Tiếng

Tiếng là một từ có một âm tiết trong tiếng Việt nhưng rất khó có thể cắt nghĩa nếu không đặt nó vào ngữ cảnh tình huống. Cũng bởi tiếng có những biến thể từ vựng với những ngữ nghĩa biểu hiện khác nhau.

Tiếng trong tiếng Việt có nghĩa là: “ngôn ngữ” (tương đương trong tiếng Anh là: language; tiếng Pháp: langue; tiếng Nga: язык…). Ta thường phân biệt tiếng Việt với các thứ tiếng nước ngoài khác như: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hán, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha… Đó là các ngôn ngữ chính của các quốc gia. Nhưng còn các ngôn ngữ dưới quốc gia thì người Việt cũng dùng tiếng để chỉ. Chẳng hạn, Việt Nam có ba vùng phương ngữ chính: tiếng Bắc Bộ, tiếng Nam Bộ, tiếng Trung Bộ. Dưới các phương ngữ chính lại có các phương ngữ nhỏ hơn (tiếng địa phương): tiếng Hà Nội (tiếng Hà Thành), tiếng Sài Gòn, tiếng Huế, tiếng Nghệ An, tiếng Quảng Nam… Và dưới tiếng nhỏ hơn đó lại có tiếng nhỏ hơn nữa: tiếng Hải Hậu (Nam Định), tiếng Thạch Thất (Hà Nội), tiếng Can Lộc (Hà Tĩnh), tiếng Vĩnh Linh (Quảng Trị)… Rồi tiếng của một làng, một xóm cụ thể: tiếng Làng Chẽ, Làng Bưởi, Làng Mơ…, tiếng Thôn Đông, Thôn Đoài, Xóm Thượng, Xóm HạTiếng ở đây chỉ ngôn ngữ của cộng đồng nào đó, có khi chỉ là cộng đồng rất nhỏ (làng, xóm), do sự cách biệt địa lý (riêng biệt, khép kín, có sắc thái riêng) hay mang đặc trưng một phương ngữ xã hội: tiếng lóng, tiếng bồi, tiếng chợ đen

Nhưng khởi thủy ban đầu, tiếng chưa có nghĩa chỉ: “một ngôn ngữ nào đó”.

Trong Từ điển Việt - Bồ - La (A. de Rhodes, Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, Roma, 1651) tiếng được chia thành 2 mục từ:

1. Tiếng: tiếng, tiếng đồn (Ví dụ: cả tiếng: tiếng lớn, cao tiếng, to tiếng; nhỏ tiếng: tiếng hạ xuống; khan tiếng, khàn tiếng; ém tiếng: tiếng dịu dàng; có tiếng: tiếng đồn lừng lên; xấu tiếng: danh tiếng xấu…).

2. Tiếng: tiếng nói (chỉ lời nói - speech, personal words) (Ví dụ: chúng có tiếng nói, tiếng vang từ núi dội ra…).

Đại Nam quấc âm tự vị (Huinh Tịnh Paulus Của, Sài Gòn, 1895-1896) cũng có thống kê từ tiếng:

Tiếng 㗂: giọng nói ra, thinh âm; danh giá; hơi hướng phát ra mà động tới tai. Với nét nghĩa “giọng nói, hơi hướng phát ra mà động tới tai”, ông đưa ví dụ: tiếng nói, tiếng đồn, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng sóng… Với nét nghĩa “danh giá” ông đưa các ví dụ: mang tiếng, nghe tiếng, danh tiếng, được tiếng, xấu tiếng…, tiếng khen, tiếng chê, tiếng oan… (có tiếng không có miếng)…

Nghĩa này chính là nét nghĩa đầu tiên trong các nghĩa của Từ điển tiếng Việt bản mới nhất (Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2020): “cái mà tai có thể nghe được”. Những âm thanh trong cuộc sống có thể vọng đến tai người (cơ quan thính giác) thì có rất nhiều, như: tiếng nước chảy róc rách, tiếng sấm ầm ì, tiếng chim hót véo von, tiếng cười giòn tan, Đêm khuya một tiếng bầu, tiếng trúc (Tố Hữu), Dùng dằng nửa ở nửa về/ Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần (Truyện Kiều).

Nhưng, xét từ góc độ ngôn ngữ học, tiếng còn dùng để chỉ âm tiết trong tiếng Việt. Đó là một đơn vị phát âm nhỏ nhất trong chuỗi lời nói. Ta thường nói: Câu thơ lục bát có tất cả 14 tiếng (câu lục 6, câu bát 8) hay Khẩu lệnh có đúng 3 tiếng “Bên phải quay!”. Mỗi âm tiết được phát ra bằng một thanh âm, mỗi âm lại được tách ra bằng một quãng ngắt hơi ngắn, lần lượt xuất hiện trong ngữ lưu theo trật tự tuyến tính. Trong bài thơ Miền Nam, Tố Hữu viết:

Nếu tâm sự cùng ta, bạn hỏi

Tiếng nào trong muôn ngàn tiếng nói

Như nỗi niềm nhức nhói tim gan?

Trong lòng ta, hai tiếng: Miền Nam!

Xét về mặt loại hình, tiếng Việt là ngôn ngữ phân tiết tính (đơn âm tiết). Người ta còn dùng khái niệm “tiếng một” để chỉ đặc thù này. Tiếng của tiếng Việt có giá trị tương đương như hình vị trong các ngôn ngữ khác và các nhà Việt ngữ học còn gọi bằng thuật ngữ hình tiết (morphemesyllable - âm tiết có giá trị hình thái học).

Tiếng này tương đương với hình vị, với từ. Đây là một đơn vị có cương vị ngôn ngữ học quan trọng để xem xét các vấn đề liên quan tới cấu tạo từ trong tiếng Việt. Ví dụ, với 5 âm tiết: “nó, bảo, sao, không, đến”, dùng công thức chỉnh hợp (arrangement), ta có thể có rất nhiều cấu trúc từ mới bằng cách lần lượt hoán vị trật tự kết hợp các thành tố đơn lẻ này: Bảo nó sao không đến, Bảo nó đến không sao, Bảo sao nó không đến, Bảo nó đến sao không, Bảo nó không đến sao, Bảo không sao nó đến, Bảo sao nó đến không, Đến bảo nó không sao, Đến không bảo nó sao, Đến không nó bảo sao, Đến sao không bảo nó, Đến bảo nó sao không, Đến sao nó không bảo, Đến sao nó bảo không, Đến nó không bảo sao, Không bảo sao nó đến, Không đến bảo nó sao, Không sao bảo nó đến, Không bảo nó đến sao, Không đến bảo nó sao, Không đến nó bảo sao, Nó bảo đến không sao, Nó bảo không đến sao, Nó bảo sao không đến, Nó đến không bảo sao, Nó đến bảo không sao, Nó đến bảo sao không, Nó không bảo sao đến, Nó không bảo đến sao, Nó không đến bảo sao... Tính ra có tới hơn 120 tập hợp con được sản sinh từ cơ số 5 âm tiết rời đó.

Nhưng tiếng còn dùng để chỉ “giọng nói riêng hay cách phát âm riêng của một người nào đó”. Em bé phát hiện ra “tiếng mẹ ngoài ngõ”. Học trò nhận ra “tiếng thày trên giảng đường”. Chàng thanh niên nghe vẳng đâu đây “tiếng người yêu nhẹ nhàng mà quyến rũ”… Nhại lại giọng ai đó dễ bị coi là hành vi đe dọa thể diện: Chửi cha không bằng pha tiếng...

Tiếng còn dùng để chỉ lời nói, ngôn ngữ của một cá nhân cụ thể. Người đó có thể là một nhân vật quan trọng (lãnh tụ chẳng hạn): Tiếng Bác Hồ thiêng liêng dựng nước; hay tiếng của một nhà văn: Nguyễn Du đã lên tiếng bảo vệ nhân phẩm người phụ nữ; hay tiếng của một cá nhân trên một diễn đàn: Ông đã lên tiếng trong kì họp Quốc hội vừa rồi

Tiếng còn dùng để chỉ: “lời bàn tán, đánh giá, khen chê của dư luận nói chung trong xã hội”, ví dụ: Cô ấy được tiếng là hiếu nghĩa; Trong triều đình, ông bị oan với nhiều tiếng thị phi; Tiếng bấc tiếng chì (thành ngữ); Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa (tục ngữ); Vẫn được tiếng là người đứng vậy/ Nhưng anh tôi vẫn còn (Hữu Thỉnh)...

Mỗi một đơn vị từ ngữ đều có cuộc sống riêng của nó. Nói khác đi, từ ngữ hình thành, phát triển và thay đổi ngữ nghĩa trong quá trình lịch sử tùy theo nhu cầu và cách sử dụng của cộng đồng. Từ tiếng chính là một ví dụ như thế.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;