Những giá trị văn hóa độc đáo của người Mạ ở Lâm Đồng

Theo thống kê, hiện nay Lâm Đồng có 47 dân tộc từ các vùng, miền trong cả nước. Trong đó, 3 dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa có nguồn gốc lâu đời và có số người đông nhất là Cơ ho, Mạ và Chu ru (chiếm 19% dân số toàn tỉnh). Về dân số, người Mạ (còn gọi Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung, Mạ Ngăn…) đứng thứ 2 sau tộc người Cơ ho, song về phong tục, tập quán và những giá trị văn hóa hiện còn lưu giữ thì văn hóa người Mạ lại rất phong phú và đa dạng…

Kết cấu cộng đồng

Tộc người Mạ ở Lâm Đồng hiện có khoảng 43.000 người, sống tập trung tại các địa bàn phía Nam của tỉnh Lâm Đồng: thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên và một vài địa phương khác. Trong đó, Bảo Lâm là huyện có số người Mạ chiếm đông nhất: khoảng 17.000 người, chiếm 50,2% dân số trong toàn huyện.

Theo nhiều nghiên cứu, dù cách thiết kế về đời sống, lao động, sinh hoạt, hệ thống các phong tục, tập quán, tín ngưỡng… của các DTTS bản địa (nói chung) ngày nay còn được lưu giữ có nét giống nhau (dù mai một nhiều so với trước). Tuy nhiên, so với các tộc người bản địa khác, người Mạ có mối quan hệ, gắn kết huyết thống trong từng gia đình, dòng tộc và kết cấu cộng đồng chặt chẽ, bền vững hơn.

Bởi sinh sống dựa vào nông nghiệp, gắn bó, gần gũi với nương rẫy, núi, rừng, sông, suối, với lúa, ngô… nên các DTTS nói chung, người Mạ nói riêng có tín ngưỡng đa thần; họ tôn thờ Yàng (Trời) - xem là vị thần cao nhất; kế đến là các vị thần linh đảm trách từng lĩnh vực. Theo quan niệm của cộng đồng các DTTS, những vị thần này đã ban phát cho họ mưa thuận, gió hòa để mùa màng bội thu, cuộc sống no, ấm… (thần núi, thần sông, thần lửa, thần nước, thần mặt trời, thần lúa…) nên con cháu từ đời này qua đời khác luôn nhắc nhở nhau phải hàm ơn, tôn kính và không được xúc phạm.

Đông đảo khách du lịch xem người Mạ biểu diễn cồng chiêng

tại Không gian văn hóa bên bờ hồ Xuân Hương - Đà Lạt

Hiện nay, cuộc sống hiện đại tác động làm cho một số lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống, các phong tục, tập quán của người DTTS bị mai một, lãng quên, thậm chí mất dần; song, trong các tộc người, người Mạ vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi nhất như: cồng chiêng, đan lát, làm đồ gốm, làm rượu cần, sản suất các vật dụng sinh hoạt, trang phục khi đi nhà thờ, dự các lễ hội (túi xách, cườm đeo cổ, vòng đeo tay, dây thổ cẩm quấn đầu…).

Đặc biệt, yếu tố chi phối và quyết định đến việc gìn giữ sự kết cấu chặt chẽ trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Mạ và cũng là điểm khác biệt giữa tộc người Mạ với các DTTS khác đó là chế độ phụ quyền (trong khi đó hình thái hôn nhân và gia đình của người Cơ ho và Chu ru là theo chế độ Mẫu hệ). Trong xã hội người Mạ, vai trò người đàn ông được khẳng định từ việc chủ động đi tìm bạn đời, kết hôn và quyết định toàn bộ đời sống mỗi gia đình. Dù người đàn ông nắm giữ “trụ cột” của gia đình, nhưng vai trò người phụ nữ vẫn được tôn trọng, phát huy; không có chuyện “trọng nam, khi nữ” hay gia trưởng, độc đoán mà vợ chồng, nam nữ bình đẳng, bình quyền. Trong gia đình người Mạ, vợ chồng bình đẳng, con trai, con gái đều được nuôi dạy và đối xử như nhau, hoàn toàn không có sự phân biệt. Việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm chung của cả cha và mẹ; thậm chí người mẹ còn có vai trò quan trọng hơn, bởi gần gũi hơn trong việc dạy dỗ, trao truyền những tập tục văn hóa, những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc cho con cái; việc cư xử trong dòng họ, buôn bản, cộng động xã hội… theo nề nếp luật tục.

Một hình thái nữa cũng góp phần gìn giữ, “níu giữ” tính kết cấu gia đình, huyết thống gia đình người Mạ ở Lâm Đồng bền chặt, đó là việc duy trì các căn nhà dài. Khi con trai cưới vợ về sống chung với bố mẹ (không bị “bắt chồng” như người Kơ Ho hay Chu ru), bố mẹ cho nối vào căn nhà sàn đang ở thêm một gian nhà sàn riêng dành cho đôi vợ chồng trẻ. Cứ vậy, căn nhà sàn dài mãi, dài thêm ra (nếu gia đình có nhiều con trai). Sinh hoạt chung trong một căn nhà cũng còn là cơ hội để ông bà, cha mẹ, giáo dục con, cháu trưởng thành và gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình bền chặt.

Hình ảnh nhà sàn dài được đặt tại hồ Xuân Hương - Đà Lạt

Có lẽ, căn nhà sàn dài cổ nhất của người Mạ ở khu vực Nam Tây Nguyên còn sót lại đến ngày nay là căn nhà của bà Ka Dít (70 tuổi, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Bà Ka Dít không còn nhớ căn nhà này có từ bao giờ, bà chỉ biết khi bà theo chồng về sinh sống đã có căn nhà này rồi. Khung nhà dài của bà Ka Dít làm bằng gỗ, sàn lát tre, bên trong được đan bằng lá mây rừng, mái ngoài lợp tranh. Điều đặc biệt là các nghệ nhân xây dựng căn nhà này không cần thước để đo; không sử dụng bất cứ một cây đinh nào, toàn bộ được kết nối bằng mây rừng, dây rừng mà vẫn cứng cáp và đẹp như bức tranh…

Tại Festival Hoa Đà Lạt lần thứ XIII tổ chức cuối năm 2019, Ban Tổ chức đã cho tái hiện căn nhà dài của người Mạ tại bờ hồ Xuân Hương - Đà Lạt, cùng với việc trưng bày các vật dụng sinh hoạt hằng ngày của tộc người Mạ xưa (gùi, sọt, chum, chóe, cối, chày giã gạo, xà gạc, khung cửi, rổ bắt cá, khung dệt thổ cẩm…) và trực tiếp dệt thổ cẩm để giới thiệu với du khách. Nhà dân tộc học Đinh Thị Nga - cùng đồng sự thiết kế không gian văn hóa Mạ này cho biết, suốt hơn 2 tuần diễn ra Festival Hoa Đà Lạt, đây là “điểm nhấn” mới lạ, hấp dẫn đã thu hút đông đảo đại biểu, các đoàn du khách trong và ngoài nước tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm...

Có thể nói, từ việc thiết kế đời sống, hình thái hôn nhân, chế độ phụ quyền và ứng xử nhân văn, hiện đại, cùng với việc lưu giữ kiểu sống tập trung trong những căn nhà sàn dài là yếu tố tạo ra sự kết cấu bền chặt gia đình, dòng tộc và cộng đồng xã hội người Mạ ở Lâm Đồng.

Các giá trị văn hóa độc đáo của người Mạ

Trong đời sống tinh thần của người Mạ ở Lâm Đồng hiện nay còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo, trong đó phải kể đến đức tính thủy chung trong đời sống vợ chồng. Theo ông K’Wi (dân tộc Mạ), nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho biết: Vợ chồng người Mạ được xây dựng trên nền tảng tình yêu và luật tục. Dù không “nhiều chữ”, nhưng người Mạ quan niệm: Vợ chồng như chuôi dao và lưỡi dao, như lửa với tro - sự kết giao vợ chồng đã được thần linh chứng kiến (trong nghi thức lễ cưới, đôi trẻ được chủ hôn sau khi cúng Yàng trùm lên đầu đôi vợ chồng trẻ một tấm vải thổ cẩm mới dệt; trong tấm thổ cẩm, hai người phải chạm trán nhau 7 lần); đó là lời thề trước thần linh sẽ chung thủy trọn đời. Bởi vậy, vợ chồng người Mạ ít khi ly hôn, hay ngược đãi nhau và họ xem đây là chuyện rất hệ trọng… Tuy nhiên, người Mạ cũng có những cuộc ly hôn, nguyên nhân xuất phát từ vợ hoặc chồng lười làm ăn, ngoại tình, trục trặc trong tâm sinh lý, hoặc không có con… Người gây ra việc ly hôn bị xử phạt rất nặng, người khởi xướng ly hôn phải bồi thường bằng vật chất cho người kia.

Cần nói thêm, bên cạnh việc vợ chồng đối xử tôn trọng lẫn nhau, trong gia đình người Mạ dường như có sự “ngầm” phân công: những công việc nặng nhọc (làm rẫy, xây nhà…) do người đàn ông gánh vác; những việc nhẹ hơn, cần sự khéo léo, đảm đang như trồng, tỉa, dệt vải, chăm con, bếp núc… do người phụ nữ đảm trách. Con gái người Mạ từ 8 -10 tuổi được mẹ truyền dạy nghề đan lát, thêu thùa và nghề nấu rượu cần… Dù hiện nay, trong khi các DTTS bản địa khác, đặc biệt người Chu ru ở Lâm Đồng không còn duy trì nghề dệt thổ cẩm (phải đi mua từ nơi khác), thì nghề dệt thổ cẩm vẫn phát triển khá mạnh trong các buôn làng của người Mạ.

Dệt thổ cẩm của người Mạ

tại Không gian văn hóa Mạ, Kơ Ho, Churu

Trong cộng đồng người Mạ ở Lâm Đồng hiện tồn tại nhiều lễ hội văn hóa, lễ hội dân gian, dân vũ khá đa dạng và độc đáo. Đó là hệ thống gồm các lễ hội lớn diễn ra trong vòng một năm như: Nhô Rờ he - lễ hội mừng lúa mới, Nhô năng brê - lễ xem rừng xem đất, Nhô tăm snơm - lễ xin thần linh giúp cho hạt lúa lên đều, trổ nhiều bông, Nhô rơmul - lễ xin tuốt lúa, Nhô nđan măt kòn - lễ đặt tên cho đứa trẻ mới sinh, Ngai bơ thi bồc - lễ bỏ mả, nghi lễ lớn nhất trong vòng đời của một con người…

Trong di sản văn hóa, hiện nay người Mạ còn lưu giữ nhiều loại hình văn hóa như: truyền thuyết, truyện cổ tích, các bài hát dân ca Mạ (yal yau), chuyện kể, văn hóa cồng chiêng, đàn đá B’Đạ, sử thi Mạ, dân ca, dân vũ với các làn diệu: K’Dùng -K’Làng, Sềm N’Drao

Trước sự giao lưu, tiếp biến văn hóa; trước sự “xâm lăng văn hóa” và dưới tác động của cuộc sống hiện đại, tộc người Mạ ở Lâm Đồng vẫn giữ được các giá trị văn hóa đặc trưng, nét văn hóa riêng và độc đáo của dân tộc mình. Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu, hiện nay đa số nam nữ thanh niên dân tộc Cơ ho không thích mặc trang phục dân tộc mà ưa thích các kiểu âu phục như quần jean, áo phông, đi giày tây, comple, ghile... Đáng buồn nhất là ngày càng thưa dần, vắng dần những điệu cồng, lời chiêng và các đêm lễ hội đậm chất Tây Nguyên trong các buôn làng người DTTS...

Bởi vậy, hằng năm, Sở VHTTDL Lâm Đồng nỗ lực phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng, chiêng, dạy các điệu múa tập thể cho nam, nữ thanh niên các DTTS.

Qua đó mới thấy, việc cộng đồng người Mạ đã và đang tự bảo tồn và phát huy rất tốt văn hóa truyền thống của dân tộc là điều đáng mừng. Riêng huyện Bảo Lâm, nhiều năm qua, việc bảo tồn văn hóa của người Mạ luôn được sự quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có tới 14 đội cồng chiêng với 218 bộ chiêng các loại và 25 nghệ nhân người Mạ đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận. Đặc biệt, đội cồng chiêng 2 xã Lộc Bắc và Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) hoạt động rất bài bản, chuyên nghiệp. Đội cồng chiêng xã Lộc Bắc ra tận Hà Nội biểu diễn phục vụ Hội đồng khoa học UNESCO; 2 đội cồng chiêng xã Lộc Bắc và Lộc Tân được mời biểu diễn trong các dịp lễ lớn của đất nước, các sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương; đồng thời tham gia biểu diễn và đạt nhiều thành tích cao trong các liên hoan, lễ hội tổ chức toàn tỉnh và ở Trung ương, đã được UBND tỉnh Lâm Đồng và Bộ VHTTDL tặng nhiều bằng khen.

Những vấn đề đặt ra

Rõ ràng, tính kết cấu dòng tộc, cộng đồng người Mạ so với các DTTS bản địa khác chặt chẽ hơn; trong cộng đồng người Mạ còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc trưng phong phú, độc đáo; hệ thống các lễ hội, các sản phẩm, loại hình văn hóa đa dạng hơn…

Theo ông K’Wi, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục và sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ từ các dự án, chương trình của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, điều cốt lõi và quan trọng nhất đó chính là niềm tự hào, ý thức tự gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc của chính cộng đồng người Mạ.

Tuy nhiên, dân tộc Mạ cũng nằm trong vòng xoáy của đời sống đương đại, một số hình thái, giá trị văn hóa người Mạ dần dần rơi vào lãng quên, có nguy cơ mai một. Theo chia sẻ của một số già làng ở Lâm Đồng, có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân cốt yếu và nan giải là đa số các hộ đồng bào DTTS còn nghèo, lo bươn chải kiếm sống nên không mấy mặn mà với các lễ hội truyền thống, hoạt động cộng đồng. Một thực tế nữa là số già làng, nghệ nhân có nhiều tâm huyết với văn hóa dân tộc - vốn quý của người Mạ (và các DTTS khác - nói chung) đa số đã lớn tuổi, già yếu, bệnh tật và mất dần. Nếu không có thế hệ được trao truyền, kế thừa, chắc chắn một ngày không xa văn hóa Mạ và các DTTS khác sẽ đứng trước nguy cơ thất truyền.

Cụ thể, so với các tộc người DTTS bản địa, dù người Mạ còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo, song, đến nay hệ thống nhà sàn dài đã dần thay bằng những ngôi nhà xây kiên cố, bề thế; thế hệ con cháu không còn sống chung với bố mẹ mà thích sống riêng - mối quan hệ, kết cấu huyết thống, dòng tộc có xu hướng nhạt dần. Đồ dùng, các vật dụng ngày xưa trong gia đình người Mạ lạc hậu với cuộc sống hiện đại; tốc độ đô thị hóa lan nhanh đến các vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS… Dù không trực tiếp nhưng đã tác động đến tư duy, nếp nghĩ và nếp sống của tộc người Mạ. Đây là “bài toán” chưa có đáp án giữa phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo người Mạ ở Lâm Đồng nói riêng, các DTTS nói chung trong tình hình hiện nay.

Tác giả: Thanh Dương Hồng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021

;