Không chỉ nổi tiếng là một phụ nữ đẹp, một nghệ sĩ nổi danh trên sân khấu, màn ảnh, NSND Hoàng Cúc còn sống một cuộc đời đầy nỗ lực, đam mê. Khá nhiều sắc thái trong cuộc sống của chị đã mang đến sức thu hút, gợi mở.
Hoàng Cúc vai mẹ chồng trong Hoa hồng trên ngực trái
Nổi danh bởi hàng loạt vai diễn nặng ký trên sân khấu, Hoàng Cúc từng là diễn viên trụ cột của Nhà hát kịch Hà Nội với hàng loạt vở diễn nổi tiếng như Tôi và chúng ta, Ăn mày dĩ vãng, Em đẹp dần lên trong mắt anh...
Với nét đẹp sắc sảo, sự cống hiến, luôn cháy hết mình trong từng vai diễn và khả năng thiên bẩm về diễn xuất, Hoàng Cúc đã từng hóa thân thành công vào rất nhiều mẫu hình nhân vật. Ở Hoàng Cúc mỗi một thành công đều được xây trên nền nỗ lực, sự học hỏi, dấn thân và cháy tận cùng với nhân vật. Ham đọc sách, chị nổi tiếng là mọt sách khi từ nhỏ đã ngốn hết hàng loạt tiểu thuyết, thơ của những tác giả Nga mà chị yêu thích như Đô-xtôi-ép-xki với Tội ác và trừng phạt, Lũ người quỷ ám, Anh em nhà Ka-ra-ma-zốp.... Lep Tônxtôi với Chiến tranh và hòa bình, Anna Katenina... Không chỉ yêu văn học với những câu chuyện, nhân vật có sức hút, truyền cảm hứng, chị còn thuộc khá nhiều thơ tình của Puskin, Lamartine... Thú ham đọc sách của chị nổi tiếng đến nỗi, thầy giáo từng gọi chị “cô bé đèn dầu” khi sẵn sàng dành nhiều giờ miệt mài trên trang sách. Thấm đẫm nguồn tri thức mà sách vở mang lại, Hoàng Cúc còn có may mắn khi nghề nghiệp chọn chị là người truyền tải những nhân vật, câu chuyện, số phận đến với khán giả. Nhiều đêm trên sàn diễn, khi hóa thân thành nhân vật không hiếm lúc chị chính là nhân vật mà quên đi con người thật của mình. Để theo nghề, trụ được với nghề và nổi danh giữa muôn ngàn người đẹp, các diễn viên tài năng nhiều thế hệ, Hoàng Cúc không chỉ duy trì thói quen đọc kỹ kịch bản, chị còn thẩm, còn hiểu và hòa cùng với nỗi đau, niềm vui hay khóc, cười cùng nhân vật. Từng dấu mốc trong cuộc đời nghệ thuật của chị đều là sự hòa quyện của nỗ lực, sự học hỏi, tài năng khi hóa thân vào vai diễn.
Khán giả yêu điện ảnh vẫn còn nhớ vai Tám Bính trong phim Bỉ vỏ được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyên Hồng. Vẻ đẹp đàn bà mặn mòi từng làm siêu lòng các đấng nam nhi để rồi bi kịch nối tiếp bi kịch khi cuộc đời không dễ dàng với một người đàn bà có nhan sắc. Phim là câu chuyện, thân phận một người bị cuộc đời lừa gạt phải làm gái rồi đến lúc trở thành kẻ móc túi chuyên nghiệp khi là vợ của tay trùm giang hồ khét tiếng. Tám Bính đã phô diễn được hết nét đẹp cũng như sự đa đoan, truân chuyên của người đàn bà mà trời ban cho nét đẹp nhưng rồi lại vùi dập tơi tả. Tám Bính là nạn nhân nhưng cũng chính là thủ phạm của các bi kịch trong cuộc đời mình. Và Hoàng Cúc với sức diễn nội tâm, đôi mắt có hồn đã tải được rất nhiều cung bậc tình cảm, sự đa đoan của cuộc đời nhân vật.
Một nhân vật khác cũng mang lại cho Hoàng Cúc nhiều ấn tượng là vai Thái Phi Dương Thị Ngọc Hoan trong Đêm hội Long Trì và Kiếp phù du. Là người đàn bà nhan sắc và mưu mô, Thái phi Ngọc Hoan đã từng được kề cận bên chúa Trịnh và sinh ra thái tử Trịnh Tông - con trai trưởng của Chúa Trịnh Sâm. Chốn hậu cung vốn lắm mưu, nhiều kế, nay ân sủng mai đã thành tội đồ. Từ người được yêu thương, Thái phi Ngọc Hoan dần thất sủng khi Chúa Trịnh ân sủng Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Nhẫn nhịn chờ thời, từ lấy lòng thái hậu, mẹ của Chúa Trịnh đến cấu kết với quan lại rồi cũng đến lúc thái tử Trịnh Tông được lên ngôi. Cả câu chuyện lịch sử mô tả một giai đoạn nhiều rối ren nhưng khán giả nhớ nhất lại chính là những đoạn hai người đàn bà, hai bà phi hờn ghen nhau vì ân sủng, sự yêu thương của người ở trên ngôi cao. Trường đoạn Thái Phi Ngọc Hoan đến thăm Tuyên Phi Đặng Thị Huệ lúc nàng bị nhốt cũi hay khi ngồi trên ngôi cao đầy kẻ cả, trả thù người đàn bà đã cướp đi của mình ân sủng đã được Hoàng Cúc diễn rất đạt qua khóe mắt, nụ cười, cơ mặt... để lên được sự hờn ghen chất ngất mà dù bà chúa hay kẻ thường dân đều không dễ gì thoát được.
Một vai diễn nữa phải kể tới của Hoàng Cúc là vai cô con dâu cũng là bác sĩ Thủy trong phim Tướng về hưu. Cái lạnh lùng, sắt đá khi ghiền những bào thai bị loại bỏ làm thức ăn cho chó béc dê khiến khán giả gai người. Ở đâu đó trong con người nữ bác sĩ, cô con dâu đáo để đó, cái lợi nhuận, đồng tiền đã che mờ tất cả và Hoàng Cúc đã diễn rất đạt những cung bậc đó.
Chỉ điểm qua vài vai diễn đã có thể thấy sức diễn của Hoàng Cúc là phong phú khi có thể hóa thân vào rất nhiều loại vai. Một người phụ nữ nông thôn có nhan sắc bị bần cùng hóa trong Bỉ vỏ. Một bà hoàng bị thất sủng, phải ngậm hờn chờ đến ngày lấy lại được quyền uy với những trò trả thù rất đàn bà. Một cô bác sĩ khoa sản nơi đón đợi các sinh linh bé nhỏ đến với thế giới rộng lớn lại chính là người nhẫn tâm dùng các bào thai đã chết để mưu lợi... Từng ấy sắc thái, từng ấy cung bậc đã được Hoàng Cúc hóa thân, rút ruột để nhập vai và cống hiến cho nghệ thuật những nhân vật để đời.
Sau vài năm rời xa nghệ thuật để dưỡng bệnh, chị đã trở lại với vai bà mẹ chồng nhân hậu trong Hoa hồng trên ngực trái. Yêu thương gia đình nhưng lại phải chứng kiến đứa con trai duy nhất từng bước đi vào sai lầm, đánh mất đi hạnh phúc vì một kẻ không đáng. Sự đau đớn khi thấy mình bất lực, khi thấy hạnh phúc của các con tuột rơi mà không làm gì được đã được NSND Hoàng Cúc diễn rất đạt. Cảnh chia ly giữa mẹ chồng, con dâu và các cháu khi gia đình con tan vỡ làm nhiều trái tim khán giả thổn thức. Ôm chặt đứa cháu còn lại khi bố mẹ chia tay, bà mẹ chồng (Hoàng Cúc đóng) chỉ biết thẫn thờ nhìn đứa con dâu và cô cháu nội mình yêu quý rời xa mái ấm.
NSND Hoàng Cúc (áo đỏ) nhận giải cho truyện ngắn Về nhà
Với hàng loạt vai diễn ấn tượng, Hoàng Cúc đã nhận khá nhiều giải thưởng trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình từ sân khấu đến điện ảnh. Chị được phong NSƯT, NSND với rất nhiều đóng góp, cống hiến cho cả hai mảng sân khấu và điện ảnh.
Ở tuổi nghỉ hưu, Hoàng Cúc vẫn chăm đọc, chăm xem kịch, xem phim. Mấy chục năm sống với hết vai diễn này tới vai diễn khác dường như Hoàng Cúc chưa thật sự có nhiều thời gian dành cho riêng mình. Ở tuổi nghỉ hưu, chị có nhiều thời gian làm thơ, viết truyện. Những câu thơ nặng tình người, tình đời đã được in trên rất nhiều trang báo như phô bày một góc khác của người đàn bà đẹp đã đi hết nửa đời người mới được sống trọn vẹn cho mình, cho cảm xúc, cho nguồn thơ vẫn luôn chảy đâu đó trong chị. Và mới đây nhất, chị đã giành giải tư trong cuộc thi truyện ngắn về đề tài nông thôn do Báo Nông thôn ngày nay kết hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người.
Truyện ngắn Về nhà là một câu chuyện hay về tình mẫu tử khi người mẹ không may mất sớm và cô con gái ở tuổi mới lớn đã phải chấp nhận, sống chung với nỗi đau và vượt lên. Lồng trong câu chuyện đẫm nước mắt là bối cảnh nông thôn Việt Nam với rất nhiều góc thân thương từ chái rạ, góc bếp, ruộng lúa… vẫn hằn in trong trí nhớ, kỷ niệm của hàng triệu người Việt. Với giải thưởng văn học này, Hoàng Cúc lại bộc lộ ra một góc khác rất tài năng trong con người chị. Trời không chỉ phú cho nhan sắc mà còn cho chị rất nhiều tài nghệ để ở bất cứ chặng đường nào chị cũng đều để lại dấu ấn, gặt hái được những thành quả. Có thể nói Hoàng Cúc đã sống một đời đầy hương sắc. Hương sắc của vẻ đẹp trời cho, hương sắc của thành công trong nghề nghiệp và cao nhất chính là hương sắc của sự hài lòng khi được sống, được làm, được theo đuổi và gặt hái thành công từ những điều mình thích.
THU HẠNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 487, tháng 1-2022