Quan hệ trong phép nối “kết quả” - “tổng kết” thường thực hiện sự liên kết giữa hai hoặc nhiều phát ngôn khác nhau trong văn bản. Với chức năng liên kết, từ ngữ nối đóng vai trò không thể thiếu trong việc định hướng ngữ nghĩa và tạo ra cấu trúc ngữ nghĩa của các thành phần trong văn bản.
Trong tiếng Việt và tiếng Anh đều có các từ ngữ nối theo các phạm trù ngữ nghĩa khác nhau. Nếu như tiếng Việt có các từ ngữ nối thuộc các phạm trù hợp - tuyển, không gian - thời gian, tương phản - nhượng bộ, giả thiết - nguyên nhân, khái quát - cụ thể, kết quả - tổng kết (tóm tắt)… thì tiếng Anh cũng có các từ ngữ nối dùng để chỉ nguyên nhân, kết quả, mục đích, tương phản, điều kiện... tương ứng. Bài viết tìm hiểu về nhóm từ nối “kết quả” - “tổng kết” một cách có hệ thống, qua đó thấy được vai trò quan trọng của từ nối trong tiếng Anh và tiếng Việt.
1. Phép nối trong tiếng Việt và tiếng Anh -Những đặc điểm cơ bản
Trong tiếng Việt và tiếng Anh đều có một tập hợp từ ngữ nối/ phép nối được sử dụng trong các văn bản khá đa dạng và phong phú. Các từ ngữ nối này là một phần không thể thiếu được trong các văn bản khoa học, bởi nó có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chức năng liên kết giữa các câu, các phần trong văn bản với nhau.
Một số từ ngữ nối thường được thêm bớt một vài yếu tố cho phù hợp với ngữ cảnh hoặc với mục đích của người phát ngôn; vì thế, đã tạo nên khá nhiều từ nối mới, mở rộng trên cơ sở từ nối nguyên bản ban đầu. Chẳng hạn, từ một cụm từ nối nói một cách khái quát trong thực tế sử dụng ở các văn bản đã tạo ra rất nhiều từ nối khác nhau như: nói một cách đơn giản, nói một cách ngắn gọn, nói một cách nôm na, nói một cách tổng quát. Hay nói tóm lại: nói gọn lại, nói khác đi...; chính vì thế: chính vì vậy, chính vì vậy mà, chính vì lẽ đó,chính vì điều này...; như vậy: như vậy là, như vậy thì/ như vậy, về cơ bản, như vậy có thể nói rằng; kết quả là: kết quả của việc phân loại này là... Hoặc trong tiếng Anh: consequently (do đó/ do vậy) → as a consequence (kết quả là/ hậu quả là); as a result (of)/ as the result (kết quả là) → as a matter of fact (thực ra là); so (vì vậy) → and so (và vì vậy)/ so then (vì vậy sau đó)...
Quan sát các ví dụ trên có thể thấy, trong quá trình tạo lập văn bản hoặc tùy thuộc vào ngữ cảnh sử dụng, người nói thường tạo ra các biến thể từ nối khác nhau bằng cách tách các thành tố của cụm từ nối ban đầu và chêm xen thêm một số yếu tố khác. Đồng thời vị trí chêm xen cũng không cố định: chúng có thể được chêm xen ở đầu, giữa hoặc cuối của cụm từ nối ban đầu.
Các từ ngữ nối trong tiếng Anh và tiếng Việt xuất hiện dưới nhiều dạng cấu trúc khác nhau và được thể hiện một cách đa dạng về cả từ loại, cấu trúc ngữ pháp. Chúng có thể có cấu tạo là từ, cụm từ. Chẳng hạn:
Trong tiếng Việt: vậy, nên, do vậy, vì vậy, cho nên, như vậy, tóm lại, nhìn chung, nói chung, rõ ràng, cuối cùng, quả thật... ; Trong tiếng Anh: thus (vì vậy), so (vì vậy), hence (vì thế), actually (thực vậy), finally (sau cùng), therefore (do đó), consequently (do vậy)...
Trong tiếng Việt: có lẽ vì vậy, chính vì vậy, có thể tóm tắt, có thể kết luận, tổng kết lại, nói tóm lại, như vậy thì, chính vì thế mà, xét một cách khái quát...; Trong tiếng Anh: in brief (nói chung), in summary (kết luận lại), at last (cuối cùng), generally speaking (nói chung), as a consequence (kết quả là/ hậu quả là), as a result of (kết quả là), as the result (kết quả là), by and large (nhìn chung), in the end (cuối cùng), on the whole (nói chung), to be brief (nói một cách ngắn gọn), in the long run (cuối cùng)…
Trong thành phần cấu tạo của từ ngữ nối có hình thức là từ trong tiếng Việt và tiếng Anh thường được đặc trưng bởi sự có mặt thường xuyên của các quan hệ từ hoặc tổ hợp quan hệ từ, đồng thời vị trí của những từ ngữ và tổ hợp này là đứng đầu phát ngôn làm nhiệm vụ liên kết nội dung của phát ngôn chứa chúng với những phát ngôn đứng trước nó. Bên cạnh đó, các từ ngữ nối là các kết hợp mang tính cố định hóa và thậm chí cả các tổ hợp từ ngữ mang tính ngẫu kết (hay còn gọi là quán ngữ) cũng có xu hướng được sử dụng nhiều để làm nhiệm vụ liên kết giữa các phát ngôn trong văn bản. Ví dụ: nhìn chung, nói tóm lại, nói cách khác... (trong tiếng Việt); in fact (thực ra là), in brief (nói tóm lại), generally speaking (nói chung) (trong tiếng Anh)...
Về mặt từ loại của các từ ngữ nối có hình thức là cụm từ, nếu như ở tiếng Việt chủ yếu là các cụm động từ, chẳng hạn: nói cách khác, nói tóm lại, nói một cách đơn giản, tổng kết lại, nghĩ cho cùng, suy cho cùng, xét một cách khái quát, xét tổng thể, có thể khẳng định, có thể nhận thấy rõ, có thể nói khác đi, có thể tóm tắt...; thì ở tiếng Anh nổi trội là cụm giới từ, ví dụ: to sum up (tóm lại), to this and (cuối cùng), in other words (nói cách khác), in simpler terms (nói theo một cách đơn giản hơn), in the end (cuối cùng), on the whole (nói chung)...
Trong tiếng Anh, với cụm từ nối có cấu tạo: giới từ + cụm C-V với chủ ngữ giả (it - ngôi số 3, số ít) là bắt buộc và rất phổ biến, chẳng hạn: to but it another way (nói theo cách khác), to put it briefly (nói ngắn gọn thì), to put it differently (nói khác đi thì)... Còn trong tiếng Việt, phổ biến lại là cụm từ nối có cấu tạo: động từ + trạng tố chỉ cách thức (cụm động từ). Mặc dù trong tiếng Việt sau những giới từ có thể là cụm C-V nhưng trường hợp này rất ít, không phổ biến như là cụm động từ.
Trong thành phần cấu tạo của một số từ ngữ nối tiếng Anh luôn có sự xuất hiện của mạo từ: the, a hoặc an như là một sự bắt buộc, trong khi từ nối tiếng Việt không có sự xuất hiện của yếu tố này. Chẳng hạn, trong tiếng Anh: in the end (cuối cùng), in the event (như vậy), on the whole (nói chung), for the most part (hầu hết), as a consequence (kết quả là/ hậu quả là), as a matter of fact (thực ra là), as a result of (kết quả là)… Sự khác biệt này xuất phát từ loại hình ngôn ngữ. Sở dĩ trong tiếng Anh có những cụm từ nối với sự xuất hiện của mạo từ này là do phạm trù ngữ pháp số (ít/ nhiều) và phạm trù xác định (the/ a/ an) quy định, trong khi tiếng Việt không có phạm trù này.
Có lẽ vì vậy mà ở tiếng Việt, khả năng xuất hiện của các biến thể đóng vai trò là thành tố cấu tạo từ nối linh hoạt hơn tiếng Anh. Trong các văn bản tiếng Việt, người nói có thể thêm bớt một số yếu tố trong thành phần của một số từ nối như: thật vậy/ thực vậy, quả thật/ quả thực, vì lẽ đó/ bởi lẽ đó, nói tóm lại/ nói gọn lại, kết quả là/ kết quả của việc phân loại này là.... Ngược lại, các từ nối của tiếng Anh thường mang tính đóng băng, khó thêm bớt được thành tố.
2. Phép nối trong tiếng Việt và tiếng Anh - Cách nhận diện
Xét về mặt ngữ nghĩa, các từ ngữ nối được sử dụng nhằm thiết lập các mối quan hệ giữa các câu được liên kết với nhau trong văn bản. Bởi các từ ngữ nối làm phương tiện liên kết đã mang sẵn trong mình ý nghĩa chỉ quan hệ trong văn bản (và chỉ các quan hệ cú pháp khác trong câu). Chẳng hạn:
Từ ngữ nối chỉ kết quả hoặc hệ quả: vì vậy, cho nên, chính vì thế, thành thử, kết quả là… (trong tiếng Việt); therefore, so, thus, hence, for this reason, consequently… (trong tiếng Anh).
Từ ngữ nối chỉ ra sự tương phản, trái ngược: trái lại, thế nhưng, đối lập với, khác với, không giống với... (trong tiếng Việt); but, still, however,in contrast, nevertheless, on the contrary, on the other hand… (trong tiếng Anh).
Từ ngữ nối chỉ ra sự trình bày vấn đề một cách thứ tự: một là, hai là, thứ nhất, thứ hai, trước hết, đầu tiên, cuối cùng, một mặt, mặt khác… (trong tiếng Việt); firstly, secondly, thirdly, finally, lastly, at the same time, meanwhile... (trong tiếng Anh).
Từ ngữ nối chỉ sự giải thích, minh hoạ cho điều vừa trình bày: ngoài ra, bên cạnh đó, nghĩa là, chẳng hạn, cụ thể là, ví dụ, nghĩa là, điều này có nghĩa là… (trong tiếng Việt); in addition, for example, besides, moreover, furthermore, such as , that is... (trong tiếng Anh).
Từ ngữ nối chỉ ra sự đánh giá chung có ý nghĩa tổng kết, khái quát: tóm lại, nhìn chung, kết luận lại, như vậy, nói một cách ngắn gọn… (trong tiếng Việt); generally, generally speaking, overall, shortly, to summarize, as a consequence, as a result of, in simpler terms… (trong tiếng Anh).
Trong các loại từ ngữ nối nêu trên, từ ngữ nối thể hiện quan hệ kết quả - tổng kết là một trong các kiểu quan hệ ngữ nghĩa cơ bản được xây dựng dựa trên các phương tiện liên kết. Theo đó, giá trị của các yếu tố từ vựng làm phương tiện liên kết thuộc kiểu quan hệ này là nêu ra kết quả hoặc nêu lại những ý chính, những điều cơ bản, chủ yếu của vấn đề, hoặc đưa ra những nhận định, đánh giá chung, ví dụ: “Mặc dù xã hội vốn là một thuật ngữ xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, nhưng từ khi ra đời cho đến nay vốn xã hội được nhiều ngành áp dụng vào nghiên cứu, mỗi ngành lại có những cách hiểu về vốn xã hội khác nhau. Chính vì vậy, cho đến nay người ta vẫn chưa đi đến một định nghĩa thống nhất về khái niệm này, vậy nên mỗi nhà nghiên cứu thường xác định nội hàm của nó tuỳ thuộc vào góc độ tiếp cận của mình” (1).
Trong ví dụ trên, phương tiện nối “chính vì vậy” có tác dụng liên kết nội dung câu chứa nó với câu trước theo kiểu quan hệ nguyên nhân - hệ quả. Trong đó, câu chứa từ nối “chính vì vậy” chỉ hệ quả: “cho đến nay người ta vẫn chưa đi đến một định nghĩa thống nhất về khái niệm này...” mà nguyên nhân dẫn đến hệ quả này được thể hiện ở câu trước “mặc dù vốn xã hội... khác nhau”. Nhờ có từ ngữ nối “chính vì vậy” mà hai câu được liên kết với nhau một cách logic, đồng thời tạo ra sự lập luận chặt chẽ cho văn bản.
“Tóm lại, khi giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, thì không thể tách rời đổi mới kinh tế ra khỏi đổi mới chính trị, hoặc ngược lại, mà phải tiến hành đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế; nhưng trong đó, đổi mới kinh tế phải là trọng tâm” (2).
Ở ví dụ trên, thông qua kết ngữ “tóm lại” cho thấy câu chứa nó là câu mang ý nghĩa tổng kết với những câu trước đó. Và những câu trước đó được liên kết với câu cuối nhờ kết ngữ “tóm lại”. Như vậy, chính nhờ kết ngữ này mà văn bản đó được thống nhất lại thành một chỉnh thể trọn vẹn và khép kín.
Từ những điều giải thích, có thể đưa ra các tiêu chí để nhận diện từ ngữ nối trong các văn bản khoa học xã hội như sau:
Xét về mặt vị trí: Với đặc trưng liên kết không chỉ giữa hai câu mà còn liên kết giữa phát ngôn chứa nó với nhiều phát ngôn, thậm chí là nhiều đoạn văn trước đó với nhau, cho nên về mặt vị trí, các từ ngữ nối thường đứng đầu câu, bên ngoài mệnh đề trong câu đó hoặc đứng đầu đoạn văn. Đồng thời, giữa từ nối và các thành phần khác trong câu thường được ngăn cách bằng dấu phẩy.
Xét về mặt ngữ nghĩa: Từ ngữ nối giống như một chất xúc tác liên kết các sự tình, đặt chúng vào các mối quan hệ nhất định. Cụ thể, “từ ngữ nối” ngay tên gọi của nó đã cho thấy mối quan hệ nghĩa mà nó biểu thị đó là nêu ra kết quả hoặc chỉ ra sự đánh giá chung có ý nghĩa tống kết, khái quát. Đây chính tiêu chí quan trọng nhất vì nó giúp cho việc nhận diện và giúp cho việc phân biệt giữa từ ngữ nối với các nhóm từ ngữ nối khác một cách rõ nhất.
Xét về mặt ngữ pháp: Cũng như các từ ngữ nối nói chung, từ ngữ nối không làm thành một bộ phận trong mệnh đề cùng có mặt trong câu chứa nó (nghĩa là nó không phải là thành phần cú pháp bắt buộc trong câu). Bản thân chúng tuy không ý nghĩa từ vựng cụ thể, nhưng nó lại là thành phần chuyển tiếp, biệt lập đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện mối quan hệ giữa các câu (trong đoạn văn) và giữa các đoạn văn (trong văn bản).
Trong tiếng Anh, một số đặc trưng của các từ ngữ nối (trong đó có từ ngữ nối) cũng được chỉ ra để giúp cho việc nhận diện chúng. Chẳng hạn, Collins Cobuild trong Linking Words (Từ nối), London Press, 1996 đã đề cập đến hai khái niệm liên kết. Loại thứ nhất là conjunctions (liên từ), ví dụ: and (và), or (hoặc), so (vì vậy)... và hầu hết các liên từ này đứng đầu mệnh đề hoặc đi trước mệnh đề chính. Về khả năng liên kết, chúng thường liên kết ít nhất hai mệnh đề thành một câu. Đáng chú ý là loại từ nối thứ hai, tác giả gọi là connectors (kết tố) kiểu như: however (tuy nhiên), therefore (vì vậy)... Loại từ nối này có một số đặc điểm đáng chú ý như: có dấu chấm ở cuối câu đi trước vì chúng thực hiện việc nối kết giữa hai câu riêng lẻ; do chúng là thành phần biệt lập, tách bạch với mệnh đề, nên thường được ngăn cách với phần còn lại của mệnh đề bằng dấu phẩy; kết tố có thể đứng đầu hoặc cuối mệnh đề. Câu có kết tố phải liên quan đến câu đi trước. Vì vậy, kết tố luôn luôn xuất hiện ở mệnh đề hoặc phát ngôn thứ hai.
Có thể thấy, các từ nối có tên gọi: kết tố của tiếng Anh tương tự như kiểu các từ nối có tên gọi là: kết từ của tiếng Việt như là: cuối cùng, bỗng nhiên, thậm chí...
Các phát ngôn có sự hiện diện của từ ngữ nối hay gọi là kết ngôn (tức là phát ngôn chứa yếu tố liên kết) không bao giờ đứng trước chủ ngôn, hay nói cách khác nó luôn đứng sau chủ ngôn. Do vậy, phát ngôn chứa từ ngữ nối thuộc về loại liên kết hồi quy, nghĩa là nó chỉ ra sự liên kết với phần trước của văn bản (đối lập với liên kết dự báo - chỉ ra sự liên kết với phần tiếp theo, phần sau của văn bản).
Với các từ ngữ nối nói chung và từ nối nói riêng là cụm từ, một số tác giả, chẳng hạn như: R.P. Fawcett (1980) gọi chúng là phụ ngữ liên từ. Phụ ngữ liên từ đó là các trạng ngữ, các cú đoạn (phrasal conjunction, prepositional phrase) có chức năng liên kết và tạo lập văn bản. Như vậy, có thể thấy phụ ngữ liên từ trong tiếng Anh khá giống với thành phần mà các nhà Việt ngữ gọi trong tiếng Việt đó là thành phần chuyển tiếp, chẳng hạn: at the end (cuối cùng), as the result (kết quả là), as a matter of fact (thực ra là)…
3. Phép nối trong tiếng Anh và tiếng Việt - Quan hệ cú pháp và các yếu tố đi kèm
Quan hệ cú pháp, tức vị trí và quan hệ giữa các từ ngữ đóng vai trò là từ ngữ nối với các thành phần khác trong câu thì các từ ngữ nối (và cả một số từ nối loại khác) được hầu hết các nhà ngữ pháp coi chúng thuộc 5 trong tương quan với thành phần chính - nòng cốt (chủ ngữ, vị ngữ) và thành phần phụ trong câu (trạng ngữ, khởi ngữ). Cụ thể, các nhà ngữ pháp gọi là thành chuyển tiếp ngữ (hay liên ngữ) chúng có vị trí đứng đầu câu và có chức năng liên kết giữa các câu theo những mối quan hệ logic nhất định.
Xét riêng nhóm từ ngữ nối cho thấy, chúng cũng không nằm ngoài thành phần chuyển tiếp bởi lẽ chúng cũng là những phương tiện từ ngữ có chức năng liên kết giữa các phát ngôn. Do các từ nối đóng vai trò là thành phần chuyển tiếp, tức là thành phần phụ ngoài nòng cốt mang tính chất chêm xen, cho nên việc thêm hoặc bớt nó không ảnh hưởng gì đến cấu trúc nòng cốt của phát ngôn. Vì vậy, có một số tác giả còn gọi đây là thành phần biệt lập với câu. Nhưng xét về mặt ngữ nghĩa thì khác, bởi vì rõ ràng sự có mặt các từ ngữ nối đã chỉ ra sự liên kết của phát ngôn chứa nó với chủ ngôn, và do vậy, nó đã làm mất tính hoàn chỉnh của phát ngôn về mặt nội dung. Ví dụ:
“Nếu chỉ coi Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân không thôi mà không thấy yếu tố nhân dân, yếu tố dân tộc thì không đúng với quan niệm của Hồ Chí Minh về cơ sở xã hội của Đảng. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh coi việc ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước”(3).
Ta thấy ở phát ngôn thứ hai trong ví dụ trên có chứa cụm từ nối chính vì vậy là yếu tố liên kết giữa hai câu và làm thành phần chuyển tiếp và thành phần này cho thấy: Phát ngôn chứa nó không phải là phát ngôn đầu tiên trong văn bản, trước phát ngôn này có ít nhất một phát ngôn khác liên kết với nó (chức năng liên kết); nhận định nêu ra trong phát ngôn chứa nó là kết quả của sự lập luận logic từ phát ngôn trước mà có (chức năng ngữ nghĩa).
Như vậy, có thể thấy, sự có mặt của các từ ngữ nối rất quan trọng trong việc tạo ra mối quan hệ giữa các phát ngôn, từ đó tạo nên tính mạch lạc, logic cho các phát ngôn trong văn bản.
Các yếu tố đi kèm là sự có mặt của dấu câu, cụ thể là dấu phẩy. Dấu phẩy có tác dụng ngăn cách từ nối và phần sau của chúng. Như vậy, sự có mặt của dấu phẩy có vai trò quan trọng trong việc nhận diện các từ nối. Ngữ liệu khảo sát cho thấy hầu hết các từ ngữ nối được sử dụng trong các văn bản tiếng Việt và tiếng Anh được ngăn cách với phần đi sau bởi dấu phảy. Một số trường hợp không được ngăn cách bằng dấu phẩy thì thường đi kèm với tình thái từ thì hoặc là, mà... ở phía sau, kiểu như: kết quả là, như vậy là, trên đây là, chính vì thế mà, do vậy mà, như vậy thì... trong tiếng Việt; giới từ to, of..., kiểu như according to, as a result of... trong tiếng Anh.
Kết luận
Qua tìm hiểu, phân tích các nhóm vấn đề, có thể thấy, kết quả nghiên cứu bước đầu về nhóm từ nối theo phạm trù ngữ nghĩa khái quát hoá trên, phần nào cho thấy một số đặc điểm cơ bản của chúng xét trên bình diện cấu cấu tạo cũng như vai trò quan trọng của chúng như là những dấu hiệu chỉ dẫn liên kết trong văn bản, đồng thời gợi mở cho những nghiên cứu tiếp theo nhằm đi sâu vào bình diện ngữ nghĩa - ngữ dụng các từ nối trong các văn bản khoa học xã hội. Qua đó, sẽ cho thấy rõ giá trị liên kết cũng như khả năng tạo giá trị biểu đạt của từ ngữ nối trong hoạt động, hành chức ở văn bản.
Quan hệ từ nối “kết quả” - “tổng kết” là một trong các kiểu quan hệ ngữ nghĩa cơ bản của phép nối được xây dựng dựa trên các phương tiện liên kết, đó chính là các từ ngữ nối, bởi lẽ bản thân mỗi từ ngữ nối nói chung đã mang sẵn ý nghĩa chỉ quan hệ trong văn bản. Từ ngữ nối cũng vậy, đó là những từ nối thể hiện kết quả hoặc chỉ ra sự đánh giá chung có ý nghĩa tống kết, khái quát: vì vậy, cho nên, như vậy, tóm lại, nhìn chung... Để liên kết giữa các phát ngôn, đoạn văn trong văn bản nhằm tạo nên tính mạch lạc, logic, thì rõ ràng các từ ngữ nối có vai trò rất quan trọng bởi vì nó chính là kết tử gắn kết các phát ngôn lại với nhau theo kiểu quan hệ ngữ nghĩa.
___________________________
1. Lý Viết Trường, Vốn xã hội của người Tày, Nùng ở một xã miền núi trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Tạp chí Khoa học, Xã hội và Nhân văn, số 6, 2017, tr.762.
2. Nguyễn Thị Hoa, Sự phát triển nhận thức của Đảng cộng sản Việt Nam về mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, Tạp chí Nhân lực Khoa học Xã hội, số 10, 2017, tr.48.
3. Quang Mạnh Thắng, Vấn đề bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Khoa học, Xã hội và Nhân văn, số 6, 2017, tr.656.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Nhã Bản, Ngôn ngữ học đại cương, Nxb Giáo dục, 1998.
2. Diệp Quang Ban, Giao tiếp, diễn ngôn và cấu tạo của văn bản, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009.
3.V.B.Kasevich, Những yếu tố cơ sở của ngôn ngữ học đại cương, Nxb Giáo dục, 1998.
4. Hồ Xuân Kiểu, Tên của người Hà Nhì, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, Số 4, 1999.
5. Nguyễn Văn Khang, Ngôn ngữ học xã hội - những vấn đề cơ bản, Nxb Khoa học Xã hội, 1999.
6. Halliday M.A.K, Dẫn luận ngữ pháp chức năng, Hoàng Văn Vân dịch (in lần thứ hai), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.
7. Trần Ngọc Thêm, Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1985.
VŨ KIM ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023