Tôn sư trọng đạo

Người xưa dạy: “Tôn sư trọng đạo”, đó đạo lý của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Người đi học chữ, trước tiên là học đạo lý làm người: “Tiên học lễ hậu học văn”, đây là đạo lý xuất phát từ cội nguồn dân tộc.

Nói đến học thì rộng lắm, học ở nhà trường, học ngoài xã hội, có thể học từ sách vở, trong thực tế và từ bạn bè. Mặc dù học nhiều hay học ít thì bao giờ người dạy đều được gọi là thầy, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”,  nghĩa là một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy, cần phải có sự tôn trọng về đạo thầy trò ở đời. Chúng ta phải biết ơn người dìu dắt, dạy dỗ mình, dù chỉ là điều nhỏ nhặt nhất, đó chính là lẽ thường, tối thiểu ở đời, trong cuộc sống xưa và nay. Bất kì là ai, đã là đi học thì cần phải học bắt đầu từ những kiến thức sơ đẳng nhất, đó là học đạo làm ngưởi, sau đó mới học kiến thức. Có như vậy thì họ mới có thể tiếp tục mở mang kiến thức cao hơn, để vươn xa hơn. Thầy, cô phải là những người cao hơn một bậc về tri thức, về tư cách, về tầm nhìn, không có thầy, cô chúng ta khó có cơ hội lĩnh hội kiến thức, trau dồi đạo đức, tiến bộ về mọi mặt, để lớn lên “thành người” và “thành tài”. Chẳng thế mà người xưa có câu: “Không có thầy đố mày làm nên”. Khi đi học, người học trò phải có thái độ trân trọng, coi thầy cô là tấm gương để noi theo. Không hiếm những học trò sau này thành danh vẫn có những nét hao hao giống thầy, cô về cử chỉ, cách nói, vốn tri thức. Câu: “Tiên học lễ, hậu học văn” là một thông điệp bất di bất dịch trong trường học, như nhắc nhở học sinh cần có thái độ ứng xử sao cho đúng, cho phải đạo làm người, đặc biệt là đối với thầy, cô giáo. Trong nhà trường, điều trước hết phải rạch ròi: Thầy ra thầy, trò ra trò, lòng kính trọng thầy, cô là một biểu hiện cao nhất của niềm tin và tình yêu của học trò đối với thầy, cô giáo trên con đường trau dồi học vấn. Có ai trên đời này giỏi giang, thành đạt mà không nhờ bàn tay dìu dắt của những người thầy, người cô. Xin nêu ra đây một câu chuyện vui: Một nhà lãnh đạo cấp cao từ Trung ương, khi về thăm lại trường cũ, trước khi lên phát biểu, điều đầu tiên là ông mời những thầy, cô giáo cũ lên ngồi cùng ông, trước khi phát biểu, câu đầu tiên ông nói: “Kính thưa thầy, cô giáo”, sau đó mới đến các cấp lãnh đạo địa phương. Cả hội trường, các thầy cô giáo và các em học sinh vô cùng cảm động trước tình cảm thầy trò của vị lãnh đạo cấp cao đó và họ cảm nhận được vai trò của nghề nhà giáo là vô cùng quan trọng. Riêng đối với vị lãnh đạo, ông tự nhún mình mà không hề thấp bé đi chút nào cả, ngược lại, ông lớn lên trong sự kính trọng và thán phục của mọi người với quan niệm đối nhân xử thế của ông. Ông đã tuân thủ một trong những nguyên tắc đạo đức sơ khởi và đã thật sự làm bừng sáng nguyên tắc, đạo đức ấy. Những năm gần đây, mặt trái của nền kinh tế thị trường đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của xã hội, nó len lỏi qua tâm hồn, đời sống chúng ta. Nó làm băng hoại biết bao đạo lý, truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam. Tình nghĩa thầy trò nơi trường học cũng bị đem ra thử thách. Nhiều người tôn sùng vật chất, xem thường tình cảm giữa con người với con người, giữa tình thầy trò với nhau. Họ không còn biết rung động trước mái tóc bạc, bàn tay run, cuộc sống đạm bạc của những thầy, cô giáo khi đã về hưu. Họ không dám bước chân vào ngôi nhà cũ kỹ, tồi tàn, của thầy, cô trước đây đã dạy mình. Họ vênh mặt, bước qua ngôi trường cũ, dửng dưng với mọi kỷ niệm êm đềm tuổi ấu thơ. Thế mới biết, cái xấu đã thâm nhập vào học đường, đã làm vấy bẩn tình nghĩa thầy trò. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta, cần phải chấn chỉnh và sửa ngay, biết rằng khó sửa nhưng dẫu mất nhiều thời giờ và công sức cũng cương quyết phải sửa.

Câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” càng làm thấm thía hơn những bài học đó. Ngày xưa đã thế, ngày nay vẫn thế, “Tôn sư trọng đạo” là một trong những đạo lí cơ bản trong đạo làm người, chính đạo lí này đã làm nên nét đẹp đậm chất nhân văn nhất mà người xưa truyền lại cho chúng ta hôm nay: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

 

HOÀNG BÍCH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024

;