Người Trưởng thôn tận tâm, giàu lòng nhân ái

Suốt 23 năm làm Trưởng thôn Thanh Tiên (nay là thôn Thanh Vinh), xã Phú Mậu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Hóa (1961) luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và có nhiều việc làm rất đáng trân trọng, góp phần vào thành tựu chung trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.

 

Tận tụy phục vụ nhân dân

Năm 40 tuổi, ông Hóa được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn giữa bộn bề gian khó: tỷ lệ hộ nghèo trong thôn còn khá cao, đường làng ngõ xóm còn lầy lội, nhếch nhác; làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên chưa tìm được hướng đi thích hợp…Với trách nhiệm của Trưởng thôn-người nối nhịp cầu giữa chính quyền với nhân dân, ông Hóa luôn suy nghĩ, trăn trở làm sao để đưa đời sống kinh tế, văn hóa-tinh thần của người dân ngày một tiến lên. Khi nhận thức đã thông, tâm đã sáng, chí đã quyết thì ông bắt tay ngay vào công việc: tuyên truyền, vận động người dân hăng say lao động, phát triển sản xuất, tìm cách khôi phục lại làng nghề, gắn bó người dân trong thôn thành một khối đoàn kết vững chắc, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng Nông thôn mới trên chính mảnh đất quê hương. Việc đầu tiên, ông gần gũi, tiếp xúc thường xuyên với nhân dân để tìm hiểu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, từ đó có những kiến nghị, đề xuất kịp thời với lãnh đạo địa phương. Những vụ việc phức tạp, điểm “nóng” ở trong thôn như trộm cắp, gây gổ đánh nhau, thiên tai bão lụt, tai nạn đuối nước... ông đều có mặt kịp thời để giúp đỡ, giải quyết cho bà con một cách thấu tình, đạt lý. Nhờ vậy mà những vụ việc tương tự không phát sinh trầm trọng, không làm phức tạp thêm tình hình. Ngoài ra, những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn đều được ông quan tâm, động viên, đề xuất với lãnh đạo xã để tìm cách giúp đỡ. Năm 2004, ông Hóa đã vận động người dân trong thôn góp tre, góp tôn, góp công... để sửa lại căn nhà cho cụ bà neo đơn Nguyễn Thị Gái (xóm 15, thôn Thanh Tiên). Cuối năm 2016, sáp nhập thôn Thanh Tiên và Thế Vinh thành thôn Thanh Vinh, ông Hóa được nhân dân 2 thôn (cũ) tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Thôn Thanh Vinh hiện có 270 hộ, 1.130 nhân khẩu, chỉ còn 4 hộ nghèo.

Năm 2016, có 2 cặp vợ chồng ở xóm 2 và xóm 7 (thôn Thanh Vinh) dự định ra tòa ly hôn, biết được sự việc, ông Hóa tìm đến khuyên răn, giải hòa, thế nên họ đã bỏ ý định ly hôn và trở lại chung sống vui vẻ, hạnh phúc. Mới đây, tháng 6/2023  hộ bà Dương Thị Út, 80 tuổi, trú xóm 15 (thôn Thanh Vinh) có  chồng chết, con trai chết, hoàn cảnh bi đát, ông Hóa đã đề xuất với xã để tìm các tổ chức từ thiện giúp đỡ. Bà Út được một tổ chức từ thiện hỗ trợ 100 triệu đồng để sửa chữa căn nhà dột nát. Trên cương vị Trưởng thôn, vừa làm Đội trưởng đội sản xuất, ông Hóa đã mạnh dạn tham mưu, đề xuất với HTX về khâu làm đất, thủy lợi, thay đổi giống lúa mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và được đông đảo bà con đồng tình ủng hộ. Chính ông Hóa là người vận động các hộ trong thôn đầu tư mua máy gặt lúa, máy cày để phục vụ công việc đồng áng (hiện thôn Thanh Vinh đã có 2 máy gặt lúa, 2 máy cày công suất lớn).

 Góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương

Năm 2017, ông Hóa đã vận động 16 hội viên nông dân của thôn tham gia “Vườn hoa tập trung”, với diện tích 0,65 ha ở xứ biềng (bờ sông thôn Thanh Vinh)-là nơi tập trung trồng hoa cúc, rau cải quanh năm và bước đầu đã cho thu nhập ổn định. Trong công tác phát triển làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên, ông Hóa cũng có nhiều đóng góp không nhỏ: hướng dẫn, dạy nghề làm hoa sen giấy cho hàng chục học sinh ở địa phương, từ đó các cháu vừa biết trân quý, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, vừa có chút thu nhập để chi phí học hành. Em Dương Thị Tố Như, học sinh lớp 12 trường THPT Thuận An, tâm sự: “Nhờ bác Hóa truyền nghề, đến nay em đã biết làm thành thạo hoa sen giấy Thanh Tiên và có thu nhập 200.000đồng/ngày. Nhờ vậy, em đã có kinh phí trang trải việc học, khỏi phải xin bố mẹ”. Gia đình ông Hóa là hộ làm hoa giấy nhiều nhất trong làng. Hằng năm, ông Hóa đều tích cực tham gia các lễ hội, triển lãm do thành phố và tỉnh tổ chức: festival nghề truyền thống Huế, “chương trình Tết Huế”, “Tết sum vầy-xuân gắn kết”, “Sóng nước Tam Giang”... Hiện nay, ông đang đề xuất, tham mưu cho UBND xã Phú Mậu thành lập “HTX Du lịch - Nông nghiệp - ngành nghề sinh thái Thanh Tiên”, mở ra triển vọng mới cho sự phát triển của làng nghề - đưa khách du lịch về trải nghiệm làm hoa, làm vườn ở thôn Thanh Vinh. Dự kiến sẽ thành lập HTX này vào năm 2024.

Về công tác xây dựng Nông thôn mới, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ông Hóa đã vận động thành công 5 xóm đóng góp kinh phí 15% để đúc bê tông, vận động bà con xóm 13 hiến đất mở rộng xóm 3,5 mét để xây dựng con đường phục vụ phát triển du lịch trải nghiệm làng nghề hoa giấy Thanh Tiên. Thực tế cho thấy, xu hướng du lịch trải nghiệm làng nghề tại Thanh Tiên đang phát triển, trong khi bến bãi đổ đậu xe thì chưa có, nhiều phương tiện như xe ô tô, xe máy đậu 2 bên vệ đường đã gây ra ách tắc giao thông cục bộ. Xuất phát từ tình hình đó, ông Hóa là người đầu tiên gửi kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo xã Phú Mậu và lãnh đạo thành phố cho xây bãi đỗ xe. Ý kiến này đã được lãnh đạo các cấp đặc biệt quan tâm, giải quyết và sẽ triển khai trong năm tới với diện tích 2300 m2 trên thửa đất ruộng thuộc thôn Thanh Vinh. Nhờ sự linh hoạt triển khai các nhiệm vụ kịp thời nên nhiều chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã nhanh chóng đến tay người dân, nhiều dự án đầu tư sớm về thôn Thanh Vinh. Dự án du lịch Mekong đã đầu tư xây dựng ở thôn Thanh Vinh 1 bến thuyền du lịch và 1 nhà chờ của khách. Thời gian tới, sẽ có 5 tuyến đường điện chiếu sáng của 5 xóm trong thôn, đúc thêm bê tông 2 xóm mới (xóm 10 và xóm 13), tất cả sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2024.

Trưởng thôn Nguyễn Hóa nhận thức sâu sắc rằng, để phát triển du lịch làng nghề, góp phần tăng thu nhập cho bà con từ nghề làm hoa giấy Thanh Tiên, việc quan trọng cần làm là phải xây dựng nhãn hiệu tập thể để có tư cách pháp nhân, cơ sở pháp lý hoạt động. Do đó, năm 2019, ông đứng ra vận động 20 hộ dân tham gia xây dựng “Nhãn hiệu tập thể” của Hội làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên, và đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp bằng chứng nhận. Tháng 4/2023, nghệ nhân Nguyễn Hóa đã tham gia khóa tập huấn đào tạo kỹ năng nghiệp vụ trong lĩnh vực du lịch cộng đồng do Sở Du lịch tỉnh tổ chức.

Tháng 5/2023, gia đình ông Hóa là 1 trong 10 hộ gia đình của toàn thành phố vinh dự được Sở VH TT tỉnh Thừa Thiên Huế khen thưởng “Đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện công tác gia đình, giai đoạn 2020-2023”. Đặc biệt, ngày 7/8/2023, ông còn được UBND thành phố Huế cấp chứng nhận OCOP về sản phẩm hoa sen giấy Thanh Tiên “Đạt hạng sản phẩm: 3 sao”.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hóa tâm sự: Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công - đó là điều mà tôi học Bác từ suốt mấy chục năm nay. Trong quá trình công tác, tôi luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết và trước hết. Bởi tôi luôn thấm nhuần lời dạy mộc mạc, giản dị, chân tình mà vô cùng sâu sắc của Bác: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”.

Ông Nguyễn Văn Trai - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, nhận xét: “Ông Nguyễn Hóa là cán bộ thôn rất tâm huyết với công việc, tận tụy phục vụ nhân dân, có nhiều ý tưởng hay và sáng tạo; triển khai các nhiệm vụ kịp thời, có nhiều giải pháp để thực hiện, đáp ứng nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới. Chúng tôi ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự đóng góp của cá nhân ông Hóa vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của xã Phú Mậu trong nhiều năm qua”.

 

VÕ VĂN DẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 561, tháng 2-2024

;