Quốc dân và quá trình chuyển loại

Quốc dân một từ trong số hơn 45 ngàn từ thông dụng của tiếng Việt (1). Cũng trong cuốn từ điển này, quốc dân được định nghĩa như sau: quốc dân 國民 d. [cũ, id.] nhân dân trong nước (Ví dụ: gửi quốc dân đồng bào).

Như vậy, từ này là từ Hán Việt, có 2 thành tố (quốc: nước, dân: người trong một nước), thuộc từ loại danh từ, được coi là từ cũ, ít dùng.

Trong giao tiếp tiếng Việt từ xa xưa, quốc dân được sử dụng như một danh từ phổ biến. Lùi lại lịch sử hơn 1 thế kỷ, chúng ta thấy từ quốc dân được sử dụng trên Nam Phong tạp chí (nguyệt san được xuất bản tại Việt Nam từ năm 1917-1934): “Tôi xin có lời bàn ra hai mảnh, một đằng nói về tinh - thần việc học, một đàng nói về hình - thức việc học, gọi là để thay mặt cả toàn quốc - dân mà giải - quyết cái vấn - đề việc học nước ta bây giờ, phải như thế mới được. Tinh - thần là gì, là quốc - dân ta đối với việc học, cái chủ - ý khuynh - hướng vào đâu, mà khi đã gọi là cái việc học của cả toàn dân khuynh - hướng vào đấy, ấy lại cũng tức là quốc dân ta sở - dĩ vi quốc ta ấy, cũng ở vào đó thôi. Quốc - dân ta ngày xưa khuynh - hướng chuyên về điều đạo - đức, bây giờ khuynh - hướng cũng chuyên về điều đạo - đức, mà lại kiêm cả về điều công - lợi nữa” (2).

Từ này được dùng trên báo 21 năm sau: “Cái gương gần nhất, ta thấy ở nước I-pha-nho (tức Tây Ban Nha, PVT). Vậy mà Cách - mệnh quốc - gia đã xây - dựng trong cõi thái - bình, trong vòng kỷ - luật, cũng cần phải có những cơ quan tuyên - truyền để cho quốc dân đều hiểu về đại - cương, về công - cuộc tiến - hành của Chánh - phủ mới” (3).

Thêm một ví dụ cho minh chứng cách dùng từ này trên báo chí hiện đại: “Cái chết của anh Phan Thanh là một cái tang chung cho giai cấp cần lao, cho quốc dân đồng bào” (4).

“Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung… Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình” (5).

Trong văn bản này, từ “quốc dân thiểu số” dùng để chỉ những người dân thuộc số ít trong quốc gia.

Điều đặc biệt là, trong quá trình sử dụng, quốc dân đã có sự chuyển đổi từ loại. Ví dụ: “Trong phạm vi văn học ở nước ta hiện đang cần có những “kẻ điên thiên tài” như Niczsche, để lật đổ bao nhiêu thành kiến và lệ có từ trước, để đặt các danh sĩ Việt-Nam ngồi vào đúng chỗ của họ, để gieo vào thần trí quốc dân ta ý nghĩ chân xác về chân lý: là chỉ tin điều gì mình cho là phải là chân lý thôi!” (6).

“Chúng tôi rất trông mong ở kỳ tuyển cử tới đây. Đến đó sẽ nghiệm thấy cái lòng liêm sỉ quốc dân ta là thế nào” (7).

“Nhà nước thống nhất quản lý nền kinh tế quốc dân bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách; phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp; kết hợp lợi ích của cá nhân, của tập thể với lợi ích của Nhà nước” (8).

Chúng ta thấy, trong các tổ hợp “thần trí quốc dân”, “lòng liêm sỉ quốc dân”, “nền kinh tế quốc dân” thì “quốc dân” vào vai tính từ, định ngữ, làm rõ cho danh từ đứng trước. Trong giao tiếp hiện nay, ta còn thấy nhiều cách nói mới lạ: ông bố quốc dân, bà mẹ quốc dân, người chồng quốc dân… Đây là những danh xưng (có tính khẩu ngữ) phong tặng cho một số đối tượng (ông bố, bà mẹ, người chồng) có phẩm chất cao, ở tầm “quốc dân”, rất đáng ngưỡng mộ và vinh danh.

 Những ví dụ (vừa dẫn) minh chứng một điều: Đã có sự chuyển đổi từ loại, từ quốc dân danh từ sang quốc dân tính từ. Hiện tượng “nhất từ đa loại” là khá phổ biến của tiếng Việt trong quá trình hành chức. Có nhiều ví dụ minh chứng về sự chuyển loại từ động từ sang danh từ, tính từ hoặc ngược lại. Các ví dụ từ danh từ sang động từ: cày có thể là cái cày (danh từ), cày ruộng (động từ); cuốc có thể là cái cuốc (danh từ), cuốc đất (động từ); muối có thể là hạt muối (danh từ), muối dưa (động từ)… Các danh từ sang tính từ: sắt, đá có thể là sắt đá (danh từ), trái tim sắt đá (tính từ), gan có thể là danh từ, cũng có thể là tính từ (Thằng ấy tính tình gan lắm)...

Chuyển loại là một phương thức cấu tạo từ mới. Trường hợp chuyển loại (từ danh từ sang tính từ) đồng thời kéo theo chuyển đổi chức năng từ loại (trong cấu tạo từ) như trường hợp từ quốc dân mà ta vừa xét là một ví dụ.

 _______________________

1. Theo Từ điển tiếng Việt, cỡ vừa, Trung tâm Từ điển học, Nxb Đà Nẵng, 2020.

2. Nam Phong tạp chí, số 48, 6-1921.

3. Tri Tân tạp chí, 2-1942.

4. Tạp chí Xưa và Nay, số 5, 5-1998.

5. Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, 9-11-1946.

6. Tri Tân tạp chí, 11-1942.

7. Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1930, Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, Nxb Hội Nhà văn, 2005.

8. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 15-4-1992.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023

;