“Phải + X”, phải hiểu thế nào?

Phải là một từ khá phức tạp trong tiếng Việt. Dưới góc độ phân định từ loại, phải có thể là động từ, tính từ và kết từ (từ nối, biểu hiện mối quan hệ cú pháp). Trước khi xem xét khả năng kết hợp của phải (trong cấu trúc “phải + X”), chúng ta thử xem xét mọi khía cạnh biểu hiện của phải trong giao tiếp tiếng Việt.

Với tư cách động từ, phải có 4 nét nghĩa: 1. ở trong điều kiện bắt buộc, không thể không làm, không thể khác (Ví dụ (VD): ốm thì phải uống thuốc; phải đi ngay kẻo lỡ tàu; phải làm cho xong việc; Cách sông nên phải lụy đò/ Tối trời nên phải lụy cô bán dầu - ca dao; Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa - Truyện Kiều); 2. chịu tác động không hay, không có lợi (VD: phải vạ lây; phải cơn gió độc; phải cảm; như đỉa phải vôi); 3. (do một hoạt động nào đó mà) gặp, chịu tác động của cái không hay (VD: dẫm phải gai; mua phải hàng giả; Con kiến mày leo cành đa/ Leo phải cành cụt leo ra leo vào - ca dao); 4. gặp lúc hoặc hoàn cảnh nào đó (VD: phải hôm mưa gió tối trời; phải khi túng quẫn; phải lúc khác thì mày chết với tao!).

Với tư cách tính từ, phải có khá nhiều nghĩa: 1. ở cùng với phía tay thường dùng để cầm bút, cầm dụng cụ lao động, đối lập với trái (VD: rẽ sang phải 50m; không được vượt bên phải; thuận tay phải); 2. (mặt) được coi là chính, thường được bày ra ngoài (nói về hàng dệt) (VD: mặt phải của tấm vải; lật mặt phải của vải lên); 3. đúng với, phù hợp với (VD: chiều không phải lối; bán phải giá (không đắt không rẻ); Phải duyên, phải lứa cùng nhau/ Dẫu là áo vải, cơm rau cũng màng - ca dao); 4. đúng, phù hợp với đạo lý, với những điều nên làm (VD: lẽ phải; nói chí phải; Nói phải củ cải cũng nghe - tục ngữ); 5. đúng, hợp với sự thật (VD: nói như vậy là không phải; Thực vàng chẳng phải thau đâu/ Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng - ca dao).

Với tư cách kết từ, phải là từ dùng để nêu một giả thiết, xem với giả thiết ấy thì cái gì xảy ra (nhằm so sánh, đánh giá về điều trái lại đã xảy ra trong thực tế), đồng nghĩa với “giả dụ, giá như, nếu” (VD: phải nó chịu nghe mình thì đâu đến nỗi; Phải như biển ở gần non/ Dạ như lời nói, ai còn bỏ ai - ca dao)…

Đấy là những nét nghĩa khác nhau của phải trong cách dùng hiện nay (1). Nhưng ngược dòng lịch sử, theo Vương Lộc (2) thì phải là từ Hán Việt, được coi là cùng nguồn gốc với bị 被 (VD: phải tàu = đắm tàu; phải sấm sét = bị sét đánh; phải bệnh = mắc bệnh…).

Trong tiếng Việt, có ba từ được, bị, phải được sử dụng ở cùng vị trí (đứng trước), liên quan tới một chủ thể trong cấu trúc bị động. Tuy cùng cấu trúc bị động song lại có ngữ nghĩa tích cực và tiêu cực khác nhau (VD tích cực như: được lên lớp, được khen, được ra sân thi đấu…; tiêu cực như: bị đánh, bị kỷ luật, bị đưa ra đấu tố, phải ra tòa, phải thi lại, phải ngồi dự bị…).

Từ thành tố phải, tiếng Việt sản sinh ra hàng loạt kết hợp theo cấu trúc “phải + X” mà mỗi kết hợp lại phân hóa thành các nghĩa khác nhau.

Phải biết (biết: nhận ra được điều gì đó). Đây là một tổ hợp biểu thị ý nhấn mạnh một sự thật mà dường như người đối thoại khó có thể hình dung được. VD: Món lẩu dê núi này ngon phải biết; Cô em diện chiếc áo này thì đẹp phải biết; Sa Pa mùa này tuyết rơi thì lạnh phải biết…

Phải chăng (chăng: ý muốn hỏi, nửa tin nửa ngờ). Cả tổ hợp thể hiện ý nhận định nào đó, có phần dè dặt, chưa thực sự được coi là chắc chắn, được nêu ra với ý muốn hỏi người đối thoại cho rõ hơn. VD: Vì lũ trẻ, phải chăng anh đã không quyết định đi bước nữa? Phải chăng duyên đã bén duyên/ Trăng thanh gió mát cầm thuyền đợi ai? - ca dao; Phải chăng ở SEA Games 32 này, các cầu thủ đội áo vàng cứ phải đá dữ thì mới hay? (ý mỉa mai)…

Phải gió (gió: không khí chuyển động trong khí quyển thành luồng). Đầu tiên là một vấn đề liên quan tới sinh học: ai đó bất ngờ bị trúng gió, ảnh hưởng tới trạng thái sức khỏe, có thể gây rủi ro cao. Sau đó, người ta dùng tổ hợp này để chỉ như một tiếng trêu đùa hay tiếng rủa. VD: Phải gió cái nhà anh, lớn rồi mà tính cứ như trẻ con; Rõ đồ phải gió, làm không chịu làm chỉ giỏi trêu đàn bà con gái

Phải lòng (lòng: bộ phận nằm trong bụng của người hay động vật). Đây là một kết hợp rất thú vị. Lòng trong tiếng Việt còn được coi là từ biểu trưng cho ý chí, tinh thần, ý nghĩ hay tình cảm sâu kín của ai đó (lòng yêu nước, lòng quyết tâm, lòng căm thù giặc…). Chính vì vậy, phải lòng dùng để diễn tả ai đó cảm thấy yêu (cô gái hay chàng trai nào đó) một cách tự nhiên, khó cưỡng nổi. Nói “Anh A phải lòng chị B” cũng như nói “Anh A yêu chị B”, nhưng sắc thái của phải lòng có khác. Ai đó phải lòng một người hay hai người phải lòng nhau có cảm giác họ bị một thế lực vô hình nào đó kéo họ lại theo bản năng, làm cho họ mất ăn mất ngủ, luôn trăn trở với nỗi nhớ thương thường trực.

Phải tội (tội: khuyết điểm, hành vi đáng chê trách, vi phạm các tiêu chuẩn cần tuân thủ). Tổ hợp này mang màu sắc tín ngưỡng, chỉ ai đó có những biểu hiện, hành vi mắc tội với thần linh, với tổ tiên… và như vậy sẽ bị trừng phạt hay chịu quả báo. Ví dụ: Mày vu oan cho người ta như thế là phải tội đó, rồi ác giả ác báo; Thôi, phải tội với trời thì mẹ chịu. Cảnh nhà đã thế, mẹ đành phải dứt tình với con! (Tắt đèn).

Chỉ cần, đi qua một lượt, chúng ta cũng có thể nhìn thấy, từ phải đã phái sinh ngữ nghĩa từ các cấu trúc kết hợp khác nhau. Nguyên tắc “từ cái hữu hạn tạo nên cái vô hạn” là một nguyên tắc phổ quát trong nhiều ngôn ngữ.

_____________

1. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học - Nxb Đà Nẵng, 2020.

2. Vương Lộc, Từ điển từ cổ, Nxb Đà Nẵng, 2001.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;