những kinh doanh giỏi, bà còn là một trong những doanh nghiệp văn hóa tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ, hết lòng chăm lo đời sống văn hóa tinh thần của người lao động, gắn kết quyền lợi, nghĩa vụ của bà con nông dân với vùng nguyên liệu chè của công ty, tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội từ khuyến học, khuyến tài đến giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, bà còn có những đóng góp tích cực trong việc giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của quê hương.

Bà Mão vốn quê ở Ninh Dân, đây cũng là một trong những vùng chè nổi tiếng của Thanh Ba. Sau khi xây dựng gia đình, bà chuyển về Chí Tiên cùng chồng gây dựng cơ nghiệp và gắn bó với cây chè nơi đây. Từ lâu, bà luôn đau đáu nỗi niềm làm thế nào để sản phẩm chè quê hương mình sánh vai với chè Thái Nguyên, chứ chưa dám nghĩ đến việc xuất khẩu như những năm gần đây. Cái mặc cảm chè Phú Thọ nước đỏ, vị chát, không ngọt giọng, có hậu như chè Thái cứ đeo đẳng bà những tưởng không thoát ra được. Nghĩ đến chè Phú Thọ được nhiều người nói là chè gốc mang sang Thái Nguyên trồng, sao nó lại ngon đến thế bà liền lặn lội sang bên đó học tập trao đổi kinh nghiệm. Vốn là là người có quyết tâm lớn, với ý chí sắt đá, bà kiên trì con đường tự mày mò nghiên cứu để tìm ra lời giải.  Bà đã đổi mới phương pháp canh tác từ trồng theo phương pháp truyền thống nay thay bằng trồng và chăm sóc theo phương pháp Vietgap, sử dụng phân bón hữu cơ cho cây chè phát triển. Qua một số năm nghiên cứu thử nghiệm, bà đi đến nhận định: chính phương pháp và thời gian thu hái quyết định đến trên 90% chất lượng sản phẩm chè. Bà trải lòng: người nông dân ở Chí Tiên trước kia sản xuất đại trà thường không có thời gian thu hái cũng như cách hái chè cụ thể, họ thường thu hoạch vào thời gian rảnh rỗi. Chính vì thế, có lúc nắng to, chè bị héo dẫn đến vị của chè bị chát, đắng hay hái chè quá ướt dẫn tới vị chè chua, nhạt. Thời điểm vàng hái chè là từ 5h30 đến 8h sáng, búp chè hứng trọn sương đêm, được hái vào buổi sáng sớm từ lúc mặt trời mới hé rạng cho đến lúc mặt trời có ánh sáng mạnh sẽ căng mọng, tươi ngon. Hiện tại, sản phẩm chè Đinh của công ty Hoài Trung là sản phẩm nổi tiếng, nguyên liệu tạo ra sản phẩm này là tôm của búp chè ( 1 tôm 2, 3 lá). Khi hái chè, cần hái tôm của búp non, trước lá 1, phần đó còn gọi là búp đinh; phần lá bánh tẻ thứ hai và thứ ba dùng cho chế biến chè xanh. Hái thủ công bằng tay bảo đảm búp đồng đều, tạo điều kiện cho công đoạn chế biến sau đó và bảo đảm chất lượng thành phẩm ổn định. Khi được hỏi về việc cải tiến phương pháp chế biến sản phẩm đã tiết kiệm thời gian và công sức lao động như thế nào, bà Mão cho biết: chính việc hái thủ công bằng tay đã giúp chúng tôi bỏ công đoạn sàng lọc, phân loại, từ đó giảm thiểu bụi, tiếng ồn do máy cắt, máy cán, máy trộn tạo ra. Đây cũng là vấn đề cực kỳ quan trọng trong vệ sinh môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người lao động mà sản phẩm làm ra cũng không bị ảnh hưởng. Đó là lợi ích kép mà chúng tôi đã thu được từ khâu cải tiến phương pháp chế biến. Có thể nói, việc cải tiến phương pháp trồng và chế biến chè xanh chất lượng cao, tạo quy trình kín từ khâu chăm sóc, tinh chế sản phẩm, bao gói, bán hàng; thiết kế dây chuyền công nghệ sản xuất chè xanh  chất lượng cao phù hợp với mô hình vùng nguyên liệu đầu vào và năng lực sản xuất của công ty, tạo sản phẩm chất lượng cao. Công trình tự nghiên cứu học hỏi của bà Bùi Thị Mão và công ty Hoài Trung có tính thực tiễn cao, hiệu quả áp dụng trong sản xuất rất rõ nét, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Việt. Sản phẩm chè Đinh của Công ty chè Hoài Trung đã được chứng nhận sản phẩm OCOP quốc gia do Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cấp năm 2022. Công trình cải tiến phương pháp trồng và chế biến chè xanh chất lượng cao được công nhận OCOP 5 sao của bà Bùi Thị Mão và công ty TNHH Hoài Trung là 1 trong 5 công trình lọt vào vòng chung khảo của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023. Vừa qua, Chủ tịch hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Kim Hải đã về Chí Tiên trao giải thưởng “ Tự học, thành tài” cho bà Bùi Thị Mão.

Không chỉ đi đầu trong sản xuất kinh doanh, bà Mão  luôn suy nghĩ đến trách nhiệm xã hội của công ty với người lao động, với sự phát triển của quê hương. Hơn 10ha đất đồi trồng chè tím đã được công ty hợp đồng liên kết trở thành vùng nguyên liệu bền vững, người nông dân trở thành công nhân của công ty, sự gắn kết ấy thực sự hữu cơ, trở thành nguồn sức mạnh nội lực. Nhờ  điều này mà công ty bảo đảm được nguồn nguyên liệu búp tươi để chế biến chè thương hiệu không phải nhập từ bên ngoài; 25 công nhân trong xã có việc làm thường xuyên với mức thu nhập trên 6 triệu đồng/ người /tháng. Hằng năm, người lao động được công ty chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, được tham quan nghỉ mát, du lịch những địa danh nổi tiếng của đất nước như Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò… bồi dưỡng sức khỏe, tinh thần thêm phấn chấn. Công ty dành một số phần việc cho Hội Phụ nữ xã tham gia gây quỹ, sẵn sàng bố trí lực lượng tham gia các hoạt động văn hóa lễ hội của địa phương… Thế mới biết, phương châm kinh doanh của nữ giám đốc Bùi Thị Mão kết hợp hài hòa lợi ích kinh tế và tạo ra niềm hứng khởi về văn hóa tinh thần cho người lao động, cho địa phương nơi công ty đứng chân. Tinh thần ấy với hoàn cảnh hiện nay thật phù hợp: kinh doanh phải đi liền với phát triển bền vững. Từ năm 2006, bà Bùi Thị Mão được huyện  Thanh Ba bình chọn là Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc 5 năm liền giai đoạn  2001- 2006, được tỉnh chọn cử vào đoàn đại biểu của Phú Thọ đi dự Hội nghị gia đình văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội năm 2007. Bản thân bà Mão rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa dân gian ở các di tích, lễ hội của Chí Tiên. Không những trực tiếp tham gia, bà còn nhiệt tình ủng hộ kinh phí cho các hoạt động mà ở đó rất cần sự có mặt của những Mạnh Thường Quân. Hiện nay, bà là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ở cương vị này, bà có rất nhiều đóng góp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, rất nhiều khách hàng trong nước và quốc tế biết đến các doanh nghiệp chè Phú Thọ, nhất là chè Thanh Ba. Những doanh nghiệp sản xuất chè trên địa bàn huyện thường xuyên được bà giúp đỡ chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác sản xuất, giới thiệu quảng bá  sản phẩm…

Với những thành tích trên lĩnh vực kinh doanh và các hoạt động văn hóa, doanh nghiệp chè Hoài Trung mà đứng đầu là nữ giám đốc Bùi Thị Mão xứng danh là doanh nghiệp văn hóa, góp phần làm cho quê hương thêm giàu đẹp và vinh dự hơn là làm cho thương hiệu chè Việt Nam ngày một phát triển mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Đến Chí Tiên , một vùng đất trù phú , giàu truyền thống văn hóa của huyện Thanh Ba, chắc chắn một điều mọi người sẽ cảm nhận được sự chân thành, ấm á, đằm thắm tình người của những người làm chè nơi đây,

          “ …Rừng cọ đêm mưa đất cổ sơ

             Hoa Ngâu hương ngát tự bao giờ

            Cha ông  đã ở mùa hương ấy

            Thơm đến ngày nay mỗi giọt mưa…” 

(Trích trong bài thơ Đêm mưa rừng cọ của nhà thơ Huy Cận)

 

TRẦN VĂN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 582, tháng 9-2024

;