Nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến

Nhà báo Trần Kim Xuyến (1921-1947) đã hy sinh vì nước trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

Nhà báo Trần Kim Xuyến sinh năm 1921 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 1936, khi học tại Trường Quốc học Vinh (Nghệ An), ông đã bí mật tham gia các phong trào yêu nước, và sau đó được phân công hoạt động ở Bắc Giang và Hà Nội. Năm 1944, ông bị thực dân Pháp bắt, giam tại nhà tù Hỏa Lò. Tháng 3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp, ông và một số đồng chí vượt ngục, tiếp tục hoạt động và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám 1945.

Ngày 22/8/1945, Trần Kim Xuyến được cử giữ chức vụ Đổng lý văn phòng (Chánh Văn phòng) của Bộ Tuyên truyền, kiêm chức vụ Phó Giám đốc Nha thông tin Việt Nam, trực tiếp phụ trách Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giao ông tham gia thành lập Đài Phát thanh quốc gia.

Nhà báo Trần Kim Xuyến là người trực tiếp ghi lại và truyền phát ra thế giới nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc. Với những máy móc, vật tư thu được của chính quyền thực dân, ngày 2/9/1945, ông đã tổ chức thành công việc tường thuật và phát rộng rãi bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Nhà báo Trần Kim Xuyến còn góp sức cho việc tuyên truyền, hướng dẫn, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện những nhiệm vụ khẩn cấp diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, xây dựng chính quyền nhân dân, cổ vũ phong trào “Tuần lễ vàng”, công trái quốc gia, phong trào Nam tiến chi viện cho Nam Bộ. Tháng 1/1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I khu vực Bắc Giang và là một trong những đại biểu trẻ nhất của Quốc hội.

Sáng ngày 3/3/1947, khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ và các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ dời về các vùng An toàn khu (Việt Bắc trở thành Thủ đô Kháng chiến toàn quốc) thì Trần Kim Xuyến đạp xe đạp đến các nơi chỉ huy việc sơ tán di chuyển tài liệu, máy móc. Trong lúc máy bay và xe tăng Pháp ào ạt tấn công, ông tình nguyện ở lại chuyên chở tài liệu của Nha Thông tin đến nơi an toàn. Ông bình tĩnh, can đảm đưa tài liệu đến chỗ cất giấu kín đáo. Vừa xong thì ông trúng đạn liên thanh của địch bắn, anh dũng hy sinh tại khu vực Đầm Sen, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, nay là thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Ngày 19/3/1947, Bộ Nội vụ đã làm giấy truy tặng, ghi rõ công trạng của nhà báo Trần Kim Xuyến: “Lúc còn sống, Trần Kim Xuyến là một cán bộ mẫn cán, nhiều năng lực và sáng kiến, có công lớn trong tổ chức Nha thông tin Việt Nam. Trong trường hợp nguy hiểm, ông đã nêu gương can đảm, tận tâm mà hy sinh vì chức vụ. Trước khi chết lại dùng hơi thở cuối cùng để tỏ lòng trung thành với Tổ quốc và Hồ Chủ tịch. Bộ Nội vụ nhiệt liệt khen ngợi đồng chí Trần Kim Xuyến đã nêu cao tinh thần hy sinh vì chức vụ, xứng đáng làm gương cho tất cả mọi người”.

Hai năm sau, ngày 23/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 32/SL truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến với công trạng: “Là một cán bộ tuyên truyền có tài. Trước ngày khởi nghĩa đã tích cực hoạt động giữaThủ đô Hà Nội, mặc dù sự khủng bố và kiểm soát chặt chẽ của Pháp và Nhật. Sau đó đã có công lớn trong việc xây dựng Nha Thông tin và Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam”. Ngoài ra, ông còn được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Nhà báo Trần Kim Xuyến còn là đại biểu Quốc hội khóa I hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tôn vinh những vị đại biểu Quốc hội khóa I đã hy sinh vì nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), tại Kỳ họp thứ 3, tháng 12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Đối với các vị ấy, nhân dân, Quốc hội, Chính phủ đều mến yêu mãi mãi. Các vị đại biểu kể trên đã từ trần vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì nhiệm vụ kháng chiến, xứng đáng là đại biểu của nhân dân Việt Nam anh dũng”.

Noi gương nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến, các nhà báo cách mạng của nước ta đã đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp phục vụ nhân dân, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962): “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” (1) và nhấn mạnh “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” (2).

_______________

1,2. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 616.

 

 

NGUYỄN VĂN TOÀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 573, tháng 6-2024

;