Lê Thánh Tông (1442-1497) được đánh giá là vị “minh quân thánh đế” trong lịch sử dân tộc, người đã đưa triều đại mình trị vì lên đỉnh cao nhất của hàng nghìn năm chế độ quân chủ Việt Nam. Đương nhiên, đi vào cụ thể, chi tiết thì không phải Lê Thánh Tông không có những hạn chế, tì vết do giới hạn của bản thân cũng như thời đại. Và điều đáng nói là chính vị vua thứ tư nhà Hậu Lê này, đương thời không ít lần đã “tự phê phán” và nhận lỗi.
Tháng Giêng năm 1467 (Đinh Hợi), sau chuyến đi Tây Kinh trở về và tập trận ở sông Thiên Phái, Lê Thánh Tông đại xá thiên hạ vì từ mùa thu đến mùa đông, trời lâu không mưa. Bài văn đại xá nói: Vua dụ cho các công hầu, quan viên văn võ và nhân dân rằng: “Trẫm là kẻ không có đức, làm chủ muôn dân. Muốn cho mọi người đều giàu đủ, yên vui để tiến tới thịnh trị. Năm ngoái, từ mùa thu đến mùa đông, trời mãi không mưa, người mất hy vọng được mùa, dân lo khó khăn đói kém. Trẫm là cha mẹ dân, chỉ biết đau xót trong lòng. Nếu không ban ơn rộng khoan tha thì sao thấy huệ thực tới dân được!” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 631).
Mùa hạ, tháng 4 âm lịch năm 1476 (Bính Thân), đại hạn. Ngày 23, Lê Thánh Tông cầu đảo với Hạo thiên thượng đế vì từ mùa đông đến mùa hạ ít mưa. Biểu cầu mưa có nội dung: “Kẻ không có đức, thần Lê mỗ xin dốc hết lòng chí thành, dâng lời kêu với đức Thái thượng khai thiên chấp phù ngự lịch hàm chân thể đạo hạo thiên chí tôn ngọc hoàng thượng đế bệ hạ: nay từ mùa đông đến mùa hạ ít mưa, nắng suốt, việc dân vất vả. Người làm thợ, đi buôn không chỗ nương nhờ, kẻ cày ruộng chăn tằm hết bề trông ngóng. Chỉ vì thần không có đức, để đến nỗi trăm họ chịu tai ương. Dân ngu nhao nháo, không cách sinh sống. Vì thế, thần dám gõ cửa Thượng đế để giãi bày lòng thương dân, để tâu lên tình kính sợ. Cúi xin Thượng đế xá lỗi thứ tội, đổi tai biến thành điềm lành, ban cho mưa to nước ngọt, thấu khắp mọi nơi. Thần kính cẩn đem lời cầu khẩn tâu lên” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 677).
“Nắng mưa là việc của trời”, hết hạn hán là ngập úng. Mùa thu, tháng 8 âm lịch năm 1491 (Tân Hợi), ngày 28, 29, cả ngày lẫn đêm đều mưa không ngớt, tường điện Kính Thiên bị đổ, nước dẫy lên 2 thước 2 tấc; như các huyện Thanh Oai chỗ đồng bằng nước dẫy lên 4 thước. Ngày 29, (Lê Thánh Tông) sai các chỉ huy, hiệu úy, bách hộ hai vệ Cẩm y và Kim ngô đi các thừa tuyên gần khơi thông nước úng làm hại lúa mạ. Vua dụ các quan tể thần, năm phủ, sáu bộ, sáu tự, sáu khoa và Ngự sử đài rằng: “Vì chính trị thiếu sót nên trời làm tai biến, đó là lỗi của trẫm mà thành ra thế, chứ nhân dân có tội gì đâu. Có phải vì trẫm đức tín chưa khắp đến dân, lòng thành chưa thấu đến trời mà đến thế chăng? Trẫm không rõ các khanh ngày thường ở nhà có lo việc nước, chăm chắm trong lòng không chút lơ là, để giúp chỗ thiếu sót của trẫm không, hay là chỉ rong chơi mà dưỡng tính, mưu lợi vì lòng riêng, theo người ta mà tiến lui, để giữ bền quyền vị chăng? (…) Đường Thái Tôn nói rằng “Vua đã mất nước thì bề tôi vẹn toàn một mình thế nào được”, thực là đúng lắm. Từ nay về sau, kẻ nào còn quen thói nhơ bẩn như cũ, theo người ta mà tiến lui, mưu giữ bền quyền vị thì trẫm vì các khanh mà giết đi; hoặc kẻ nào theo lời dạy bảo mà bỏ lỗi đi trước, dốc lòng trung tín, hết sức hết trí, trẫm cũng vì các khanh mà hậu thưởng. Các khanh nên cố gắng đấy!”. Sau lời dụ của vua chưa đầy 2 tháng, đến “mùa đông, tháng 10, thóc lúa được mùa to” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 716).
Cần phải nói thêm là, ngoài những lần “tự phê phán” trên đây, đương thời có ít nhất 2 lần Lê Thánh Tông đã xin lỗi các bề tôi của mình. Một lần, Tế tửu Quốc Tử Giám kiêm Văn minh điện Đại học sĩ Nguyễn Bá Ký dâng sớ can gián về việc vua làm văn không chú ý tới kinh sử thì vua có lời dụ: “Trẫm vừa xem hết lá sớ, ngươi bảo là trẫm không chú ý kinh sử, lại chuộng lối học phù hoa vô dụng, chỉ để ý ở ngoài mây khói. Nếu ta thực sự thích văn mà không gốc ở kinh sử thì còn cách nào nữa? Ta tự xét mình, xét đến lời nói và bốn chữ phù hoa vô dụng thực đã là trung lắm rồi!”.
Lần khác, Lê Thánh Tông xét một vụ án thì được quan Ngự sử Trần Xác can gián song lúc đó ý vua đã quyết, còn Trần Xác bị khép vào tội du thuyết. Thời gian sau, khi mọi việc sáng tỏ, Lê Thánh Tông tự nhận mình sai, có dụ bảo Trần Xác rằng: “Trẫm nói vu cho ngươi là kẻ du thuyết, đó là lỡ lời. Ngươi có mưu mô gì hay, nên cứ vào nói”.
Chúng ta đều biết, trong cuộc sống, không phải ai cũng có đủ dũng khí để “tự phê phán” và xin lỗi ai đó khi bản thân mình có thiếu sót hoặc lỗi lầm. Với các ông vua lại càng ít người dám nhận mình sai. Vậy mà Lê Thánh Tông đã hơn một lần như thế bởi ông là một bậc minh quân, biết nhận lỗi, tự trách mình để nêu gương cho đội ngũ quan lại và các tầng lớp nhân dân.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021