Qui Nhơn hay Quy Nhơn?

Biển Quy Nhơn - Ảnh: Nguyên Trường

Quy Nhơn là một thành phố ven biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là trung tâm kinh tế, hành chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Định. Thời gian qua, dư luận rộ lên ý kiến là thành phố này phải được ghi chính xác (bằng chữ Quốc ngữ) là Qui Nhơn (chứ không phải Quy Nhơn). Có hai luồng ý kiến. Một số người đề nghị nên ghi là Quy Nhơn. Lý do ghi như thế mới phù hợp với chính tả tiếng Việt hiện hành. Một số người khác nói phải ghi Qui Nhơn mới đúng, vì đây là tên đã có từ khi địa danh này xuất hiện và đã tồn tại trong các loại văn bản một thời gian dài trong lịch sử.

Ngược dòng lịch sử, năm 1602, khi chúa Nguyễn đặt dinh Quảng Nam thì phủ Hoài Nhơn thuộc vào dinh này. Cũng trong năm 1602, chúa Nguyễn cho đổi phủ Hoài Nhơn thành Quy Nhơn. Nhưng mãi đến những năm 1618-1622, khi chữ Quốc ngữ mới bắt đầu phôi thai và được sử dụng (rất ít trong văn tự) thì địa danh trên mới được ghi theo mẫu tự Latin là Qui Nhơn.

Trong Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong, xuất bản bằng tiếng Ý năm 1631, tại Roma, do Linh mục Christoforo Borri (viết tại Nước Mặn trong những năm 1618-1622), lần đầu tiên xuất hiện địa danh Qui Nhơn được viết bằng mẫu tự Latin - chữ Quốc ngữ thời kỳ mở đầu. Bức thư của João Roiz (viết ngày 22-8-1623 bằng chữ Bồ Đào Nha) có từ Quinhin. Bức thư của Gaspar Luis (viết bằng chữ Latin ngày 1-1-1626 tại Nước Mặn) gửi Bề Trên Cả M.Vitelleschi tại Roma cũng có từ Quinhin (đọc là “quy-nhin”).

Trong thời gian Alexandre de Rhodes truyền giáo (tại Đàng Trong và Đàng Ngoài), ông đã viết các tác phẩm: Hành trình và truyền giáo, Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, trong đó xuất hiện địa danh: “la Prouince de Quinhyn - tỉnh Quinhyn” (cũng đọc là “quy-nhin”).

Từ điển Việt - Latin (Dictionarium Anamitico Latinum) của Pigneau de Béhaine (1773), có chép: “Qui nhơn - tên một tỉnh Đàng Trong”. Từ điển Dictionarium Annamitico - Latinum (Từ điển Việt - Latin) của Jean-Louis Taberd (1838) có chép: “Qui nhơn, một tỉnh Đàng Trong” (1).

Địa danh là tên gọi thuộc phạm trù tên riêng. Mà đã là tên riêng, người ta tôn trọng cách đặt, cách viết của “đương sự” (tức là cá nhân, tổ chức, địa phương nào đó đăng ký và được cộng đồng và chính quyền chấp nhận). Trong việc chuẩn hóa chính tả (ở mọi ngôn ngữ trên thế giới), người ta tôn trọng cách viết tên riêng chứ không can thiệp, trừ trường hợp những tên vi phạm những quy định của cộng đồng hay chính quyền (kiêng tên húy, tên nhân vật lịch sử quan trọng, tên liên quan đến thánh thần, tôn giáo, tín ngưỡng…) hoặc tên quá xấu, tục tĩu (vi phạm thuần phong mỹ tục), hoặc tên quá dài (gây khó khăn trong việc khai sinh, quản lý hồ sơ, giao tiếp…). Chính tả tên riêng còn mang giá trị pháp lý (trong hồ sơ, căn cước công dân, hộ chiếu, thẻ tín dụng…). Ta thấy những tên Việt khác lạ (hoặc lai ngôn ngữ khác) nhưng vẫn được chấp nhận như: Hồ Dzếnh, Nguyễn Ánh 9, Nguyễn Zoãn Cẩm Vân, Kim Dzung, Philip Nguyễn, Jenifer Phạm… Một số tỉnh ở Việt Nam hiện nay cũng chấp nhận cách viết mà địa phương đó đề nghị: Bắc Kạn, Đắk Lắk… Đã có nhiều người phản đối các ấn phẩm (hoặc cơ quan nào đó) “chuẩn hóa chính tả” tên mình (như đổi Lý Lan thành Lí Lan, Lý Toàn Thắng thành Lí Toàn Thắng, Dương Hương Ly thành Dương Hương Li…)... Điều đó là hoàn toàn hợp lý. Phạm trù tên riêng thuộc “lãnh địa” riêng.

Tuy nhiên, trường hợp Qui Nhơn/ Quy Nhơn lại không phải thế.

Trước hết, tên địa danh xuất hiện trong các tài liệu của các giáo sĩ người Pháp và Bồ Đào Nha và sau đó trong một số văn bản của Chính quyền Pháp thời trước. Chính quyền sau đó, trong đó có chế độ Việt Nam Cộng hòa (Miền Nam trước 1975) cũng thường ghi là “Qui Nhơn” theo thói quen đã có, hoặc “mô phỏng” theo cách đọc, cách viết của các giáo sĩ người Pháp và Bồ Đào Nha. Không có một căn cứ pháp lý nào về chuyện chính quyền địa phương (trước khi địa danh Quy Nhơn ra đời) đăng ký tên này theo mẫu tự Latin hoặc Quốc ngữ.

Vì vậy, khi tên địa danh này cần phải ghi chính xác trên các văn bản hành chính (cũng như trong các văn bản khác) thì việc chuẩn hóa chính tả là cần thiết và bình thường.

Vấn đề là, việc chuẩn hóa này (Qui Nhơn hay Quy Nhơn) dựa trên nguyên tắc nào?

Chữ Quốc ngữ là chữ ghi âm (đọc thế nào ghi thế ấy). Chuẩn chính tả căn cứ vào chuẩn phát âm. Chuẩn hóa chính tả phải dựa trên các nguyên tắc âm vị học.

Qui Nhơn/ Quy Nhơn là hai âm tiết. Âm tiết “qui/ quy” có 4 âm vị: [k], [u], [i], [thanh không] hợp thành. Âm vị [k] trong tiếng Việt được thể hiện bằng 3 con chữ “c, k, q” (trong ca cẩm, kinh kì, quan quân). Khi 3 âm vị (k, u, i) kết hợp, ta sẽ có các âm tiết khác nhau, dẫn đến cách viết và cách đọc khác nhau. Nếu trong âm tiết “kui” mà [k] làm âm đầu, [u] làm âm chính, [i] làm âm cuối ta sẽ có các từ như củi (trong củi lửa), cúi (trong cúi đầu), cụi (trong cặm cụi)… Còn trong trường hợp [k] làm âm chính, [u] làm âm đệm, [i] làm âm cuối, ta sẽ có các từ như quy (trong quy tắc), quỷ (trong quỷ quái), quý (trong quý mến), quỵ (trong quỵ luỵ). Cũng cần lưu ý: Thanh điệu rơi vào âm chính nên ta phải viết là lụi cụi (thanh điệu rơi vào [u]), phân biệt với quỵ luỵ (thanh điệu rơi vào [y]), cắm cúi (thanh điệu rơi vào [u]), phân biệt với quý mến (thanh điệu rơi vào [y]).

Âm vị [i] của Quy (trong Quy Nhơn) có vai trò là âm cuối, nên phải viết là “Quy”. Tương tự [i] trong quy định, quỳ lạy, quỷ quái, quý mến, quỵ luỵ… đều phải viết “y” chứ không phải “i”.

Việc UBND tỉnh Bình Định có công văn đề nghị Bộ Tư pháp cập nhật, điều chỉnh tên đơn vị hành chính thành phố Quy Nhơn (trên Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung phục vụ công tác cấp giấy tờ hộ tịch cho công dân và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia…) là hoàn toàn hợp lý và đúng với việc chuẩn hóa tiếng Việt.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 8-7-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam, tỉnh Bình Định có đơn vị hành chính là thành phố Qui Nhơn.

Qua đó, UBND tỉnh Bình Định đề nghị đổi tên đơn vị hành chính thành phố Qui Nhơn thành thành phố Quy Nhơn theo tên đã được thể hiện trong các quyết định thành lập và trên con dấu hành chính của địa phương đang sử dụng.

UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Bộ Tư pháp cập nhật, điều chỉnh tên đơn vị hành chính thành phố Quy Nhơn trên Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung phục vụ công tác cấp giấy tờ hộ tịch cho công dân và các Hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia…

Năm 1602, lần đầu tiên trong lịch sử, địa danh Quy Nhơn xuất hiện khi chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn và coi đây là đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Đến năm 1832, Vua Minh Mạng đổi tên phủ Quy Nhơn thành tỉnh Bình Định. Ngày 20-10-1898, Vua Thành Thái ra Chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn - là đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Bình Định.

Trong nhiều tài liệu, văn bản hành chính, từ điển tiếng Việt vẫn dùng tên gọi Quy Nhơn, nhưng cũng có tài liệu, văn bản lại gọi là Qui Nhơn.

Chính vì vậy, năm 2020, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh lại tên đơn vị hành chính đã công bố là thành phố Qui Nhơn (Bình Định) thành thành phố Quy Nhơn.

Trong nhiều tài liệu, văn bản hành chính, từ điển tiếng Việt… vẫn dùng tên gọi Quy Nhơn, nhưng cũng có tài liệu, văn bản lại gọi là Qui Nhơn.

Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định đề nghị đổi tên đơn vị hành chính thành phố Qui Nhơn thành thành phố Quy Nhơn theo tên đã được thể hiện trong các quyết định thành lập và trên con dấu hành chính của địa phương đang sử dụng.

__________________

1. Nguyễn Thanh Quang, Qui Nhơn hay Quy Nhơn là đúng tên đơn vị hành chính?, thanhnien.vn, 30-8-2020.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023

;