Người nặng lòng với sách

Hơn 33 năm công tác trong ngành Thư viện nhưng thú vui đọc sách thì phải tính hơn 50 năm có lẻ, bởi ngọn lửa ham mê sách đã ngấm vào người bà từ lúc bà còn là cô bé học sinh tóc quăn với hai bím tóc bện đuôi sam từ mái trường cấp I Hát Lót, Sơn La. Đó là bà Bùi Thị Sinh, 66 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Phú Thọ, nguyên Bí thư chi bộ khu Thanh Xuân, phường Gia Cẩm, Việt Trì, Phú Thọ, một gia đình hiếu học tiêu biểu nhiều năm.

Bà Bùi Thị Sinh vẫn dành thời gian đọc sách hằng ngày

 

Ở bà Sinh luôn rực cháy ngọn lửa đam mê đọc sách, ứng dụng những điều tốt đẹp do sách mang lại vào công tác và cuộc sống mọi lúc mọi nơi. Nó có tác động lôi cuốn không chỉ bạn đọc đến với thư viện thời bà đang công tác, mà còn ở ngay tại khu dân cư với các cháu học sinh hoặc những người có nhu cầu đọc sách, tìm hiểu về sách. Nhiều người thích sách do họ tìm thấy những giới thiệu rất cô đọng hay ít ra họ cũng biết cách tiếp cận nhanh với loại sách, tài liệu sẽ giúp ích cho họ qua sự giới thiệu của bà. Tôi đã tò mò hỏi họ và được biết lý do là như thế nhưng trong thâm tâm vẫn còn thắc mắc một người trông giữ sách, báo chắc phải có bí quyết gì để bạn đọc thích đến thư viện ?

Mang suy nghĩ này, tôi hỏi chuyện bà về bí quyết thu hút độc giả, bà cho biết, cũng đơn giản thôi, việc đó phải bắt đầu từ chính tình yêu, lòng say mê với sách của người thủ thư cộng với sự hiểu biết tâm lý độc giả, việc đánh giá một cách khách quan về những cuốn sách, tạp chí họ cần và cả những cuốn sách đang có sức hút bạn đọc để giới thiệu cho họ cùng với thái độ niềm nở khi đón tiếp độc giả, điều này sẽ dần tạo được cái “duyên” với độc giả để họ thích đến thư viện đọc và mượn sách. Khi được hỏi về thú vui đọc sách, tình yêu với sách mà bà vẫn duy trì được sau bao năm từ lúc còn là học sinh, tôi được nghe lời tâm sự rất chân thành. Bà kể lại những năm thời kỳ bao cấp dù rất khó khăn tiếp cận với nguồn sách, báo ở một tỉnh miền núi như Sơn La nhưng những kiến thức, những câu chuyện, số phận nhân vật mà sách báo mang lại cho bà những chân trời mới mẻ, những ước mơ bay bổng, cao đẹp - là nguồn cảm hứng nuôi dưỡng tình yêu sách trong con người bà.

Không thể kể hết những kỷ niệm về đọc sách thời  tuổi thơ, song có một điều chắc chắn, sách báo đã giúp bà trở thành sinh viên củaTrường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1975. Bà chọn học ngành Thư viện, hồi đó ngành này đào tạo ở khoa Sử. Thế là số phận lại “chiều” theo sở thích ham mê sách của bà. Hơn 4 năm học trong trường, bà nhận được nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn trong nghiên cứu sách báo, cách giới thiệu, tóm lược sách, cách đọc nhanh mà vẫn nắm được nọi dung cốt lõi của cuốn sách… cộng với lượng kiến thức cũng như phương pháp giảng dạy khoa học từ các thày cô từng được đào tạo bài bản ở Liên Xô về đã làm sâu sắc thêm tình yêu với sách trong bà. Khi về công tác tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phú đầu năm 1980, cơ quan phân công bà xây dựng thư viện cơ sở ở xã miền núi còn nhiều khó khăn và đang là xã “trắng” về thư viện. Đó là xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch. Biết bao khó khăn thử thách đối với một sinh viên mới ra trường từ khâu vận động thành lập thư viện, trang thiết bị bàn ghế, tủ giá sách, thẻ, phích, vốn sách ban đầu và cả việc vận động các đồng chí lãnh đạo xã cùng vào cuộc xây dựng thư viện nữa… nhưng bằng vốn kiến thức được đào tạo cơ bản nhất là tình yêu, ngọn lửa đam mê với sách, cộng với nhiệt huyết tuổi trẻ bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thư viện xã đã ra đời, người dân, cán bộ nơi đây vui niềm vui đọc sách. Khi chia tay, bà con xã Quang Sơn nhiều người đã khóc, họ cảm ơn vì người “Kỹ sư” thư viện đã mang sách báo, mang niềm vui đến với đồng bào, nhiều người nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật từ sách báo đã có kinh tế đồi rừng phát triển.

Trở lại công tác tại Thư viện tỉnh, bà đã giúp đỡ, trực tiếp hướng dẫn nhiều sinh viên làm khóa luận chuyên ngành, hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức kho sách, biên soạn thư mục, phân loại sách; hướng dẫn cán bộ thư viện cấp huyện tổ chức lại kho sách, nâng cao hiệu quả phục vụ bạn đọc. Từ tình yêu với sách, bà đã dày công tìm kiếm ở các tỉnh, thành trong các chuyến công tác, tham quan, nghỉ mát hoặc qua bạn bè công tác ở một số nhà xuất bản khá nhiều sách quý để xây dựng tại gia đình mình một tủ sách khá đồ sộ, phong phú về chủng loại, có thể ví như một thư viện thu nhỏ. Trong căn nhà 3 tầng, tầng nào cũng có sách để phục vụ nhu cầu đọc, nghiên cứu, giải trí của các thành viên trong gia đình, cách đây hơn 10 năm, số lượng sách đã vượt con số 3.000 cuốn, chưa kể đến báo, tạp chí, tài liệu nghiên cứu nhiều lĩnh vực. Sách của gia đình bà được xếp theo môn loại, chủ đề nên rất tiện cho việc tra cứu, tham khảo. Tủ sách được thiết kế có những ô to nhỏ khác nhau phù hợp với kích thước sách. Nghe bà nói phải đến lúc về hưu mới có điều kiện đóng riêng hệ thống sách liên hoàn. Bà đã cùng một số đồng nghiệp hoàn thành tốt các đề tài khoa học như: Tổng tập thư mục Địa chí tỉnh, Thư mục hát Xoan Phú Thọ... Cá nhân bà đã trực tiếp làm chủ nhiệm đề tài tư liệu: Giải mã địa danh cổ Phú Thọ, Ghi chú địa danh hương ước cổ Phú Thọ, Hôn nhân các dân tộc ít người ở Phú Thọ làm tư liệu biên soạn cuốn Địa chí Phú Thọ có độ dày hơn 1000 trang. Ngoài ra, bà cùng người bạn đời thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh: Xây dựng mô hình làng văn hóa ở Phú Thọ năm 1999, đề tài được Hội đồng nghiệm thu khoa học đánh giá xuất sắc. Với vốn sách, tài liệu hiện có tại gia đình, bà đã cho nhiều người mượn với chỉ mong muốn rằng nó sẽ giúp ích nâng cao kiến thức, tăng cường công năng sử dụng sách là bà vui vì tình yêu sách được chia sẻ với cộng đồng. Trong bối cảnh văn hóa đọc có những thăng trầm do chịu sự tác động của nhiều phương tiện nghe nhìn khác thì việc chia sẻ, khuyến khích mọi người năng đọc sách như bà Sinh quả thật đáng quý. Tôi hỏi về đôi câu đối treo trang trọng trong gian thờ gia tiên, bà cắt nghĩa cẩn thận từng vế câu đối: “Thư sơn hữu lộ cần vi kính; Học hải vô nhai khổ tác chu” tạm dịch là: Núi sách có con đường lấy sự chuyên cần làm điều kính trọng đi lên; Bể học vô bờ lấy sự khổ luyện làm con thuyền tới đích. Bà cho biết, sở dĩ gia đình mình trở thành gia đình hiếu học tiêu biểu nhiều năm liền của tỉnh Phú Thọ vì đã biết phát huy truyền thống hiếu học của gia đình.Bà đã dùng ý nghĩa câu đối này để dạy bảo, khuyên nhủ, động viên hai cậu con trai vươn lên trong học tập bằng chính sự cố gắng của bản thân, các con trai, con dâu của bà đều có bằng thạc sĩ, một người đang hoàn thiện bằng tiến sĩ ở nước ngoài.

Khi về nghỉ hưu, bà tích cực tham gia công tác ở khu dân cư từ tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận đến bí thư chi bộ khu. Ở bất kỳ cương vị nào, bà luôn gương mẫu với tinh thần trách nhiệm cao. Bà đã cùng cán bộ, nhân dân tích cực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng khu dân cư sáng- xanh - sạch - đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội. Khi khu dân cư nâng cấp sửa chữa Nhà văn hóa, bà đã vận động xây dựng tủ sách với phương châm xã hội hóa tranh thủ sự giúp đỡ ủng hộ vốn sách, báo, tạp chí ban đầu và bà đã ủng hộ trên 50 cuốn sách quý trong thư viện gia đình. Làm việc ấy, bà chỉ nghĩ đơn giản là mình đã chung tay cùng với mọi người làm một việc hữu ích cho cộng đồng, nhất là để các cháu học sinh có thêm một địa chỉ đọc sách ngày hè, sau nữa có thêm vốn sách để đọc tham khảo thêm những điều bổ ích. Ngoài công việc của người bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận, bà rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... điều này đã lôi cuốn phong trào, động viên đông đảo các thành phần dân cư cùng tham gia. Khu Thanh Xuân nhiều năm dẫn đầu nhiều phong trào thi đua, được phường và thành phố đánh giá cao nhất là văn hoá văn nghệ.

Năm nay sắp bước qua tuổi 66, dù không tham gia công tác ở khu dân cư nhưng bà vẫn tận tâm, nhiệt tình với công việc chung của cộng đồng nhất là việc hiếu hỷ, giúp đỡ các hộ nghèo, người khuyết tật… Bên cạnh đó, bà vẫn duy trì thói quen đọc sách, ghi chép cẩn thận những điều tâm đắc. Ngoài công việc gia đình, một sở thích khác của bà là tập luyện dân vũ, rèn luyện đi bộ. Bà nói đó cũng là rèn sức khỏe, tạo niềm vui, rèn trí nhớ, củng cố tình yêu sách báo để mình vui sống làm các con thêm yên tâm, bớt những nỗi lo về cha mẹ khi vắng nhà. Câu chuyện của bà dung dị nhưng thật đáng quý trong cuộc sống hôm nay. Khi chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, xây dựng nếp sống văn minh đô thị thì những người như bà Bùi Thị Sinh ở khu Thanh Xuân, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thật đáng trân trọng.

 

TRẦN VĂN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 573, tháng 6-2024

;