Ngọc Lặc (Thanh Hóa) là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng - văn hóa với 4 dân tộc anh em cùng chung sống, gồm: Mường, Thái, Dao và Kinh. Mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc sắc riêng. Thời gian qua, cùng với việc quan tâm phát triển kinh tế, huyện Ngọc Lặc đã chú trọng bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH). Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hằng năm, Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đưa các mục tiêu chủ yếu của phong trào vào nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tập trung, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và tạo điều kiện cho cán bộ văn hóa, thành viên Ban Chỉ đạo phong trào tham gia các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, điều hành phong trào cơ sở. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc được triển khai lồng ghép vào nội dung một số hoạt động như các lễ hội đầu năm mới, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm. Ngoài ra, công tác bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn huyện cũng được duy trì và phát huy, đặc biệt là các hoạt động văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc như: hát Xường, hát Đang, đánh cồng chiêng, múa Pồôn Pôông, ném còn, đánh mảng... Một số lễ hội vừa mang yếu tố tâm linh, vừa có ý nghĩa cộng đồng cao được chọn lọc để bảo tồn và phát huy. Cùng với đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội cũng được đẩy mạnh.
Xác định cốt lõi của phong trào TDĐKXDĐSVH là xây dựng gia đình văn hóa và làng bản, khu phố văn hóa, hằng năm huyện Ngọc Lặc đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt việc xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước bản, khu phố cho phù hợp với tình hình phát triển chung; phổ biến, triển khai những tiêu chí của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng bản, khu phố văn hóa tới từng bản, khu khố, từng hộ gia đình để nhân dân biết và thực hiện. Từ đó, các hộ gia đình có ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Việc đăng ký, bình xét, đề nghị công nhận Gia đình văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, đúng chuẩn nên số lượng và chất lượng ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có 176/213 làng bản được công nhận Làng văn hóa; 65% số hộ được công nhận Gia đình văn hóa.
Nhận thức hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động văn hóa - thể thao phát triển, huyện đã lên kế hoạch xây dựng, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao theo từng giai đoạn, từng năm cụ thể; quy hoạch vị trí đất phù hợp để xây dựng các thiết chế; chỉ đạo các địa phương quan tâm, xây dựng, đồng thời tích cực huy động nguồn lực để hoàn thiện hệ thống thiết chế và duy trì các hoạt động văn hóa - thể thao. Đến nay, toàn huyện có 1 Trung tâm văn hóa huyện; 18/21 xã, thị trấn có Nhà văn hóa, Sân vận động, trong đó 8 xã có Nhà văn hóa đa năng, sân vận động đạt chuẩn; 210/213 thôn có Nhà văn hóa - khu thể thao. Các thiết chế văn hóa - thể thao được đầu tư nâng cấp, xây mới đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao bổ ích cho nhân dân. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ (VHVN), thể dục thể thao (TDTT) trên địa bàn nhờ đó được đẩy mạnh, tăng cường sự đoàn kết, yêu thương, gắn bó trong cộng đồng. Để phong trào VHVN, TDTT phát triển, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập các câu lạc bộ VHVN, TDTT và vận động người dân tham gia. Từ các câu lạc bộ này, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của từng dân tộc được gìn giữ và phát huy như các môn thể thao truyền thống (kéo co, đẩy gậy, tung còn, bắn nỏ) hay các hoạt động VHVN đặc trưng như: khua luống, nhảy sạp, cồng chiêng,…
Những kết quả đạt được từ việc xây dựng đời sống văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc của huyện Ngọc Lặc đã tạo sự gắn kết giữa các gia đình, dòng tộc, hàng xóm... tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Tác giả: Lê Hường
Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021