Ở thôn Phước Thuận Phước Hậu xã Hoà Nhơn (Hoà Vang-TP.Đà Nẵng), có ông Trần Phước Hoàng (78 tuổi), hiện là Chi hội trưởng Người Cao tuổi (NCT) của thôn Phước Thuận Phước Hậu. Tuy cao tuổi, nhưng thành tích cống hiến của ông thật “đáng nể” trong các phong trào phát triển ở địa phương. Người dân nơi đây “phong” ông là “già làng” bởi bản thân ông đã tích cực đóng góp công sức xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trên 20 năm qua với nhiều chức vụ cơ sở.
Trần Phước Hoàng luôn chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài tại địa bàn thôn
Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
Tuy tuổi cao, nhưng ông là một nông dân cần mẫn. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng cho hay, ông canh tác 10 ha, trong đó có 9 ha rừng trồng. Số còn lại, ông đã trồng tiêu, thanh long và 1000m2 ao cá. Trước sân, ông trồng nhiều hoa, cây kiểng, trong đó có 1000 gốc mai từ 3 đến 5 năm tuổi, số mai này ông cười và bảo “để dưỡng già” và nhà ông nuôi nhiều gia cầm, gia súc…Tuy tuổi cao, nhưng ông theo học lớp “hoa cây kiểng” do Hội Nông dân tổ chức và áp dụng thành công mang lại vẻ đẹp cho thôn, xóm với “bốn mùa hoa nở”. Học tới đâu ông áp dụng tới đó. Cứ đến dịp Tết, ông xuất bán các loại hoa như cúc, thược dược, vạn thọ…thu nhập cũng khá tiền và không quên dành một phần hoa để tặng bạn bè, người thân. Trung bình mỗi năm ông thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Nhờ vậy ông có thêm kinh phí để làm thơ. Ông lập ra Thi Hương Lâu để làm thơ, ngâm thơ và tiêu thụ các sản phẩm mà ông sản xuất ra như hoa quả, gà, vịt, cá, măng, hoa… tại chỗ. Với những thành tích nói trên, nhiều năm ông đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp xã, huyện và thành phố. Ông đã từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Nhơn. Hiện ông còn là Trưởng ban Kiểm soát Hội NCT xã Hòa Nhơn, Phó Chủ nhiệm CLB Sinh vật cảnh xã Hòa Nhơn (phụ trách cơ sở 2).
Siêng làm nhiều việc tốt
Tuy đời sống kinh tế gia đình lúc ông chưa khấm khá, nhưng thi thoảng ông vẫn giúp đỡ các nông dân nghèo, các hội viên NCT…về vốn, giống… không lấy lãi. Còn nhớ, vào các năm 2003 và tháng 7 / 2006, gia đình ông hiến tổng cộng 1000 m2 đất để làm đường GTNT mà không đòi hỏi đền bù về hoa màu, cây trái…và vận động bà con trong thôn noi gương hiến đất làm đường như ông. Ở ông, còn có tấm lòng nhân nghĩa, nên thể hiện tình làng nghĩa xóm “hết mình”, được bạn bè gần xa, hàng xóm láng giềng, hội đoàn thể…cảm phục và mến mộ.
“Già làng” mê làm thơ
Ông còn là nhà thơ chân quê “chính hiệu”, đã sáng tác hàng ngàn bài thơ, lấy bút danh Phước Đồng. Với chất giọng thơ khoẻ khắn, giản dị, lạc quan của ông đã động viên biết bao nhiêu nông dân yêu đời, hăng hái tham gia sản xuất, làm giàu chính đáng. Chỉ hai câu lục bát, nhưng “chứa đựng” cả một “vườn thơ” – “Vườn rừng, vườn cảnh, vườn nhà / Vườn tôi thơ phú, nở hoa đẹp đời…”- (Vườn nhà tôi). Ông từng là hội viên CLB thơ truyền thống Quảng Nam- Đà Nẵng. Hiện nay, ông là hội viên CLB thơ Hàn Giang (Đà Nẵng); Hội viên Hội Văn học dân gian TP. Đà Nẵng, Hội viên thơ Đường quốc tế UNESSCO Việt Nam. Nhà thơ Đông Trình đã viết về ông: “Anh, quê Phước Thuận, Hòa Nhơn / Trở thành thi sĩ, đứa con của làng…/ Thơ anh gọi tuổi gọi tên / Cho bao thế hệ, không quên quê mình…”.
Tập Hương quê có trên 50 bài – NXB Đà Nẵng -1996 là “đứa con đầu lòng” của riêng ông…Bài thơ “Duyên đến chậm” của ông đã được nhạc sĩ Vy Khanh phổ nhạc năm 1996. Hiện nay, ông đã in xong tập thơ có tên Hương Giang với 100 bài thơ sáng tác riêng cho xứ Huế. Đối với ông, làm thơ là hơi thở, là lẽ sống. Thơ của ông được nuôi sống bằng chính hạt gạo, củ khoai do ông nhọc nhằn canh tác và sự nghiệp “nông trang” của ông lại được động viên bởi những vần thơ dân dã đáng yêu do mình sáng tác… Đời sống tinh thần của người nông dân cũng cần có thêm những thi sĩ “chân quê”, nhằm sáng tác những bài thơ ca ngợi quê hương, đất nước, con người, góp phần động viên người cao tuổi, nông dân… lạc quan, yêu nghề nông, yêu ruộng vườn… Cuộc đời và công việc của ông cũng đẹp như một bài thơ vậy!
Người giữ gìn bản sắc văn hóa làng
Được biết, ông là hậu duệ đời thứ 18 của Hùng Thắng Hầu -Trần Quốc Tấn, là vị tiền hiền lập làng Yến Nê (nay thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang). Hiện ông là đích tôn của Trần Đình tộc…ở làng Phước Thuận xã Hoà Nhơn. Ông cho biết: “Tôi đang giữ gìn cho làng 14 sắc phong Triều Nguyễn và giữ hơn 17 tập sách cổ, trong đó có bộ Đinh, bộ Điền thời Thái Đức và Khoán ước thời Gia Long nói trên... tất cả đã góp phần làm phong phú di sản văn hóa Hán Nôm của Đà Nẵng. Còn về tộc thì còn giữ: “Phó ý của gia tộc; bằng, tước của tiền nhân, Thần chủ của gia tộc…”, tất cả được viết bằng ngôn ngữ Hán - Nôm. Gần đây, có rất nhiều cá nhân, tập thể, như Phòng Bảo tàng TP. Đà Nẵng đến tra cứu, dịch thuật…Ngoài ra, ông là người rất thông hiểu được các giềng mối, sử tích, lễ hội, văn hóa… của làng và ghi chép, lưu truyền cho thế hệ tương lai. Hằng năm, đến ngày 20 / 3 âm lịch, dân làng lại đến nhà thờ tộc Trần Đình của ông để rước “Hàm ân, Sắc phong…” về đình Phước Thuận cúng tế, xong lại rước vào lại nhà thờ tộc để ông lo phụng sự khói hương…
Nặng lòng với khuyến học
Ở thôn Phước Thuận có đền Thái Giám, do dân làng xây dựng từ buổi khai cư mở cõi để thờ các bậc hiền tài, đã có công khai hóa - chăm lo việc học hành, mở mang bờ cõi. Qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, đến nay công trình bị xuống cấp, ông đã đứng ra vận động, quyên góp công, của để trùng tu. Đây là nơi Hội khuyến học thôn, tổ chức biểu dương, trao giải, tặng quà cho các học sinh trong thôn hiếu học, học giỏi…Để làm tốt công tác khuyến học, ông đến từng ngõ, gõ từng nhà để vận động các cụ hội viên người cao tuổi trong chi hội của mình, nhịn miếng trầu, điếu thuốc, kẻ ít người nhiều để mua sách vở đến thăm và động viên các học sinh nghèo vượt khó động viên các cháu bỏ học nửa chừng đi học lại. Còn nhớ vào năm 2007, ông quyên góp số tiền hơn 1.000.000 đồng. Ngày 2/5 âm lịch, được sự thống nhất của Chi bộ, Ban thôn, Chủ làng, Thủ từ đền Thái Giám…ông tổ chức cho các cháu học sinh học giỏi đến dâng hương tại đền Thái Giám, đồng thời phát giấy công nhận thành tích học tập và tặng quà cho các cháu. Và từ đó, phụ huynh và trưởng các đoàn thể bầu ra ban điều hành chi hội khuyến học của thôn, có nhiệm vụ chăm lo việc khuyến học, khuyến tài trong thôn.
Thành lập Câu lạc bộ “Con, dâu, rể hiếu thảo”
Ông còn đứng ra tổ chức Câu lạc bộ (CLB): Con, dâu, rể hiếu thảo với 42 thành viên. Đây là CLB Con, dâu, rể hiếu thảo đầu tiên, duy nhất của huyện Hòa Vang hoạt động có hiệu quả. Ông Lê Nguyên Dũng, Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Hòa Vang cho hay, CLB Con, dâu, rể hiếu thảo của Chi hội NCT thôn Phước Thuận là tổ chức xã hội từ thiện, tập hợp những cặp vợ chồng có chung nhu cầu, sở thích cùng nhau góp sức, triển khai thực hiện các hoạt động của CLB, góp phần chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò NCT, tạo điều kiện cho lớp NCT sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó nhân rộng mô hình này ra cộng đồng. Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Văn Thu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Nhơn đánh giá cao thành tích của Chi hội NCT thôn Phước Thuận, nhất là ra mắt CLB Con, dâu, rể hiếu thảo, đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay.
Lễ ra mắt CLB "Con, dâu, rể hiếu thảo"
Cương vị một “già làng”
Ông dành nhiều thời gian đến từng ngõ, gõ từng nhà để vận động các cụ hội viên người cao tuổi trong chi hội của mình chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân của mình. Tích cực tham gia đóng góp, mỗi hội viên là tấm gương sáng cho con cháu noi theo trong các phong trào hiến đất, làm đường, xây dựng Nông thôn mới...
Thời gian qua, ông tâm đắc nhất với các việc như: lập hồ sơ xin nhà nước công nhận Đình làng Phước Thuận là di tích lịch sử văn hóa vào năm 2006; tu bổ đền Thái Giám đồng thời đứng ra thành lập chi hội khuyến học thôn mà Chi hội trưởng NCT là Chi hội trưởng danh dự của chi hội khuyến học này vào năm 2007; ra mắt CLB Con, dâu, rể hiếu thảo vào năm 2014; thành lập thư viện NCT thôn nhất thiết phải có báo Người Cao tuổi để các cụ có nơi xem sách báo, nghe nhạc, thư giãn… Với cương vị Chi hội trưởng NCT của thôn nhà, ông và tập thể đã đưa phong trào của Chi hội NCT luôn dẫn đầu trong các chi hội NCT của xã Hòa Nhơn liên tục gần 20 năm qua. Hằng năm, Chi hội và cá nhân ông nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp các ngành.
Già làng Trần Phước Hoàng giới thiệu các sắc phong của đình Phước Thuận.
Với những hoạt động nói trên, cán bộ và người dân địa phương gọi ông là “già làng” mẫu mực, một lão nông “tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nhất là trong các hoạt động “khuyến học, khuyến tài” tại địa phương.
Tác giả: Tiên Sa
Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021